Thống kê truy cập

3514972
Trong ngày
Trong tuần
Trong tháng
Tất cả
199
18565
54617
3514972

Sâu bệnh hại cây cà phê

MỘT SỐ SÂU BỆNH HẠI CÂY CÀ PHÊ
VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ TẠI LÂM ĐỒNG

 

1. Rệp sáp (Pseudococus spp.)
1.1. Đặc điểm hình thái
- Rệp trưởng thành có hình bầu dục trên mình có nhiều sợi sáp dài trắng xốp. Trưởng thành đực mình thon dài, có cánh không có sáp, mắt to đen, râu và chân có nhiều lông ngắn.
-Trứng bầu dục dính với nhau thành ổ tròn, bên ngoài có lông tơ bao phủ.
-Rệp non mới nở màu hồng. Chưa có sáp bên mình, chân khá phát triển.
-Vòng đời từ 29-42 ngày

1.2. Đặc điểm sinh sống và gây hại
Rệp thường gây hại ở chùm quả, lá và hại rễ.
- Loài rệp sáp hại lá và chùm quả: rệp bắt đầu đẻ trứng vào mùa mưa ở các kẽ lá, nụ hoặc chùm quả non. Rệp non sau khi nở, nhanh chóng tìm nơi sinh sống cố định. Mùa mưa sinh sản rất nhiều làm quả rụng. Rệp hút chất dinh dưỡng làm cho quả bị vàng, rụng, làm giảm năng suất và chất lượng quả.
- Rệp sáp hại rễ thì sinh sống ở quanh rễ, dưới đất, tạo ra một lớp bọc không thấm nước ở quanh trục rễ. Những cây bị hại lá vàng, héo và dần dần cây bị chết.
1.3. Biện pháp phòng trừ
- Có thể sử dụng các loại thuốc BVTV sau để phòng trừ:
+ Chlorpyrifos Ethyl (Lorsban 30EC, Pyrinex 20 EC).
+ Diazinon (Diazan 10GR)
+ Cypermethrin (SecSaigon 50EC)
+ Cypermethrin + Profenofos (Polytrin P 440 EC)
+ Chlorpyrifos Methyl (Sago - Super 20EC), 

2. Ve sầu
2.1. Triệu chứng gây hại
- Ấu trùng gây hại ở bộ phận rễ tơ của cây cà phê làm cây chậm phát triển, còi cọc, giảm năng suất.
- Vườn cà phê bị ve sầu gây hại biểu hiện: Cây cằn cọc lá úa vàng, các cành dinh dưỡng phát triển kém, chồi ngọn và lá ra ít. Nếu bị hại nhẹ thì cây còn xanh và lá cà phê mo lại lên phía trên, nếu bị nặng thì rụng lá và rụng trái xanh. Quả non phát triển chậm, một số bị rụng.
- Các rễ tơ ở độ sâu 0-15cm phát triển chậm, một số rễ bị đen, thối khô từ đầu rễ vào. Cây không ra rễ non, số lượng rễ tơ giảm rõ rệt.

Ve sầu hại cà phê (Purana guttularis)

