Thông tư 71/2003/TT-BNN ngày 25/6/2003 Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 26/2003/NĐ-CP ngày 19/3/2003 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật
- Được viết: 15-07-2013 09:47
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 71/2003/TT-BNN |
Hà Nội, ngày 25 tháng 6 năm 2003 |
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 26/2003/NĐ-CP NGÀY 19/3/2003
CỦA CHÍNH PHỦ QUI ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH
TRONG LĨNH VỰC BẢO VỆ VÀ KIỂM DỊCH THỰC VẬT
Để hướng dẫn thực hiện đúng và có hiệu quả Nghị định số 26/2003/NĐ-CP ngày 19/3/2003 của Chính phủ Qui định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Nghị định này đã được đăng Công báo ngày 10/4/2003 và có hiệu lực từ ngày 25/4/2003. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn việc thực hiện như sau:
I. NHỮNG QUI ĐỊNH CHUNG
1. Phạm vi xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật được qui định tại Điều 1 của Nghị định, cần chú ý những điểm sau:
a) Hành vi bị xử phạt phải là những hành vi vi phạm được qui định tại Nghị định số 26/2003/NĐ-CP. Khi thanh tra, kiểm tra phát hiện vi phạm có một trong các dấu hiệu như: Trị giá (về số lượng, về tiền) hàng vi phạm lớn, tính chất vụ vi phạm phức tạp, tái phạm nhiều lần, gây hậu quả nghiêm trọng thì trước khi ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính cơ quan xử phạt phải trao đổi ý kiến với cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp.
b) Trong trường hợp cá nhân bị khởi tố, truy tố hoặc đã có quyết định đưa ra xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự nhưng sau đó lại có quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án, nếu hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật thì những vụ vi phạm này phải bị xử phạt vi phạm hành chính theo qui định của Nghị định số 26/2003/NĐ-CP.
2. Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính là cá nhân, tổ chức qui định tại Điều 2 của Nghị định được hiểu như sau:
a) Cá nhân gồm: Người Việt Nam, người nước ngoài, người không quốc tịch có đủ năng lực hành vi theo qui định của pháp luật Việt Nam.
b) Tổ chức gồm: cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.
3. Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính qui định tại Điều 3 của Nghị định, cần chú ý những điểm sau:
a) Trong trường hợp một người trong cùng một thời điểm có nhiều hành vi vi phạm hành chính thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm. Cụ thể như sau:
- Nếu các hành vi vi phạm này đều thuộc thẩm quyền xử phạt của một người thì ra một quyết định xử phạt chung, nhưng phải ghi rõ từng hành vi vi phạm, hình thức và mức xử phạt đối với từng hành vi;
- Nếu một trong các hành vi vi phạm có mức tiền phạt, trị giá tang vật phương tiện bị tịch thu hoặc một trong các hình thức xử phạt hoặc biện pháp khắc phục hậu quả không thuộc thẩm quyền hoặc vượt quá thẩm quyền của người xử phạt thì phải chuyển toàn bộ hồ sơ, tang vật lên cấp có thẩm quyền xử phạt.
b) Không xử phạt đối với người có hành vi vi phạm hành chính trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình được qui định tại Khoản 5, Điều 3 của Nghị định nếu được cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận.
c) Trong quá trình xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập và vận chuyển quá cảnh vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật nếu có hành vi vi phạm hành chính thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định này, cá nhân, tổ chức vi phạm còn buộc phải tiến hành kiểm dịch theo qui định và nộp đủ phí và lệ phí kiểm dịch thực vật theo qui định hiện hành.
II. CÁC HÌNH THỨC XỬ PHẠT VÀ CÁC BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ
1. Hình thức xử phạt chính:
a) Phạt cảnh cáo: chỉ áp dụng đối với hành vi vi phạm có qui định hình thức phạt cảnh cáo và chỉ áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính nhỏ, lần đầu, do lỗi vô ý, có tình tiết giảm nhẹ, chưa gây hậu quả và chưa đến mức cần phạt tiền.
b) Phạt tiền: Mức phạt tiền trong từng khung xử phạt được áp dụng như sau:
- Phạt tiền ở mức khởi điểm của khung xử phạt nếu vi phạm lần đầu, có tình tiết giảm nhẹ.
