Nhóm thuốc trừ sâu thảo mộc tại Lâm Đồng
- Được viết: 10-06-2019 09:02
Hiện nay yêu cầu sử dụng thực phẩm an toàn và bảo vệ môi trường ngày càng phổ biến và cấp bách. Một biện pháp quan trọng để thực hiện yêu cầu này là tăng cường sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học, trong đó đáng chú ý là thuốc thảo mộc.
Nhóm thuốc thảo mộc trừ sâu có độ độc cấp tính cao nhưng phân hủy nhanh trong môi trường, đáng chú nhất là các hoạt chất Matrine, Azadirachtin, Rotenone,... Thuốc trừ sâu thảo mộc có hiệu lực diệt sâu nhanh, phổ tác dụng rộng, phòng trừ nhiều loại sâu hại cho nhiều loại cây trồng với tác động như trực tiếp tiêu diệt do làm tê liệt thần kinh, gây ngán ăn dẫn đến bị đói mà chết, xua đuổi hoặc dẫn dụ đến để dễ dàng tiêu diệt. Ở nước ta hiện nay các thuốc trừ sâu nguồn gốc thảo mộc cũng đã được đăng ký với 168 tên thương mại của nhiều đơn vị, chủ yếu sản xuất từ 3 loại hoạt chất chính là Matrine, Azadirachtin, Rotenone.
1. Hoạt chất Azadirachtin
- Tính chất: Azadirachtin là dịch chiết từ cây Neem Ấn Độ và cây xoan Trung Quốc, thuốc nguyên chất dạng rắn, tương đối bền trong tự nhiên, dễ bị phân hủy trong môi trường kiềm, tan trong nước và trong nhiều dung môi hữu cơ, thuộc nhóm độc III (nhóm II với mắt), LD50 qua miệng 3450 mg/kg, LD50 qua da > 2000 mg/kg hầu. Độc với cá, ít độc với ong, thời gian cách ly: 5 ngày.
- Cơ chế tác động: Tác động tiếp xúc và vị độc, hiệu lực diệt sâu tương đối chậm nhưng kéo dài, phổ tác động rộng phòng trừ nhiều loại sâu miệng nhai và chích hút, trừ được nhện. Thuốc làm giảm đến ức chế hoàn toàn khả năng sinh sản hoặc làm giảm khả năng trứng nở, rút ngắn thời gian sống của trưởng thành, ngăn con cái đẻ trứng, trực tiếp diệt trứng, gây ngán cho ấu trùng, trưởng thành; làm sâu non không biến thái, tác động đến sự lột xác giữa các tuổi sâu, nhộng.
- Cách sử dụng: Hoạt chất Azadirachtin có thể pha chung với nhiều thuốc trừ sâu bệnh khác. Rất có hiệu quả khi sử dụng luân phiên với các thuốc hóa học khác thuộc các nhóm lân hữu cơ, Pyrethroid đối với các sâu dễ chống thuốc. Liều lượng sử dụng: 0.5 - 0.7 lít/ha.
Trong Danh mục thuốc Bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam hiện hành có 64 loại thuốc thương phẩm gồm: 34 thuốc thương phẩm hoạt chất Azadirachtin (Bio Azadi 0.3SL; Boaza 0.3EC, 0.6EC; Super Fitoc 3EC, 5EC, 10EC, Vineem 1500EC, Neem Nim Xoan Xanh green 0.15 EC, 0.3 EC, Altivi 0.3EC…) và 30 thuốc thương phẩm của 10 dạng hỗn hợp Azadirachtin + Abamectin (Goldmectin 36EC, 42EC, 50EC, 60SC, 70SG, 100SG, Vinup 40 EC,…); Abamectin + Emamectin benzoate (Elincol 12ME); Emamectin benzoate + Chlorfluazuron (Mig 18 207WG); Matrine (Golmec 9EC, 15EC, 20EC, Biomax 1 EC, Lambada 5EC)… Phòng trừ sâu xanh/ cải xanh; sâu đục quả, nhện đỏ/ ớt; sâu tơ/ bắp cải; rệp sáp/ thuốc lá; nhện đỏ/ hoa hồng; sâu xanh da láng/ đậu tương; rệp/ cà pháo; sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân/ lúa; nhện đỏ/ cam; rệp sáp/ na; bọ cánh tơ, nhện đỏ, rầy xanh, bọ trĩ, bọ xít muỗi, sâu cuốn lá / chè; ; sâu cuốn lá, nhện gié, sâu đục bẹ/ lúa; sâu vẽ bùa/ bưởi; rầy xanh/ xoài; bọ nhảy/ rau cải; sâu đục quả/ đậu tương; nhện đỏ, sâu vẽ bùa/ cam…
Thuốc có hoạt chất Azadirachtin
2. Hoạt chất Matrine
- Tính chất: Matrine là dịch chiết từ cây khổ sâm, là thuốc trừ sâu sinh học có phổ tác dụng rộng, trừ sâu và nhện trên nhiều loại cây trồng.
