Quyết định số 575/QĐ-TTg ngày 04/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ, về Phê duyệt quy hoạch tổng thể Khu và Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- Được viết: 14-09-2017 09:23
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 575/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 04 tháng 05 năm 2015 |
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ KHU VÀ VÙNG NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Công nghệ cao ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 17 tháng 12 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với những nội dung chủ yếu sau đây:
1. Khai thác lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên, nguồn lực và kinh tế, xã hội của từng vùng sinh thái để phát triển ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, góp phần thực hiện các mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp của cả nước, từng vùng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
2. Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là hạt nhân công nghệ để nhân rộng ra các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
3. Xã hội hóa tối đa đầu tư xây dựng các khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp và các tổ chức khoa học công nghệ, thu hút các nguồn đầu tư nước ngoài.
1. Mục tiêu chung
Góp phần đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao; đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm quốc gia và gia tăng xuất khẩu.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Đến năm 2020
- Xây dựng 10 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong đó có 8 khu đã được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập.
- Hình thành một số vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tập trung vào các đối tượng: Rau, hoa, cà phê, chè, thanh long, bò sữa, bò thịt, gia cầm, tôm (mặn, lợ).
- Xây dựng cơ sở pháp lý, mô hình tổ chức, nguồn nhân lực phục vụ quản lý và điều hành các hoạt động của khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
- Xây dựng được một số giải pháp, chính sách để thực hiện quy hoạch và phát triển các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
- Góp phần thực hiện các mục tiêu Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 17 tháng 12 năm 2012.
b) Định hướng đến năm 2030
- Hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đưa vào hoạt động hiệu quả ít nhất 10 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
- Tiếp tục chọn lọc, thành lập một số khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đáp ứng quy định.
- Mở rộng về quy mô và đối tượng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
1. Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc quy hoạch tổng thể phải đáp ứng các quy định tại Điều 32 Luật Công nghệ cao và các quy định sau đây:
a) Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bao gồm các phân khu chức năng chủ yếu:
- Khu trung tâm hành chính;
- Khu nghiên cứu ứng dụng, thử nghiệm và trình diễn mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;
- Khu đào tạo, chuyển giao công nghệ, trình diễn và giới thiệu sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;
- Khu đầu tư sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;
- Khu xử lý chất thải.
b) Hoạt động của khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
- Hoạt động khoa học và công nghệ:
+ Tham gia nghiên cứu và phát triển công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển, thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Điểm a, b, c, d, đ Khoản 1 Điều 16 Luật Công nghệ cao;
+ Nghiên cứu ứng dụng, thử nghiệm, trình diễn mô hình sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;
+ Chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp.
- Hoạt động đào tạo nhân lực công nghệ cao:
+ Đào tạo và huấn luyện công nhân, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý về ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp;
+ Phối hợp đào tạo cử nhân, kỹ sư, thạc sỹ, tiến sĩ trong một số chuyên ngành về sinh học, nông nghiệp thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển.
- Hoạt động sản xuất, dịch vụ;
+ Sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển;
+ Tổ chức hội chợ, triển lãm, trình diễn sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;
+ Thực hiện dịch vụ tư vấn công nghệ cao trong nông nghiệp; dịch vụ cung ứng vật tư, thiết bị và tiêu thụ sản phẩm;
+ Thực hiện dịch vụ dân sinh.
- Tham gia các hoạt động ươm tạo công nghệ cao lĩnh vực nông nghiệp, ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
2. Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
a) Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là nơi sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp để sản xuất một hoặc một số sản phẩm nông sản hàng hóa có lợi thế của vùng bảo đảm đạt năng suất, chất lượng cao, giá trị gia tăng cao và thân thiện với môi trường.
b) Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc quy hoạch tổng thể cần đáp ứng các quy định:
- Có điều kiện tự nhiên thích hợp, thuộc vùng chuyên canh sản xuất tập trung một hoặc một số sản phẩm hàng hóa theo quy định tại Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 17 tháng 12 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ; phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, phát triển ngành, sản phẩm tại địa phương;
- Có cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương đối hoàn chỉnh về giao thông, thủy lợi, điện; thuận lợi cho các doanh nghiệp, trang trại, hộ nông dân tổ chức sản xuất sản phẩm nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao;
- Sản phẩm sản xuất trong vùng là sản phẩm có lợi thế của vùng, có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao;
- Có các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân tham gia đầu tư, tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.
