Thống kê truy cập

4351615
Trong ngày
Trong tuần
Trong tháng
Tất cả
1368
1368
59208
4351615

Quyết định 89/2002/QĐ-BNN ngày 08/10/2002 Ban hành Quy định về Kiểm dịch thực vật đối với giống cây và sinh vật có ích nhập khẩu

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

 

Số: 89/2002/QĐ-BNN

 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

----- o0o -----

Hà Nội , Ngày 08 tháng 10 năm 2002

 


 

 

 

QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Ban hành Quy định về kiểm dịch thực vật đối với giống cây

 và sinh vật có ích nhập khẩu.

 

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 73/CP ngày 01 tháng 11 năm 1995 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Nghị định số 58/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Bảo vệ và kiểm dịch thực vật;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật và Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và chất lượng sản phẩm,

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành theo Quyết định này Quy định về kiểm dịch thực vật đối với giống cây và sinh vật có ích nhập khẩu.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và chất lượng sản phẩm, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

 

QUY ĐỊNH

Về kiểm dịch thực vật đối với giống cây và sinh vật có ích nhập khẩu

(ban hành theo Quyết định số 89/2002/QĐ-BNN

 ngày 08/10/2002 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng.

1. Quy định này áp dụng trong lĩnh vực kiểm dịch thực vật trên phạm vi toàn quốc.

2. Quy định này áp dụng đối với vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật là giống cây trồng và sinh vật có ích nhập khẩu.

Điều 2. Giải thích thuật ngữ.

Trong Quy định này các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Giống cây:bao gồm hạt, củ, cây, bộ phận của cây, các sinh chất khác (mô tế bào, phôi, tế bào) được dùng làm giống.

2. Giống cây được phép nhập khẩu:là giống cây thuộc Danh mục được phép nhập khẩu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định.

3. Giống cây trồng mới, lần đầu tiên nhập khẩu: là giống cây không có trong Danh mục được phép nhập khẩu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định và lần đầu tiên nhập khẩu vào Việt Nam.

4. Sinh vật có ích:bao gồm nấm, côn trùng, động vật và các sinh vật khác có tác dụng tốt đối với cây trồng hoặc hạn chế tác hại của sinh vật gây hại đối với tài nguyên thực vật.

Điều 3. Quy định kiểm dịch thực vật đối với giống cây và sinh vật có ích trước khi nhập khẩu.

1. Đối với giống cây được phép nhập khẩu.

Tổ chức, cá nhân nhập khẩu giống cây phải khai báo trước với Cục Bảo vệ thực vật ít nhất 10 ngày.

2. Đối với giống cây trống mới, lần đầu tiên nhập khẩu.

a) Tổ chức, cá nhân nhập khẩu giống cây phải nộp: công văn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc công văn được Bộ ủy quyền cho phép nhập khẩu; tên khoa học của giống; lý lịch giống; xuất xứ giống, thành phần sâu bệnh trên giống; kế hoạch sử dụng giống; địa điểm khảo nghiệm và các giấy tờ liên quan khác (nếu có) cho Cục Bảo vệ thực vật trước ít nhất 10 ngày.

b) Cục Bảo vệ thực vật quy định địa điểm gieo trồng để theo dõi dịch hại và thông báo cho chủ vật thể, cơ quan kiểm dịch thực vật cửa khẩu nhập trước ít nhất 5 ngày.

3. Đối với sinh vật có ích nhập khẩu.

a) Tổ chức, cá nhân nhập khẩu sinh vật có ích phải nộp công văn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc công văn được Bộ ủy quyền cho phép nhập khẩu, các thông tin về phân bố địa lý đặc điểm sinh học, sinh thái, mục đích sử dụng, địa điểm nhận nuôi và các giấy tờ liên quan khác (nếu có) cho Cục Bảo vệ thực vật trước ít nhất 10 ngày.

b) Cục Bảo vệ thực vật thông báo cho chủ vật thể, cơ quan kiểm dịch thực vật cửa khẩu nhập về việc nhập sinh vật có ích trên trước ít nhất 5 ngày.

Điều 4. Quy định kiểm dịch thực vật đối với giống cây và sinh vật có ích tại cửa khẩu.

1. Kiểm tra hồ sơ.

Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu;

Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật của nước xuất khẩu;

Các giấy tờ liên quan khác (nếu có);

Giấy đăng ký kiểm dịch thực vật (theo mẫu tại Quyết định số 82/2002/QĐ-BNN).

2. Kiểm tra, lấy mẫu.

a) Phương pháp:

Đối với giống cây trồng là củ, quả: Thực hiện theo tiêu chuẩn nhân số 10 TCN 336 - 98: Kiểm dịch thực vật - Phương pháp kiểm tra củ, quả xuất, nhập khẩu và quá cảnh.

Đối với giống cây trồng là hạt: Thực hiện theo tiêu chuẩn ngành số 10 TCN 337 - 98: Kiểm dịch thực vật - Phương pháp kiểm tra các loại hạt xuất, nhập khẩu và quá cảnh.