2.2. Nguyên nhân
- Do mất cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng: Sự giảm sút của các loài thiên địch bắt mồi: ong, kiến ăn mồi, nhện, bọ rùa, bọ đuôi kìm... nên ve sầu bùng phát mạnh.
- Rễ cà phê bị ấu trùng ve sầu gây hại tạo điều kiện thuận lợi cho một số nấm, tuyến trùng tấn công rễ cây cà phê
2.3. Đặc điểm hình thái
- Tính đến đầu năm 2013 tại Lâm Đồng có 6 loài ve sầu gây hại cà phê gồm: Ve sầu phấn trắng; ve sầu nâu đỏ; ve sầu nhỏ; ve sầu cánh vân và ve sầu lưng vằn, Ve sầu 4 chấm. Loài ve sầu phổ biến nhất là loài ve sầu nhỏ (Purana guttularis Walker).
- Về hình thái và tập tính sinh học các loài ve sầu hại cà phê:
+Trứng: con cái đẻ trứng vào cành nhỏ (đường kính từ 0,5 -1cm) của cây, trứng được đẻ theo từng ổ khoảng 10-20 trứng/ổ. Mỗi con cái có thể đẻ từ 400-600 trứng. Thời gian phát dục của trứng từ 4-14 tuần tuỳ thuộc loài và điều kiện ngoại cảnh.
+Ấu trùng: Trứng sau khi nở ra ấu trùng tuổi 1 sẽ rơi xuống đất, ấu trùng đào hang sâu dưới đất từ 15-40cm, pha ấu trùng kéo dài 2-17 năm dưới đất. Ấu trùng chích hút hệ thống rễ của cây để sống. Ấu trùng năm cuối cùng (phần lớn loài 13-17 năm) thường tạo ra các mu đất cao từ 6-10cm trên mặt đất để sống tránh đất quá ẩm hay úng nước.
+Trưởng thành: Ấu trùng đến kỳ vũ hoá bò lên khỏi mặt đất vào ban đêm. Chúng leo lên cành, lá cây để chuẩn bị lột xác lần cuối thành con trưởng thành. Loài 13-17 năm thường vũ hoá đồng loạt, trùng hợp trong vài ngày (thường vào giữa tháng 5 đầu tháng 6). Loài 2-7 năm vũ hoá từ tháng 4-9 hàng năm. Ve sầu trưởng thành chỉ sống từ 2-4 tuần. Chúng hút nhựa thân cây để sống. Ve sầu đực kêu thành các bài hát để quyến rũ con cái. Ve sầu cái không kêu. Sau khi bắt cặp và đẻ trứng chúng hoàn tất vòng đời.
2.4. Biện pháp phòng trừ
- Biện pháp canh tác:
+Chăm sóc cây sinh trưởng tốt tăng sức đề kháng cho cây.
+ Tạo tán, tỉa cành thông thoáng để hạn chế trưởng thành đẻ trứng.
+Hàng năm sau khi thu hoạch xong cần cào bồn tạo môi trường sống bất lợi cho ấu trùng ve sầu tuổi nhỏ (tuổi 1-2).
+ Tỉa bỏ và thu gom tiêu huỷ các cành nhỏ mà ve sầu đã đẻ trứng.
+ Dùng các lưới nylon bao quanh thân, cành cây ngăn không cho ve sầu đẻ trứng vào thời kỳ vũ hoá hàng năm (tháng 5-6).
+Dùng màng nilon phủ dưới đất xung quanh gốc cây không cho ấu trùng ve sầu sau khi nở chui xuống đất (tháng 6-9).
+Dùng các loại keo dính: có thể dùng keo dính chuột hoặc một số loại keo khác có độ dính cao có tẩm thuốc BVTV bôi xung quanh thân cà phê ở đoạn gốc cách mặt đất 10-20cm, nhằm ngăn chặn và tiêu diệt ấu trùng ve sầu từ dưới đất leo lên cây vũ hoá.
+ Dùng tăm xe chọc sâu 25-30cm vào lỗ trong đất để giết ấu trùng ve sầu.
- Biện pháp sinh học
- Dùng bẫy đèn thu hút trưởng thành ở giai đoạn vũ hoá rộ (tháng 5-9) vào bẫy để tiêu diệt.
- Hạn chế tối đa việc dùng thuốc BVTV tiêu huỷ trắng thảm thực vật (cỏ dại) nhằm duy trì hệ sinh vật đất và giữ phong phú hệ rễ thực vật, tạo nhiều nguồn thức ăn cho ấu trùng.
- Biện pháp hoá học
Thường xuyên kiểm tra rễ cà phê, khi phát hiện có nhiều ấu trùng gây hại thì phải tiến hành xử lý bằng các loại thuốc sau:
+ Diazinon (Cazinon 10 GR)
+ Fipronil (Regent 0.3GR, Suphu 10GR)
+ Chlorpyrifos Methyl (Sago – Super 3 GR )
+ Chlorpyrifos Ethyl + Permethrin (Tasodant 6GR)

3. Mọt đục cành (Xyleborus morstatti)
3.1. Đặc điểm hình thái
- Trứng: Màu trắng, kích thước rộng 0,3 mm và dài 0,5 mm
- Ấu trùng: Sâu non đẫy sức dài khoảng 2 mm màu trắng kem, đầu màu nâu nhạt, không có chân.
- Nhộng: Màu trắng kem, dài gân như con trưởng thành.
- Trưởng thành: Cơ thể có chiều dài gấp đôi chiều rộng. Con cái màu nâu sẫm đến đen hoàn toàn, dài 1,4 - 1.9mm. Con đực nhỏ không có cánh dài 0,8 – 1,1mm.