3. Quy hoạch, xây dựng khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
a) Đến năm 2020
- Quy hoạch khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Ngoài 2 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang và Phú Yên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tiếp tục quy hoạch và xây dựng 8 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập (khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Quảng Ninh, tỉnh Quảng Ninh; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Khánh Hòa, tỉnh Khánh Hòa; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Lâm Đồng, tỉnh Lâm Đồng; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bình Dương, tỉnh Bình Dương; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cần Thơ, thành phố Cần Thơ).
- Quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
+ Về trồng trọt: Các vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao, tập trung tại Tây Nguyên, Tây Bắc và Bắc Trung bộ; các vùng sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao: Sản xuất chè xanh tập trung tại Thái Nguyên, sản xuất chè olong tập trung tại Lâm Đồng; các vùng sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao tập trung tại Bình Thuận; các vùng sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao, tập trung tại Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng; các vùng sản xuất hoa ứng dụng công nghệ cao, tập trung tại Lào Cai, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng; các vùng sản xuất cây ăn quả chủ lực xuất khẩu ứng dụng công nghệ cao, tập trung tại Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long.
+ Về chăn nuôi: Các vùng chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ cao, tập trung tại Sơn La, Hà Nội, Nghệ An và Lâm Đồng; các vùng chăn nuôi lợn ngoại ứng dụng công nghệ cao, tập trung tại vùng đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ; các vùng chăn nuôi gia cầm ứng dụng công nghệ cao, tập trung tại vùng đồng bằng sông Hồng, Đông Bắc, Bắc Trung bộ và đồng bằng sông Cửu Long.
+ Về thủy sản: Các vùng sản xuất tôm nước mặn, nước lợ ứng dụng công nghệ cao, tập trung tại vùng đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ, Duyên hải Nam Trung bộ, Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long.
b) Định hướng đến năm 2030
- Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
+ Hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng, hoạt động có hiệu quả 10 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được thành lập thuộc quy hoạch tổng thể.
+ Nghiên cứu quy hoạch các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các tỉnh Lào Cai, Phú Thọ, Sơn La, Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Đắk Nông, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang và các tỉnh còn lại.
+ Chọn lọc thành lập các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đáp ứng quy định tại Khoản 1 Mục III Điều 1 Quyết định này và Điều 33 Luật Công nghệ cao trên phạm vi toàn quốc.
- Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
+ Về trồng trọt: Mở rộng quy mô ứng dụng công nghệ cao đối với các đối tượng giai đoạn 2015 - 2020 trên cơ sở phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội, phát triển ngành, sản phẩm tại địa phương, cân đối cung cầu; bổ sung các vùng sản xuất một số sản phẩm chủ lực ứng dụng công nghệ cao như: Hồ tiêu, cây ăn quả khác, cây dược liệu...
+ Về chăn nuôi: Mở rộng quy mô ứng dụng công nghệ cao đối với các đối tượng giai đoạn 2015 - 2020 trên cơ sở phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội, phát triển ngành, sản phẩm tại địa phương, cân đối cung cầu.
+ Về thủy sản: Mở rộng quy mô ứng dụng công nghệ cao đối với các đối tượng giai đoạn 2015 - 2020 trên cơ sở phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội, phát triển ngành, sản phẩm tại địa phương, cân đối cung cầu; bổ sung các vùng sản xuất một số sản phẩm chủ lực ứng dụng công nghệ cao khác như: Cá tra, cá nước lạnh, nhuyễn thể.
4. Danh mục các khu, địa điểm, quy mô, lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao quy hoạch đến năm 2020, định hướng nghiên cứu quy hoạch đến năm 2030 được nêu chi tiết tại Phụ lục ban hành kèm theo quyết định này.
Việc xem xét, điều chỉnh, bổ sung danh mục khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao căn cứ quy định tại Khoản 1 Mục III Điều 1 Quyết định này và Điều 33 Luật Công nghệ cao.
1. Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ quản lý khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
2. Quy hoạch, sử dụng đất đai
a) Các địa phương trong quy hoạch: Dành đất cho xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 5 Điều 33 Luật Công nghệ cao.
b) Xây dựng quy hoạch khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế vùng miền, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên đất.
3. Nhân lực và sử dụng nguồn nhân lực
a) Phát triển nguồn nhân lực đủ về số lượng và chất lượng để thực hiện nhiệm vụ phát triển khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
b) Có chính sách thu hút và sử dụng nguồn nhân lực công nghệ cao theo quy định tại Điều 29 Luật Công nghệ cao.
4. Nguồn vốn đầu tư thực hiện quy hoạch
a) Đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư thực hiện quy hoạch, xây dựng khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
b) Nguồn vốn từ ngân sách nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Khoản 3 Điều 33 Luật Công nghệ cao; hỗ trợ xây dựng hạ tầng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 17 tháng 12 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ; khuyến khích xã hội hóa và thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
c) Khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở nghiên cứu ứng dụng, đào tạo, sản xuất, dịch vụ trong khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và đầu tư sản xuất, hoạt động dịch vụ trong vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
d) Các nguồn vốn khác theo quy định.
5. Khoa học và công nghệ
a) Triển khai các hoạt động tạo và phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Mục II Điều 1 Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 17 tháng 12 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phục vụ phát triển các khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
b) Tiếp tục triển khai việc xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong quản lý chất lượng sản phẩm nông nghiệp, bền vững môi trường tại khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
c) Tiếp tục triển khai các hoạt động khoa học công nghệ phục vụ phát triển các khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao một cách hiệu quả và bền vững, tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường và bảo đảm sức khỏe cộng đồng.
d) Hoạt động khoa học công nghệ phục vụ phát triển các khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được hưởng các cơ chế, chính sách ưu đãi về huy động nguồn vốn đầu tư, chính sách ưu đãi tín dụng theo quy định hiện hành.
6. Hợp tác quốc tế
Tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển, nhập công nghệ cao trong nông nghiệp, thu hút vốn đầu tư; đào tạo cán bộ, trao đổi chuyên gia; tổ chức hội thảo, hội chợ giới thiệu công nghệ cao trong nông nghiệp và sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
7. Cơ chế chính sách
a) Ưu đãi về đất đai theo quy định tại Khoản 2 Điều 33 Luật Công nghệ cao và các văn bản quy định của pháp luật về đất đai.
b) Hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Quy hoạch tổng thể
- Đối với khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập: Căn cứ điều kiện cụ thể, ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa không quá 70% để đầu tư xây dựng hạ tầng trong khu (hạ tầng thông tin, giao thông, điện, nước, trụ sở điều hành, hệ thống xử lý chất thải).
- Đối với vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Căn cứ điều kiện cụ thể, ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng hạ tầng trong vùng (hệ thống giao thông, hệ thống thủy lợi tưới tiêu và xử lý chất thải) theo các dự án được duyệt.
c) Doanh nghiệp hoạt động trong khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được hưởng mức ưu đãi cao nhất về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và các ưu đãi khác đối với doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao theo quy định tại Khoản 2 Điều 19 Luật Công nghệ cao.
d) Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, phát triển thị trường và ứng dụng khoa học công nghệ
- Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường và ứng dụng khoa học công nghệ đối với tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư xây dựng khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ và các văn bản quy định hiện hành.
