Kết quả mô hình xử lý ra hoa, đậu quả trên cây điều tại Lâm Đồng năm 2013
- Được viết: 13-05-2013 15:26
Tại Lâm Đồng diện tích trồng điều năm 2010 toàn tỉnh có 15.782,5 ha, đến năm 2011 diện tích trồng điều giảm xuống còn 15.678,7 ha với sản lượng còn thấp 7.400 – 7.930 tấn/năm. Có nhiều nguyên nhân làm giảm diện tích trồng điều, trong đó việc ra hoa, đậu quả thấp đã ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, sản lượng điều. Do đó một số hộ nông dân đã chuyển đổi sang cây trồng khác thay thế cây điều.
Do vậy, để góp phần nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng điều, từ tháng 11 năm 2012 đến tháng 4 năm 2013 Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng thực hiện mô hình xử lý ra hoa, đậu quả trên cây điều tại thị trấn Madaguoi, huyện Đạ Huoai với quy mô 01 ha.
Các biện pháp kỹ thuật áp dụng cho mô hình gồm:
- Xử lý phân bón qua lá Growmore 6-30-30 (1,0 kg/ha) ở thời điểm cuối tháng 11; lượng nước phun 800 lít/ha, phun ướt đều tán cây, phun bằng máy phun cao áp.
- Xử lý thuốc kích thích sinh trưởng lần 1 bằng sản phẩm Super sieu 16 SL (Gibberellic acid 1% + 5% N + 5% P2O5 + 5% K2O + Vi lượng) ở thời điểm đầu tháng 12, liều lượng 0,5 lít/ha, lượng nước phun 800 lít/ha, phun ướt đều toàn bộ tán cây, phun bằng máy phun cao áp.
- Khi chồi hoa vừa nhú được 10 cm (ở thời điểm giữa tháng 12) sử dụng phân bón lá Kali Bo, liều lượng 0,2 lít/ha, lượng nước phun 800 lít/ha, phun ướt đều chồi hoa, phun nhẹ bằng máy phun cao áp.
- Giai đoạn cành hoa có khoảng 5% hoa nở (cuối tháng 12) tiếp tục xử lý lần 2 thuốc kích thích sinh trưởng Super sieu 16 SL (0,5 lít/ha); liều lượng 0,5 lít/ha, lượng nước phun 800 lít/ha, phun ướt đều toàn bộ tán cây, phun nhẹ bằng máy phun cao áp.
Ngoài ra mô hình phòng trừ bệnh thán thư bằng các sản phẩm Tungvil 5SC (0,5 lít/ha) và Score 250EC (0,05 lít/ha); phòng trừ bọ xít muỗi bằng các sản phẩm Tungcydan 60 EC, Motox 5EC (0,5 lít/ha).
Kết quả mô hình có số lượng hoa nở cao hơn so với vườn nông dân 13,19%. Tỷ lệ đậu quả ở vườn mô hình từ 43,26 – 50%; vườn nông dân 10,65 – 35,40%. Mô hình cho năng suất thực thu 12,35 tạ/ha còn vườn nông dân chỉ đạt 9,00 tạ/ha. Hiệu quả kinh tế vườn mô hình lãi 19.657.500 đồng/ha, trong khi đó vườn nông dân chỉ lãi 13.866.000 đồng/ha, vườn mô hình lợi nhuận cao hơn vườn nông dân 5.791.500 đồng/ha.
Ngày 26 tháng 4 năm 2013, Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng phối hợp với Trung tâm Nông nghiệp Đạ Huoai tổ chức hội thảo mô hình cho 50 đại biểu tham dự. Kết quả mô hình được nông dân đánh giá cao, dễ áp dụng quy trình xử lý ra hoa, đậu quả trên cây điều. Đây là cơ sở để Chi cục BVTV và Trung tâm nông nghiệp các huyện khuyến cáo cho nông dân sản xuất điều áp dụng rộng rãi.
Nguyễn Văn Danh
Các tin khác
- Kết quả thực hiện một số mô hình phòng trừ tổng hợp sùng trắng hại cây trồng tại Đạ Hoai - 19/09/2013
- Kết quả khảo nghiệm phòng trừ dịch hại chưa có thuốc Bảo vệ thực vật đăng ký trong danh mục năm 2019 - 26/03/2020
- Kết quả mô hình phòng trừ tổng hợp bệnh héo đen đầu lá hại cao su - 22/05/2013
- Kết quả mô hình phòng trừ tổng hợp bệnh phấn trắng hại cao su - 20/06/2012
- Kết quả mô hình phòng trừ tổng hợp bệnh loét sọc mặt cạo hại cao su - 27/10/2013
- Kết quả đề tài Nghiên cứu biện pháp quản lý tổng hợp phòng trừ rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá gây hại lúa tại Lâm Đồng - 03/01/2014