Thống kê truy cập

4541129
Trong ngày
Trong tuần
Trong tháng
Tất cả
1183
8721
36088
4541129

Sâu bệnh hại hoa hồng

 MỘT SỐ SÂU BỆNH HẠI CHÍNH TRÊN CÂY

HOA HỒNG VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ TẠI LÂM ĐỒNG

Download

I. SÂU HẠI

1. Rệp (Toxoptera auranti)

1.1. Đặc điểm hình thái:

Rệp trưởng thành dài 3-4mm, nhìn chung có màu xanh nhạt, có khi màu đỏ vàng xám.

1.2. Tập quán sinh sống và gây hại:

Rệp thường tập trung ở đọt non và nụ, một số ít hại lá. Lá, đọt non và nụ bị hại thường tiết ra mật dễ phát sinh bệnh muội đen.

 Trời ấm và khô rệp hoạt động mạnh, khi có nước thì hạn chế. Nhiệt độ không khí 200C độ ẩm 70 – 80% rệp sinh sản rất nhanh.

1.3. Biện pháp phòng trừ:

- Bón phân cân đối, hạn chế bón nhiều đạm.

- Tưới nước giữ ẩm cho cây.

- Có thể áp dụng biện pháp tưới phun mưa với áp lực cao để rửa trôi rệp.

- Hiện chưa có thuốc BVTV đăng ký trong danh mục để phòng trừ rệp hại hoa hồng. Có thể tham khảo sử dụng một số hoạt chất: Imidacloprid, Thiamethoxam, Buprofezin để phòng trừ.

2. Bọ phấn (Bemisia tabaci)

2.1. Đặc điểm hình thái:

- Trưởng thành: toàn thân phủ một lớp phấn trắng.

- Trứng: Hình bầu dục có cuống, vỏ mỏng, mới đẻ trong suốt, sau chuyển sang màu vàng sáp trong - màu nâu xám. Khi đẻ trứng được cắm vào lá và xếp dựng đứng.

- Sâu non: Màu vàng nhạt, hình ovan. Mới nở có chân và bò dưới mặt lá. Sâu non có 3 tuổi, ở những tuổi đầu thường sống tập trung trên các lá non nhưng khi đẫy sức thường tập trung ở các lá già. Con non chưa có phấn bao phủ.

- Nhộng giả: Màu sáng, hình bầu dục.

2.2. Tập quán sinh sống và gây hại:

- Bọ phấn chích hút nhựa ở những bộ phận non. Trưởng thành gây hại thường để lại một lớp bụi phấn màu trắng, sau khi gây hại chúng thường tiết ra dịch ngọt là môi trường cho nấm muội đen phát triển. Bọ phấn thường gây hại mạnh vào mùa khô.

- Trưởng thành hoạt động linh hoạt, có khả năng bay cao khoảng 0,5m và bay xa có thể từ 2-7km. Không thích ánh sáng trực xạ, nắng to hoặc mưa thường nấp vào dưới lá gần mặt đất và những nơi rậm rạp.

- Bọ phấn giao phối mạnh nhất lúc 5-6 giờ sáng và 4-5 giờ chiều.

- Trứng được đẻ rải rác từng quả hoặc từng ổ 4-5 quả, tập trung ở lá bánh tẻ. Một con đẻ từ 50-85 quả trứng. Trứng nở sau khoảng 7-10 ngày.

2.3. Biện pháp phòng trừ:

- Thường xuyên vệ sinh đồng ruộng, ngắt bỏ lá già, các bộ phận bị hại và tiêu hủy.

- Dùng bẫy dính màu vàng để dẫn dụ và tiêu diệt bọ phấn.

- Tiêu huỷ triệt để tàn dư cây trồng.

- Không trồng liên tục các loại cây mẫn cảm với bọ phấn.

- Sử dụng loại thuốc sau để phòng trừ: Dinotefuran (Oshin 100 SL)

3. Bọ trĩ (Thrips palmi)

3.1. Đặc điểm hình thái:

- Trưởng thành rất nhỏ, màu vàng nhạt, đuôi nhọn, cánh dài và mảnh, xung quanh cánh có nhiều lông tơ. Sâu non không cánh, hình dạng giống trưởng thành, màu xanh vàng nhạt.

