Sâu vẽ bùa cà chua Nam Mỹ (Tuta absoluta)
- Được viết: 31-07-2019 10:29
Sâu vẽ bùa hại cà chua (Tuta absoluta) là một trong các sâu hại chính và nguy hiểm trên cà chua ở các nước Nam Mỹ từ những năm 1960 (Souza et al., 1983). Hiện nay loài sâu hại này đã xuất hiện ở khu vực Châu Á đặc biệt là vùng Đông Nam Á như Thái Lan, Myanmar.
Ở Việt Nam, Viện Bảo vệ thực vật đã khảo sát một số vùng trồng cà chua ở Hà Nội, Lâm Đồng, Sơn La và đã phát hiện sâu vẽ bùa (Tuta absoluta) gây hại trên cà chua tại tỉnh Sơn La, ở Lâm Đồng chưa xuất hiện loài dịch hại này.
Lâm Đồng hàng năm gieo trồng khoảng 6.500 –8.000ha cà chua, phần lớn diện tích hiện nay trồng giống cà chua ghép có nguồn gốc nhập khẩu nên nguy cơ lây lan loài dịch hại này vào Lâm Đồng là rất cao. Để chủ động phát hiện và phòng trừ sâu vẽ bùa cà chua Nam Mỹ, Chi cục trồng trọt và BVTV hướng dẫn một số đặc điểm gây hại và biện pháp phòng trừ như sau:
* Đặc điểm sinh học, hình thái
- Trưởng thành: Râu dài, hình sợi chỉ. Cánh trước có các đốm đen, con cái có đốm rộng và nhiều vảy hơn con đực. Trưởng thành thường ẩn náu vào ban ngày hoạt động về đêm. Trưởng thành đẻ trứng mặt dưới của cây ký chủ, có thể đẻ tới 260 trứng.
- Trứng hình trụ nhỏ, màu trắng kem đến vàng, đẻ ở mặt dưới lá của cây chủ.
- Sâu non có 4 tuổi, tuổi 1 có màu trắng hoặc kem đầu màu đen, sau đó chuyển sang màu xanh nhạt trước khi chuyển sang giai đoạn nhộng.
- Nhộng: Sau tuổi 4, ấu trùng rơi xuống hóa nhộng trong đất hoặc trên thân cây. Nhộng nằm trong tổ kén được làm bằng các sợi tơ.
Vòng đời của sâu vẽ bùa Nam Mỹ từ 24 – 38 ngày, có từ 10 – 12 thế hệ/năm
Trưởng thành Trứng
Sâu non Nhộng
Hình 1: Các pha phát dục của sâu vẽ bùa Nam Mỹ (Tuta absoluta)
* Triệu chứng gây hại
- Ký chủ của sâu vẽ bùa Nam Mỹ: Cà chua, khoai tây, cà tím, Peptino…
- Sâu vẽ bùa tấn công các giai đoạn sinh trưởng cây cà chua, làm rụng lá, quả; gây thiệt hại nghiêm trọng năng suất cà chua.
- Triệu chứng gây hại điển hình của Tuta absoluta là các vệt đen trên chồi ngọn, lá, thân, hoa và quả. Sâu non đục lá cà chua thành vết có chiều ngang khá rộng, không thành đường đục hẹp như loài Liriomyza trifoli.
Sâu non sau khi nở đục ăn phần thịt lá, thịt quả để lại các lỗ nhỏ trên thân, quả ảnh hưởng đến sự phát triển cây và quả cà chua khi còn xanh. Các chồi bị sâu gây hại thường méo mó và chết héo.
- Sâu gây hại nặng toàn vườn cà chua có triệu chứng bị cháy sém (tương tự như cháy nắng), nhìn gần bộ lá có màu đỏ tía và trên quả cà chua có nhiều lỗ đục nhỏ, quả méo mó.
Hình 2: Triệu chứng gây hại của Tuta absoluta trên lá, quả
* Biện pháp phòng trừ
- Biện pháp kiểm dịch thực vật
Kiểm dịch thực vật, kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu các giống cà chua và các mặt hàng nông sản là ký chủ của sâu vẽ bùa Nam Mỹ trước khi đưa về gieo trồng và sử dụng ở Lâm Đồng.
