Phòng trừ bệnh sưng rễ hại cây rau họ thập tự
- Được viết: 13-05-2016 14:06
Bệnh sưng rễ do nấm (Plasmodiophora brassicae W) là một trong những loại bệnh hại nguy hiểm trên cây rau họ thập tự, bệnh xuất hiện tại Đà Lạt từ cuối năm 2003. Từ năm 2004 đến nay, bệnh đã lây lan và gây hại hầu hết các vùng trồng rau tại Đà Lạt, Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương. Theo thống kê của Chi cục BVTV Lâm Đồng, hiện nay toàn tỉnh có 500ha/1500ha rau họ thập tự nhiễm bệnh sưng rễ (diện tích nhiễm nặng:100ha).
Trong những năm vừa qua để phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh sưng rễ, nông dân đã sử dụng sản phẩm Nebijin 0.3DP (hoạt chất Flusulfamide) do Công ty CP Cửu Long gia công, phân phối để xử lý đất trước khi trồng, hiệu lực phòng trừ bệnh đạt >90%.
Ngày 12/10/2015, Bộ Nông nghiệp & PTNT đã ban hành Thông tư 34/2015/TT-BNNPTNT loại bỏ một số loại thuốc BVTV thuộc nhóm độc 2, thời gian cách ly >14 ngày ra khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng trên cây rau, quả, chè. Theo đó thuốc Nebijin 0.3DP không được phép buôn bán, sử dụng từ ngày 23/11/2015. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh sưng rễ có chiều hướng gia tăng diện tích và mức độ hại trong năm 2016.
Hiện tại, phần lớn người dân chưa có biện pháp phòng trừ hiệu quả để thay thế việc sử dụng Nebijin 0.3DP dẫn đến một số diện tích bị hại nặng nông dân phải chuyển đổi sang trồng cây khác, một số diện tích canh tác đến giai đoạn 30 ngày sau trồng đã bị hại từ 40-50% cây, một số nông dân sử dụng các sản phẩm phân bón rễ để phòng ngừa không có hiệu quả gây tốn kém chi phí.
Để giúp nông dân chủ động phòng ngừa bệnh sưng rễ hại rau họ thập tự, Chi cục hướng dẫn quy trình phòng trừ tổng hợp như sau:
1. Triệu chứng gây hại của bệnh sưng rễ
- Bệnh gây hại trên bộ rễ của cây (rễ chính, rễ bên). Bộ phận rễ bị biến dạng sưng phồng lên, có các kích cỡ khác nhau tùy thuộc thời kỳ và mức độ nhiễm bệnh. Cây sinh trưởng chậm, cằn cỗi, lá biến màu xanh bạc, có biều hiện héo vào lúc trưa nắng, sau đó phục hồi vào lúc trời mát, khi bị nặng toàn thân héo rũ kể cả khi trời mát, lá chuyển màu xanh bạc, nhợt nhạt héo bạc và cây bị chết hoàn toàn.
- Nấm bệnh tấn công vào vùng rễ, gây biến dạng làm giảm khả năng hút nước, dinh dưỡng và khả năng chống chịu của cây, dẫn đến việc xâm nhập dễ dàng của một số loại nấm, khuẩn gây nên sự thối mục đen của toàn bộ rễ cây.
Triệu chứng bệnh sưng rễ cải bắp giai đoạn cây nhỏ và cây lớn
Nông dân đang phá bỏ vườn cải bắp 30 ngày sau trồng do bị bệnh sưng rễ
2. Nguyên nhân, điều kiện phát sinh, phát triển của bệnh
- Bệnh do nấm Plasomodiophora brassicae. W gây ra.
- Nấm bệnh là loài nấm cổ sinh đơn bào (không có nhánh, sợi nấm) và là loài nấm ký sinh bắt buộc. Chúng chỉ phát triển và sinh sản trong tế bào ký chủ còn sống mới hoàn tất vòng đời. Nấm có thể tồn tại trong đất 7-10 năm ở dạng bào tử tĩnh, cũng có thể lâu hơn. Tuy nhiên, bệnh chỉ tấn công gây hại cây khi mật độ bào tử trong đất đạt >109 bào tử/1g đất.
- Khi phát triển trong cây, bào tử động tiếp tục được hình thành ở pha thứ cấp và tấn công những cây bên cạnh hoặc di chuyển, phát tán xa hơn. Bào tử tĩnh được hình thành rất nhiều trong tàn dư cây bệnh và giải phóng ra đất khi rễ cây bị phân huỷ (thối đen, mục). Nấm bệnh không lây lan qua hạt giống nhưng lây nhiễm gián tiếp qua hạt giống trong quá trình sản xuất và vận chuyển hạt giống.
- Bệnh phát triển mạnh trong điều kiện pH thấp < 6, ẩm độ đất >80%, nhiệt độ 18 – 200C.
3.Biện pháp phòng trừ
3.1 Biện pháp canh tác
- Sử dụng cây giống sạch bệnh (cây giống mua từ các vườn ươm đã áp dụng các biện pháp xử lý đất phòng ngừa bệnh sưng rễ bằng Biobac 50WP hoặc Geckko 20SC, cây giống xuất vườn không có triệu chứng nhiễm bệnh).
