Thống kê truy cập

3503897
Trong ngày
Trong tuần
Trong tháng
Tất cả
2272
7490
43542
3503897

Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

Lâm Đồng là tỉnh đi đầu trong cả nước về phát triển Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đến hết năm 2020 đạt 60.288 ha, chiếm 20,1% diện tích canh tác; giá trị ước đạt trên 40% giá trị sản xuất ngành trồng trọt; giá trị sản xuất bình quân đơn vị diện tích canh tác CNC đạt 400 triệu đồng/ha (giá trị sản xuất bình quân trên đơn vị diện tích canh tác chung toàn tỉnh đạt 180 triệu đồng/ha/năm), nhiều mô hình áp dụng đồng bộ các giải pháp công nghệ IoT đạt hiệu quả cao với doanh thu đạt trên 03 tỷ đồng/ha/năm. Để đạt được những thành công như trên, ngoài vai trò lãnh chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cơ quan ban ngành thì các Doanh nghiệp đóng một vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển của Nông nghiệp ứng dụng CNC trên địa bàn tỉnh. Tính đến nay, toàn tỉnh có 13 doanh nghiệp được chứng nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó:

- Từ năm 2011-2017, 08 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp Giấy chứng nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (theo Quyết định số 69/2010/QĐ-TTg ngày 03/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ Quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thẩm quyền công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), gồm: Công ty CP CNSH Rừng hoa Đà Lạt; Công ty TNHH Đà Lạt GAP; Công ty TNHH TM DV Trường Hoàng; Công ty Trang trại TNHH Langbiang; Công ty TNHH SX-TM-NS Phong Thúy; Công ty TNHH Hoa Mặt Trời; Công ty CP Long Đỉnh; Công ty TNHH Dalat Hasfarm. Tổng diện tích canh tác của 08 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 278,6ha/679,1ha sản xuất rau, hoa cao cấp; trong đó công ty Dalat Hasfarm 100% vốn nước ngoài đầu tư sản xuất 111 ha hoa công nghệ cao chủ yếu xuất khẩu chiếm 60%, còn lại tiêu thụ nội địa 40%. Các doanh nghiệp đã và đang liên kết với nông dân mở rộng quy mô sản xuất với diện tích 247,3 ha.

- Từ năm 2018-2020: theo Quyết định số 19/2018/QĐ-TTg ngày 19/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Lâm Đồng đã cấp quyết định công nhận 05 doanh nghiệp là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gồm: 04 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực trồng trọt (Công ty TNHH Du lịch canh nông Kiến Huy; Công ty TNHH Huỳnh Trung Quân; Công ty TNHH Sinh Học Sạch và Công ty TNHH Công Nghệ Sinh Học F1) với tổng quy mô sản xất 8,3 ha sản xuất cây giống bằng phương pháp nuôi cấy mô, sản xuất rau, dâu tây, phúc bồn tử và chế biến các sản phẩm từ dâu tây, phúc bồn tử ứng dụng công nghệ cao và 01 doanh nghiệp chăn nuôi bò sữa là Chi nhánh Công ty TNHH MTV Bò sữa Việt Nam – Trang trại bò sữa Vinamilk Đà Lạt, tổng diện tích 150 ha và quy mô 2.800 con bò sữa.

Tuy nhiên, đến nay toàn tỉnh còn 10 doanh nghiệp được chứng nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn hiệu lực chứng nhận (Giấy chứng nhận còn hiệu lực), 03 doanh nghiệp có Giấy chứng nhận Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC do Bộ Nông nghiệp và PTNT cấp đã hết hiệu lực, gồm: Công ty CP CNSH Rừng hoa Đà Lạt (địa chỉ 7A/1 Mai Anh Đào, phường 8, Đà Lạt), số GCN 2001.002, cấp ngày 12/12/2011, thời hạn 12/12/2016; Công ty TNHH Đà Lạt GAP (địa chỉ 54B Nguyên Tử Lực, Phường 8, Đà Lạt), số GCN 2012.002, cấp ngày 24/8/2012, thời hạn 24/8/2017; Công ty TNHH TM DV Trường Hoàng (địa chỉ 43/10 Lê Văn Tám, TT Liên Nghĩa, Đức Trọng), số GCN 2013.001, cấp ngày 24/9/2013, thời hạn 24/9/2018.

Để thúc đẩy sản xuất và nâng cao hiệu quả kinh tế các doanh nghiệp đã chủ động đầu tư nhập khẩu trang thiết bị, sản xuất thử nghiệm và ứng dụng công nghệ mới, hiện đại của các nước Isarel, Pháp, Hà Lan, các nước Châu Âu, Thái Lan, Nhật Bản, … vào thực tế sản xuất như: công nghệ nhà kính, nhà lưới; công nghệ sinh học; công nghệ giống; công nghệ tự động hóa gắn với nông nghiệp thông minh, công nghệ IoT trong canh tác cây trồng; công nghệ thu hoạch, phân loại sản phẩm, bảo quản và chế biến sau thu hoạch; công nghệ tự động hóa trong chăn nuôi, ... Với việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất giúp cây trồng sinh trưởng tối ưu, phát triển tốt cho năng suất và chất lượng cao, giảm thiểu lượng thuốc BVTV, phân bón trong canh tác cây trồng, giảm nhân công lao động cho các doanh nghiệp, canh tác nông nghiệp bền vững hơn và sản phẩm đầu ra đáp ứng được yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước.

Trong thời gian tới, với định hướng đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao theo hướng đồng bộ, ứng dụng công nghệ thông minh vào sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và tăng năng suất lao động, hướng tới phát triển toàn diện, bền vững và hiện đại thì vai trò của các doanh nghiệp là nòng cốt của ngành nông nghiệp.

Vy Thế Vũ

Các tin khác