Thống kê truy cập

4599756
Trong ngày
Trong tuần
Trong tháng
Tất cả
326
17383
94715
4599756

Kết quả đề tài Nghiên cứu biện pháp quản lý tổng hợp phòng trừ rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá gây hại lúa tại Lâm Đồng

Rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá lúa gây thiệt hại lớn cho sản xuất lúa ở Lâm Đồng trong những năm qua. Trong 5 năm (2006 – 2010) có 643,5ha lúa bị nhiễm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá (VL – LXL) buộc phải tiêu hủy, Tỉnh đã hỗ trợ trên 353 tấn thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) cho các huyện trồng lúa để tổ chức chống dịch cho 104.948ha lúa bị nhiễm rầy nâu trong tổng diện tích 161.827 ha gieo trồng.

Để hướng dẫn nông dân biện pháp phòng trừ rầy nâu, bệnh VL – LXL trên địa bàn tỉnh có hiệu quả. Từ năm 2011 – 2012, Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng đã thực hiện đề tài  “Nghiên cứu biện pháp quản lý tổng hợp phòng trừ rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá gây hại lúa tại Lâm Đồng” Nội dung và kết quả như sau:

1. Nội dung thực hiện:

- Điều tra, đánh giá thực trạng về tình hình rầy nâu, vàng lùn, lùn xoắn lá, tại các huyện trồng lúa tại 8 huyện trồng lúaCát Tiên, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Di Linh, Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà, Đam Rông.       

- Đánh giá thành phần thiên địch ở các vùng sinh thái khác nhau của tỉnh Lâm Đồng tại huyện Đức Trọng và huyện Đạ Tẻh.

- Khảo nghiệm đánh giá khả năng kháng rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá hại lúa của một số giống lúa tại các vùng trồng lúa trọng điểm (Đức Trọng, Đạ Tẻh)

- Thí nghiệm đánh giá ảnh hưởng của một số loại thuốc hóa học đến mật số rầy nâu, thiên địch, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá hại lúa.

- Nghiên cứu vòng đời của rầy nâu hại lúa tại một số vùng lúa trọng điểm tỉnh Lâm Đồng.

- Nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất nấm M.a cấp nông hộ và ứng dụng trong phòng trừ rầy nâu tại Lâm Đồng.

- Xây dựng quy trình phòng trừ tổng hợp rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá lúa tại Lâm Đồng.

2. Kết quả thực hiện:

-  Qua điều tra cho thấy nhiều hạn chế trong kỹ thuật canh tác lúa của nông dân dẫn đến dịch hại rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá lúa gây hại thành dịch trong các năm qua: nông dân còn gieo trồng giống nhiễm rầy cao như Hương thơm số 1, Jasmine, nếp Quýt, VD20, Nhị ưu 838, IR13/2, VND 95-20...; thời vụ xuống giống chưa đồng loạt, kéo dài, gối vụ  là điều kiện cho rầy nâu luôn tồn tại trên đồng; mật độ gieo sạ còn cao > 120kg/ha; việc sử dụng phân bón không cân đối; việc sử dụng thuốc BVTV chưa theo “4 đúng”, sử dụng thuốc quá liều lượng, nồng độ, thuốc phổ rộng đã ảnh hưởng tới nguồn thiên địch và làm giảm hiệu quả phòng trừ rầy nâu.

- Đề tài đã xác định được thành phần thiên địch trên cây lúa ở Lâm Đồng chủ yếu là các loài bắt mồi: chuồn chuồn kim, nhện các loại, bọ xít mù xanh, kiến ba khoang, bọ xít nước, bọ rùa và ong ký sinh ăn trứng rầy. Trong các loại thiên địch bắt mồi, kiến ba khoang, bọ rùa xuất hiện với mật số cao từ thời điểm lúa bắt đầu vào đòng đến khi thu hoạch.

