Thống kê truy cập

4346475
Trong ngày
Trong tuần
Trong tháng
Tất cả
402
17735
54068
4346475

Các loại thuốc Bảo vệ thực vật sử dụng trong canh tác hữu cơ

Nông nghiệp hữu cơ là hệ thống sản xuất nhằm duy trì tính bền vững của đất, hệ sinh thái và sức khỏe con người. Canh tác hữu cơ liên quan đến môi trường sinh thái, sự đa dạng sinh học và các quy trình canh tác thích ứng với điều kiện địa phương. Nông nghiệp hữu cơ kết hợp phương thức canh tác truyền thống, có sự đổi mới sáng tạo, áp dụng khoa học kỹ thuật mới để mang lại lợi ích cho con người, môi trường. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ không cho phép sử dụng phân hóa học, các hóa chất bảo vệ thực vật và giống cây trồng biến đổi gen.

Lâm Đồng là địa phương có tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp với trên 300.000ha đất nông nghiệp, canh tác đa dạng các loại cây trồng trong đó chủ lực là rau, hoa, chè, cà phê. Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đứng đầu cả nước với diện tích trên 54.000ha, chiếm gần 20% diện tích canh tác của địa phương, năng suất bình quân cao hơn từ 30 - 50% so với sản xuất truyền thống. Mặc dù sản phẩm nông nghiệp CNC đảm bảo tiêu chuẩn an toàn tuy nhiên hình thức sản xuất này vẫn cho phép sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật và phân bón vô cơ, vì vậy vẫn tiềm ẩn các nguy cơ không đảm bảo an toàn thực phẩm nếu không tuân thủ chặt chẽ các quy định về sử dụng an toàn và hiệu quả phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

 Hướng tới một nền nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường, chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ là định hướng của Tỉnh và ngành nông nghiệp Lâm Đồng trong những năm tới. Tổng hợp từ các địa phương, hiện nay toàn tỉnh chỉ có 14,04ha rau, phúc bồn tử được chứng nhận sản xuất hữu cơ; 21,2ha lúa, rau các loại sản xuất bán hữu cơ (chiếm 0,01% diện tích) cho thấy tốc độ phát triển còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ, vấn đề quản lý dịch hại không sử dụng hóa chất cần được quan tâm với các giải pháp tăng cường biện pháp đấu tranh sinh học, luân canh cây trồng, sử dụng giống kháng, thiên địch nhập nội để khống chế dịch hại. Ngoài ra biện pháp sử dụng các nhóm thuốc BVTV sinh học và thảo mộc thay thế thuốc hóa học là giải pháp quan trọng. Các nhóm thuốc thay thế thuốc hóa học trong canh tác hữu cơ gồm:

  • Nhóm thuốc trừ sâu sinh học

Là các chế phẩm có nguồn gốc từ nấm, vi khuẩn, virus và các chất do vi sinh vật tiết ra (kháng sinh). Các thuốc trừ sâu sinh học có độ độc chuyên tính cao, hiệu lực kéo dài, ít độc với động vật máu nóng và bị phân huỷ hoàn toàn trong môi trường, không ảnh hưởng đến sinh vật có ích,chất lượng nông sản, không gây kháng thuốc.

      Các nhóm thuốc trừ sâu sinh học được sử dụng phổ biến hiện nay gồm:

  • Nhóm thuốc vi khuẩn (chủ yếu là Bacillus thuringiensis):
    • BT là thuốc trừ sâu có tác động đường ruột, nhóm độc 4 ít độc với người và thiên địch. Thuốc xâm nhiễm vào cơ thể côn trùng, các tinh thể nội độc tố bị hoà tan, huỷ hoại các tế bào biểu mô ruột côn trùng, côn trùng chán hay ngừng ăn và tử vong. Côn trùng đã bị nhiễm Bt thường chết chậ Các bào tử của Bt có thể tồn tại trong môi trường hơn 1 năm, có thể gây hại cho tằm.
    • Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam hiện hành có 40 loại thuốc thương phẩm hoạt chất BT (Vi - BT 16000WP, Biobit 16 WP, Biocin 16 WP, Crymax ® 35 WP…) đăng ký phòng trừ các loại sâu hại như sâu tơ, sâu xanh bướm trắng/bắp cải; sâu khoang/lạc, đậu côve; sâu xanh da láng/ cà chua, thuốc lá; sâu cuốn lá, sâu đục thân/ lúa. Liều lượng sử dụng 0,8 -1kg/ha
  • Nhóm nấm trừ sâu (chủ yếu Beauveria bassiana Metarhizium anisopliae)