Mọt đục cành (Xyleborus morstatti)

3.2. Tập tính sinh sống và gây hại
- Con cái màu nâu sẫm đến đen đục vào cành bằng một lỗ nhỏ (1 mm) ở mặt dưới của cành, xâm nhập vào giữa cành, đào một hầm ngầm và đẻ trứng ở đó. Mỗi ổ khoảng 30-50 trứng. Sâu non phát triển ở thành vách của hầm ngầm.
-Vòng đời của mọt đục cành từ 30-35 ngày.
- Mọt phát triển mạnh vào các tháng 3-6 hàng năm, chủ yếu phá hại trên cây cà phê trong thời kỳ kiến thiết cơ bản (2-3 năm) trước khi bước vào thời kỳ kinh doanh.
- Cành bị hại khá rõ rệt, lá có màu nâu sẫm và bị héo rũ nhanh chóng, rồi chết khô trên cây. Bẻ cành xuống, chẻ đôi thấy một đoạn cành đã bị mọt đục rỗng ở giữa.
3.3. Biện pháp phòng trừ
- Biện pháp canh tác: Trồng cây che bóng. Nên cắt bỏ phần bị mọt hại và phải đốt tiêu hủy (chú ý phải cắt bỏ đồng loạt).
- Biện pháp hóa học: Sử dụng một trong các loại thuốc sau để phòng trừ:
+ Diazinon (Diaphos 50EC)
+ Abamectin (Tungatin 3.6EC)
+ Alpha-cypermethrin+ Chlorpyrifos Ethyl (Careman 40EC)
+ Abamectin + Matrine (Amara 55EC)

4. Rệp muội, rệp vảy nâu, rệp vảy xanh
4.1. Đặc điểm hình thái
- Rệp muội: có 2 loại đen và xanh giống nhau về hình dáng.
+ Trưởng thành có cánh hoặc không có cánh.
+ Rệp non và trưởng thành giống nhau về hình dáng, ở giai đoạn trưởng thành bụng phình to, cuối thân có 2 ống tiết dịch.
- Rệp vảy nâu: Trưởng thành cái không có cánh và được bọc bằng vỏ nâu, phồng lên hình bán cầu dài 2-3mm. Trưởng thành đực có cánh dài 1,2mm, màu xanh vàng nhạt.
- Rệp vảy xanh: Trưởng thành cái không có cánh mình dẹt, vỏ mềm và màu xanh. Rệp non màu vàng xanh.

Rệp vảy                                                      Rệp muội

4.2. Đặc điểm sinh sống và gây hại
- Rệp muội: Hại nhiều loại cây trồng như chè, cà phê, cam quýt…, rệp bám vào các ngọn lá non để hút dịch làm cho lá non cong queo, phát triển không bình thường. Rệp muội phát triển quanh năm nhưng nhiều nhất là khi cà phê ra búp non.
- Rệp vảy nâu: Trứng nhỏ được đẻ thành ổ ở dưới vỏ của con cái, khi nở rệp chưa có vỏ, màu vàng nhạt hình bầu dục, rệp bám vào cành lá hút dịch cây làm cho cành lá kém phát triển. Rệp thường gây hại vào mùa khô.
- Rệp vảy xanh: Rệp vảy xanh cũng bám vào lá và cành non để hút dịch cây, làm lá biến vàng.
4.3. Biện pháp phòng trừ
Có thể sử dụng các loại thuốc sau để phòng trừ:
- Acephate (Lancer 50SP)
- Benfuracarb (Oncol 20EC);
- Chlorpyrifos Ethyl (Pyritox 480EC);
- Alpha-Cypermethrin (Fastac 5EC);
- Imidacloprid (Confidor 100SL)