- Nghiên cứu đánh giá khả năng kháng rầy nâu hại lúa đã chọn ra 11 giống lúa kháng rầy nâu gồm: OM 5451, OM 2517, OM 4218, OM 4900, OM 6976, OM 6073, OM 6932, OM 5472, OM 6162, OM 6561 và OM  6072. Trong đó, giống lúa OM 6976,  OM 6162 và OM 4900 là các giống lúa kháng rầy, có năng suất cao, chất lượng khá và ít nhiễm bệnh đạo ôn đây là những giống lúa có triển vọng, sau khảo nghiệm đã được nông dân thay thế dần các giống lúa nhiễm rầy nâu ở các huyện trồng lúa của Tỉnh.

- Khảo sát ảnh hưởng của một số loại thuốc hóa học đến mật số rầy nâu, thiên địch cho thấy: thuốc trừ rầy nâu Actara 25WG (0,08 kg/ha), Oshin 20WP (0,2 kg/ha) và Chess 50WG (0,3 kg/ha) có hiệu lực tốt từ 80,0 – 86,6 %. Các loại thuốc Map – judo 25 WP (1,0 kg/ha), Applaud-Bas 27 BTN (1,0 kg/ha) có hiệu lực khá (75,2 – 75,4 %). Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc hóa học để phòng trừ rầy nâu đã làm giảm mật số thiên địch một cách đáng kể. Thuốc Applaud-Bas 27 BTN (hoạt chất Buprofezin) với liều lượng 1,0 kg/ha có hiệu lực khá trong phòng trừ rầy nâu và duy trì được thiên địch trên ruộng lúa khá hiệu quả.

- Nghiên cứu vòng đời rầy nâu cho thấy: vòng đời rầy nâu ở vùng sinh thái Đức Trọng từ 27 -32 ngày trong vụ Đông Xuân, 30 – 38 ngày trong vụ Mùa. Đối với vùng Đạ Tẻh là 28 – 34 ngày trong vụ Đông Xuân, 31 -39 ngày trong vụ Mùa.

- Thành lập 2 nhóm sản xuất chế phẩm sinh học nấm Metarhizium anisopliae (M.a) cấp nông hộ với 60 hộ nông dân tham gia, đã sản xuất được 55,5 kg nấm M.a để phòng trừ rầy nâu, tuy hiệu lực phòng trừ sinh học chưa cao (31,9 - 38,3 %) nhưng hiệu quả kéo dài và ít ảnh hưởng đến nguồn thiên địch trong ruộng lúa, giá thành rẻ.

- Đề tài đã thực hiện 6 mô hình PTTH rầy nâu, bệnh VL – LXL lúa với diện tích 12 ha (36 hộ tham gia) tại các huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đạ Huoai, Di Linh, Đức Trọng và Đơn Dương. Việc thực hiện mô hình theo quy trình của đề tài có ý nghĩa rất lớn trong canh tác bền vững, hạn chế rầy nâu hiệu quả, an toàn với môi trường, tạo ra sản phẩm lúa đạt chất lượng. Năng suất tại các mô hình đều cao hơn đối chứng từ 2,06 tạ/ha đến 6,48 tạ/ha và cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với tập quán canh tác của nông dân từ 2.386.000 – 6.192.500 đồng/ha.

Ngoài ra đã tổ chức hội thảo mô hình chuyển giao cho 207 nông dân, thông qua hội thảo nông dân đã nắm bắt được kỹ thuật canh tác lúa theo “3 giảm, 3 tăng”; biện pháp công nghệ sinh thái, sinh học bảo vệ thiên địch; sử dụng giống lúa cấp xác nhận, kháng rầy cho kết quả tốt; giảm giá thành sản xuất và tăng phẩm chất nông sản.