            * Nấm Beauveria bassiana: (còn gọi là nấm trắng) thuộc nhóm độc III, không gây độc cho người, môi trường và các loại thiên địch. Thời gian cách ly 5 ngày.

  • Beauveria bassiana được phát hiện và phân lập lần đầu trên sâu non sâu đục thân ngô Ostrinia nubilalis. Chỉ sử dụng được trong điều kiện ẩm độ cao (65-85%). Tác dụng tiếp xúc, sâu chết sau 3-5 ngày.
  • Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam có 4 thuốc thương phẩm nguồn gốc từ Beauveria bassiana được đăng ký trong phòng trừ rầy nâu/lúa; sâu tơ/bắp cải, sâu đục quả/xoài (Beauveria; Biobauve 5DP…) và 2 dạng hỗn hợp với nấm Metarhizium anizopliae (Thiên địch-tàng hình WP, Trắng xanh WP). Liều lượng sử dụng: 200 g/5 lít nước.

         * Nấm Metarhium anisopliae Sorok (nấm xanh) thuộc nhóm độc III, không gây độc cho người, môi trường và các loại thiên địch. Thời gian cách ly 5 ngày.

  • Metarhizium anisopliae phân lập từ nhiều loài côn trùng bị nhiễm bệnh và sản xuất bằng công nghệ lên men. Sử dụng bằng cách phun lên cây, hay tạo côn trùng nhiễm bệnh để lây nhiễm cả đàn. Côn trùng chết sau 7-10 ngày. Bào tử nấm mọc lộ bên ngoài xác côn trùng.
  • Có 04 thuốc thương phẩm Metarhium anisopliae đăng ký trong danh mục gồm Ometar 1.2 x 109 bào tử/g, Naxa 800DP, Metament 90 DP, Vimetarzimm 95DP phòng trừ châu chấu, hại ngô, mía, luồng; rầy nâu hại lúa; bọ dừa sâu đo, sâu xanh... hại đay. Liều lượng sử dung: 3.0 - 5.0 kg/ha
  • Nhóm virus trừ sâu:
  • Virus nhân đa diện (nuclear polyhedrosis virus - NPV), được tách chiết lần đầu trên cơ thể ong ăn lá rừng tại Mỹ và Canada. Virus chỉ tác động vào hạch tế bào ruột giữa và chỉ gây chết khi côn trùng bị lây nhiễm đầy đủ. Côn trùng mắc bệnh do ăn phải virus và các chất nền protein của virus được hoà tan trong ruột  giữa  côn trùng (có tính kiềm), sản sinh ra các phần tử virus.
  • Ở Việt Nam, đã có nhiều công trình nghiên cứu, sản xuất và sử dụng NPV. Thành công lớn nhất là hiệu quả dùng NPV trừ sâu xanh Helicoverpa armigera hại bông, thuốc lá ;  sâu đo Anomis flava hại đay; sâu róm thông....
  • Nhóm thuốc thảo mộc

Là nhóm thuốc chiết xuất từ thực vật như Matrine (từ cây khổ sâm), Azadirachtin (từ cây Neem), Rotenone (từ cây thuốc cá). Các chất này có hiệu lực diệt sâu nhanh, phổ tác dụng rộng. Thuốc diệt côn trùng bằng con đường tiếp xúc, vị độc và xông hơi. Tác động hệ thần kinh, gây tê liệt và làm chết côn trùng. Ít độc với người và động vật máu nóng, các sinh vật có ích; không tích lũy trong môi trường và không gây hiện tượng chống thuốc.

