Sâu bệnh hại ca cao
- Được viết: 31-10-2013 09:32
SÂU BỆNH HẠI CA CAO VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ
I. SÂU HẠI
1. Bọ xít muỗi (Helopeltisssp.)
1.1. Đặc điểm hình thái
Trưởng thành giống như con muỗi lớn, có màu xanh lá mạ; đầu, râu màu nâu, con non có màu vàng đồng nhất, có nhiều lông tơ.
1.2. Tập quán sinh sống và gây hại
Bọ xít muỗi hoạt động vào sáng sớm hoặc chiều tối, buổi trưa trời nắng ít hoạt động ẩn nấp trong tán lá. Hoạt động mạnh sau cơn mưa trời vừa hửng nắng, trời âm u hoạt động cả ngày. Thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều (nhiệt độ 20 – 29OC, ẩm độ trên 90%) và ca cao trồng trong bóng rợp thích hợp cho bọ xít muỗi phát triển.
Bọ xít muỗi dùng vòi chích hút nhựa chồi non, cành non, cuống hoa và trái. Vết chích lúc đầu có màu xám chì xung quanh màu nhạt sau đó dần dần vết chích bị thâm đen, các bộ phận non bị chích thường héo khô đen, trái bị chích có nhiều vết thâm và phát triển dị dạng.
Bọ xít muỗi non gây hại nhiều hơn bọ xít muỗi trưởng thành vì chúng ít di chuyển, tập trung trên từng cây hoặc từng vùng nhỏ nên hiện tượng gây hại không rải đều trong vườn. Thiệt hại do bọ xít muỗi không những hạn chế sinh trưởng cây mà còn làm giảm năng suất, chất lượng sản phẩm.
1.3. Biện pháp phòng trừ
Thường xuyên vệ sinh đồng ruộng, tỉa cành để vườn thông thoáng tạo môi trường bất lợi cho bọ xít muỗi.
Có thể sử dụng thuốc Lambda-cyhalothrin+Thiamethoxam (Alika 247ZC); Beta cyfluthrin+ Chlorpyrifos Ethyl(Bull Star 262.5 EC) hoặc có thể tham khảo sử dụng thuốc có hoạt chất: Chlorpyrifos Ethyl, Cypermethrin; Deltamethrin phun phòng trừ. Phun thuốc vào sáng sớm lúc bọ xít muỗi tập trung gây hại.
2. Rầy mềm (Toxoptera citricida)
2.1. Đặc điểm hình thái, tập quán sinh sống và gây hại
- Rầy trưởng thành: Có màu đen hoặc hơi đỏ. Rầy non: Có màu hơi nâu, xanh, trắng. Rầy trưởng thành và rầy non sống tập trung ở các bộ phận non của cây như: chồi non, lá non, nụ hoa, đài hoa, trái non làm cây chậm phát triển, chùm hoa khô rụng, héo trái.
- Rầy thường xuất hiện nhiều vào mùa khô, nắng nóng, trong trường hợp mưa to rầy cũng bị rửa trôi và bị chết nhiều. Khi mật số rầy cao, chúng di chuyển tìm nơi sinh sống mới.
2.2. Biện pháp phòng trừ
- Thăm vườn thường xuyên để phát hiện sớm rầy mềm. Dùng vòi nước phun trực tiếp vào chỗ rầy bám, có tác dụng rửa trôi bớt và tạo độ ẩm để giảm mật số rầy trong mùa nắng. Hoặc dùng tay diệt rầy mềm khi mới xuất hiện ở mật số thấp.
- Biện pháp hóa học: Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam hiện hành chưa có thuốc đăng ký phòng trừ rầy mềm hại ca cao. Có thể tham khảo sử dụng một số thuốc có hoạt chất như: Deltamethrin, Permethrin, Acetamiprid, Beta - cyfluthrin + Chlorpyrifos Ethyl để phòng trừ
3. Rệp sáp (Planococcus citri)
3.1. Đặc điểm hình thái, tập quán sinh sống và gây hại
- Rệp trưởng thành: Rệp cái có nhiều tua sáp, màu trắng. Rệp đực có màu xám nhạt. Rệp non: Màu hồng, hình bầu dục, chưa có tua sáp sáp.