5. Sâu đục thân mình hồng (Zeuzera coffeara)
5.1. Đặc điểm hình thái
Trưởng thành là loài bướm trắng với nhiều chấm xanh biếc, thân dài 20-30mm, màu đỏ và được phủ bằng lớp lông trắng. Sâu non đẫy sức dài 30-50mm màu hồng. Nhộng dài 15-34mm.
5.2. Tập quán sinh sống, quy luật phát sinh và gây hại
Bướm cái đẻ trứng vào vỏ cây, sâu non đục vào giữa thân cây và đùn mạt gỗ ra ngoài. Cây bị hại dễ bị gãy ngang.
Sâu thường phá hại thân, có khi hại cành cấp 1, cấp 2. Sâu có thể phá hại từ cành này sang cành khác, gây ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây thậm chí gây chết cây.
Suốt vòng đời của sâu đục vào thân và sống bên trong đó, đến khi trưởng thành bay ra ngoài tìm những nơi cành lá xanh tốt xum xuê để đẻ trứng, trứng được đẻ thành từng ổ ở vỏ cây.
Sâu thích hợp ở nhiệt độ 20-28oC, dưới 18oC sâu phát triển chậm, sâu thường gây hại ở cây có tán không cân đối, những vườn không có cây che bóng.


5.3. Biện pháp phòng trừ
- Trồng cây che bóng làm giảm cường độ ánh sáng. Tạo hình sửa cành, tạo cho cây có một hình thù cân đối, thân cây được che phủ từ trên xuống dưới.
- Đối với cây bị hại nặng cần cưa cắt đoạn thân có sâu đem đốt tiêu hủy.
- Sử dụng một số loại thuốc BVTV sau để phòng trừ:
+ Diazinon (Diazol 10GR, Diazan 50EC)
+ Chlorpyrifos Ethyl + Cypermethrin (Tungcydan 55EC).

6.Sâu đục thân mình trắng (Xylotrechus quadripes)
6.1.Đặc điểm hình thái
- Trứng màu ngà, sâu non trắng ngà luôn nằm thẳng, không có chân, toàn thân gồm nhiều đốt, răng cứng khỏe.
- Trưởng thành thuộc họ xén tóc dài 17-18mm, ngang 5-7mm. Râu đầu thẳng và có nhiều đốt. Cánh cứng màu đen có các khoang đen hình chữ nhân xen kẽ các vạch vàng xám cũng hình chữ nhân. Lưng ngực màu vàng xám.
- Nhộng trần màu vàng.


6.2.Đặc điểm sinh sống và gây hại
-Cây bị hại, lá non bị hại biến dạng, mép lá hơi xoăn, phiến lá không phẳng phiu, chuyển từ xanh bóng sang xanh đậm màu.
- Trên thân, có các vết lằn vòng quanh dưới vỏ cây. Trên cây đã bị sâu xâm nhập và đã vũ hóa bay đi, phát hiện các lỗ nhỏ tròn, toàn bộ cành lá phía trên đều bị vàng úa, cằn cỗi, trong khi các cành phía dưới vẫn xanh tốt. Cây dễ bị gãy gục ở đoạn sâu đục.
- Khi chẻ thân cây bị đục, trong thân có thể có một hoặc nhiều sâu non.
- Trưởng thành đẻ trứng vào vết nứt của vỏ thân rải rác hoặc thành từng cụm. Sau khi nở, sâu non đục vào gỗ, rồi đục ngoằn nghèo quanh vòng cây, tiện ngang các mạch gỗ. Sâu đục tới đâu, đùn phân và mạt cưa bịt kín đến đó. Khi sắp chuyển thành nhộng, sâu đục ra phía gần vỏ, cho tới khi vỏ sắp thủng thì dừng lại. Sâu hóa nhộng ở gần vỏ.
- Sâu đục thân phát triển quanh năm nhưng có 2 đợt chính vào tháng 4, 5 và 10, 11. Trưởng thành ưa đẻ trứng vào những cây ít cành, thưa lá. Chúng hoạt động mạnh khi nhiệt độ cao, ánh sáng nhiều.
- Vòng đời của sâu đục thân: Biến động từ 135 – 215 ngày
6.3 Biện pháp phòng trừ
- Trồng cây che bóng làm giảm cường độ ánh sáng. Tạo hình sửa cành, tạo cho cây có một hình thù cân đối, thân cây được che phủ từ trên xuống dưới.
- Đối với cây bị hại nặng cần cưa cắt đoạn thân có sâu đem đốt tiêu hủy.
- Sử dụng một số loại thuốc BVTV sau để phòng trừ:
+ Diazinon (Diazol 10GR, Diazan 50EC)
+ Chlorpyrifos Ethyl + Cypermethrin (Tungcydan 55EC).