3.2. Tập quán sinh sống và gây hại:

- Trưởng thành bò nhanh, linh họat, đẻ trứng trong mô lá non. Trưởng thành và sâu non thường sống tập trung mặt dưới lá và bò sang các cánh hoa.

- Bọ trĩ chích hút nhựa ở lá non, chồi non và nụ hoa làm lá vàng, màu hoa nhạt, lá non và cánh hoa biến dạng xoăn lại, cây sinh trưởng kém. Tại vết chích có những đốm tròn trong như giọt dầu, ở giữa có một chấm vàng, lúc đầu vàng trắng sau biến thành nâu đen.

- Bọ trĩ phát triển mạnh trong điều kiện khô và nóng.

- Vòng đời ngắn, trung bình 12-15 ngày, sức sinh sản mạnh và có khả năng kháng thuốc cao.

3.3. Biện pháp phòng trừ:

- Chăm sóc cho cây sinh trưởng tốt để hạn chế tác hại của bọ trĩ

- Bọ trĩ là loài côn trùng có khả năng quen thuốc cao, vì vậy cần luân phiên thay đổi khi sử dụng thuốc BVTV.

- Sử dụng các loại thuốc sau để phòng trừ:

+ Emamectin benzoate (Susupes 1.9 EC)

+ Spinetoram (Radiant 60SC).

+ Imidacloprid + Pyridaben (Hapmisu 20 EC)

4. Nhện đỏ (Tetranychus urticae)

4.1. Đặc điểm hình thái:

- Nhện đỏ rất nhỏ, nhện non màu vàng cam.

- Trưởng thành: con cái mình tròn màu đỏ tươi ở phần bụng và đỏ sẫm ở phần hông. Hai bên lưng có nhiều đốm đen chạy dài từ ngực xuống cuối bụng. Con đực nhỏ hơn, mình hình bầu dục, hơi nhọn lại ở đuôi, hai đốt cuối màu đỏ chói. 

- Nhện có 4 cặp chân dài màu vàng nhạt, chiều dài của nhện cái là 0.2mm.

4.2. Tập quán sinh sống và gây hại:

- Nhện thường cư trú ở mặt dưới lá và thường chích hút dịch trong mô lá và hoa tạo thành vết hại có màu sáng, dần dần các vết chích này liên kết với nhau. Khi bị hại nặng, lá cây hoa hồng có màu nâu phồng rộp, vàng rồi khô và rụng đi.

- Nhện đỏ phát triển trong điều kiện khô và nóng.

- Vòng đời nhện đỏ khoảng 15 ngày, mỗi con cái có thể đẻ hàng trăm trứng.

4.3. Biện pháp phòng trừ:

- Đảm bảo vườn cây thông thoáng.

- Tưới đủ ẩm trong mùa khô.

- Bón phân đầy đủ, cân đối.

- Khi mật độ nhện hại cao có thể sử dụng biện pháp tưới phun để rửa trôi nhện.

- Biện pháp hóa học: Nhện đỏ là loài dịch hại có khả năng kháng thuốc cao, vì vậy khi sử dụng cần luân phiên, thay đổ thuốc khi sử dụng

Luân phiên, sử dụng các loại  thuốc sau để phòng trừ:

+ Abamectin (Reasgant 1.8 EC, 3.6EC)

+ Milbemectin (Benknock 1 EC)

+ Emamectin benzoate (Tasieu  1.9EC, Map Winer 5WG);

+ Fenpropathrin  (Vimite 10 EC);

+ Fenpyroximate (Ortus 5 SC);

+ Hexythiazox (Nissorun 5 EC);

+ Propargite (Atamite 73EC);

5. Sâu xanh (Helicoverpa armigera)

5. 1. Đặc điểm hình thái:

- Thành trùng là một ngài đêm màu xám tro có chiều dài thân 14 - 17 mm, sải cánh 28 - 35 mm. Cánh trước màu xám vàng.

- Trứng hình bán cầu, khi mới đẻ có màu vàng nhạt, gần nở có màu xám tro hay xanh nhạt.