- Rệp bám tập trung ở các bộ phận non như: Đọt non, cuống lá, cuống trái, thân và trái non. Đôi khi thấy rệp ở các bộ phận dưới mặt đất (cổ rễ, rễ…). Khi sinh sản nhiều rệp bám thành lớp dày đặc trắng như bông.
- Rệp chích hút nhựa cây làm cây chậm phát triển, quả nhỏ, nhưng không đáng ngại như ở thời kỳ kiến thiết cơ bản (nhất là năm trồng mới) làm các cành biến dạng, cây lệch tán.
- Rệp sáp thường xuất hiện nhiều trong mùa nắng, sinh sản rất nhanh, rệp non di chuyển tìm nơi sống thích hợp, sau 2-3 ngày thì cố định nơi sống.
3.2. Biện pháp phòng trừ
Phun kỹ những ổ rệp sáp mới hình thành, phun phòng trừ triệt để để tránh lây lan. Có thể phòng trừ rệp sáp bằng cách phun các loại thuốc như:
+ Acetamiprid (Melycit 20SP)
+ Beta - cyfluthrin + Chlorpyrifos Ethyl (Bull Star 262.5 EC)
+ Fipronil + Imidacloprid (Sunato 800WG)
4. Sâu hồng (Zeuzera coffeara)
4.1. Đặc điểm hình thái
Khi cành bị hại, lá rũ xuống và khô đi, cành dễ gãy ngang nơi bị sâu phá, tại miệng lỗ sâu đục có nhiều mọt gỗ rơi ra và khi chiếu thẳng từ lỗ đục này xuống đất cũng thấy mọt rơi trên mặt đất.
Sâu thường phá hại thân, các cành tăm, cành cấp 1, cấp 2. Sâu có thể phá hại từ cành này sang cành khác, gây ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây thậm chí gây chết cây.
4.2. Tập quán sinh sống và gây hại
Suốt vòng đời của sâu đục vào thân, cành cây và sống bên trong đó, đến khi trưởng thành bay ra ngoài tìm những nơi cành lá xanh tốt xum xuê để đẻ trứng, trứng được đẻ thành từng ổ ở các chồi non, hoặc nụ của cành. Khi sâu nở ra tấn công vào những cành non này, sâu lớn tuổi có khả năng đục phá thân cành cây hoá gỗ.
Sâu thích hợp ở nhiệt độ 20-28O C, dưới 18OC sâu phát triển chậm, sâu ưa ẩm độ tương đối cao (hơn 85%), trong vườn nơi nào rậm rạp, có độ che bóng dày, kín, tỉ lệ cắt tỉa ít không thường xuyên sẽ bị hại nặng hơn.
4.3. Biện pháp phòng trừ
- Thường xuyên thăm vườn, phát hiện kịp thời và tiêu diệt để làm giảm mật độ sâu hồng gây hại
- Biện pháp hóa học: Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam hiện hành chưa có thuốc đăng ký phòng trừ sâu hồng hại ca cao. Có thể tham khảo sử dụng một số thuốc có hoạt chất: Diazinon, Chlorpyrifos Methyl, Chlorpyrifos Ethyl+Cypermethrin.
5. Mối
5.1. Triệu chứng gây hại
Mối cắn chủ yếu các bộ phận dưới đất như rễ làm hạn chế sự hút nước và dinh dưỡng của cây, làm cho cây héo và chết, cắn đứt ngang thân gần mặt đất làm cây chết ngay.
Mối là một trong những côn trùng chính phá hại ca cao trong thời kỳ kiến thiết cơ bản (từ khi trồng đến 3 năm tuổi), nhất là ở các vùng đất mới khai phá, gần rừng, trong vườn điều hoặc vườn cây lâu năm khác. Là đối tượng gây hại nguy hiểm vì có thể gây chết cây hàng loạt.
5.2. Tập quán sinh sống và gây hại
Mối là loại côn trùng miệng nhai, thức ăn chủ yếu là xác thực vật hoai mục và bán hoai mục như thân, lá cây khô, rễ cây…. Chúng sống thành tập đoàn, làm tổ và sinh sản rất nhanh.