 Dựa trên kết quả nghiên cứu và kế thừa những kết quả ứng dụng trong quá trình thực hiện đề tài như: ứng dụng công nghệ sinh thái (ruộng lúa, bờ hoa), đề tài đã xây dựng được quy trình phòng trừ tổng hợp rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá hại lúa. Tính mới của quy trình là ứng dụng công nghệ sinh thái, sử dụng các chế phẩm sinh học để bảo vệ thiên địch, khống chế được sự gây hại của rầy nâu trên đồng ruộng.

Đề tài được đánh giá đạt loại khá và được UBND tỉnh Lâm Đồng ra quyết định số 2315/QĐ-UBND ngày 19 tháng 11 năm 2013 công nhận kết quả nghiệm thu và chuyển giao kết quả nghiên cứu đề tài.

 Kết quả của đề tài là cơ sở để Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng và Trung tâm Nông nghiệp các huyện chuyển giao cho nông dân áp dụng vào sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng lúa và hạn chế dịch hại rầy nâu bùng phát thành dịch ở Tỉnh. Từ năm 2012 đến nay, dịch hại rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá đã giảm đáng kể, có huyện không phải cấp thuốc chống dịch, đây cũng là một thành công của đề tài góp phần trong chỉ đạo sản xuất và phòng chống dịch hại trên cây lúa của Tỉnh.

 

QUY TRÌNH PHÒNG TRỪ TỔNG HỢP RẦY NÂU

BỆNH VÀNG LÙN, LÙN XOẮN LÁ LÚA TẠI LÂM ĐỒNG

 

A. QUY TRÌNH PHÒNG TRỪ TỔNG HỢP RẦY NÂU

I. MÔ TẢ RẦY NÂU HẠI LÚA

1. Vòng đời rầy nâu hại lúa

II. QUY TRÌNH PHÒNG TRỪ TỔNG HỢP RẦY NÂU

            Qui trình xây dựng dựa trên cơ sở kết quả đã thực hiện của đề tài và các tài liệu về canh tác, phòng trừ sâu bệnh hại trên cây lúa.

1. Các biện pháp canh tác

- Không trồng lúa liên tục trong năm, bảo đảm thời gian cách ly giữa hai vụ lúa ít nhất 20-30 ngày, không để vụ lúa chét. Thời vụ trong cùng một vùng phải tập trung, không được gieo sạ kéo dài.

- Không gieo sạ quá dày trên 120 kg giống/ ha.

- Không bón quá thừa phân đạm (urê); tăng lượng phân lân và phân kali để nâng cao sức chống chịu đối với bệnh. Tổng lượng phân bón 01 ha (90 kg N + 115 P2O5 +  90 K2O).

- Hạn chế trồng các giống lúa nhiễm rầy như: VD20, IR 50404, Nếp quýt, Jasmine.

- Sử dụng các giống lúa kháng rầy như: OM 6976, OM 4900, OM 6162, OM 2395, OM5472, OM 4218, IR59606, OM 5451. Sử dụng lúa giống có chất lượng tốt, lúa giống xác nhận.

- Gieo sạ lúa vào thời gian có thể né rầy. Sử dụng bẫy đèn để theo dõi mật độ rầy nâu. Khi rầy nâu vào đèn đạt đỉnh cao thì khuyến cáo gieo sạ vào 3-5 ngày sau đó.

- Để bảo vệ cây lúa non, sau khi sạ nên cho nước vào ruộng và duy trì mực nước thích hợp để hạn chế rầy nâu chích hút thân cây lúa.

- Vệ sinh đồng ruộng bằng cách cày, trục kỹ trước khi gieo sạ, dọn sạch cỏ bờ ruộng, mương dẫn nước.

- Thường xuyên thăm đồng để phát hiện sớm sự xuất hiện của rầy nâu trên cây lúa.

2. Biện pháp công nghệ sinh thái “Trồng hoa xung quanh bờ ruộng”

Sử dụng các giống hoa phổ biến trong tự nhiên, dễ tìm, dễ trồng, ra hoa quanh năm và nhiều hoa, có màu sắc sặc sỡ để thu hút thiên địch và phù hợp với điều kiện khí hậu tại địa phương như đậu bắp, hoa cứt lợn, hoa cúc cánh bướm, xuyến chi, dừa cạn, lạc dại, ….