7. Tuyến trùng
7.1 Triệu chứng
Tuyến trùng sống trong đất, chúng bám vào rễ lông hút của cây cà phê để sinh sống và làm cây cà phê bị héo vàng và chết.
7.2. Điều kiện phát sinh và gây hại của tuyến trùng
Tuyến trùng gây hại trên cà phê chủ yếu là Meloidogyne sp. và Pratylenchus sp. chúng sống trong đất, thường gây hại trong mùa mưa, lây lan nhờ nước.


7.3 Phòng trừ
- Đất trồng phải chuẩn bị kỹ, không còn tàn dư cây trồng khác; luôn giữ cho đất sạch cỏ dại, tơi xốp và bón phân đầy đủ.
- Sử dụng một số loại thuốc BVTV sau để phòng trừ: Benfuracarb (Oncol 5GR); Chitosan (Tramy 2SL); Carbosulfan (Vifu- super 5GR, Marshal 5GR); Paecilomyces lilacinus (Palila 500WP); Rotenone + Saponin (Sitto-nin 15BR, Ritenon 150BR).
- Khi cây bị bệnh nặng cần nhổ bỏ và xử lý đất bằng vôi bột một thời gian rồi mới trồng lại.

8. Bệnh khô cành khô quả (Colletotrichum spp.)
8.1 Đặc điểm triệu chứng
Bệnh gây hại trên lá, quả, cành cà phê.
- Trên lá: Bệnh xâm nhập vào đầu lá hay phiến lá, triệu chứng ban đầu là những vết loang lổ màu nâu có nhiều vòng đồng tâm, sau đó lan rộng ra chuyển sang màu nâu sẫm hay nâu đen. Các vết bệnh xuất hiện nhiều liên kết với nhau thành từng mảng lớn làm cho lá bị khô rụng.
- Trên cành: Bệnh tấn công lên cành ở các giai đoạn cành đang hóa gỗ và xâm nhập vào đầu cành mang quả. Trên cành có những vết nâu lõm xuống làm vỏ biến màu nâu đen và khô dần. Khi bệnh nặng, nấm xâm nhập và gây hại cả cành lớn và lan đến thân làm rụng lá và cành trơ trụi khô đen.
- Trên quả: Nấm tấn công vào giai đoạn quả thành thục 6-7 tháng. Vết bệnh là những đốm nâu lõm vào phần vỏ quả có kích thước và hình thù khác nhau. Bệnh xuất hiện bắt đầu từ cuống quả hay tại điểm tiếp xúc giữa hai quả, những nơi mà nước có thể đọng lại.
- Bệnh nặng làm lá, cành, quả khô đen và rụng làm cành trơ trụi.
8.2. Nguyên nhân, điều kiện phát sinh, phát triển của bệnh
- Bệnh do các loài nấm Colletotrichum gloesporioides, Colletotrichum cofeanum gây nên trong điều kiện cây bị suy yếu do thiếu dinh dưỡng.
- Bệnh gây hại ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng của cây, nhưng bệnh phát triển mạnh lúc cà phê ra hoa, kết quả và trong thời kỳ cây nuôi trái. Mưa nhiều vào buổi chiều tối làm phát tán bào tử và làm bào tử xâm nhiễm vào quả.


8.3. Biện pháp phòng trừ
- Biện pháp canh tác: Bón phân đầy đủ và hợp lý cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cây. Có thể dùng cây che bóng. Cắt và gom những đoạn cành bị bệnh đốt tiêu hủy.
- Biện pháp hóa học: Sử dụng một trong các loại thuốc sau:
+ Propineb (Antracol 70WP, Newtracon 70 WP)
+ Mancozeb (Manozeb 80WP)
+ Hexaconazole (Tungvil 5SC),
+ Validamycin (Tung vali 3SL)

9. Bệnh lở cổ rễ (Rhizoctonia sp. + Fusarium Oxysporum + Pythium sp.)
9.1. Triệu chứng
- Cây sinh trưởng chậm, lá vàng rất dễ nhầm với vàng lá do kém chăm sóc và thiếu dinh dưỡng.
- Một phần cổ rễ (phần thân tiếp giáp với rễ cọc, cách mặt đất khoảng 20-30cm) bị khuyết dần vào trong, sau đó vết khuyết sâu hơn, cây vàng dần và chết.


