Thống kê truy cập

4346215
Trong ngày
Trong tuần
Trong tháng
Tất cả
142
17475
53808
4346215

Công tác quản lý dịch hại trên cây rau hoa ở Lâm Đồng

Rau, hoa là cây trồng có giá trị kinh tế cao và là lợi thế cạnh tranh của tỉnh Lâm Đồng trong việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao để gia tăng giá trị, tăng kim ngạch xuất khẩu. Toàn tỉnh  hiện nay gieo trồng 65.274ha rau; 8.615,9ha hoa trong đó có 14.303ha sản xuất theo hướng công nghệ cao (cây rau 11.887ha, cây hoa 2.416ha).

Trong những năm gần đây do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu kết hợp với tập quán thâm canh cao trong điều kiện hầu hết các loại rau hoa ở địa phương được gieo trồng tập trung, quanh năm dẫn đến tình hình dịch hại ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp. Theo số liệu của Trung tâm khí tượng thủy văn Lâm Đồng, nhiệt độ trung bình các Trạm Đà Lạt, Đức Trọng 5 năm 2013-2017 tăng  trung bình 0,5oC so với 10 năm giai đoạn 2003 – 2012, đây là điều kiện thuận lợi cho nhóm sâu hại như bọ trĩ, bọ phấn, rầy rệp gia tăng mạnh trong mùa khô, ngoài ra vào mùa mưa, các loại bệnh do nấm (héo rũ, mốc xám, thán thư, mốc sương, đốm vòng…); bệnh do vi khuẩn (cháy lá, héo xanh, thối nhũn…) phát triển mạnh. Đặc biệt từ cuối năm 2016 đến nay, trên cây cà chua bùng phát dịch virus gây hại phổ biến ở 2 huyện Đơn Dương, Đức Trọng với 650 – 800ha nhiễm bệnh/năm (diện tích phải nhổ bỏ 20 - 40ha/năm), virus gây hại trên cà chua chủ yếu là loài TNRV lây lan do sự phát triển của bọ trĩ Thrips palmi. Trên cây hoa cúc, bệnh virus sọc thân (TSWV)  xuất hiện và gây hại phổ biến từ giữa tháng 4/2017, lan truyền do bọ trĩ  Thrips palmi  và Frankliniella occidentalis;  diện tích nhiễm bệnh tại Đà Lạt, Lạc Dương từ 80 - 100ha/năm (mất trắng 2 -3ha/năm). Đây là dịch hại nguy hiểm, khó phòng trừ, gây thiệt hại lớn cho sản xuất rau hoa thời gian qua.

Lâm Đồng 90% giống rau hoa nhập khẩu từ các nước. Mặc dù công tác kiểm dịch thực vật tại các cửa khẩu đã được thực hiện nhưng chủ yếu tập trung đối với dịch hại thuộc đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam; các dịch hại khác vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao lây lan qua con đường nhập khẩu giống và nông sản như virus TSWV, TNRV và một số dịch hại mới hiện nay như sâu vẽ bùa cà chua Nam mỹ (Tuta absoluta). Để hỗ trợ nông dân phòng chống dịch hại trên cây rau hoa, thời gian qua ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương tập trung các nhiệm vụ sau:

  • Tăng cường công tác điều tra phát hiện, dự tính dự báo, kiểm dịch TV

       - Chi cục Trồng trọt & BVTV cử cán bộ kỹ thuật phối hợp với Trung tâm nông nghiệp các huyện, thành phố tăng cường công tác điều tra dự tính dự báo, bám sát đồng ruộng, phát hiện và cảnh báo dịch hại kịp thời để người dân chủ động phòng chống.

       - Thực hiện kiểm dịch thực vật nội địa, kiểm tra theo dõi 100% các lô hạt giống, cây giống rau, hoa nhập khẩu về gieo trồng ở Lâm Đồng để phát hiện và hướng dẫn quản lý đối với các dịch hại mới.

  • Tập huấn, thông tin tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch hại

       - Năm 2017 – 2018, biên soạn, in ấn, cấp phát 7000 tờ rơi, tổ chức tập huấn 20 lớp cho 800 lượt nông dân các biện pháp quản lý bệnh virus rau họ cà; 13 lớp (505 nông dân) về phòng trừ virus hại hoa cúc.

       - Xây dựng tài liệu, hướng dẫn các địa phương về quy trình phòng chống bệnh virus hại cà chua, hoa cúc.

      - Phối hợp với Đài phát thanh truyền hình Lâm Đồng thực hiện 5 phóng sự (phát 20 lần trên đài truyền hình) về hướng dẫn phòng trừ bệnh virus trên hoa cúc và cà chua, ngoài ra thường xuyên cử cán bộ tham gia các chuyên mục tư vấn, hướng dẫn bà con nông dân quản lý sâu bệnh hại rau hoa.