- Biện pháp canh tác
- Trồng cà chua trong nhà kính, nhà lưới
- Luân canh với các cây trồng khác không phải là ký chủ của sâu vẽ bùa như rau thập tự, xà lách… (ký chủ của sâu vẽ bùa gồm khoai tây, cà tím, tiêu, đậu phộng…).
- Sử dụng cây giống cà chua đạt tiêu chuẩn cây giống xuất vườn, không nhiễm sâu bệnh
- Thường xuyên vệ sinh đồng ruộng, thu gom tiêu hủy thân, lá, quả bị sâu gây hại để hạn chế lây lan ở vụ sau.
- Cày lật và phơi đất kỹ sau khi thu hoạch để diệt ấu trùng và nhộng trong đất. Đối với vườn thâm canh, sau thu hoạch cần vệ sinh vườn để đất tối thiểu 6 tuần sau đó làm đất trồng mới.
- Áp dụng biện pháp tưới phun mưa để hạn chế việc lây lan của trưởng thành.
- Biện pháp bẫy, bả
- Sử dụng bẫy pheromone và theo dõi hai tuần trước khi trồng để xác định sự xuất hiện của sâu vẽ bùa Nam Mỹ.
- Biện pháp sinh học
- Nhân thả các loài côn trùng bắt mồi ăn thịt tự nhiên như bọ xít mù thuốc lá (Nesidiocoris tenuis), một số loài nhện bắt mồi (Amblyseius sp.) để tiêu diệt trứng và sâu non.
- Trồng cây họ bầu bí quanh ruộng cà chua để thu hút các loài thiên địch của sâu vẽ bùa.
- Biện pháp hóa học
- Sâu vẽ bùa cà chua có tính kháng thuốc cao cần hạn chế sử dụng thuốc BVTV. Trong trường hợp cần thiết khi mật số tăng cao có thể sử dụng 03 hoạt chất Cyromazine (Roninda 100SL, Nôngiahưng 75WP); Abamectin (Dibamec 1.8EC, Silsau 1.8EC); Spinetoram (Radiant 60 SC) để phòng trừ.
Lưu ý: Khi sử dụng thuốc BVTV cần tuân thủ nguyên tắc 4 đúng, theo dõi phòng trừ sớm ở thời điểm sâu non mới nở.
Đào Thị Lan
Các tin khác
- Hội thảo “Giải pháp quản lý dịch hại trên rau, dâu tây tại Lâm Đồng” - 01/07/2019
- Sử dụng thiên địch quản lý sâu hại cây trồng tại Lâm Đồng - 30/06/2021
- Quản lý bệnh virus gây hại cà chua tại Lâm Đồng - 18/11/2019
- Tình hình gây hại của virus (TSWV) trên cây hoa cúc và xà lách tại Đà Lạt - 23/04/2018
- Thông báo tình hình sinh vật hại cây trồng từ ngày 06-12/01/2019 - 09/01/2020
- Công tác quản lý dịch hại trên cây rau hoa ở Lâm Đồng - 03/09/2019
- Bệnh chết nhanh chết chậm gây hại cây tiêu tại Lâm Đồng - 03/06/2021
- Báo cáo tình hình sinh vật gây hại cây trồng từ ngày 28/9 – 04/10/2020 - 08/10/2020
- Bọ xít muỗi gây hại cây bơ và biện pháp phòng trừ - 24/05/2021
- Hội thảo “Biện pháp quản lý virus gây hại rau hoa tại Lâm Đồng” - 20/02/2019
- Các loại thuốc Bảo vệ thực vật sử dụng trong canh tác hữu cơ - 13/09/2019
- Mùa bướm vàng chanh (Catopisilia pomona) tại Đà Lạt - 15/04/2020
- Hội thảo “Giải pháp xử lý và bảo quản hoa cắt cành nâng cao giá trị hoa công nghệ cao tại Lâm Đồng” - 16/01/2019