Mối thường gây hại cây từ một đến 03 năm đầu (cây mới trồng và cây còn non). Mối phá hại cây trồng không chỉ để lấy thức ăn mà chủ yếu là để lấy nước, nên trong mùa khô độ ẩm mặt đất giảm, mạch nước ngầm rút sâu, chỉ có cây tươi (rễ) là đáp ứng được cả hai nhu cầu sống của mối: Đó là thức ăn và nước. Do vậy, trong thời kỳ này cây thường bị mối tấn công gây hại .
Thời điểm mối gây hại nặng nhất là sau khi trồng.
5.3. Biện pháp phòng trừ
- Không lấp rác, cỏ tươi xuống hố trồng, tủ rác giữ ẩm phải xa gốc ca cao
- Biện pháp hóa học: Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam hiện hành chưa có thuốc đăng ký phòng trừ mối hại ca cao. Có thể tham khảo sử dụng một số thuốc có hoạt chất: Alpha – cypermethrin; Alpha - cypermethrin + Chlorpyrifos Ethyl; Chlorpyrifos Ethyl để trừ mối
6. Bọ cánh cứng hại lá (Adoretus spp vàApogonia spp.)
6.1. Triệu chứng và tác hại
Triệu chứng: trên lá già, lá bánh tẻ (lá chuyển sang màu xanh) bị cắn mất phần thịt lá, để lại các lỗ thủng khắp mặt lá, gân lá (chính và phụ) vẫn còn.
Tác hại: Bọ cánh cứng có thể cắn phá các đợt lá trên cây, giảm khả năng quang hợp làm cây con chậm phát triển.
6.2. Tập quán sinh sống và gây hại
Trưởng thành sống ẩn nấp dưới các đống lá cây cỏ mục và ẩm trong vườn, khi phát hiện chúng giả chết.
Thời gian hoạt động: Vào lúc chiều tối và sáng sớm
Cách di chuyển: Bay ngang, bám vào vật cản trên đường chúng di chuyển.
6.3. Biện pháp phòng trừ
- Dùng vợt lưới để bắt bọ cánh cứng vào lúc trời tối hoặc làm bẫy đèn dẫn dụ để diệt tập trung.
- Hiện tại chưa có thuốc BVTV đăng ký trong danh mục để phòng trừ bọ cánh cứng hại ca cao. Có thể tham khảo sử dụng một số thuốc có hoạt chất: Chlorpyrifos Ethyl+Permethrin; Metarhirium anisopliae Sorok, Beauveria+Metarhizium+ Entomophthorales , Thiamethoxam để phòng trừ. Phun vào chiều mát.
7. Sâu đục trái ca cao (Conopomorpha cramerella)
7.1. Đặc điểm sinh học, sinh thái của sâu đục trái
- Trứng đẻ đơn lẻ từng quả ở bất cứ vị trí nào trên bề mặt vỏ quả, trứng mới đẻ màu vàng cam, hình bầu dục chiều dài không quá 0,5 cm. Khi sắp nở, trứng chuyển sang màu trắng đục, vỏ màu trắng bên trong có màu đen.
- Sâu non tuổi 1 thường có màu trắng và dài khoảng 1mm, thường đục thành các đường hầm vuông góc với chiều dài của quả và xuyên qua lớp vỏ thóc cho đến khi chạm tới lớp xơ cứng của vỏ, hoặc đục thành các đường hầm dọc theo chiều dài quả.
Bên trong vỏ, các đường đục trở nên ngoằn nghèo. Phần lớn sâu non được phát hiện từ vỏ quả ca cao khi quả bước vào giai đoạn chín. Sâu non tuổi cuối thường có màu xanh lá cây, dài khoảng 12mm. Sâu non sau khi chui ra khỏi đường hầm thường để lại một lỗ nhỏ có đường kính khoảng 1mm.
- Nhộng hình thành ở bên ngoài lớp vỏ, ấu trùng đẫy sức bò đến một vị trí thích hợp để hóa nhộng. Nhộng thường xuất hiện ở các rãnh của vỏ quả hoặc trên các lá còn xanh hoặc lá đã khô và các tàn dư khác.
- Trưởng thành dài khoảng 7mm, chiều dài sải cánh 12 mm, toàn thân màu nâu nhạt, râu và chân rất dài, cánh trước có hình lá liễu thon dài có những vân trắng, cánh sau hình dùi, rìa cánh mang nhiều lông tơ.
