Thống kê truy cập

4347270
Trong ngày
Trong tuần
Trong tháng
Tất cả
1197
18530
54863
4347270

Mùa bướm vàng chanh (Catopisilia pomona) tại Đà Lạt

Cứ vào tháng 4 hàng năm, loài bướm vàng chanh (Catopisilia pomona) lại xuất hiện, bay thành từng đàn trên các tuyến đường, bụi hoa dại ven đường, trong các khu dân cư và trên  đồng ruộng. Những ngày gần đây, tại Đà Lạt, từng đàn bướm vàng liên tục nối đuôi nhau tới hàng ngàn con bay lượn trên khắp các tuyến đường 3/4, Trần Hưng Đạo, Hùng Vương, cao tốc Liên Khương…và len lỏi vào các nhà kính, nhà lưới trồng rau, hoa. Bướm vàng đậu bám thành thành đám khoe sắc khắp một vùng rộng lớn gây sự chú ý của người dân.

Bướm vàng chanh thuộc họ bướm phấn Pieridae, bộ cánh vẩy Lepidoptera phân bố chủ yếu ở Châu Úc và châu Á (Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản; Philippine, Malaysia..). Ở Việt Nam, kết quả điều tra của Viện Bảo vệ thực vật xác định loài bướm vàng chanh đã xuất hiện phổ biến tại nhiều tỉnh thành trên cả nước đặc biệt tại khu vực Tây nguyên nơi trồng nhiều cây muồng. Tuy nhiên loài bướm này chỉ xuất hiện trong mùa hè và mùa xuân. Ký chủ của bướm vàng chanh chủ yếu là các loài cây thuộc giống muồng Cassia (muồng lác, muồng hoàng yến, muồng hoa hường…) và một số cây trồng khác như cây móng bò, cây giáng hương, cây gièng gièng, không xuất hiện trên các loại cây trồng khác như cà phê, rau, hoa.

Bướm vàng có thời gian giao phối dài từ 16 – 20 tuần nên thường xuất hiện với số lượng lớn thành từng đàn và có đặc tính di cư. Chúng bay nhanh và hay tụ tập ở những chỗ đất ẩm ướt dọc lề đường hoặc những khu vực có nhiều hoa.Vào mùa hè bướm vàng bắt cặp giao phối mạnh, đến mùa đông do ảnh hưởng của thời tiết, loài bướm này thường bất dục và sang mùa xuân lại tiếp tục giao phối và sinh sản. Vì vậy một năm thường có 2 lứa; vào mùa hè có thể gặp hàng đàn bướm vàng bay trong rừng hoặc trên các cánh đồng. 

  

                                           Hình ảnh: Bướm vàng (Catopisilia pomona) bay thành từng đàn

Sự xuất hiện của loài bướm vàng chanh góp phần tô điểm thêm vẻ đẹp cảnh quan. Loài bướm này chỉ gây hại cục bộ trên các giống muồng Cassia, sâu non có thể ăn trụi toàn bộ lá cây muồng, vì vậy nông dân trồng muồng cần theo dõi để có biện pháp phòng trừ kịp thời khi sâu non xuất hiện. Trên các cây trồng khác như chè, cà phê, rau, hoa…bướm vàng chanh không gây hại, vì vậy bà con nông dân không phải hoang mang, lo lắng về sự xuất hiện của đối tượng này.

                                                                                                                                                           Phan Thị Nhung