Thống kê truy cập

3550241
Trong ngày
Trong tuần
Trong tháng
Tất cả
3079
28929
89886
3550241

Kết quả thực hiện một số mô hình phòng trừ tổng hợp sùng trắng hại cây trồng tại Đạ Hoai

Sùng trắng là ấu trùng của bọ hung, có 3 loại gây hại chủ yếu là bọ hung đen (Allissonotum impressicolle), bọ hung nâu (Holotrichia sinensis) và bọ hung xanh (Anomata sp).

Trong những năm gần đây sùng trắng xuất hiện và gây hại trên nhiều loại cây trồng tại Đạ Hoai và có chiều hướng gia tăng về mật số và gây hại mạnh.

Tại huyện Đạ Hoai chúng gây hại chủ yếu tại xã Đạ Mri, Đạ Tồn và Đạ Ploa. Sùng cắn phá rễ các loại cây mía, tiêu, khoai lang, sắn, ca cao…làm cây kém phát triển, cây hại nặng bị chết. Năm 2012 sùng xuất hiện trên diện tích 180 ha, mật số trung bình 5-10 con/m2, cục bộ có nơi 22 con/m2.

Để phòng trừ sùng trắng đạt hiệu quả, Trung tâm Nông nghiệp Đạ Hoai kết hợp với Chi cục BVTV Lâm Đồng đã thực hiện một số nội dung sau:

I.NỘI DUNG THỰC HIỆN

1.Chuyển đổi cây trồng: Chuyển đổi đất trồng mía bị sùng gây hại nặng sang trồng cây dâu tằm.

2.Thực hiện 03 mô hình “Phòng trừ tổng hợp sùng trắng gây hại cây trồng” bao gồm các biện pháp:

- Đặt bẫy thu gom sùng, trưởng thành đến để tiêu diệt.

+ Đặt bẫy đèn thu gom trưởng thành.

+ Đặt bẫy bằng phân chuồng tươi thu hút sùng tới kiếm thức ăn, trưởng thành đến đẻ trứng.

- Trồng cây dẫn dụ: Trồng xen khoai lang trong vườn dẫn dụ sùng đến để tiêu diệt.

- Trồng cây xua đuổi: Trồng cây quỳ dại xung quanh vườn để xua đuổi sùng.

-  Sử dụng thuốc BVTV để diệt sùng.

Mô hình thực hiện tại nơi có mật số sùng trắng cao thuộc xã Đạ Mri (01 mô hình) và xã Đạ Tồn (02 mô hình), mỗi mô hình 3 ha với 30 hộ tham gia.

II.KẾT QUẢ THỰC HIỆN

Để đánh giá kết quả đạt được, xây dựng quy trình phòng trừ tổng hợp sùng trắng hướng dẫn nông dân phòng trừ đạt hiệu quả. Ngày 13/9/2013 Trung tâm Nông nghiệp Đạ Hoai đã tổ chức tổng kết mô hình tại xã Đạ Mri, Đạ Tồn với sự tham gia của đại diện chi cục BVTV Lâm Đồng, phòng Nông nghiệp, phòng kinh tế hạ tầng, UBND xã, các hộ tham gia mô hình và một số bà con nông dân. Kết quả như sau:

1.Mô hình chuyển đổi cây trồng: Thực hiện từ tháng 12/2012 tại xã Đạ Tồn,  chuyển đổi 16,5 ha đất trồng mía bị sùng gây hại nặng (trung bình 22 com/m2) sang trồng dâu nuôi tằm, đến nay cây dâu sinh trưởng, phát triển tốt, mật độ sùng thấp dưới mức thống kê, ít gây hại cho cây dâu.

2.Biện pháp dùng bẫy đèn bắt trưởng thành: Mỗi mô hình đặt 4 bẫy, trưởng thành vào bẫy từ ngày 27/3 - 30/4/2013 trung bình 94 con/ bẫy (xã Đạ Tồn), 881 con/bẫy (xã Đạ Mri). Tổng số trưởng thành thu gom và tiêu diệt được tại 2 xã là 4.274 con, đã hạn chế được rất nhiều trưởng thành đẻ trứng và hạn chế được ấu trùng nở ra gây hại cây trồng.

3.Trồng khoai lang thu hút sùng tới tiêu diệt: Trồng vào cuối tháng 3/2013, mỗi hộ tham gia mô hình dành 100 m2 đất trồng khoai lang. Kết quả, khu vực trồng khoai lang trung bình 5 con/m2, khu vực không trồng khoai lang 2 con/m2. Bước đầu cho thấy việc trồng khoai lang đã thu hút sùng tới tập trung để dễ dàng cho việc thu gom tiêu diệt. Tuy nhiên, việc trồng khoai lang cần sớm hơn để thu hút được nhiều sùng vì tháng 3 sùng bắt đầu vũ hóa.