- Phạt tiền mức trung bình của khung xử phạt nếu có từ một đến hai tình tiết tăng nặng nhưng không phạm vào một trong các tình tiết:
+ Vi phạm có tổ chức;
+ Vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm;
+ Xúi giục, lôi kéo người chưa thành niên vi phạm, ép buộc người bị lệ thuộc vào mình về vật chất, tinh thần vi phạm.
Cách tính như sau:
Phạt tiền mức thấp nhất + Phạt tiền mức cao nhất
- Phạt tiền ở mức cao của khung xử phạt nếu có từ hai tình tiết tăng nặng trở lên hoặc vi phạm một trong ba tình tiết tăng nặng nói trên.
2. Hình thức xử phạt bổ sung: Khi áp dụng các hình thức này phải đảm bảo các yêu cầu sau:
- Chỉ được áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung đối với hành vi vi phạm khi trong Nghị định số 26/2003/NĐ-CP có qui định hình thức xử phạt bổ sung.
- Các hình thức xử phạt bổ sung không được áp dụng độc lập mà phải áp dụng kèm theo hình thức phạt chính.
- Khi áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung phải triệt để tuân theo những thủ tục mà pháp luật qui định.
a) Tước quyền sử dụng giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật mới, giấy chứng chỉ hành nghề sản xuất, gia công, sang chai, đóng gói, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, chứng chỉ hành nghề xông hơi khử trùng: Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà quyết định thời hạn cụ thể tước quyền sử dụng các loại giấy này.
b) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính: Chỉ được tịch thu các tang vật, phương tiện mà pháp luật cho phép tịch thu. Không áp dụng tịch thu trong trường hợp tang vật, phương tiện bị cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính chiếm đoạt, sử dụng trái phép mà phải trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý, người sử dụng hợp pháp trừ trường hợp tang vật là hàng giả không có giá trị sử dụng, vật phẩm gây hại cho sức khoẻ con người, vật nuôi, cây trồng thì sẽ bị buộc tiêu huỷ.
Việc xử lý tang vật, phương tiện bị tịch thu: thực hiện theo qui định tại Điều 61 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002.
3. Các biện pháp khắc phục hậu quả: Khi áp dụng các hình thức này cũng phải đảm bảo các yêu cầu như các yêu cầu khi áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung.
Ngoài ra, trong trường hợp không ra quyết định xử phạt thì người có thẩm quyền vẫn có thể ra quyết định áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả được qui định tại Khoản 3, Điều 7 của Nghị định số 26/2003/NĐ-CP và tịch thu tang vật vi phạm hành chính thuộc loại cấm lưu hành.
a) Khi áp dụng các biện pháp buộc tiêu huỷ cần chú ý:
- Đối với vật thể bị nhiễm sinh vật gây hại thuộc đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt nam hoặc nhiễm sinh vật gây hại lạ mà những sinh vật gây hại này không có khả năng bao vây tiêu diệt được tại Việt nam, khi tiêu huỷ phải có sự giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ và kiểm dịch thực vật và Hải quan hoặc chính quyền địa phương.
- Đối với thuốc, nguyên liệu thuốc và bao bì thuốc bảo vệ thực vật khi tiêu huỷ phải thực hiện theo qui định tại Điều 22 Điều lệ quản lý thuốc bảo vệ thực vật ban hành kèm theo Nghị định số 58/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ và Quyết định số 145/2002/QĐ-BNN ngày 18/12/2002 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
b) Khi có hành vi vi phạm hành chính mà phải áp dụng biện pháp buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất thì phải chuyển hồ sơ sang cơ quan có thẩm quyền xử lý theo qui định tại Điều 22 của Nghị định số 26/2003/NĐ-CP.
