Thống kê truy cập

4534884
Trong ngày
Trong tuần
Trong tháng
Tất cả
602
2476
29843
4534884

Công tác Kiểm dịch thực vật xuất khẩu vận chuyển nội địa năm 2012

SỞ NÔNG NGHIỆP & PTNT LÂM ĐỒNG     CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

    CHI CỤC BẢO VỆ THỰC VẬT                        Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

           Số: 38/BC-BVTV                                Lâm Đồng, ngày08 tháng5 năm 2013

 

BÁO CÁO

CÔNG TÁC KIỂM DỊCH THỰC VẬT XUẤT KHẨU

VẬN CHUYỂN NỘI ĐỊA NĂM 2012

      I.TÌNH HÌNH CHUNG

      Lâm Đồng là tỉnh có điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng rất thuận lợi cho  nhiều loại cây trồng sinh trưởng, phát triển quanh năm, thuận lợi cho sản xuất các loại rau, hoa cao cấp mang tính đặc thù riêng của Đà Lạt, đặc biệt là canh tác rau, hoa theo hướng công nghệ cao đã góp phần cải thiện đời sống cho nông dân.

      Từ lâu Lâm Đồng đã hình thành những vùng chuyên canh rau, hoa nổi tiếng tập trung ở Thành phố Đà Lạt và các huyện phụ cận như Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương. Diện tích trồng rau trên toàn Tỉnh hiện nay khoảng 44.159 ha với hơn 40 chủng loại rau trong đó (rau ăn lá chiếm 48%, rau ăn củ, quả (47%), còn lại rau gia vị), sản lượng rau bình quân năm là 1.398.469 tấn. Diện tích canh tác hoa các loại khoảng 3.862 ha, sản lượng hoa 1.338 triệu cành.

      Toàn tỉnh hiện có 26.950  ha canh tác ứng dụng công nghệ cao, trong đó diện tích nhà kính 2.714 ha; nhà lưới 1.180 ha, màng phủ 5.585 ha, tưới tự động ngoài trời 6.500 ha. Diện tích trên được tập trung chủ yếu trên các loại cây trồng: cây rau quả các loại 5.555 ha; hoa các loại 2.325 ha, đậu các loại 3.645 ha, dâu tây 134 ha, chè 4.258 ha ( chè chất lượng cao 1.803 ha, chè cành 2.455 ha), vườn ươm 62 ha; cà phê (ghép chồi + giống ghép) 10.612 ha.

      Việc tổ chức sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao đã đem lại giá trị sản xuất cao hơn nhiều so với canh tác truyền thống, cụ thể: Sản xuất rau cao cấp đạt bình quân trên 400 triệu đồng/ha/năm cao gấp 2 lần so với bình quân chung, trên cây hoa cao cấp đạt bình quân 800 triệu đến 1 tỷ đồng/ha/năm, cao gấp 1,6 lần so với bình quân chung; chè chất lượng cao đạt từ 200-250 triệu đồng/ha. Gia trị sản xuất bình quân từ 89 triệu đồng/ha/năm (cao hơn 9 triệu so với năm 2011).

      Nghề trồng rau, hoa ở Đà Lạt mang tính hàng hóa cao đã giải quyết việc làm và mang lại thu nhập không nhỏ cho hàng ngàn nông dân địa phương. Sản phẩm rau, hoa của Lâm Đồng một phần xuất khẩu ra nước ngoài chủ yếu là thị trường Úc, Nhật Bản, Đài Loan, Indonesia, Singapore, số còn lại phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa thông qua các chợ đầu mối ở các tỉnh thành trong đó 90% tại TPHCM. Tuy nhiên, số lượng rau, hoa của Lâm Đồng xuất khẩu còn rất thấp so với tiềm năng sản xuất; ước tính mới chỉ đạt khoảng 1,2% sản lượng đối với rau và 10-12% sản lượng đối với hoa các loại. Do nhiều loại rau, hoa chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của các nước và chưa có nhiều doanh nghiệp đầu mối thu mua hàng xuất khẩu.

      Năm 2012 toàn tỉnh có 27 công ty xuất khẩu rau, hoa các loại và cây giống (trong đó 02 công ty xuất khẩu rau, củ sấy khô; 01 công ty xuất khẩu cây mô; 07 công ty xuất khẩu hoa cắt cành các loại; 04 công ty xuất khẩu hàng rau, củ cấp đông, 01 công ty xuất khẩu chanh dây đã qua chế biến, còn lại 12 công ty xuất khẩu hàng rau quả tươi không qua chế biến (có phụ lục 1 kèm theo).