  • Xây dựng các khảo nghiệm, mô hình phòng chống dịch bệnh

       - Năm 2017-2018, thực hiện 4 mô hình diện rộng (2 -3ha) phòng trừ tổng hợp bệnh virus trên cây hoa cúc tại Đà Lạt và cây cà chua tại huyện Đơn Dương để hướng dẫn nông dân áp dụng vào sản xuất. Tổ chức 12 hội thảo hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV phòng trừ bọ trĩ, phòng ngừa virus cho 480 nông dân.

       - Hỗ trợ xây dựng 2 vườn ươm giống cà chua đạt tiêu chuẩn hiện đại hóa (quy mô 1000 – 4000m2/MH) tại Đơn Dương để sản xuất cây giống cà chua đạt tiêu chuẩn, chất lượng cây giống khỏe, sạch bệnh virus.

       - Thực hiện 2 mô hình nghiên cứu giống cà chua kháng bệnh virus (0,1 -0,2ha); 2 mô hình nghiên cứu giống hoa cúc kháng bệnh virus .

       - Tổ chức 02 hội nghị về sản xuất cây giống họ cà sạch bệnh và hiện đại hóa sản xuất giống rau, hoa (150 người tham dự) để hướng dẫn các vườn ươm quản lý bệnh virus trong sản xuất cây giống cà chua và hoa cúc.

  • Thanh tra, kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh giống rau hoa

      -  Năm 2018 thanh tra, kiểm tra 35/303 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống rau hoa, lấy 40 mẫu cây giống cà chua; 20 mẫu cây giống hoa cúc kiểm tra virus. Kết quả có 10% mẫu cây giống cà chua, 25% mẫu cây giống hoa cúc nhiễm virus, 88% cơ sở vi phạm chưa công bố tiêu chuẩn cây giống xuất vườn. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, thực hiện thông báo danh sách 12 cơ sở sản xuất giống cà chua đạt tiêu chuẩn trên phương tiện thông tin đại chúng.

  • Hợp tác nghiên cứu các biện pháp phòng trừ dịch hại rau hoa

      -  Hợp tác với Jica thực hiện dự án nhân cấy đỉnh sinh trưởng trên hoa cúc nhằm tạo cây giống sạch bệnh virus cung ứng cho sản xuất.

     -  Mời gọi, tham vấn các đơn vị: Trung tâm nghiên cứu Rau thế giới tại Đài Loan; Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Nông Lâm TP HCM; Viện KHKT miền Nam, tổ chức FAO, Chi cục KDTV về  nghiên cứu các giải pháp phòng trừ  virus hại rau họ cà và hoa cúc.

      -  Phối hợp thực hiện đề tài cấp tỉnh " Nghiên cứu các giải pháp phòng trừ bệnh virus hại cà chua ở Lâm Đồng” do trường Đại Học Đà Lạt chủ trì.

Đánh giá chung hiện nay áp lực dịch hại trên các loại cây trồng có xu hướng ngày càng gia tăng. Thời gian qua, Ngành nông nghiệp đã kịp thời triển khai các giải pháp hỗ trợ nông dân phòng chống. Đến nay hầu hết các dịch hại đã được phòng trừ hiệu quả, riêng dịch bệnh virus vẫn còn gây hại nghiêm trọng và kéo dài, nguyên nhân chủ yếu do nông dân sử dụng cây giống cà chua, hoa cúc đã nhiễm bệnh từ vườn ươm; vùng canh tác cà chua, hoa cúc là vùng chuyên canh sản xuất quanh năm khó cắt đứt nguồn bệnh. Mặt khác virus là dịch bệnh chưa có thuốc BVTV đặc hiệu phòng trừ, trong nước chưa nghiên cứu được bộ giống cà chua và hoa cúc kháng bệnh.

Thời gian tới, công tác quản lý dịch hại sẽ tập trung kiểm soát và công bố các cơ sở sản xuất cây giống rau hoa sạch bệnh, tiếp tục thực hiện các khảo nghiệm mô hình để bổ sung hoàn thiện quy trình phòng chống dịch bệnh virus trên rau hoa góp phần hạn chế thiệt hại do dịch bệnh virus trên cà chua và hoa cúc.

                       

Lấy mẫu cây giống cà chua, hoa cúc kiểm tra virus TNRV,TSWV            Mời chuyên gia khảo sát, tư vấn biện pháp quản lý virus TNRV, TSWV hại cà chua 

                        

Thực hiện mô hình PTTH bệnh virus hại cà chua ngoài trời và trong nhà lưới

Một số hình ảnh công tác quản lý dịch hại rau hoa 2017 - 2018

Vũ Thị Thúy