+Làm đất và trồng hoa: Trước khi xuống giống lúa 15 ngày, tiến hành phun thuốc cỏ Gramoxone 20SL (Paraquat) với liều lượng 50 - 60 ml/16 lít nước xung quanh bờ ruộng, 5 ngày sau làm sạch cỏ dại trên các bờ ruộng với chiều rộng khoảng 35 - 50cm. Trên mỗi bờ ruộng cuốc các rãnh sâu khoảng 20 – 35 cm để trồng hoa. Trên mỗi bờ trồng 1 - 2 hàng.

+ Chăm sóc: Sau khi trồng hoa xong mỗi ngày tưới nước vừa đủ ẩm (60 – 70%) để cây sinh trưởng và phát triển. Theo dõi thường xuyên phát hiện những cây hoa bị chết để trồng dặm.

3. Biện pháp công nghệ sinh học: Nhân nuôi nấm xanh Metarhizium anisopliae tại nông hộ hoặc mua thành phẩm để sử dụng:

+ Chuẩn bị vật liệu: Tủ cấy, nồi hấp, nguồn nấm gốc, tấm, lò, bọc nylon, kéo, dây thun, bút lông, muỗng cấy, cồn khử trùng 700C, 900C, gòn không thấm, nắp đậy,…

+ Các bước thực hiện:

Bước 1: Tấm ngâm nước trước từ 1giờ đến 1 giờ 30 phút, sau đó vớt ra để ráo 15 – 20 phút và chia gạo vào mỗi bọc nylon 500g.

Bước 2:Làm nút và xếp giấy.

Bước 3:Chuẩn bị môi trường và cấy nấm.

Bước 4:Hấp khử trùng: Thời gian hấp khử trùng được tính sau khi nước sôi, đun tiếp tục trong 2 giờ.

Bước 5:Làm nguội môi trường: các bọc đã hấp khử trùng ra giàn hoặc kệ sạch sẽ cao ráo, nơi thoáng mát.

Bước 6: Chủng nấm vào môi trường: Được thực hiện trong tủ cấy: Khử trùng tay và các dụng cụ cấy nấm trước khi làm. Mở giấy báo, bông gòn và cấy vào mỗi bọc nylon 1/6 đĩa petri nấm nguồn. Sau khi cấy xong nút lại bông gòn và bao kín bằng giấy báo.

Bước 7:Ủ chế phẩm:Ủ chế phẩm nơi cao ráo, thoáng mát, lắc nhẹ cho đều nấm (01 lần/ngày).

Bước 8: Sử dụng nấm xanh phòng trừ rầy nâu trên đồng ruộng:Khi nấm có phấn màu xanh có thể đem sử dụng (sau 7 đến 14 ngày sau khi cấy). Mỗi bọc pha cho 4 bình 16 lít phun cho 2.000m2 (5bọc/ha tương đương với 2,5kg nấm xanh thành phẩm/ha). Khi pha thêm chất bám dính sinh học (5cc/bình 16 lít) để tăng hiệu quả của nấm ký sinh rầy nâu. Hoặc có thể mua nấm xanh thành phẩm để phun theo liều lượng khuyến cáo trên bao bì.

4. Luân canh cây trồng

Vụ Đông Xuân luân canh cây lúa với cây trồng cạn như bắp, rau màu để cắt đứt nguồn lây lan của rầy nâu.

5. Biện pháp hóa học

Giai đoạn lúa từ 40 ngày sau sạ đến trổ - chín: Nếu phát hiện rầy nâu với mật số từ 3 con/dảnh trở lên thì phun xịt thuốc trừ rầy.