      Theo số liệu của Sở Công Thương Lâm Đồng, năm 2010 tỉnh Lâm Đồng đã xuất khẩu 17.096 tấn rau và 180 triệu cành hoa tươi các loại. Năm 2011 đã xuất khẩu 10.616 tấn rau và 165 triệu cành hoa.

      Số liệu năm 2012, rau các loại xuất khẩu ước đạt 10.837 tấn, tăng 2,08% so năm 2011, kim ngạch ước đạt 15,3 triệu USD, tăng 17% so năm 2011, phần lớn các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu rau cấp đông, rau sấy khô, hạn chế xuất khẩu rau tươi, thị trường xuất khẩu chính là các nước Châu Á: Nhật, Đài Loan, Thái Lan, Singapore, Malaysia.

      Hoa tươi cắt cành các loại xuất khẩu ước đạt 196,69 triệu cành, tăng 19% so năm 2011, kim ngạch ước đạt 22,18 triệu USD, tăng 22,27% so năm 2011, đây là mặt hàng có tốc độ tăng trưởng ổn định qua các năm, với lợi thế về đất đai, khí hậu, mặt hàng hoa do các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sản xuất (chủ yếu là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) ngày càng được ưa chuộng tại nhiều nước trên thế giới, thị trường xuất khẩu chính là Nhật, các nước EU, khu vực Asean.

      Căn cứ Nghị định số 02/2007/NĐ-CP ngày 05/01/2007 của Chính phủ quy định về Kiểm dịch thực vật;

      Căn cứ văn bản số 09/CV - KDTV ngày 05/01/2005 của Chi cục KDTV vùng II về việc Ủy nhiệm cho Chi cục BVTV Lâm Đồng KDTV các mặt hàng trong tỉnh xuất khẩu như nấm các loại, rau quả tươi, hoa cắt cành và cấp giấy chứng nhận KDTV đối nội để chủ hàng đến Chi cục KDTV vùng II đổi giấy chứng nhận KDTV đối ngoại.

      Chi cục BVTV tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện công tác KDTV xuất khẩu vận chuyển nội địa cho các doanh nghiệp có nhu cầu trên địa bàn, kết quả  như sau:

      II.KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÔNG TÁC KDTV XUẤT KHẨU VẬN CHUYỂN NỘI ĐỊA

      1. Kết quả công tác KDTV xuất khẩu vận chuyển nội địa năm 2012

      Căn cứ văn bản Ủy nhiệm của Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng II về việc KDTV xuất khẩu vận chuyển nội địa đối với các mặt hàng rau, hoa tươi cắt cành, quả tươi. Năm 2012, Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng đã lấy mẫu kiểm tra và cấp giấy chứng nhận KDTV xuất khẩu vận chuyển nội địa cho 283 lô hàng của 11 công ty với 2,9 triệu cành hoa các loại (tăng 1,2 triệu cành) và hơn 3 ngàn tấn rau, củ quả các loại (giảm 1,6 ngàn tấn so với năm 2011). Số lượng các loại rau, quả, hoa tươi cắt cành làm KDTV tại Chi cục BVTV Lâm Đồng từ năm 2010-2012 chỉ đạt từ 28-45% (các loại rau) và từ 1,1-2,7% (các loại hoa cắt cành) so với số lượng xuất khẩu. Còn lại các công ty trực tiếp làm KDTV tại Chi cục KDTV vùng II, hoặc qua một số công ty làm dịch vụ để hoàn chỉnh thủ tục KDTV đối ngoại tại TP HCM.

      Thị trường xuất khẩu là các nước Nhật Bản, Đài Loan, Australia, Malaysia. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là khoai lang, bí đỏ, bó xôi cấp đông, hành lá, ớt các loại, cải bắp, cải thảo, wasabi, hoa cắt cành các loại (cúc, hồng, cẩm chướng, cát tường. Các công xuất khẩu gồm Công ty TNHH: Thụy Hồng Quốc tế, Rau nhà xanh, Agrivina, Đà Lạt - Nhật Bản, Đà Lạt - Tự Nhiên, Đà Lạt Xanh, Đông Hoành, Nông sản sạch, Thực phẩm chế biến hàng ngày; Công ty cổ phần Viên Sơn và Nông sản thực phẩm.