- Sâu non mới nở màu xanh nạt có chấm đen to trên ngực, đầu đen, hoạt động mạnh, bò khắp nơi. Cơ thể bao phủ nhiều u lông nhất là đốt bụng đầu tiên và đốt bụng cuối cùng trên lưng mỗi đốt có 2 u lông lớn. Đầu sâu non màu vàng nâu.

- Nhộng màu hung đỏ dài 15-18 mm, đốt bụng nhỏ có 2 gai nhỏ hơi cong.

5. 2. Đặc điểm sinh học và tập quán gây hại:

- Sâu xanh là loài sâu đa thực, ngoài các cây hoa còn hại nhiều cây trồng khác.

- Sâu non có 5-6 tuổi, giai đoạn sâu non kèo dài 15-26 ngày, có khi tới 31 ngày. Sâu xanh thường phá lá non, ngọn non, nụ và hoa. Sâu tuổi 1 ăn phần thịt lá chừa lại biểu bì. Từ tuổi 2 trở đi đục vào nụ, ăn rỗng nụ và hoa, di chuyển từ nụ này sang nụ khác. Khi đẫy sức chui xuống đất làm kén hoá nhộng.

- Trưởng thành hoạt động ban đêm, ban ngày ẩn nấp dưới bụi cỏ, lá cây. Trưởng thành đẻ trứng rải rác từng quả thành từng cụm ở cả 2 mặt lá non, ở nụ hoa, ở đài hoa và hoa. Mỗi con có thể đẻ 500-800 trứng hoặc nhiều hơn. Chúng thường thích đẻ trứng ở nụ hoa và đài hoa. Thời gian phát dục của trứng từ 4-5 ngày

 - Nhộng được hình thành trong đất ở độ sâu 2,5-3cm, giai đoạn nhộng kéo dài 10-12 ngày có khi tới 24 ngày.

* Vòng đời trung bình khoảng 42-50 ngày. Nhiệt độ thích hợp cho sâu phát triển gây hại là 25-280C và ẩm độ là 70-75%. Đất khô (ẩm độ < 30%) rất dễ làm chết nhộng.

5.3. Biện pháp phòng trừ:

- Thu gom các bộ phận bị hại (lá, hoa, nụ) đem tiêu hủy.

- Biện pháp hóa học: Sử dụng một trong các thuốc sau để phòng trừ.

+ Abamectin (Plutel 1.8 EC, 3.6EC; Reasgant 1.8 EC, 3.6EC) 

+ Emamectin benzoate (Tasieu 1.9 EC)

+ Bacillus thuringiensis (Delfin WG, Thuricide HD, OF 36BIU)

II. BỆNH HẠI

1. Bệnh đốm đen (Diplocarpon rosae)

1.1. Triệu chứng:

Vết bệnh có hình tròn hoặc hình bất định, ở giữa màu xám nhạt, xung quanh màu đen. Bệnh thường phá hại trên các lá bánh tẻ, vết bệnh xuất hiện ở cả 2 mặt lá. Bệnh nặng làm lá vàng, rụng hàng loạt. Đây là một trong những bệnh chủ yếu hại cây hoa hồng, hại nặng trên giống hồng cá vàng Đà Lạt.

1.2. Nguyên nhân gây bệnh và điều kiện phát sinh, phát triển:

- Bệnh do nấm Diplocarpon rosae gây ra.

- Bệnh lây lan nhanh trong điều kiện khí hậu ẩm ướt. Nhiệt độ thích hợp để nấm lây lan và gây hại từ 22-260C, ẩm độ trên 85%. Nấm tồn tại trong đất và lan truyền qua các hoạt động của con người.

1.3. Biện pháp phòng trừ:

- Giữ cho vườn cây thông thoáng, không để vườn cây quá ẩm ướt.

- Vệ sinh đồng ruộng triệt để, cắt tỉa lá bị bệnh và thu gom tiêu hủy.

- Biện pháp hóa học: Có thể sử dụng các loại thuốc sau để phòng trừ:

+ Carbendazim (Carbenzim 500FL);

+ Hexaconazole (Anvil 5SC, Tungvil 5SC)

+ Imibenconazole (Manage 5 WP);

+ Mancozeb (Cadilac 75WG);

+ Diniconazole (Nicozol 12.5WP)

2. Bệnh gỉ sắt (Phragmidium mucronatum)

2.1. Triệu chứng:

Vết bệnh có dạng ổ nổi màu vàng da cam hoặc màu nâu sắt gỉ, thường hình thành ở mặt dưới lá. Mặt trên mô bệnh mất màu xanh bình thường, chuyển sang màu vàng nhạt. Bệnh nặng làm lá khô cháy, dễ rụng, hoa nhỏ và ít, thường bị thay đổi màu sắt, cây còi cọc.