9.2. Nguyên nhân
Bệnh do nấm Rhizoctonia sp. + Fusarium Oxysporum + Pythium sp. gây ra trong điều kiện mùa mưa, chủ yếu trên cà phê 2 năm tuổi. Bệnh gây hại cả trong vườn ươm.
9.3. Biện pháp phòng trừ
- Đất trồng cà phê phải có tầng canh tác dày, thoát nước tốt, nước ngầm thấp. Cây con phải đủ tiêu chuẩn theo quy định, sạch sâu bệnh.
- Trồng cây chắn gió. Tránh tạo vết thương phần gốc cây qua việc làm cỏ và đánh chồi sát gốc.
- Đối với cây bị hại nhẹ, luân phiên sử dụng các loại thuốc sau để phòng trừ:
+ Dẫn xuất Salicylic Acid (Sông Lam 333 50EC)
+ Trichoderma viride (Biobus 1.00WP)
+ Validamicin (Valijapane 3SL, 5SL, 5SP)
- Đối với những cây bị hại nặng cần nhổ bỏ và đốt tiêu hủy. Sau đó xử lý hố trước khi trồng lại bằng cách bón vôi 1kg/hố trước khi trồng 15 ngày.

10. Bệnh rỉ sắt (Hemileia vastatrix)
10.1. Triệu chứng
Bệnh gây hại trên lá, lúc đầu vết bệnh là những đốm tròn nhỏ màu vàng, sau vết bệnh lớn dần và có lớp phấn màu vàng da cam rất sáng ở dưới mặt lá. Bệnh nặng làm lá vàng và rụng, cây sinh trưởng còi cọc.
10.2. Nguyên nhân, điều kiện phát sinh, phát triển của bệnh
- Bệnh do nấm Hemileia vastatrix gây hại.
- Bào tử nấm phát tán
và lây lan mạnh nhờ gió, côn trùng và khi chăm sóc. Bào tử có thể tồn tại nhiều tháng trong điều kiện thời tiết bất lợi. Bào tử nảy mầm nhanh ở nhiệt độ 24oC sau 2-4 giờ và phát triển nhanh ở độ ẩm 80-90%. Thời gian ủ bệnh là 6-12 giờ.
- Các giống cà phê ở Việt Nam đều nhiễm bệnh rỉ sắt. Arabica nhiễm nặng nhất, tiếp đến là Exelsa và Robusta.


10.3. Biện pháp phòng trừ
- Biện pháp canh tác:
+ Bón phân đầy đủ và cân đối, tạo hình thông thoáng, tỉa cành hợp lý giúp cây sinh trưởng tốt.
+ Dùng giống kháng bệnh như: S.73, Catimor F6. Hạn chế sử dụng các giống mẫn cảm với bệnh rỉ sắt như Caturra, Typica, Mundo Novo...
- Biện pháp hóa học: sử dụng các loại thuốc sau:
+ Hexaconazole (Anvil 5SC)
+ Propiconazole (Tilt 250 EC, Bumper 250 EC)
+ Carbendazim (Daphavil 50 SC, Arin 25SC)
+ Triadimefon (Bayleton 250 EC, Encoleton 25 WP)
+Difenoconazole + Propiconazole (Tilt Super 300EC)
- Vào tháng 6, 7 khi bệnh xuất hiện có thể phun thuốc 2 - 3 lần cách nhau 7-10 ngày. Nên phun khi vết bệnh chưa xuất hiện lớp nấm màu hồng.

