Kết quả công tác dập dịch bọ xít muỗi hại điều tại 3 huyện phía Nam
- Được viết: 07-04-2017 10:36
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết có mưa trái mùa đã tạo điều kiện cho dịch bọ xít muỗi bùng phát, lây lan trên diện rộng gây thiệt hại nghiêm trọng đến sinh trưởng và năng suất điều và một số cây ăn trái khác như sầu riêng, măng cụt, chôm chôm. Thống kê của 3 huyện phía Nam (đến 20/03/2017) có 29.245,4ha điều nhiễm bọ xít muỗi (18.120,4 ha nhiễm nặng; 9.243ha nhiễm trung bình; 1.882ha nhiễm nhẹ). Thiệt hại nặng nhất là huyện Đạ Huoai và Đạ Tẻh với 100% diện tích nhiễm từ trung bình đến nặng, huyện Cát Tiên có 77,7% nhiễm từ trung bình đến nặng.
Trước tình hình trên, Sở Nông nghiệp & PTNT Lâm Đồng đã tham mưu văn bản đề xuất và được UBND tỉnh thống nhất ban hành Quyết định số 472/QĐ-UBND về công bố dịch và văn bản số 1339/UBND-NN phê duyệt phương án phòng chống dịch bọ xít muỗi hại điều tại 3 huyện phía Nam. Ngay sau khi được phê duyệt, Sở Nông nghiệp & PTNT đã giao Chi cục Trồng trọt & BVTV khẩn trương thực hiện các thủ tục đấu thầu mua 46.440 lít thuốc Wamtox 100EC (hoạt chất Cypermethrin) để cấp cho 3 huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên xử lý chống dịch bọ xít muỗi đối với 25.800ha trong đó huyện Đạ Huoai 8.000ha; huyện Đạ Tẻh 10.200ha; Cát Tiên 7.600ha. Các huyện đồng loạt ra quân phun xịt tập trung từ ngày 18/3 – 28/3/2017.
Để hướng dẫn nông dân dập dịch bọ xít muỗi hại điều, Chi cục Trồng trọt & BVTV đã phối hợp với Đài phát thanh truyền hình Lâm Đồng xây dựng phóng sự, đưa tin thường xuyên về tình hình triển khai công tác chống dịch tại 3 huyện phía Nam. Bên cạnh đó, các huyện cũng đã tổ chức 29 lớp tập huấn cho 1.539 nông dân; cấp phát 16.600 tài liệu hướng dẫn quy trình xử lý thuốc chống dịch đến các nông hộ trồng điều đồng thời xây dựng tài liệu tuyên truyền gửi cho UBND các xã, thị trấn phát thường xuyên trên đài phát thanh xã, thôn trong suốt thời gian ra quân dập dịch.
Với đặc thù của từng địa phương, việc triển khai dập dịch tại Đạ Huoai, Cát Tiên thực hiện theo phương thức giao cho các xã, thị trấn thành lập các tổ, đội phun thuốc tập trung, mỗi tổ từ 15 - 20 hộ có diện tích canh tác liền kề từ 18 - 20ha. Thuốc dập dịch được cấp hàng ngày cho các tổ, đội phun thuốc theo số lượng máy móc hiện có của từng tổ và thu gom lại toàn bộ số vỏ chai thuốc đã cấp phát. Riêng tại Đạ Tẻh giao cho UBND các xã, thị trấn tổ chức cấp phát thuốc đến các thôn. Tại các thôn, thành lập các tổ, nhóm cấp thuốc cho nông dân theo từng khu vực, cánh đồng và tuyên truyền, vận động nông dân ra quân đồng loạt trong vòng 5 - 7 ngày ngay sau khi nhận thuốc.
Đánh giá chung công tác dập dịch BXM có sự vào cuộc của cả hệ thống trị từ huyện, xã đến thôn và sự đồng thuận cao của người dân về chủ trương dập dịch. UBND các huyện đã bám sát chỉ đạo của cấp trên, kiện toàn BCĐ và giao cho 01 đ/c Phó chủ tịch là trưởng ban chỉ đạo chung, đồng thời phân công các thành viên BCĐ và trưng dụng cán bộ của các phòng ban, đoàn thể của huyện tham gia công tác chống dịch theo địa bàn đã phân công. Bên cạnh đó, UBND các huyện chủ động bố trí kinh phí hỗ trợ một phần công phun xịt, nhiên liệu cho các xã, thị trấn thành lập tổ, đội phun xịt tập trung. Các xã, thị trấn có kế hoạch triển khai chống dịch phù hợp với điều kiện của địa phương.