Trưởng thành, giao phối, đẻ trứng và hoạt động mạnh nhất vào ban đêm. Một trưởng thành cái có thể đẻ từ 50-100 trứng trong một vòng đời.
Ban ngày trưởng thành thường ở trên các nhánh của cây ca cao. Màu sắc của trưởng thành thường giống với vỏ thân cây nên rất khó phát hiện..
7.2. Tập quán sinh sống và gây hại
Sâu đục trái thường đục thành các đường hầm trên vỏ quả. Sâu non mới nở sống bằng dịch trong cơ thể hoặc ăn lớp bột ở trong vỏ quả cho đến khi phát triển đầy đủ. Đường đục của sâu non dài từ 4-5cm trên vỏ quả, sau khi đục sâu vào bên trong, sâu non ăn lớp chất nhầy trong thịt quả do đó ảnh hưởng đến sự phát triển của quả và làm quả bị biến dạng.
Vỏ quả bị sâu đục trái tấn công thường có màu sắc không đều, chín ép nên có chỗ vàng, chỗ xanh.
7.3. Biện pháp phòng trừ
- Biện pháp canh tác:
+ Cần thu hoạch trái triệt để, để loại bỏ tất cả các tàn dư mà sâu đục trái đã tấn công ra khỏi khu vực canh tác ca cao từ đó phá vỡ chu kỳ gây hại của chúng.
+ Dùng túi nilon để bao trái hạn chế trưởng thành sâu đục trái đẻ trứng trên vỏ quả đồng thời bảo vệ trái khỏi sự tấn công của các loài sâu hại khác. Túi được cắt đáy để thông gió và sẽ được giữ trong suốt thời gian sinh trưởng của quả cho đến lúc thu hoạch.
+ Bón phân đầy đủ, cân đối để cây luôn khỏe mạnh, trái to và giúp vỏ trái cứng làm giới hạn sự xâm nhập của sâu.
- Biện pháp hóa học: Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam hiện hành chưa có thuốc đăng ký phòng trừ sâu đục trái ca cao. Có thể tham khảo sử dụng một số thuốc có hoạt chất: Chlorpyrifos Methyl, Cypermethrin.
8. Sùng hại rễ
8.1. Đặc điểm hình thái
Sâu non màu trắng ngà, thân có nhiều lông nhỏ rải rác, uốn cong hình chữ C, đẫy sức dài 12-13 mm.
8.2. Tập tính sống và gây hại
Sùng trắng là ấu trùng của bọ hung. Thời kỳ sâu non, các ấu trùng bọ hung sống dưới mặt đất, thường cắn phá rễ cây làm cho rễ mọc kém, lá vàng úa, cây chậm phát triển, nếu bị hại nặng cây có thể chết do bị cắn hết rễ, ấu trùng tuổi lớn ăn cả phần thân gỗ của rễ. Thời kỳ đầu gây hại thường không phát hiện được chỉ đến khi cây đã biến màu hoặc chết mới phát hiện..
- Ngoài tác hại trực tiếp, sùng trắng còn là môi giới truyền bệnh virus hại cây trồng. Thường gây thiệt hại nặng ở các vườn ít được xới xáo.
- Sùng trắng thường phá hại từ tháng 4 đến tháng 11 nhưng gây hại nặng vào thời điểm tháng 6 – 8 hằng năm, thường sinh sôi mạnh trên đất cát, đất thịt nhẹ và các vùng đất khô cằn, thiếu nước.
8.3. Biện pháp phòng trừ:
- Biện pháp canh tác:
+ Làm đất - vệ sinh vườn thật kỹ: Cày sâu, bừa kỹ, nhặt sạch cỏ dại, dọn sạch lá khô, cắt tỉa bỏ cành bị bệnh và lá già, lá bị bệnh đem ủ hoặc đốt trước khi trồng để hạn chế sự tồn tại của nguồn sâu hại trước khi trồng.
+ Thường xuyên xới xáo, vun gốc tạo môi trường sống bất lợi cho ấu trùng.
+ Không sử dụng phân trâu bò tươi để bón vì đây là điều kiện để dẫn dụ bọ hung đến đẻ trứng phá hoại cây trồng.