Phương pháp điều tra rầy nâu:

Mỗi ruộng điều tra 10 điểm, mỗi điểm điều tra trong khung có kích thước 20 x 25 cm đếm số rầy nâu trong khung từ đó qui ra mật độ con/ m2 . Mức độ nhiễm rầy được qui định như sau:

- Nhiễm nhẹ: 750 con/m2 – 1.500 con/m2

- Nhiễm trung bình: 1.500 con/m2 – 3.000 con/m2

- Nhiễm nặng: > 3.000 con/m2

Khi phun xịt thuốc trừ rầy phải tuân theo nguyên tắc “4 đúng”, gồm:

* Đúng loại thuốc:

Chỉ sử dụng các loại thuốc đã được đăng ký để phòng trừ rầy nâu; ưu tiên sử dụng các loại thuốc có hiệu quả phòng trừ rầy nâu, đảm bảo an toàn con người, nông sản và môi trường.

- Khi rầy nâu nhiễm nhẹ: ưu tiên sử dụng thuốc có hoạt chất Buprofezin (Aperlaur 100WP, Applaud- Bas 27BTN, Map Judo 25WP, …) ít độc hại đến thiên địch.

- Khi rầy nâu nhiễm trung bình – nặng: Sử dụng luân phiên các loại thuốc có hoạt chất Buprofezin (Aperlaur 100WP, Applaud- Bas 27BTN, Map Judo 25WP); Thiamethoxam (Actara 25 WG); Dinotefuran(Oshin 20WP); Pymetrozine(Chess 50WP).

* Đúng liều lượng, nồng độ: Pha thuốc theo đúng liều lượng, nồng độ và phun đủ lượng nước thuốc, pha theo hướng dẫn ghi trên nhãn bao bì của mỗi loại thuốc và đảm bảo thời gian cách ly.

- Aperlaur 100WP, Map Judo 25WP, Applaud- Bas 27BTN: liều lượng 1,0 - 1,2 kg/ha, lượng nước 400 lít/ha.

- Oshin 20WP liều lượng 0,15 -0,20 kg/ha, pha trong 400 lít nước.

- Chess 50WP liều lượng 0,30 kg/ha, pha trong 400 lít nước.

- Actara 25 WG liều lượng 0,080kg,L/ha  pha trong 400 lít  nước.

* Đúng lúc: Khi phát hiện rầy cám ở tuổi 1 - 3, hoặc rầy trưởng thành chiếm đa số trong ruộng.

* Đúng cách: Hướng vòi phun vào sát gốc lúa nơi rầy bu; không được phun trên ngọn lá lúa. Trước khi phun thuốc nếu có điều kiện nên cho nước ngập ruộng để rầy di chuyển lên cao, xịt dễ trúng rầy hơn.

B. TÁC NHÂN, NHẬN DẠNG VÀ CÁCH LAN TRUYỀN CỦA BỆNH VÀNG LÙN, LÙN XOẮN LÁ LÚA

I. TÁC NHÂN, NHẬN DẠNG VÀ CÁCH LAN TRUYỀN CỦA BỆNH VÀNG LÙN HẠI LÚA

1. Tác nhân

Bệnh vàng lùn là một dạng triệu chứng khác do vi rút gây bệnh lúa cỏ có tên RGSV (Rice Grassy Stunt Virus) gây ra.

2. Nhận dạng

Triệu chứng bệnh trên cây lúa biểu hiện như sau:

- Màu sắc của cây lúa bệnh: Lá lúa từ xanh nhạt ® Vàng nhạt ® Vàng cam ® Vàng khô.

- Vị trí lá bị vàng: lá dưới bị vàng trước, lần lượt đến các lá bên trên.

- Vết vàng trên lá: từ chóp lá vàng lần vào bẹ.

- Đặc điểm của lá lúa bệnh: lá có khuynh hướng xòe ngang.

- Bệnh làm giảm chiều cao chồi lúa bệnh và giảm số chồi của bụi lúa mắc bệnh.

- Ruộng lúa bệnh ngả màu vàng, chiều cao cây không đồng đều (Hình 5 và 6).