Nhóm độc IV, LD50 qua miệng >5000 mg/kg, LD50 qua da >5000 mg/kg. Ít độc với người và môi trường. Thời gian cách ly 3 ngày.
- Cơ chế tác động: Tác động tiếp xúc và vị độc. Gây độc bằng cách làm tê liệt hệ thần kinh trung ương, bịt lỗ thở côn trùng làm cho côn trùng không hô hấp được và chết nhanh chóng. Ngoài ra thuốc còn có tác dụng gây ngán và xua đuổi.
- Cách sử dụng: Có thể pha chung với nhiều thuốc trừ sâu bệnh khác. Liều lượng sử dụng: 0.4 – 0,6 lít/ha.
Trong Danh mục thuốc Bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam hiện hành có 81 loại thuốc thương phẩm gồm: 25 thuốc thương phẩm của hoạt chất Matrine (Kobisuper 1SL; Sokupi 0.36SL, 0.5SL; Đầu trâu Jolie 1.1SP, Agri-one 1SL, Asin 0.5 EC, 0.5SL, Wotac 5EC, 10EC, 16EC …); 56 tên thương phẩm dạng hỗn hợp với Oxymatrine (Disrex 0.6SL); Quinalphos (Nakamura 252 EC); Abamectin (Newlitoc 36EC, 50EC…); Azadirachtin (Lambada 5EC, Golmec 9EC, 15EC, 20EC, ... ); Emamectin benzoate (Redconfi 11EC, 20EC, 21WP, 30EC, 61WG, 120WG)… Phòng trừ sâu sâu cuốn lá, sâu đục thân, sâu đục bẹ, rầy nâu, nhện gié/ lúa; sâu khoang/ khoai lang; sâu tơ/ bắp cải; sâu xanh bướm trắng/ cải xanh; sâu xanh, sâu xanh da láng/ cà chua, đậu xanh; bọ trĩ, bọ xít, nhện đỏ/ dưa hấu; dòi đục lá, sâu đục quả/ đậu tương; sâu xanh da láng, sâu hồng/ bông vải; bọ cánh tơ, rầy xanh, nhện đỏ nâu/ chè, rệp sáp/ cà phê, hồ tiêu; bọ xít muỗi/ điều; bọ trĩ, sâu xanh da láng/ nho; bọ xít, sâu cuốn lá/ vải; rầy chổng cánh, sâu vẽ bùa/ cam; sâu đục bông, rầy bông/ xoài…
Thuốc có hoạt chất Matrine
3. Hoạt chất Rotenone
- Tính chất: Rotenone có nhiều trong rễ cây dây mật (còn gọi là cây thuốc cá). Nhóm độc III, ít độc với người và động vật máu nóng, LD50 qua miệng 132-1500 mg/kg, liều gây chết ở người là 0,3 – 0,5 g/kg, nếu thuốc trực tiếp xâm nhập vào máu qua vết da bị xây xát thì độ độc tăng lên gấp nhiều lần. Rất độc với cá, không độc với tôm và ong, mật. Thời gian cách ly: 3-7 ngày
- Cơ chế tác động: Tác động tiếp xúc mạnh và vị độc, có khả năng xông hơi. Phổ tác dụng rộng ức chế chuỗi truyền điện tử trong hệ thống thần kinh và hô hấp, làm tê lệt thần kinh, ngừng trệ hô hấp
- Cách sử dụng: Có thể pha chung với nhiều thuốc trừ sâu bệnh khác. Liều lượng sử dụng: 5.0 – 8.0 kg/ha, phòng trừ tuyến trùng dùng 15-30lít/ha tưới gốc.