+ Bẫy dẫn dụ sùng trắng để thu gom, tiêu diệt như:
++ Trồng xen khoai lang trong vườn để thu hút sùng trắng tập trung gây hại trên khoai lang sẽ làm giảm mật độ sùng tấn công trên cây trồng chính (trồng vào tháng 1-2) sau đó tiến hành thu hoạch khoai lang để thu gom tiêu diệt ấu trùng.
++ Dùng phân chuồng tươi để làm bẫy dẫn dụ sùng, bọ hung đến đẻ trứng, thu bẫy đốt hoặc ngâm nước để tiêu diệt.
+ Bẫy đèn bắt trưởng thành.
- Biện pháp hoá học:
Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam hiện hành chưa có thuốc đăng ký phòng trừ sùng trắng trên ca cao. Có thể tham khảo sử dụng một số thuốc có hoạt chất: Metarhizium anisopliae var, Carbofuran, Chlorpyrifos Ethyl + Permethrin, Fipronil để phòng trừ.
Lưu ý: Thời điểm xử lý thuốc hóa học tốt nhất là giai đoạn sùng mới nở, tuổi 1 – tuổi 2 (tháng 6 -7). Nếu xử lý quá muộn (tháng 8-9) khi sùng đã ở tuổi 3 hoặc sắp hóa nhộng thì hiệu quả của các loại thuốc hóa học thấp.
II. BỆNH HẠI
1. Bệnh thối trái, loét thân, cháy lá (Phytophthora palmivora)
1.1. Triệu chứng gây hại
Bệnh phá hại ở giai đoạn cây con, trước tiên gây hại trên mép, chóp lá non.
Vết bệnh có màu nâu sáng, ướt, từ từ lan dần ra phiến lá đến gân chính vào cuống lá, lan ra gân phụ, sau đó làm lá khô cháy và rụng.
1.2. Nguyên nhân gây bệnh và điều kiện phát sinh phát triển của bệnh
Bệnh do nấm Phytophthora palmivora gây ra, bệnh tấn công các bộ phận lá, thân, hoa, trái; trong quá trình sinh trưởng từ vườn ươm cho đến khi thu hoạch. Bệnh phát triển mạnh vào mùa mưa, có độ ẩm cao. Ngoài ca cao, nấm Phythophthora palmivora còn có các ký chủ khác như sầu riêng, cao su, bơ, đu đủ.
Bệnh phát tán chủ yếu từ đất và trái bệnh: Từ đất, nước mưa làm đất có mầm bệnh văng bám lên cây, lên lá; kiến và mối tha đất có mầm bệnh làm tổ trên thân cây; Từ trái bệnh, bào tử phát tán do gió, nước mưa, côn trùng.
1.3. Biện pháp phòng trừ
Khi bệnh xuất hiện và có xu hướng gia tăng về mức độ hại, sử dụng một trong các loại thuốc sau để phòng trừ: Fosetyl Aluminium (Aliette 800 WG); Cuprous oxide+Dimethomorph (Eddy 72WP); Metalaxyl (Mataxyl 500WG) hoặc tham khảo sử dụng một số loại thuốc có hoạt chất như: Mandipropamid + Chlorothalonil, Cuprous Oxide để phòng trừ.
2. Bệnh vệt sọc đen (Oncobasidium theobromae)
2.1. Triệu chứng gây hại
- Lá bệnh có màu vàng với những đốm xanh. Đôi khi rìa lá bị khô.
- Thân sần sùi với những mụt nhỏ do bì khổng nở rộng.
- Nhiều chồi bên phát triển nhưng không bao giờ hoàn chỉnh.
- Đối với cây con triệu chứng không đặc trưng như cây lớn. Cây con nhiễm bệnh thường chậm phát triển, lá vàng, lá chân rụng sớm, khoảng cách giữa các lá ngắn.
- Lột vỏ hoặc chẻ dọc đoạn cành nhiễm bệnh thấy có những sọc đen. Khi bệnh tiến triển mạnh cành khô và chết ngược dần từ ngọn vào.