2.2.Nguyên nhân gây bệnh và điều kiện phát sinh, phát triển:

- Bệnh do nấm Phragmidium mucronatum gây ra

- Bào tử lan truyền trong không khí, trên tàn dư cây bệnh còn sót lại trên đồng ruộng, nhiệt độ cho nấm phát triển là từ 18 – 210C.  

2.3. Biện pháp phòng trừ:

- Vệ sinh đồng ruộng, cắt tỉa lá bị bệnh, thu gom tiêu hủy triệt để tàn dư và cỏ dại.

- Có thể dùng các loại thuốc sau để phòng trừ:

+ Hexaconazole  (Anvil 5SC, Dibazole 10SL, Fulvin 5SC);

3. Bệnh mốc xám (Botrytis cinerea )

3.1. Triệu chứng:

Bệnh hại chủ yếu trên hoa. Vết bệnh là nhiều đốm nhỏ màu xám trên nụ và hoa, bệnh thường làm hoa bị thối. Bệnh nặng làm cả nhánh non bị héo

3.2. Nguyên nhân gây bệnh và điều kiện phát sinh, phát triển:

- Bệnh do nấm Botrytis cinerea gây ra.

- Bệnh phát triển mạnh khi nhiệt độ và ẩm độ cao.

3.3. Biện pháp phòng trừ:

- Thu gom, tiêu hủy sớm các tàn dư cây bệnh.

- Biện pháp hóa học: Có thể dùng các thuốc có hoạt chất sau để phòng trừ:

+ Copper Oxychloride + Streptomycin sulfate + Zinc sulfate (PN - balacide 32WP);

+ Oxytetracycline + Streptomycin (Miksabe 100WP);

4. Bệnh phấn trắng (Sphaerotheca pannosa)

4.1. Triệu chứng:

Vết bệnh dạng bột màu trắng xám, hình thái không nhất định. Bệnh thường hại trên ngọn non, chồi non, lá non, bệnh hại ở cả 2 mặt lá. Bệnh nặng hại cả thân, cành, nụ và hoa, làm biến dạng lá, thân khô, nụ ít, hoa không nở, thậm chí chết cây. Bệnh phấn trắng hại nặng trên các giống hồng Đà Lạt.

4.2. Nguyên nhân gây bệnh và điều kiện phát sinh phát triển:

Do nấm Sphaerotheca paranosa gây ra.

Nấm bệnh phát triển thích hợp trong điều kiện ẩm độ 85%, nhiệt độ 180C, ở nhiệt độ 270C nấm sẽ chết trong 24 giờ.

4.3. Biện pháp phòng trừ:

- Thu gom tiêu hủy triệt để tàn dư bị bệnh.

- Biện pháp hóa học: Có thể sử dụng một số loại thuốc có hoạt chất sau để phòng trừ:

+ Chlorothalonil (Daconil 75WP);

+ Hexaconazole (Anvil 5SC);

+ Iminoctadine  (Bellkute 40 WP);

+ Difenoconazole +Propiconazole (Map super 300 EC);

+ Azoxystrobin + Difenoconazole (Amistar top 325SC);

+ Tebuconazole + Trifloxystrobin (Nativo 750WG)

+ Triforine (Saprol 190DC)

5. Bệnh sùi cành, u rễ do vi khuẩn (Agrobacterium sp.)

5.1. Triệu chứng:

Bệnh gây hại trên thân, cành và rễ hoa Hồng:

- Trên thân, cành: Đốt thân co ngắn lại, có những u sưng sần sùi, vỏ nứt ra tạo thành những vết khía chằng chịt, bên trong gỗ cũng nổi u. Nhiều vết sần sùi có thể nối liền thành một đọan dài, có khi bao phủ quanh cả cành, có khi chỉ một phía, cành dễ gãy và khô chết.