11. Bệnh nấm hồng (Corticium salmonicolor)
11.1. Triệu chứng
- Bệnh phát sinh ở trên cành, gần nơi phân cành tạo ra vết bệnh màu phớt hồng, lúc đầu nhẵn sau dầy lên và màu hồng càng rõ, trên mặt có lớp bột màu hồng nhạt mịn, đó là các bào tử của nấm.
- Vết bệnh phát triển chạy dài dọc theo cành và dần dần bọc hết chu vi cành, làm lá bị vàng, quả bị rụng non và cành chết khô.


11.2. Nguyên nhân, điều kiện phát sinh, phát triển của bệnh
- Bệnh do nấm Corticium salmonicolor gây nên.
- Bệnh phát triển trong điều kiện khí hậu nóng ẩm và vườn cây rậm rạp, đặc biệt trong mùa mưa. Bệnh lây lan bằng bào tử theo gió mưa hoặc côn trùng.
11.3. Biện pháp phòng trừ
- Biện pháp canh tác: Cắt tỉa, tạo tán hợp lý làm cho vườn cà phê được thông thoáng.
- Biện pháp hóa học: Khi bệnh hại nặng cần cắt bỏ những đoạn cành bị bệnh đốt tiêu hủy kết hợp phun một trong các loại thuốc sau:
+ Validamycin (Validacin 3SL; Valivithaco 3SC)
+ Copper Hydroxide (Champion 77WP)
+ Carbendazim (Arin 25SC)
+ Eugenol (Genol 0.3SL, 1.2SL)
+ Hexaconazole + Propineb (Shut 677WP)
+ Azoxystrobin + Hexaconazole (Camilo 150SC).

12. Bệnh thối cổ rễ (Fusarium spp.)
12.1. Triệu chứng
Cây sinh trưởng chậm, gốc bị long, phần cổ rễ thối đen, nhỏ lại so với thân, gỗ bên trong bị khô, bệnh phát triển và lây lan rất nhanh làm lá héo vàng và cây bị chết.
12.2. Nguyên nhân
Bệnh chủ yếu do nấm Fusarium spp., thường xuất hiện vào giữa mùa mưa trên cà phê 2 năm tuổi. Nấm bệnh tồn tại trong đất xâm nhập vào cây qua vết thương.
12.3. Biện pháp phòng trừ
- Đất trồng cà phê phải có tầng canh tác dày, thoát nước tốt, nước ngầm thấp. Cây con phải đủ tiêu chuẩn trồng, sạch sâu bệnh.
- Trồng cây chắn gió. Tránh tạo vết thương phần gốc cây qua việc làm cỏ và đánh chồi sát gốc.
- Đối với cây bị hại nhẹ, có thể sử dụng các loại thuốc sau để phòng trừ:
+ Dẫn xuất Salicylic Acid (Sông Lam 333 50EC)
+ Trichoderma viride (Biobus 1.00WP)
+ Validamicin (Valijapane 3SL)
- Đối với những cây bị hại nặng cần nhổ bỏ và đốt tiêu hủy. Sau đó xử lý hố trước khi trồng lại bằng cách bón vôi 1kg/hố trước khi trồng 15 ngày.

13. Thối nứt thân (Fusarium spp.)
13.1. Triệu chứng
- Bệnh xuất hiện trên vườn kiến thiết cơ bản lẫn kinh doanh, thường xuất hiện trên đoạn thân đã hóa gỗ. Bệnh làm nứt và thối đen lớp vỏ ngoài của thân cây, nếu bị nặng thì lớp gỗ phía trong bị khô dẫn đến hiện tượng tắc mạch, cây thiếu nước nên héo và khô từ đầu ngọn xuống. Vết bệnh có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào của thân cây nhưng thường ở đoạn giữa và gần gốc cây. Bệnh phát triển và lây lan nhanh.


13.2. Nguyên nhân
- Bệnh do nấm Fusarium spp. gây ra. Đây là loài nấm gây bệnh tắc mạch dẫn và gây chết rất nhanh.
- Bệnh thường xảy ra ở những vườn cây không thông thoáng, ẩm thấp hay những năm mưa nhiều, ẩm độ không khí cao.
13.3. Biện pháp phòng trừ
Cần phát hiện bệnh sớm khi thân cây vừa bị nứt hoặc có vết thối đen nhỏ. Dùng dao cạo sạch phần vỏ thân bị bệnh. Nếu cây đã bị khô ngọn cần cưa ngang và đốt bỏ phần bệnh, và nuôi chồi mới.
Hiện chưa có thuốc đăng ký phòng trừ trong danh mục, có thể tham khảo sử dụng Boocdo 3% quết lên vết bệnh.