III. THẨM QUYỀN XỬ PHẠT
1. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật của Thanh tra chuyên ngành được qui định cụ thể tại Điều 19 của Nghị định số 26/2003/NĐ-CP.
2. Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND các cấp
a) Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND cấp xã, huyện, thị thực hiện theo Khoản 1, 2 Điều 20 của Nghị định số 26/2003/NĐ-CP. Các Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Trạm bảo vệ thực vật huyện trực thuộc Chi cục có trách nhiệm giúp UBND xã, huyện, thị thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này theo đúng qui định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính và hướng dẫn các mẫu biểu xử phạt vi phạm hành chính được ban hành theo Quyết định số 61/2003/ QĐ-BNN ngày 7/5/2003 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
b) Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND cấp tỉnh thực hiện theo Khoản 3, Điều 20 của Nghị định số 26/2003/NĐ-CP. Những vụ vi phạm hành chính do Chi cục Bảo vệ thực vật phát hiện, lập biên bản mà vượt quá thẩm quyền xử phạt của Chánh thanh tra Chi cục Bảo vệ thực vật thì Chi cục làm thủ tục chuyển hồ sơ đến UBND cấp tỉnh để Chủ tịch UBND cấp tỉnh xem xét và ký quyết định xử phạt.
3. Xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính:
a) Thẩm quyền phạt tiền được xác định căn cứ vào mức độ tối đa của khung tiền phạt qui định cho mỗi hành vi vi phạm hành chính.
b) Thẩm quyền áp dụng hình thức tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải căn cứ vào giá trị thực tế của tang vật, phương tiện để xác định thẩm quyền.
c) Trong trường hợp mức tiền phạt, trị giá tang vật phương tiện bị tịch thu hoặc một trong các hình thức xử phạt hoặc biện pháp khắc phục hậu quả không thuộc thẩm quyền hoặc vượt quá thẩm quyền thì người đang thụ lý vụ vi phạm phải chuyển vụ vi phạm đó đến người có thẩm quyền xử phạt.
IV. THỦ TỤC XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH
1. Thủ tục, trình tự xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật thực hiện theo qui định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và Nghị định của Chính phủ qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.
2. Chế độ quản lý, thu và sử dụng tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật được thực hiện theo Thông tư số 52-TC/CSTC ngày 12/9/1996 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc thu và sử dụng tiền xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính, Thông tư số 9/1998/TT/BTC ngày 20/1/1998 của Bộ tài chính hướng dẫn chế độ quản lý sử dụng tiền thu từ chống buôn lậu và Thông tư số 47/1998/TT-BTC ngày 9/4/1998 của Bộ Tài chính hướng dẫn sửa đổi, bổ sung nội dung điểm 3-a mục III của Thông tư số 09/1998/TT-BTC ngày 20/1/1998 hướng dẫn quản lý, sử dụng tiền thu từ chống buôn lậu, Thông tư số 93/2000/TT-BTC ngày 15/9/2000 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí trong công tác chống hàng giả.
Chế độ sử dụng biên lai thu tiền phạt, quản lý và sử dụng tiền nộp phạt vi phạm hành chính sẽ do Chính phủ ban hành Nghị định qui định.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra các Chi cục Bảo vệ thực vật trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật theo đúng qui định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Nghị định số 26/2003/NĐ-CP và Thông tư này, tổng hợp tình hình và báo cáo Bộ theo qui định.
2. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm giúp UBND cấp tỉnh trong việc tổ chức chỉ đạo thực hiện Nghị định số 26/2003/NĐ-CP và Thông tư này; theo dõi, tổng hợp tình hình kiểm tra, thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính của thanh tra chuyên ngành Bảo vệ và kiểm dịch thực vật để báo cáo UBND cấp tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn .
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc kịp thời đề xuất với Bộ để nghiên cứu hướng dẫn, bổ sung.