2.2.Nguyên nhân gây bệnh và điều kiện phát sinh phát triển của bệnh
Bệnh vệt sọc đen do nấm Oncobasidium theobromae gây nên. Bệnh phát triển và phát tán chủ yếu khi mưa nhiều, ẩm độ không khí cao. Bào tử phát tán vào sáng sớm (3 - 9 giờ sáng) và xâm nhập vào lá non trên cành. Từ khi bào tử xâm nhập đến khi có biểu hiện bên ngoài kéo dài khoảng 2 - 3 tháng. Trong thời gian đó các đợt lá mới phát triển nên lá bệnh được nhìn thấy ở vị trí sau một đợt lá kể từ ngọn đếm ngược vào.
2.3. Biện pháp phòng trừ
- Biện pháp canh tác: Vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ, cắt tỉa cành bệnh đem tiêu hủy, tỉa cành tạo tán cân đối, tạo độ thông thoáng.
- Sử dụng thuốc Tebuconazole+Trifloxystrobin (Nativo 750WG) hoặc tham khảo sử dụng một số thuốc có hoạt chất: Triadimenol, Propiconazole để phòng trừ
3. Bệnh nấm hồng (Corticium salmoncolor)
3.1 Triệu chứng gây hại
Nấm tấn công ở những cành đã hoá nâu. Nấm bệnh lúc đầu có màu mốc trắng nhưng dần chuyển sang màu trắng hồng, hoặc vàng. Nấm mọc sâu vào phần gỗ cành. Lá phần trên của cành nhiễm bệnh sẽ vàng và khô nhưng vẫn lưu trên cành một thời gian. Cành khô nâu và chết, lớp vỏ thân cành bị tách ra từng mảng.
3.2. Nguyên nhân gây bệnh và điều kiện phát sinh phát triển của bệnh
Bệnh thường xuất hiện vào mùa mưa, ở những vườn ca cao quá ẩm và rợp bóng do tán lá dày và mật độ cây trồng cao. Bệnh lây lan theo nước, theo gió và theo các sinh vật mang từ nơi khác đến (như bọ cánh cứng, kiến, mối...).
Nếu điều kiện nắng khô trở lại, bệnh phát triển chậm lại và cây có thể phục hồi nhưng dễ tái phát nếu mưa trở lại khi không có biện pháp phòng trừ kịp thời như vệ sinh đồng ruộng hoặc xử lý thuốc.
3.3. Biện pháp phòng trừ
- Điều chỉnh, rong tỉa cây chắn gió, che bóng hợp lý
- Biện pháp hóa học: Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam hiện hành chưa có thuốc đăng ký phòng trừ bệnh nấm hồng hại ca cao. Có thể tham khảo sử dụng một số thuốc có hoạt chất: Carbendazim+hecxaconazole; Validamycin; Hexaconazole ; Carbendazim để phòng trừ.
4. Bệnh khô thân (Algal rust)
4.1. Triệu chứng gây hại
- Thân, cành bị nắng chiếu trực tiếp làm tổn thương mô dưới biểu bì. Sự tổn thương càng trầm trọng khi đang nắng gắt cây gặp nước (do mưa hoặc tưới). Mô tổn thương bị tạp nhiễm các loại nấm như Collectotrichum, Fusarium,... và tảo làm thân, cành khô.
- Lớp tế bào dưới biểu bì thân hoặc cành có màu sậm như hiện tượng cháy nắng, sau thời gian bào tử màu vàng cam xuất hiện từ vùng nhiễm bệnh. Lá nhỏ, kém phát triển có màu nhạt.
4.2. Điều kiện phát sinh phát triển của bệnh
Bệnh thường xuất hiện cả mùa khô lẫn mùa mưa, đặc biệt là đối với những cây ca cao thiếu bóng che hoặc bị tỉa quá nặng để ánh sáng chiếu trực tiếp vào thân cành trong thời gian dài. Bệnh phát triển mạnh trong khoảng giao mùa nắng mưa.
4.3. Biện pháp phòng trừ
Áp dụng các biện pháp canh tác như giữ cho thân cành đủ bóng che, thúc phân và tưới nước đầy đủ để lá mới phát triển nhanh che phủ cây, tăng bóng che của cây che bóng. Củng cố hàng cây chắn gió.
Biện pháp hóa học: Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam hiện hành chưa có thuốc đăng ký phòng trừ bệnh khô thân, do đó có thể tham khảo sử dụng một số loại thuốc có hoạt chất như: Mandipropamid+ Chlorothalonil, Cuprous Oxide để phòng trừ