- Trên rễ: Xuất hiện nhiều vết u sần sùi nối liền nhau thành từng đọan dài làm cản trở khả năng hút dinh dưởng của rễ.

- Cây bị bệnh cằn cỗi, lá biến vàng và rụng.

5.2. Nguyên nhân gây bệnh và điều kiện phát sinh, phát triển:

- Do vi khuẩn Agrobacterium sp.gây nên.

- Vi khuẩn xâm nhập qua vết thương xây xát, vết ghép, vết thương cơ giới… Bệnh phát triển trong mô cây tạo thành các khối u sần sùi. Vi khuẩn tồn tại trong cây bị hại và sống rất lâu trong đất.

- Nhiệt độ thích hợp cho bệnh phát triển từ  25-300C, chết ở 510C trong 10 phút, thích hợp trong môi trường tương đối kiềm có độ pH = 7,3.  Bệnh lan truyền theo nước, có ký chủ rộng.

5.3. Biện pháp phòng trừ:

- Mật độ trồng hợp lý, thường xuyên vệ sinh và tiêu hủy thân, cành bị bệnh

- Dùng cây giống sạch bệnh.

- Ruộng trồng phải có chế độ tiêu, thoát nước tốt

- Luân canh với cây trồng ít nhiễm bệnh

- Khi ghép, cắt cành giâm phải khử trùng dụng cụ, có thể dùng Formol 5% hoặc dùng muối NaCl ngâm 8-10 phút.

- Hiện chưa có thuốc BVTV đăng ký trong danh mục để phòng trừ bệnh sùi cành hại hoa hồng.

6. Bệnh sương mai (Peronospora sparsa)

6.1. Triệu chứng:

Trên lá, vết bệnh lan rộng từ màu đỏ tía đến nâu sẫm, dạng hình bất định. Lá non cong lại màu vàng, bào tử màu xám chỉ phát triển ở mặt dưới của bộ lá. Bệnh phát triển nặng có thể làm rụng lá.

6.2. Nguyên nhân gây bệnh:

- Do nấm Peronospora sparsa gây ra.

- Nấm bệnh phát triển mạnh trong điều kiện ẩm và mát.

6.3. Biện pháp phòng trừ:

- Vệ sinh đồng ruộng, thu gom tiêu hủy triệt để tàn dư cây bệnh.

- Mật độ trồng hợp lý, không trồng quá dầy.

- Biện pháp hóa học: Có thể dùng các loại thuốc sau để phòng trừ:

+ Iprovalicarb + Propineb (Melody duo 66.75WP)

 + Eugenol (Genol  0.3SL, 1.2SL)

+ Ethaboxam (Danjiri 10SC)

+ Cucuminoid + Gingerol  (Stifano 5.5SL)

7. Bệnh thán thư (Sphaceloma rosarum)

7.1. Triệu chứng:

- Vết bệnh thường có dạng hình tròn nhỏ, hình thành từ chót lá, mép lá hoặc ở giữa phiến lá. Ở giữa vết bệnh màu xám nhạt hơi lõm, xung quanh có viền màu nâu đỏ hoặc màu đen. Trên mô bệnh giai đoạn về sau thường hình thành các hạt màu đen nhỏ li ti là đĩa cành của nấm gây bệnh. bệnh thường hại trên lá bánh tẻ và lá già.

- Trên thân cành bị bệnh cũng có vết nứt dọc màu hồng, sau chuyển qua màu nâu, cành bị bệnh suy yếu, dễ gãy. Trên hoa và đài cũng có thể bị bệnh nhưng ít gặp hơn.

7.2. Nguyên nhân gây bệnh và điều kiện phát sinh, phát triển:

Do nấm Sphaceloma rosarumgây ra

Bệnh lây lan và gây hại nặng điều kiện khí hậu ẩm ướt.

7.3. Biện pháp phòng trừ:

- Bón phân cân đối, vệ sinh đồng ruộng triệt để.

- Biện pháp hóa học: Có thể dùng các loại thuốc sau để phòng trừ:

+ Azoxystrobin + Difenoconazole (Help 400SC);

+ Eugenol (Lilacter 0.3 SL);

+ Tebuconazole +Trifloxystrobin (Nativo 750WG).