   * Nhóm thuốc Azadirachtin: Có 66 loại thuốc thương phẩm đăng ký trong danh mục gồm (Bio Azadi 0.3SL; Boaza 0.3EC, 0.6EC; Super Fitoc 3EC…)

  • Azadirachtin là dịch chiết từ cây Neem Ấn Độ và cây xoan Trung Quốc. Nhóm độc III. Ít độc với ong, độc với cá. Thời gian cách ly 5 ngày.
  • Tác động tiếp xúc và vị độc, hiệu lực diệt sâu chậm nhưng kéo dài.Thuốc làm giảm đến ức chế hoàn toàn khả năng sinh sản hoặc làm giảm khả năng trứng nở, rút ngắn thời gian sống của trưởng thành, ngăn con cái đẻ trứng, trực tiếp diệt trứng, gây ngán cho ấu trùng, trưởng thành; tác động đến sự lột xác giữa các tuổi sâu, nhộng.
  • Phổ tác dụng rộng. Phòng trừ sâu cuốn lá, sâu đục thân, bọ trĩ, rầy nâu/ lúa; sâu tơ, sâu xanh bướm trắng/ bắp cải; rệp/ cải xanh; dòi đục lá/ cà chua; sâu khoang/ đậu tương; bọ trĩ, sâu xanh/ dưa hấu; bọ cánh tơ, rầy xanh, nhện đỏ/ chè; sâu vẽ bùa/ cam; rầy bông/ xoài. Liều lượng sử dụng: 0.5 - 0.7 lít/ha

     * Nhóm thuốc Matrine: có 30 thuốc thương phẩm đăng ký trong danh mục gồm (Kobisuper 1SL; Sokupi 0.36SL, 0.5SL; Đầu trâu Jolie 1.1SP…)

  • Matrine là dịch chiết từ cây khổ sâm, là thuốc trừ sâu sinh học có phổ tác dụng rộng. Nhóm độc III, Ít độc với người và môi trường. Thời gian cách ly 3 ngày.
  • Tác động tiếp xúc và vị độc. Gây độc bằng cách làm tê liệt hệ thần kinh trung ương, bịt lỗ thở côn trùng làm cho côn trùng không hô hấp được và chết nhanh chóng. Ngoài ra thuốc còn có tác dụng gây ngán và xua đuổi.
  • Phổ tác dụng rộng. Phòng trừ sâu khoang/ lạc, đậu côve; dòi đục lá/ đậu tương; sâu tơ, sâu xanh bướm trắng/ bắp cải; rệp muội/ cải bẹ; sâu cuốn lá/ lúa; bọ trĩ/ dưa hấu; sâu xanh da láng/ cà chua, thuốc lá; bọ cánh tơ, nhện đỏ/ chè. Liều lượng sử dụng: 0.4 – 0,6 lít/ha

         * Nhóm thuốc Rotenone: Có 23 loại thuốc thương phẩm đăng ký trong danh mục gồm: (Vironone 2 EC; Dibaroten 5 WP, 5GR; Limater 7.5 EC; Newfatoc 50WP; Rinup 50 EC; Rotecide 2SL; Trusach 2.5EC…)

  • Rotenone có nhiều trong rễ cây dây mật (còn gọi là cây thuốc cá). Nhóm độc III. Ít độc với người và động vật máu nóng, không độc với ong, tôm và cá.
  • Tác động tiếp xúc và vị độc. Phổ tác dụng rộng. Phòng trừ sâu tơ/ bắp cải; sâu xanh, bọ nhảy, rệp/ cải xanh; rệp, nhện đỏ, sâu đục quả/ ớt; rệp sáp/ bí xanh; nhện đỏ/ bí đỏ, hoa hồng; rầy xanh, nhện đỏ, bọ xít muỗi, bọ trĩ/ chè…
  • Thời gian cách ly: 3-7 ngày. Liều lượng sử dụng: 5.0 – 8.0 kg/ha, phòng trừ tuyến trùng dùng 15-30lít/ha tưới gốc. 

Vũ Thị Thúy