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo và thay thế Thông tư số 07/NN-BVTV/TT ngày 20 tháng 8 năm 1997 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
|
Lê Huy Ngọ (Đã ký) |
Các tin khác
- Thông tư 13/2011/TT-BNNPTNT ngày 16/3/2011 Hướng dẫn việc Kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu - 23/07/2013
- Quyết định 89/2002/QĐ-BNN ngày 08/10/2002 Ban hành Quy định về Kiểm dịch thực vật đối với giống cây và sinh vật có ích nhập khẩu - 23/07/2013
- Thông tư 39/2012/TT-BNNPTNT ngày 13/8/2012 Ban hành danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu vào Việt Nam - 23/07/2013
- Thông tư 34/2013/TT-BNNPTNT ngày 24/6/2013 Hướng dẫn về bộ phận tham mưu, tiêu chuẩn, trang phục, thẻ của người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn - 23/07/2013
- Quyết định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT số 115/2003/QĐ-BNN ngày 15/10/2003 về việc Ban hành tiêu chuẩn ngành Kiểm dịch thực vật - 23/07/2013
- Thông Tư Ban hành Danh mục loài cây trồng chính - 20/11/2019
- Danh mục động vật, thực vật hoang dã quy định trong cách phụ lục I, II và III công ước CITES (Ban hành theo quyết định 54/2006/QĐ-BNN ngày 05/7/2006 - 23/07/2013
- Thông tư 65/2012/TT-BNNPTNT ngày 26/12/2012 Quy định về trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật - 23/07/2013
- Thông tư Liên tịch 17/2003/TTLT/BTC-BNN&PTNT-BTS Hướng dẫn việc kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện kiểm dịch động vật, kiểm dịch thực vật, kiểm dịch thủy sản - 23/07/2013
- Thông tư 88/2007/TT-BNN ngày 01/11/2007 Hướng dẫn thực hiện công tác kiểm dịch thực vật nội địa - 23/07/2013
- Thông Tư Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng phân bón - 20/11/2019
- Thông tư liên bộ 92-TT/LB Hướng dẫn thực hiện chế độ trang phục đối với viên chức kiểm dịch thực vật, động vật và thanh tra viên chuyên ngành bảo vệ thực vật và thanh tra thú y - 23/07/2013
- Quyết định 89/2007/QĐ-BNN ngày 01/11/2007 Ban hành quy định Quản lý nhà nước về hoạt động xông hơi khử trùng vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật - 23/07/2013
- Thông tư 71/2010/TT-BNNPTNT ngày 10/12/2010 Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Kiểm dịch và Bảo vệ thực vật - 23/07/2013
- Quyết định 58/2007/QĐ-BNN ngày 15/6/2007 Ban hành quy định về trang phục, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu, thẻ kiểm dịch thực vật và chế độ cấp phát, sử dụng đối với cán bộ công chức, viên chức kiểm dịch thực vật - 23/07/2013
- Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chứng nhận - 13/02/2019
- Quyết định 73/2005/QĐ-BNN ngày 14/11/2005 về việc ban hành danh mục đối tượng kiểm dịch thực vật Việt Nam - 21/06/2013
- Quyết định 48/2007/QĐ-BNN ngày 29/5/2007 Ban hành Quy định về thủ tục cấp giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu đối với các vật thể phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhậu khẩu vào Việt Nam - 23/07/2013
- Thông tư 223/2012/TT-BTC ngày 24/12/2012 của Bộ Tài chính Quy định chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực bảo vệ thực vật - 15/07/2013
- Quyết định về việc đính chính thời gian có hiệu lực thi hành của Thông tư số 26/2019/TT-BNNPTNT quy định về lưu mẫu giống cây trồng; kiểm định ruộng giống, lấy mẫu vật liệu nhân giống cây trồng; kiểm tra nhà nước về chất lượng giống cây trồng nhập khẩu - 22/04/2020