3. Cách lan truyền bệnh

- Rầy nâu là môi giới truyền vi rút gây bệnh cho cây lúa và truyền vi rút cho đến khi chết.

- Cây lúa bị bệnh mang vi rút cho đến khi gặt, lúa chét cũng có thể nhiễm bệnh. Khi bị bệnh ở giai đọan lúa non, lúa sẽ không trổ bông, năng suất giảm nghiêm trọng hoặc mất trắng.

- Rầy nâu chích hút cây lúa bệnh sau 5 - 10 phút là mang mầm bệnh trong cơ thể; và khoảng 10 ngày sau là có thể lan truyền vi rút gây bệnh sang cây lúa khỏe khác.

- Vi rút gây bệnh không truyền qua trứng rầy, đất, nước, không khí.

- Rầy nâu cánh dài mang vi rút phát tán đi rất xa nên phạm vi lây lan của bệnh rộng, rầy cánh ngắn mang vi rút lây lan bệnh trong phạm vi hẹp vì không thể di chuyển xa.

II. TÁC NHÂN, NHẬN DẠNG VÀ CÁCH LAN TRUYỀN CỦA BỆNH LÙN XOẮN LÁ HẠI LÚA

1. Tác nhân: Bệnh lùn xoắn lá do vi rút RRSV (Rice Ragged Stunt Virus) gây ra.

2. Nhận dạng

Trên chứng bệnh trên cây lúa biểu hiện như sau:

- Cây bị lùn, màu lá xanh đậm (Hình 7 và 8).

- Rìa lá bị rách và gợn sóng, dọc theo gân lá có bướu (Hình 9).

- Chóp lá bị biến dạng, xoăn tít lại (Hình  10).

- Lúa không trổ được, bị nghẹn đòng, hạt lép.

3. Cách lan truyền bệnh: Cách lan truyền bệnh như bệnh vàng lùn

III. QUY TRÌNH PHÒNG TRỪ TỔNG HỢP BỆNH VÀNG LÙN, LÙN XOẮN LÁ LÚA

1. Phòng bệnh

Bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá và bệnh lúa cỏ gây hại cây lúa cho đến nay là chưa có thuốc đặc trị; vì vậy biện pháp đầu tiên là phòng bệnh, bao gồm:

- Thực hiện triệt để các biện pháp phòng trừ rầy nâu như đã nêu ở phần trên.

- Áp dụng các biện pháp canh tác đồng bộ để tạo cây lúa khỏe nhất là giai đoạn trước trổ để gia tăng sức đề kháng của cây.

2. Tiêu hủy nguồn bệnh trên đồng ruộng, cụ thể như sau:

- Giai đọan lúa còn non (0-40 ngày sau gieo sạ): nếu ruộng lúa bị nhiễm bệnh nặng (trên 10% số khóm bị bệnh) thì phải tiêu hủy ngay bằng cách cày, trục cả ruộng để diệt mầm bệnh; trước khi cày vùi phải phun thuốc trừ rầy nâu để tránh phát tán truyền bệnh sang ruộng khác; nếu bị nhiễm nhẹ (rải rác, dưới 10% số khóm bị bệnh) thì phải nhổ bỏ cây bệnh và vùi xuống ruộng, không bỏ tràn lan trên bờ.

- Giai đọan lúa sau gieo sạ 40 ngày trở đi: thường xuyên thăm đồng và nhổ, vùi bỏ bụi lúa bệnh; đồng thời nếu phát hiện rầy cám có mật số trên 3 con/dảnh (tép) thì phải phun thuốc trừ rầy nâu theo hướng dẫn ở phần trên. Nếu ruộng lúa bị nhiễm bệnh quá nặng thì tiêu hủy bằng cách cày, trục cả ruộng; trước khi cày, trục phải phun thuốc trừ rầy nâu nếu có rầy trên lúa để tránh phát tán truyền bệnh sang ruộng khác.