      Việc cấp giấy chứng nhận KDTV xuất khẩu vận chuyển nội địa Chi cục Bảo vệ thực vật thực hiện theo quy trình một cửa và tiêu chuẩn ISO 9001:2008.

      Chi cục BVTV Lâm Đồng thực hiện lấy mẫu, kiểm tra lô hàng và cấp giấy chứng nhận KDTV xuất khẩu vận chuyển nội địa cho công ty đảm bảo nhanh gọn, kịp thời theo đúng quy định. Công ty thực hiện đổi giấy chứng nhận KDTV đối ngoại tại Chi cục KDTV vùng II theo quy định.

      2. Thuận lợi, khó khăn, tồn tại

      2.1. Thuận lợi:

      - Chi cục BVTVLâm Đồngluôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời của Cục Bảo vệ thực vật, Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng II về các văn bản pháp luật liên quan đến công tác KDTV xuất khẩu, cảnh báo thường xuyên đối với các loại dịch hại có nguy cơ cao trên các sản phẩm rau, hoa xuất khẩu.

      - Chi cục KDTV vùng II luôn tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ Chi cục có điều kiện tham gia các lớp đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ về KDTV do Cục Bảo vệ thực vật, Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng II tổ chức.

      - Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng đã hình thành được 01 trạm KDTV Liên Khương (biên chế 03 cán bộ) đặt tại huyện Đức Trọng để đáp ứng yêu cầu KDTV xuất khẩu và KDTV nội địa đối với các công ty đóng trên địa bàn và các huyện phụ cận. Hiện tại UBND huyện Đức Trọng đã có quyết định cấp đất cho Chi cục BVTV xây dựng Trạm KDTV.

      - Trạm KDTV có thể thực hiện công tác KDTV tại các công ty trước khi đóng Containơ, thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng đông lạnh; rau, hoa tươi. Mặt khác, có thể kiểm tra tận gốc nguồn gốc xuất xứ các loại hàng hóa xuất khẩu của các doanh nghiệp.

      2.2. Khó khăn

      - Lực lượng làm công tác KDTV xuất khẩu vận chuyển nội địa tại Chi cục BVTV còn mỏng (chỉ có 02 cán bộ có thẻ KDTV), chưa được đào tạo chuyên sâu về công tác KDTV.

      - Dụng cụ trang thiết bị phục vụ cho công tác KDTV đã từng bước được trang bị nhưng còn chưa đầy đủ.

      - Số lượng công ty, đơn vị có mặt hàng rau, quả tươi xuất khẩu phải thực hiện KDTV trên địa bàn theo yêu cầu của nước nhập khẩu không nhiều nhưng chỉ có khoảng 60-70% số công ty làm KDTV tại Chi cục BVTV, còn lại thực hiện KDTV tại Chi cục vùng II hoặc thông qua một số công ty làm dịch vụ để hoàn thiện thủ tục KDTV xuất khẩu. Ngoài ra một số công ty sau khi kiểm dịch xuất khẩu vận chuyển nội địa tại Chi cục Bảo vệ thực vật, được phúc tra tại Chi cục Kiểm dịch vùng II (do phải nộp thêm lệ phí phúc tra) nên công ty đã chuyển thẳng hàng xuống Tp Hồ Chí Minh để làm thủ tục kiểm dịch. Vì vậy khó khăn trong việc quản lý sản lượng nông sản xuất khẩu phải KDTV trên địa bàn.

      2.3. Tồn tại công tác KDTV xuất khẩu tại Chi cục BVTV Lâm Đồng thời gian qua.

      Từ 2005 đến nay sau khi được ủy nhiệm của Chi cục KDTV vùng II về công tác KDTV xuất khẩu vận chuyển nội địa đối với các mặt hàng rau, hoa, quả tươi, đã có tổng số 19 công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện công tác KDTV xuất khẩu tại Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng trong đó số liệu 3 năm (phụ lục 2) từ 2010 - 2012 cho thấy:

      - Các doanh nghiệp làm công tác KDTV xuất khẩu vận chuyển nội địa trực tiếp với Chi cục BVTV ngày càng giảm do một số doanh nghiệp thực hiện ủy thác qua dịch vụ.