Một số hình ảnh tổ chức ra quân phun thuốc chống dịch bọ xít muỗi hại cây điều
Tính đến ngày 30/03/2017 các huyện đã phun xịt được 23.605,2 ha/25.800ha theo phương án phê duyệt (đạt 91,5%), đồng thời cấp thuốc bổ sung để phun xịt trên diện tích điều và sầu riêng, măng cụt sau khi được các huyện rà soát trong quá trình dập dịch với diện tích 2.436,5 ha đã được xử lý. Tổng diện tích điều và cây ăn trái được phun thuốc xử lý chống dịch BXM tại 3 huyện phía Nam (đến ngày 30/3/2017) là 26.041,7 ha. Việc tổ chức phun xịt đồng loạt, tập trung được đánh giá có hiệu quả cao trong phòng trừ bọ xít muỗi, hiệu lực của thuốc chống dịch tại các huyện đạt trung bình 78%.
Trong tháng 4/2017, Chi cục trồng trọt & BVTV Lâm Đồng tiếp tục phối hợp với các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên triển khai chống dịch đợt 2 đối với 2.194,8ha (đã cấp thuốc đợt 1) và 7.602,4ha (cấp bổ sung đợt 2 đối với diện tích phát sinh theo đề xuất của các huyện) sau khi được UBND tỉnh phê duyệt. Đồng thời trong quá triển khai chống dịch tổ chức tập huấn, hướng dẫn UBND các xã, thị trấn rà soát, thống kê diện tích điều bị thiệt hại do dịch bọ xít muỗi, bệnh thán thư, tổng hợp báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét hỗ trợ theo quy định của Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017. Đối với việc khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất sau dịch BXM, Chi cục sẽ hướng dẫn các địa phương thực hiện theo hướng:
ü Đối với các diện tích điều già cỗi bị thiệt hại nặng không có khả năng phục hồichỉ đạo khắc phục theo hướng cưa đốn chuyển đổi sang các cây trồng khác như cây bắp lai, cây dâu tằm, mía (đối với đất bằng phằng), keo lá tràm (đối với đất đồi dốc). Các diện tích không chuyển đổi được bắt buộc phải duy trì cây điều cần tổ chức vận động nông dân cưa đốn và áp dụng hình thức tái canh, ghép cải tạo để khôi phục sản xuất.
ü Đối với diện tích điều bị thiệt hại nhẹ - trung bình: Tổ chức tập huấn, hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp tỉa cành, tạo tán (tỉa bỏ các chồi, cành lá, hoa quả bị sâu bệnh thu gom, tiêu hủy để kích thích cây ra chồi, lộc non), chăm sóc, bón phân phòng trừ sâu bệnh để cây phục hồi.
Nguyễn Thị Phương Loan
Các tin khác
- Tình hình gây hại của bệnh virus khảm lá sắn tại huyện Đạ Tẻh - 09/04/2020
- Phòng trừ tuyến trùng gây hại cà phê trong vườn ươm - 16/04/2020
- Bệnh do virus gây hại cây chanh dây và biện pháp phòng trừ - 18/12/2020
- Tình hình bọ xít muỗi hại cà phê chè tại Lâm Đồng niên vụ 2020 - 27/04/2020
- Quản lý bệnh héo rũ thông do tuyến trùng (Bursaphelenchus sp.) gây hại tại Lâm Đồng - 03/09/2019
- Ảnh hưởng của thời tiết đến tình hình gây hại của bọ xít muỗi, bệnh thán thư và năng suất điều niên vụ 2016 – 2017 tại 3 huyện phía Nam - 17/02/2017
- Công tác phòng trừ tuyến trùng hại thông 3 lá tại công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Đơn Dương - 03/03/2020
- Thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ cây mai dương - 25/11/2020
- Tổ chức ra quân dập dịch bọ xít muỗi hại điều tại huyện Đạ Huoai - 19/03/2017
- Công tác chống dịch rầy nâu, bệnh VL – LXL vụ hè Thu – Mùa năm 2014 - 17/10/2014
- Một số nguyên nhân, biện pháp hạn chế hiện tượng xì mủ, sượng trái măng cụt - 25/11/2020
- Phòng trừ bệnh sưng rễ hại cây rau họ thập tự - 13/05/2016