14. Thối rễ tơ (Rhizoctonia bataticola + Fusarium oxysporum)
14.1. Triệu chứng
- Cây bị bệnh phát triển chậm, lá vàng dần, rễ tơ bị thối đen từ chóp rễ vào.
- Cây bị nặng rễ lớn cũng bị thối đen từ lớp vỏ ngoài vào làm cho cây bị kiệt sức vì không hấp thu được dinh dưỡng nuôi cây, cây dễ bị chết.
- Bệnh gây hại trên cà phê kinh doanh và cả trên cà phê kiến thiết cơ bản. Cây thường có biểu hiện vàng từ tháng 9 trở đi và đến mùa khô thì giảm, nếu nhẹ thì sau khi tưới nước xong cây lại xanh nhưng đến năm sau cây lại bị lại.
14.2. Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh do nấm Rhizoctonia bataticola + Fusarium oxysporum gây hại
14.3. Biện pháp phòng trừ
- Bón phân đầy đủ và cân đối, tăng cường bón phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học cải tạo đất.
- Hạn chế xới xáo, làm bồn trong những vườn cây đã bị bệnh để tránh gây vết thương cho rễ.
- Xử lý chất kích thích sinh trưởng RIC 10WP để kích thích bộ rễ phát triển.
- Không tưới nước tràn từ vườn bị bệnh sang vườn không bị bệnh. Cần điều chỉnh hệ thống thoát nước cho hợp lý.
- Đối với cây bị hại nhẹ có thể dùng thuốc gốc Cuprous Oxide (Norshield 58WP), Copper Hydrocide (DuPontTM KocideÒ 46.1WG); Trichoderma spp. (TRICÔ-ĐHCT 108 bào tử/g).
- Đối với cây bị hại nặng cần đào và đốt tiêu hủy những cây bị bệnh. Xử lý hố bằng vôi trước khi trồng lại.

15. Bệnh vàng lá rụng trái cà phê
15.1. Nguyên nhân do sinh lý
- Vàng lá rụng trái do bón phân không đầy đủ hoặc không kịp thời.
- Vàng lá rụng trái do bón phân không cân đối.
- Do thiếu trung, vi lượng.
- Do cây già cỗi: Cây có dấu hiệu sinh trưởng phát triển chậm lại: Ít cành dinh dưỡng và chồi vượt, trái nhỏ dần, rễ tơ kém phát triển, cây cằn cỗi mặc dù được bón phân đầy đủ, lá vàng hàng loạt.
15.2. Nguyên nhân do sâu bệnh hại
Bệnh khô cành, khô quả, bệnh nấm hồng, bệnh vàng lá do tuyến trùng, nấm, ấu trùng ve sầu, mọt đục cành, mọt đục quả, rệp sáp cũng là các nguyên nhân gây ra hiện tượng vàng lá rụng trái cà phê hàng loạt:
15.3. Biện pháp PTTH hiện tượng vàng lá rụng trái
* Biện pháp canh tác:
- Cắt tỉa các chồi vượt, cành trong tán, cành tăm, cành thừa để tập trung dinh dưỡng nuôi trái. Tỉa những cành khô, già cỗi, cành bị sâu bệnh tạo cho vườn cây thông thoáng, cây sinh trưởng, phát triển tốt, tăng sức chống chịu sâu bệnh, hạn chế sự lây lan của các loại bệnh gây rụng trái.
- Vệ sinh đồng ruộng: Thường xuyên thu gom các cành, lá, hoa quả bị bệnh phơi khô đem đốt để ngăn ngừa sự phát triển nguồn bệnh.
- Bón phân cân đối, hợp lý. Tăng cường bón phân chuồng hoai mục.
* Biện pháp hóa học:
Khi cây cà phê bị vàng lá rụng trái thì cần phải quan sát kỹ do dinh dưỡng của cây hay do sâu, bệnh hại gây ra và sử dụng thuốc hóa học theo đúng từng đối tượng dịch hại như trên.