      - Do một số doanh nghiệp không thực hiện việc KDTV xuất khẩu vận chuyển nội địa tại Lâm Đồng nên không kiểm tra chất lượng nông sản, dư lượng thuốc BVTV, dịch hại tại nơi sản xuất, không truy nguyên nguồn gốc.

      - Vấn đề phối hợp 4 nhà trong tổ chức sản xuất, điều chỉnh qui trình và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chưa chặt chẽ. Chưa tạo vùng nguyên liệu ổn định có chất lượng đảm bảo cho nhu cầu xuất khẩu.

      III. KIẾN NGHỊ

      Để thực hiện tốt công tác quản lý về lĩnh vực Bảo vệ & Kiểm dịch thực vật trên địa bàn. Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng đề nghị:

      - Cục Bảo vệ thực vật trực tiếp ủy quyền cho Chi cục BVTV Lâm Đồng thực hiện công tác KDTV xuất khẩu vận chuyển nội địa, hoặc Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng II tiếp tục ủy nhiệm cho Chi cục BVTV Lâm Đồng thực hiện KDTV xuất khẩu vận chuyển nội địa đối với các mặt hàng nấm, rau, hoa, quả tươi sản xuất tại Lâm Đồng và yêu cầu các đơn vị xuất khẩu các mặt hàng trên sản xuất tại Lâm Đồng thực hiện việc KDTV tại địa phương trước khi đổi giấy chứng nhận KDTV đối ngoại tại Chi cục KDTV vùng II.

      - Chi cục KDTV vùng II thống nhất với công ty xuất khẩu về tần xuất phúc tra đối với các mặt hàng đã được KDTV tại Chi cục BVTV Lâm Đồng để các công ty hiểu rõ và thực hiện theo quy định. Thường xuyên thông báo, hướng dẫn cho Chi cục BVTV Lâm Đồng về các đối tượng dịch hại thông thường trên một số cây trồng cần phải kiểm soát chặt chẽ trước khi xuất khẩu đi các nước. Các đối tượng dịch hại thuộc diện KDTV của các nước nhập khẩu.

      - Cục BVTV, Chi cục KDTV vùng II thường xuyên tổ chức tập huấn cho các cán bộ làm công tác KDTV tại các Chi cục BVTV nhằm đáp ứng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để thực hiện tốt nhiệm vụ.

      - Để các mặt hàng sản xuất tại địa phương ngày càng tăng về giá trị và sản lượng xuất khẩu so với tiềm năng, các doanh nghiệp tại Lâm Đồng có biện pháp liên kết với các nông hộ tại địa phương để phát triển vùng nguyên liệu luôn đảm bảo chất lượng, bền vững phục vụ cho công tác xuất khẩu./.

Nơi nhận:

- Cục BVTV (bc);

- Sở NN &PTNT (bc);

- Lưu VT.

CHI CỤC TRƯỞNG

 

 

Phụ lục 1: Danh sách các Công ty xuất khẩu rau, hoa tại Lâm Đồng

TT

Tên công ty

Nước nhập khẩu

Tên nông sản XK

1

Công ty TNHH Agrivina

Australia

Hoa cúc, lyly, cát tường, cẩm chướng…

2

DNTN Bình Phương

Nhật Bản

Hoa cúc, đồng tiền

3

Công ty Cổ phần Thái Sơn

Australia, Singapore

Hoa cát tường

4

Công ty TNHH Đà Lạt Xanh

Nhật Bản

Hoa cúc

5

Công ty Cổ phần Viên Sơn

Thái Lan

Khoai lang, ớt ngọt

6

Công ty Cổ phần Nông sản TP

Nhật Bản

Khoai lang, bí đỏ, bó xôi cấp đông, Wasabi

7

Công ty TNHH Đà Lạt Nhật Bản

Nhật Bản

Khoai lang, bí đỏ đông lạnh

8

Công ty TNHH Rau nhà Xanh

Nhật Bản

Khoai lang, bó xôi, ớt các loại, bí ngồi, củ dền

9

Công ty TNHH Thụy Hồng-QT

Đài Loan

Khoai lang, bó xôi đông lạnh, đậu nành, bắp ngọt, củ dền.