Trong Danh mục thuốc Bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam hiện hành có 23 loại thuốc thương phẩm gồm: 15 thuốc thương phẩm hoạt chất Rotenone (Bin 10EC, 25EC, Newfatoc 50SL, Dibaroten 5WP, Limate 7.5 EC…); 08 thuốc của 2 dạng hỗn hợp Rotenone + Saponin (Biosun 3EW, Sitto-nin 15BR, …). Phòng trừ sâu tơ/ bắp cải; sâu xanh, bọ nhảy, rệp/ cải xanh; rệp, nhện đỏ, sâu đục quả/ ớt; rệp sáp/ bí xanh; nhện đỏ/ bí đỏ, hoa hồng; rệp, sâu khoang, rệp đào / thuốc lá; sâu khoang/ lạc; sâu xanh da láng, dòi đục lá/ đậu tương; rầy xanh, nhện đỏ, bọ xít muỗi, bọ trĩ/ chè; sâu vẽ bùa, rệp sáp, nhện đỏ/ cam; bọ xít/ nhãn; rệp/ xoài; sâu đục quả/ vải; rệp sáp/ na; sâu ăn lá/ cây hồng; sâu róm/ ổi, Sâu cuốn lá/lúa, sâu xanh da láng/ súp lơ, lạc, đậu tương; sâu xanh/ cà chua; dòi đục lá/ dưa chuột; bọ trĩ/ dưa hấu; / thuốc lá, ấu trùng ve sầu, rệp sáp/cà phê, sâu tơ/ rau họ thập tự, tuyến trùng/ bắp cải, cà phê; bọ hung/ mía…
Thuốc có hoạt chất Rotenone
Nguyễn Khoa Thảo
Các tin khác
- LOẠI BỎ THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT CÓ CHỨA HOẠT CHẤT GLYPHOSATE RA KHỎI DANH MỤC THUỐC BVTV ĐƯỢC PHÉP SỬ DỤNG TẠI VIỆT NAM - 11/04/2019
- KHAI GIẢNG LỚP TẬP HUẤN BỒI DƯỠNG CHUYÊN MÔN VỀ THUỐC BVTV NĂM 2019 - 11/04/2019
- Loại bỏ các thuốc BVTV có chưa hoạt chất Acephate, diazinon, malathion và zinc phosphide khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam - 12/09/2018
- Loại bỏ thuốc Bảo vệ thực vật có chứa hoạt chất Glyphosate và các hoạt chất thay thế - 20/05/2019
- THÔNG BÁO MỞ LỚP HUẤN LUYỆN CHUYÊN MÔN VỀ PHÂN BÓN VÀ THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT - 04/04/2019
- Quyết định số 4154/QĐ-BNN-BVTV ngày 16/10/2017 của Bộ Nông nghiệp & PTNT, về việc loại các thuốc BVTV chứa hoạt chất Trichlorfon khỏi Danh mục thuốc BVTV và bổ sung 02 hoạt chất Trichlorfon và Carbofuran vào Danh mục thuốc BVTV cấm sử dụng tại Việt Nam (K - 27/10/2017
- Hoạt chất Salicylic axit - 08/01/2019
- TỔ CHỨC TẬP HUẤN LỚP BỒI DƯỠNG CHUYÊN MÔN VỀ PHÂN BÓN TẠI ĐÀ LẠT NĂM 2019 - 17/04/2019
- Thông báo mở lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn về thuốc BVTV - 22/05/2020
- THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT CHỨA HOẠT CHẤT GLYPHOSATE - 14/05/2020
- Tập huấn văn bản pháp luật mới về giống cây trồng, phân bón và thuốc BVTV năm 2019 - 28/05/2019