- Bón phân cân đối và hợp lý, không bón phân chuồng chưa hoai mục.
- Luân canh với các cây trồng khác họ thập tự như khoai tây, cà rốt, cà chua…
- Bón vôi để độ pH đất đạt từ 6 – 7
Lượng vôi cần bón để điều chỉnh độ pH đất đến trung tính
pH của đất |
4.5 |
5.0 |
5.5 |
6.0 |
6.5 |
7.0 |
Lượng vôi (Kg/1000m2) |
750 |
550 |
500 |
350 |
250 |
200 |
3.2. Biện pháp vật lý cơ giới
- Nhổ bỏ, gom và tiêu huỷ sớm các cây bị nhiễm bệnh: Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sớm và nhổ bỏ tập trung các cây nhiễm bệnh để tiêu huỷ: đốt (dùng dầu gasoil đốt các rễ/củ, tàn dư cây bệnh) chôn vào hố đào sẵn (hố đào xa nguồn nước, rải vôi vào hố, vào chỗ cây đã nhổ bỏ) hoặc ủ composting. Không để cây bị nhiễm bệnh thối mục trên ruộng (nhổ sớm trước khi củ thối đen).
- Tuyệt đối không vứt bỏ cây bị nhiễm bệnh lên bờ, xuống mương suối hoặc nguồn nước.
- Tàn dư thực vật sau thu hoạch: Thu gom toàn bộ rễ cây họ thập tự sau thu hoạch để tiêu huỷ bằng phương pháp đốt, chôn hoặc ủ phân composting.
3.3. Biện pháp hóa học
- Để phòng trừ bệnh sưng rễ hại rau họ thập tự, có thể sử dụng một số sản phẩm như Biobac 50WP (Bacillus subtilis 50% w/w) (hiệu lực đạt 65%) đã đăng ký phòng trừ bệnh sưng rễ bắp cải hoặc Geckko 20SC (Amisulbrom) đã được Chi cục khảo nghiệm hiệu lực đạt 60%. Cụ thể như sau:
- Sản phẩm Biobac 50WP: Là thuốc trừ bệnh sinh học, nhóm độc IV, thời gian cách ly ngắn (sau 4 giờ).
+ Thành phần hoạt chất: vi khuẩn Bacillus subtilis 14 x 109 CFU/g.
+ Liều lượng sử dụng: 02 kg/ha. Pha 50-75 g/bình 25 lít nước, phun xử lý đất hoặc cây con trước khi trồng, sau đó phun gốc hoặc tưới gốc lặp lại 15-20 ngày một lần (phun 3-4 lần /vụ), lượng nước phun 500-700 lít/ha, phun vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát.
Một số hình ảnh sản phẩm phòng trừ bệnh sưng rễ cải bắp
- Sản phẩm Geckko 20SC (Amisulbrom):
+ Xử lý cây con trước khi trồng: Nhúng khay cây giống vào dung dịch thuốc ở nồng đồ 0,5% (pha 50 ml thuốc/10 lít nước) sau đó để ráo nước rồi mang ra trồng.
+ Xử lý sau trồng: Pha thuốc nồng độ 0,1% (pha 10 ml/10 lít nước). Phun thuốc ướt đẫm vùng đất quanh gốc cây lần thứ nhất sau trồng 5 ngày, phun lần thứ hai sau trồng 15-20 ngày.
Phòng kỹ thuật
Các tin khác
- Tổ chức ra quân dập dịch bọ xít muỗi hại điều tại huyện Đạ Huoai - 19/03/2017
- Tình hình gây hại của bệnh virus khảm lá sắn tại huyện Đạ Tẻh - 09/04/2020
- Công tác phòng trừ tuyến trùng hại thông 3 lá tại công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Đơn Dương - 03/03/2020
- Quản lý bệnh héo rũ thông do tuyến trùng (Bursaphelenchus sp.) gây hại tại Lâm Đồng - 03/09/2019
- Công tác chống dịch rầy nâu, bệnh VL – LXL vụ hè Thu – Mùa năm 2014 - 17/10/2014
- Một số nguyên nhân, biện pháp hạn chế hiện tượng xì mủ, sượng trái măng cụt - 25/11/2020
- Kết quả công tác dập dịch bọ xít muỗi hại điều tại 3 huyện phía Nam - 07/04/2017
- Ảnh hưởng của thời tiết đến tình hình gây hại của bọ xít muỗi, bệnh thán thư và năng suất điều niên vụ 2016 – 2017 tại 3 huyện phía Nam - 17/02/2017
- Bệnh do virus gây hại cây chanh dây và biện pháp phòng trừ - 18/12/2020
- Thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ cây mai dương - 25/11/2020
- Tình hình bọ xít muỗi hại cà phê chè tại Lâm Đồng niên vụ 2020 - 27/04/2020
- Phòng trừ tuyến trùng gây hại cà phê trong vườn ươm - 16/04/2020