10

Công ty cổ phần CBTP Đà Lạt-TN

Singapore

Ớt các loại, đậu leo, cà tím, khoai lang, chanh không hạt, bí đỏ

11

Công ty TNHH Nông Chyuan-ĐL

Đài Loan

Bắp cải, cải thảo

12

HTX DVNN Hiệp Nguyên

Nhật Bản

Rau các loại

13

Công ty TNHH Kim Thành

Đài Loan

Bắp cải, cải thảo

14

Công ty TNHH Kim Phát

Đài Loan

Bắp cải, cải thảo

15

Công ty TNHH Chánh Vượng

Đài Loan

Bắp cải, cải thảo

16

Công ty TNHH TPCB Hằng ngày

Singapore

Chanh dây, khoai lang, bí đỏ

17

Công ty TNHH MTV Du Kha

Đài Loan, Hàn Quốc

Bắp cải, cải thảo

18

Công ty TNHH Apollo

Nhật, Mỹ, Singapore, Hà Lan, Hồng Kông, Ả Rập

Lan hồ điệp cắt cành

19

CT TNHH Ngọc Mai Trang

Thái Lan

Hoa tươi cắt cành

20

Công ty cổ phần Rừng hoa-ĐL

Australia, Hà Lan

Cây mô

21

Công ty TNHH Hoa Trường Xuân

Nhật Bản

Lan cắt cành

22

Công ty TNHH Taishin

Đài Loan

Quả chanh dây chế biến

23

Công ty TNHH Ban Mai Hoa

Nhật Bản

Hoa Cúc

24

Công ty TNHH Đông Hoành

Malaysia

Hành lá

25

Công ty TNHH Nông Sản Sạch

Nhật Bản

Ớt các loại

26

Công ty Asuzac

Nhật Bản

Rau, củ sấy khô

27

Công ty TNHH Kiến Quốc

Nhật Bản

Rau, củ sấy khô

 

Phụ lục 2: Khối lượng, chủng loại nông sản thực hiện  KDTV tại Lâm Đồng

STT

Đơn vị

Loại hàng xuất

Năm 2010

Năm 2011

Năm 2012

1

Công ty TNHH Agrivina

Hoa các loại

4.547.090 cành

1.340.700 cành

2.686.592 cành

2

DNTN Bình Phương

Hoa cúc trắng

331.580 cành

431.700

-

3

Công ty Cổ phần Thái Sơn

Hoa cát tường

6.315 cành

-

-

4

Công ty Cổ phần Nông sản TP

Khoai lang, bí đỏ, bó xôi cấp đông, Wasabi

1.392,6

1.495,15

732,16

5

Công ty TNHH Đà Lạt Nhật Bản

Khoai lang, bí đỏ đông lạnh

789,4

1.454,5

1.769,83

6

Công ty TNHH Rau nhà Xanh

Khoai lang, bó xôi, ớt các loại, bí ngồi, củ dền

603,8

369,4

304,70

7

Công ty TNHH Thụy Hồng Quốc tế

Rau bó xôi, khoai lang đông lạnh,   ớt các loại, bí đỏ, củ dền, bí ngồi

352,4

521,5

101,87

8

Công ty cổ phần CBTP Đà Lạt Tự Nhiên

Ớt các loại, đậu leo, cà tím, khoai lang, chanh không hạt, bí đỏ

21,9

253,5

125,3

9

Công ty TNHH Nông Chyuan – Đà Lạt

Bắp cải, cải thảo

1.400,9

774,2

-

10

Công ty TNHH MTV Du Kha

Bắp cải, cải thảo

-

72.0

-

11

Công ty TNHH Đà Lạt Xanh

Hoa cúc

-

-

210.000

12

Công ty Cổ phần Viên Sơn

Khoai lang, ớt ngọt

-

-

10,8

13

HTX DVNN Hiệp Nguyên

 

3,590

-

-

14

Công ty TNHH Kim Thành

Bắp cải, cải thảo

278.0

-

-

15

Công ty TNHH Kim Phát

Băp cải, cải thảo

13,5

-

-

16

Công ty TNHH Chánh Vượng

Bắp cải, cải thảo

61,8

-

-

17

Công ty TNHH TP Chế biến Hằng Ngày

Chanh dây, khoai lang, bí đỏ

25.0

-

244,05

18

Công ty Đông Hoành

Hành lá

-

-

23,22

19

Công ty Nông Sản Sạch

Ớt các loại

-

-

12,80

 

Tổng

 

4.940.985

cành

4.942,89  tấn

1.772.400       cành

4.940,25 tấn

2.896.592 cành

3.324,73 tấn