Thống kê truy cập

3545667
Trong ngày
Trong tuần
Trong tháng
Tất cả
2263
24355
85312
3545667

Tình hình gây hại của virus (TSWV) trên cây hoa cúc và xà lách tại Đà Lạt

Tình hình gây hại của virus (TSWV) trên cây hoa cúc và xà lách tại Đà Lạt

Virus TSWV (Tomato spotted wilt virus) gây bệnh sọc thân trên cây hoa cúc và bệnh đốm héo trên xà lách đã xuất hiện tại Đà Lạt từ giữa tháng 4/2017. Sau khi xác định được tác nhân gây bệnh Chi cục đã tổ chức tập huấn hướng dẫn quy trình quản lý tổng hợp bệnh virus trên hoa cúc, xà lách cho nông dân. Tuy nhiên do áp lực gieo trồng quanh năm, nông dân ít luân canh sang các cây trồng khác (đặc biệt hoa cúc) kết hợp thời tiết khô nóng bọ trĩ phát triển mạnh; việc sản xuất cây giống cúc ngay tại vườn trồng còn phổ biến, mặt khác việc lựa chọn cây giống sạch bệnh virus chưa được quan tâm dẫn đến dịch virus tiếp tục lây lan và gây thiệt hại cho các vùng sản xuất của Đà Lạt.

Thống kê của Trung tâm Nông nghiệp thành phố Đà Lạt hiện tại có 120ha/1.300ha nhiễm bệnh (tỷ lệ hại từ 30 – 50% cây), mật độ bọ trĩ từ 3 – 7 con/cây, bệnh gây hại các giai đoạn sinh trưởng, một số diện tích nhiễm sớm ngay ở giai đoạn 15 – 30 NST, còn lại nhiễm phổ biến ở giai đoạn sau khi tỉa nụ; ngoài các giống cúc đóa, kim cương trắng, AT bệnh còn gây hại nặng các giống farm vàng... Trên cây xà lách, virus đốm héo vẫn gây hại chủ yếu trên xà lách Scarole, gây hại rải rác trên giống Romen, lô lô xanh, hiện nay có 20ha/407ha nhiễm bệnh, tỷ lệ hại từ 15 – 45%, mật độ bọ trĩ trung bình từ 1 -3 con/cây.

 Một số hình ảnh

 

Bệnh sọc thân do virus TSWV gây hại hoa cúc

  

Bệnh đốm héo do virus TSWV gây hại xà lách scarole

Để có biện pháp quản lý bệnh virus hại hoa cúc, xà lách có hiệu quả, hạn chế thiệt hại cho sản xuất, bà con nông dân cần lưu ý một số biện pháp sau:

Quản lý tốt nguồn giống

- Các cơ sở nuôi cấy mô cung cấp cây giống gốc hoa cúc phải tuyển chọn và có vườn nhân chồi sạch bệnh virus (cách ly hoàn toàn với khu vực trồng hoa cúc). Từng bước áp dụng kỹ thuật nuôi cấy đỉnh sinh trưởng để sản xuất cây mẹ sạch bệnh virus.

- Cơ sở sản xuất, cung ứng cây giống hoa cúc, xà lách phải có hệ thống nhà kính, nhà lưới kín ngăn côn trùng cửa 2 lớp. Sử dụng lưới chắn côn trùng 52 mesh. Quá trình sản xuất giống phải áp dụng quy trình quản lý tổng hợp virus trong đó chú trọng các biện pháp sử dụng chồi giống sạch bệnh; theo dõi và phòng trừ bọ trĩ bằng bẫy xanh, bẫy vàng; thuốc BVTV Dinotefuran (Oshin 100SL).

- Thường xuyên kiểm tra tình hình gây hại của bệnh đốm héo tại vườn ươm, nếu có triệu chứng phải nhổ bỏ, tiêu hủy toàn bộ lô giống không để nguồn bệnh lây lan ra ruộng sản xuất.

- Khuyến cáo nông dân không nên ươm giống cúc ngay tại vườn trồng

 Phòng trừ virus tại vườn trồng

- Tuyệt đối không mua cây giống có triệu chứng nhiễm virus

- Hạn chế việc canh tác các giống nhiễm nặng như cúc đóa, farm vàng, kim cương trắng và xà lách scarole

- Thực hiện tốt chế độ luân canh (không trồng liên tục hoa cúc )

- Thường xuyên kiểm tra vườn, nếu phát hiện cây nhiễm bệnh phải nhổ bỏ tiêu hủy ngay, không để lây lan.

- Chăm sóc, bón phân, quản lý tốt các dịch hại để cây tăng sức chống chịu bệnh virus

- Khi tỉa nụ phải kết hợp phun các loại thuốc phòng trừ bọ trĩ, các thuốc trừ vi khuẩn để vết thương mau phục hồi, hạn chế bệnh xâm nhiễm.

    - Trên vườn trồng nên đặt hệ thống bẫy vàng, bẫy xanh để theo dõi mật độ bọ trĩ. Ngay ở giai đoạn trồng mới từ 5 – 7 ngày nếu phát hiện có bọ trĩ phải phòng trừ kịp thời phun 3 – 5 ngày/lần bằng cách sử dụng luân phiên các loại thuốc đã đăng ký trong danh mục như Dinotefuran (Oshin 100WP) hoặc tham khảo sử dụng các hoạt chất Imidacloprid, Spinoteram, Thiamethoxam, …

- Cây bị nhiểm bệnh tiến hành tiêu hủy, tuyệt đối không vứt bỏ cây nhiễm bệnh trên bờ ruộng, giữa các rãnh luống tạo nguồn bệnh lây lan vùng khác.

 

Phòng Bảo vệ thực vật