Đối với giống cây trồng là cây, cành, chồi: Thực hiện theo tiêu chuẩn ngành số 10 TCN 338 - 98: Kiểm dịch thực vật - Phương pháp kiểm tra cây xuất, nhập khẩu và quá cảnh.

b) Xử lý mẫu:

Mẫu giống cây được phép nhập khẩu sau khi phân tích giám định thành phần sinh vật gây hại phải được lưu một phần tại cửa khẩu, phần còn lại gửi về trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu để gieo trồng trong khu cách ly kiểm dịch thực vật. Toàn bộ lô vật thể được đưa về địa điểm gieo trồng đã đăng ký.

Mẫu giống cây trồng mới, lần đầu tiên nhập khẩu sau khi phân tích giám định thành phần sinh vật gây hại, phải gửi về Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu để gieo trồng trong khu cách ly kiểm dịch thực vật. Toàn bộ lô vật thể được đưa về địa điểm theo quy định của Cục Bảo vệ thực vật.

Đối với các sinh chất khác:

Kiểm tra tại cửa khẩu toàn bộ 100% lô vật thể.

Không phải lấy mẫu tại cửa khẩu. Toàn bộ lô vật thể được đưa về địa điểm đã quy định.

Đối với sinh vật có ích:

Kiểm tra tại cửa khẩu toàn bộ 100% lô vật thể Không phải lấy mẫu. Toàn bộ lô vật thể được đưa về địa điểm nhận nuôi đã quy định.

3. Hoàn tất thủ tục.

a) Sau khi kiểm tra, phân tích giám định, nếu giống cây đủ điều kiện nhập khẩu thì cơ quan kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nhập khẩu, quá cảnh và vận chuyển nội địa (theo Mẫu số 10 của Quyết định số 118/2000/QĐ-BNN-BVTV ngày 20 tháng 11 năm 2000 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

b) Gửi thông báo kiểm dịch thực vật: Sau khi cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nhập khẩu, quá cảnh và vận chuyển nội địa, cơ quan kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu phải gửi thông báo kiểm dịch thực vật:

Đối với giống cây được phép nhập khẩu: Gửi cho Cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh nơi gieo trồng các giống cây đó.

Đối với giống cây mới, lần đầu tiên nhập khẩu: Gửi cho Cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu, Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng phụ trách, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh nơi có địa điểm quy định gieo trồng các giống cây đó.

Đối với sinh vật có ích: Gửi cho Cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu để theo dõi, giám sát trong quá trình nhân nuôi các sinh vật có ích.

4. Phí kiểm dịch thực vật đối với giống cây trồng và sinh vật có ích nhập khẩu thực hiện theo quy định hiện hành.

 

Điều 5. Quy định kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu đối với giống cây trồng và sinh vật có ích.

1. Đối với giống cây được phép nhập khẩu.

Theo dõi bệnh ẩn trong điều kiện cách ly.

Theo dõi tình hình sinh vật gây hại nơi gieo trồng.

2. Đối với giống mới, lần đầu tiên nhập khẩu:

Theo dõi bệnh ẩn trong điều kiện cách ly.

Theo dõi sinh vật hại sau nhập khẩu tại địa điểm cách ly đã quy định.

Sau thời gian theo dõi cơ quan kiểm dịch thực vật phải trả lời kết quả giống đó có được đưa ra sản xuất hay không.

3. Đối với sinh vật có ích.

Theo dõi tình hình phát triển của sinh vật có ích tại cơ sở nhận nuôi đã quy định;

Đánh giá tác dụng và phổ ký chủ;

Sau thời gian theo dõi (quy định tại Điều 6) cơ quan kiểm dịch thực vật phải trả lời kết quả sinh vật đó có được đưa ra diện rộng hay không.

Điều 6. Quy định thời gian theo dõi sinh vật gây hại đối với giống các nhóm cây trồng mới, lần đầu tiên nhập khẩu và sinh vật có ích nhập khẩu.

STT

Nhóm cây, sinh vật theo dõi

Thời gian theo dõi

1

Hạt cây ăn quả lâu năm

1 đến 2 năm

2

Gốc ghép, cành ghép cây ăn quả

1 đến 2 năm

3

Cây lâm nghiệp

1 đến 2 năm

4

Cây công nghiệp, dược liệu ngắn ngày

3 đến 6 tháng

5

Cây công nghiệp, dược liệu lâu năm

1 đến 2 năm

6

Cây lương thực

6 tháng

7

Cây rau màu

3 tháng

8

Cây thân củ

1 chu kỳ sinh trưởng

9

Cây hoa, cây cảnh

6 đến 12 tháng

10

Cây cỏ, cây phủ đất

6 tháng

11

Sinh chất khác

3 tháng

12

Sinh vật có ích

1 năm

Điều 7. Điều khoản thi hành.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc vấn đề mới phát sinh, các tổ chức, cá nhân kịp thời phản ảnh về Cục Bảo vệ thực vật để tổng hợp, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải quyết, sửa đổi, bổ sung Quy định cho phù hợp./.

 

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG  

THỨ TRƯỞNG  

(Đã ký)

 

 

 

 

 

Bùi Bá Bổng  

 

 

Các tin khác