4. Bẫy sùng, trưởng thành bằng hố phân chuồng tươi: Mỗi hộ tham gia mô hình đào 1 hố. Mỗi tháng kiểm tra 1 lần, thu được trung bình 14,9con/hố (Đạ Tồn); 7,5 con/hố, cao nhất 45 con/hố (Đạ Mri). Việc đặt bẫy bằng hố phân chuồng tươi đã dẫn dụ được sùng tới tập trung dễ dàng cho việc thu gom tiêu diệt.

5.Sử dụng thuốc BVTV: Mỗi mô hình thực hiện 01 khảo nghiệm thuốc BVTV như: Regent 0.3GR, Vibasu 10GR, Tasodant 12 GR, chế phẩm Metarhizium anisopliae. Sau 2 lần xử lý (mỗi lần cách nhau 7 ngày) cho thấy các loại thuốc trên có thể phòng trừ sùng trắng (trước xử lý trung bình 5,7 con/m2, sau xử lý còn 0,33 con/m2), trong đó thuốc Vibasu 10GR có hiệu quả cao hơn, đến Tasodant 12 GR.

III.QUY TRÌNH TẠM THỜI PHÒNG TRỪ SÙNG TẠI ĐẠ HOAI

Sau khi nghe Trung tâm Nông nghiệp Đạ Hoai báo cáo kết quả thực hiện, ý kiến của các hộ tham gia mô hình và kinh nghiệm của nông dân. Trung tâm Nông nghiệp Đạ Hoai đã xây dựng quy trình tạm thời phòng trừ sùng trắng tại Đạ Hoai gồm các biện pháp:

1.Biện pháp canh tác:

- Luân canh cây trồng: Những diện tích bị sùng gây hại nặng cần thực hiện luân canh với cây trồng khác (như cây dâu tằm).

- Cày, cuốc, xới phơi ải, sạch cỏ dại trước khi trồng.

- Đào rãnh sâu, phân lô để hạn chế sùng di chuyển sang nơi khác.

- Tuyệt đối không sử dụng phân trâu, bò tươi để bón cho cây vì đây là điều kiện dẫn dụ sùng đến gây hại, trưởng thành đến đẻ trứng.

2. Biện pháp vật lý, cơ giới:

Hàng năm, khi trưởng thành xuất hiện, lắp đặt bẫy đèn ngay (đầu tháng 3-4). Dùng cuốc đào bới, thu gom sùng tiêu diệt.

3.Biện pháp sinh học:

- Có thể sử dụng chế phẩm Metarhizium anisopliae var anisopliae (Vimetarzimm 95DP, Metament 90 DP).

- Không dùng thuốc diệt cỏ tiêu diệt trắng thảm thực vật để duy trì cân bằng hệ sinh vật đất, giữ nguồn thức ăn cho sùng trắng, giảm áp lực sùng gây hại trên cây trồng chính.

- Bẫy dẫn dụ, xua đuổi sùng, trưởng thành: Trồng cây cúc quỳ xung quanh vườn xua đuổi sùng trắng. Trồng khoai lang dẫn dụ sùng đến tiêu diệt. Bẫy hố phân chuồng tươi dẫn dụ sùng, trưởng thành đến tiêu diệt.

4.Biện pháp hóa học:

Xử lý khi sùng ở tuổi 1-2. Có thể tham khảo sử dụng thuốc Fipronil (Regent 0.3GR), Diazinon (Vibasu 10GR), Chlorpyrifos Ethyl + Permethrin (Tasodant 12 GR).

IV.CÁC BIỆN PHÁP CẦN TIẾP TỤC, NGHIÊN CỨU, THỰC HIỆN TRONG THỜI GIAN TỚI

- Áp dụng quy trình tạm thời như trên để phòng trừ sùng trắng.

- Sử dụng bẫy đèn đơn giản (từ đầu tháng 3).

- Bẫy cây trồng dẫn dụ sùng tới tiêu diệt bằng cây khoai lang cần thực hiện sớm từ tháng 1-2.

- Trồng cây xua đuổi bằng cây cúc quỳ xung quanh vườn, theo dõi và đánh giá khả năng xua đuổi sùng của cây cúc quỳ trong năm 2014.

Có thể làm Bẫy đèn đơn giản như sau:

Khung bẫy làm bằng cây (tre, lồ ô…), kích thước dài 2m, rộng 1 m, bao xung quanh bằng nylon trắng. Hố chứa nước để chứa trưởng thành dài 2m, rộng 1m, sâu 0,3-0,5m trải lớp nylon trắng dưới mặt hố (nước trong hố có pha thêm nhớt). Khoảng cách từ hố đến bẫy đèn 0-5-0,6m. Bóng đèn chữ U, sử dụng điện thắp sáng 220 V.

Phòng Kỹ thuật