Tình hình bọ xít muỗi hại cà phê chè tại Lâm Đồng niên vụ 2020
- Được viết: 27-04-2020 10:54
Tỉnh Lâm Đồng hiện có 13.685ha cà phê chè trồng tập trung tại thành phố Đà Lạt, huyện Lạc Dương và các vùng phụ cận. Trong những năm gần đây, bọ xít muỗi gây hại cà phê chè có chiều hướng gia tăng làm ảnh hưởng lớn tới sinh trưởng phát triển cũng như năng suất cà phê chè và gây khó khăn cho việc phòng trừ của nông dân.
Năm 2019, bọ xít muỗi gây hại 824ha tại Đà Lạt, Lạc Dương, Đam Rông (tăng 446ha so với 2018), TLH từ 15 - 45%. Quý I/2020, thời tiết nắng ráo, bọ xít muỗi chủ yếu gây hại nhẹ, tuy nhiên từ đầu tháng 4 đến nay thành phố Đà Lạt, Lạc Dương có mưa nhiều về chiều tối, cà phê phát triển mạnh chồi lá non nên bọ xít muỗi có xu hướng gia tăng nhẹ đặc biệt tại các vườn cà phê trồng dày, trồng xen dưới tán cây hồng ăn trái. Thống kê của Chi cục Trồng trọt & BVTV hiện nay có 919ha cà phê chè nhiễm bọ xít muỗi tại Đà Lạt, Lạc Dương, TLH phổ biến từ 22 – 30%.
Hình ảnh 1: Bọ xít muỗi gây hại cà phê chè
Dự báo thời gian tới, thời tiết có mưa, cây cà phê đang ra hoa đậu quả, ra chồi, lá non, vì vậy bọ xít muỗi sẽ tiếp tục phát sinh và gây hại mạnh. Để chủ động phòng chống, bảo vệ năng suất cà phê chè niên vụ 2020, bà con nông dân cần thực hiện tốt một số biện pháp kỹ thuật sau:
* Biện pháp canh tác
- Triển khai sớm công tác cắt tỉa chồi vô hiệu, chồi non đã bị bọ xít muỗi đẻ trứng, gây hại. Tỉa cành, tạo tán giúp cho vườn cà phê thông thoáng, không quá ẩm thấp tạo môi trường bất lợi cho bọ xít muỗi.
- Đảm bảo mật độ phù hợp đối với các diện tích trồng mới, trồng tái canh tối đa 5.000 cây/ha.
- Bón phân đầy đủ, cân đối, hạn chế bón đạm, tăng cường bón thêm kali giai đoạn bọ xít muỗi phát triển và gây hại mạnh.
- Thường xuyên vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ dại trong vườn cà phê, phát quang bụi rậm quanh vườn, thu gom tàn dư cây trồng, đốt hun khói để xua đuổi bọ xít muỗi vào buổi chiều.
* Biện pháp sinh học
Bảo vệ và phát triển quần thể thiên địch tự nhiên sẵn có trên vườn cà phê: kiến đen (Dolichoderes thoracicus), kiến vàng (Oecophylla smaragdina) để hạn chế sự gây hại của bọ xít muỗi.
Hình ảnh 2: Vệ sinh đồng ruộng, tỉa chồi và đốt hun khói để xua đuổi bọ xít muỗi
* Biện pháp hóa học:
- Thường xuyên thăm đồng vào thời kỳ cà phê ra đọt non, lá non, ra hoa đậu quả và nuôi trái để phát hiện và phòng trừ kịp thời, tùy theo mức độ gây hại có thể phun thuốc từ 1-2 đợt, mỗi đợt cách nhau 7 – 10 ngày.
- Phun thuốc phòng trừ BXM theo nguyên tắc 4 đúng, phun thuốc phải đồng loạt. Phun ướt đều trên toàn bộ tán cây, phun xung quanh vườn từ ngoài vào trong và từ bìa rừng trở vào trong đảm bảo bao vây không cho bọ xít muỗi phát tán ra xung quanh để hạn chế lây lan.
- Hiện nay chưa có thuốc đăng ký trong danh mục để phòng trừ bọ xít muỗi hại cà phê. Có thể sử dụng thuốc có hoạt chất như Alpha-cypermethrin (FM-Tox 25EC); Alpha-cypermethrin + Chlorpyrifos Ethyl (Supertac 500EC), Chlorpyrifos Ethyl + Cypermethrin (Victory 585EC), Permethrin (Permecide 50EC) … để phòng trừ bọ xít muỗi hại cà phê chè. Nồng độ theo khuyến cáo, lượng nước thuốc sử dụng 1.000 lít/ha.
Nguyễn Hoàng Ấn
Các tin khác
- Công tác phòng trừ tuyến trùng hại thông 3 lá tại công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Đơn Dương - 03/03/2020
- Công tác chống dịch rầy nâu, bệnh VL – LXL vụ hè Thu – Mùa năm 2014 - 17/10/2014
- Bệnh do virus gây hại cây chanh dây và biện pháp phòng trừ - 18/12/2020
- Kết quả công tác dập dịch bọ xít muỗi hại điều tại 3 huyện phía Nam - 07/04/2017
- Một số nguyên nhân, biện pháp hạn chế hiện tượng xì mủ, sượng trái măng cụt - 25/11/2020
- Tình hình gây hại của bệnh virus khảm lá sắn tại huyện Đạ Tẻh - 09/04/2020
- Thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ cây mai dương - 25/11/2020
- Phòng trừ tuyến trùng gây hại cà phê trong vườn ươm - 16/04/2020
- Tổ chức ra quân dập dịch bọ xít muỗi hại điều tại huyện Đạ Huoai - 19/03/2017
- Ảnh hưởng của thời tiết đến tình hình gây hại của bọ xít muỗi, bệnh thán thư và năng suất điều niên vụ 2016 – 2017 tại 3 huyện phía Nam - 17/02/2017
- Quản lý bệnh héo rũ thông do tuyến trùng (Bursaphelenchus sp.) gây hại tại Lâm Đồng - 03/09/2019
- Phòng trừ bệnh sưng rễ hại cây rau họ thập tự - 13/05/2016