- Ưu tiên triển khai các nhiệm vụ tạo và phát triển công nghệ cao, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp tại khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
- Hỗ trợ các hoạt động chuyển giao khoa học công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
đ) Hỗ trợ các hình thức hợp tác, liên kết tổ chức sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa người sản xuất, các trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã với doanh nghiệp để tăng cường năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo các quy định hiện hành.
e) Hỗ trợ xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm của khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thẩm định đề án thành lập khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.
b) Chủ trì xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định quy định tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
c) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn và kiểm tra việc triển khai thực hiện .Quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
d) Chủ trì, phối hợp bổ sung điều chỉnh quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đề xuất với các Bộ, ngành, địa phương liên quan trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư
a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ, ngành liên quan hướng dẫn, tổng hợp, cân đối vốn đầu tư phát triển, thẩm tra hỗ trợ địa phương xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc quy hoạch, giám sát, đánh giá hiệu quả sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước.
b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan đề xuất về mô hình và cơ chế quản lý đối với các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao,
3. Bộ Tài chính
a) Thực hiện theo dõi, kiểm tra, thẩm định việc hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
b) Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện Quy hoạch, phát triển các khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
4. Bộ Khoa học và Công nghệ:
a) Chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ xây dựng cơ sở dữ liệu, hạ tầng thông tin về công nghệ cao nói chung và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nói riêng;
b) Phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức, tham gia chợ, hội chợ, triển lãm sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
5. Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan liên quan thẩm định về nhiệm vụ và đồ án Quy hoạch chung xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định hiện hành.
6. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan xây dựng cơ chế, chính sách và đáp ứng các khoản tín dụng, bảo lãnh vốn vay, hỗ trợ lãi suất vay để thực hiện Quy hoạch theo quy định.
7. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào Quy hoạch tổng thể:
a) Dành đất cho xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 5 Điều 33 Luật Công nghệ cao;
b) Xây dựng đề án thành lập khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
c) Chủ động xây dựng, khuyến khích doanh nghiệp, các khu và vùng ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương;
d) Phê duyệt quy hoạch chung vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được cấp có thẩm quyền công nhận trên địa bàn địa phương;
đ) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, liên quan tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư vào các khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;
e) Chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức hội chợ, triển lãm công nghệ cao trong nông nghiệp và sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;
g) Tổ chức triển khai các nội dung đầu tư xây dựng và phát triển khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, định kỳ hàng năm báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ liên quan để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ;
h) Lồng ghép việc xây dựng khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với các nhiệm vụ phát triển của ngành, địa phương, chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội;
i) Căn cứ điều kiện cụ thể của địa phương, quy định các chính sách ưu đãi khác đối với khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao xây dựng trên địa bàn;
k) Đề xuất các văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung để thực hiện quy hoạch và phát triển các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao một cách hiệu quả, bền vững.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
KT. THỦ TƯỚNG |
DANH MỤC CÁC KHU NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO QUY HOẠCH ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG NGHIÊN CỨU QUY HOẠCH ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 575/QĐ-TTg ngày 04 tháng 05 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ)
TT |
Tên |
Diện tích (ha) |
Địa điểm |
Lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao |
Phân kỳ |
1. |
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Thái Nguyên |
300,0 |
Huyện Phổ Yên và Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên |
- Trồng trọt (rau, hoa, nấm, chè, cây lâm nghiệp); - Chăn nuôi (bò thịt, gia cầm); - Thủy sản (cá nước ngọt); - Bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp. |
2020 |
2. |
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Quảng Ninh |
106,0 |
Huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh |
- Trồng trọt (giống và sản phẩm rau, hoa, nấm, cây ăn quả, cây cảnh, cây lâm nghiệp); - Bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp. |
2020 |
3. |
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Thanh Hóa |
200,0 |
Huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa |
- Trồng trọt (rau, hoa, mía đường, cây lâm nghiệp); - Chăn nuôi (bò thịt, lợn, gia cầm); - Bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp. |
2020 |
4. |
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Khánh Hòa |
65,9 |
Huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa |
- Trồng trọt (giống và sản phẩm lúa, ngô, rau, hoa, mía, điều, xoài); - Chăn nuôi (giống lợn); - Thủy sản (cá nước ngọt). |
2020 |
5. |
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Lâm Đồng |
221,0 |
Huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng |
- Trồng trọt (rau, hoa chất lượng cao, cây ăn quả ôn đới, ngô, cà phê, hồ tiêu, chè, cây dược liệu, cây lâm nghiệp); - Chăn nuôi (bò thịt, bò sữa); - Thủy sản (cá nước lạnh); - Bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp. |
2020 |
6. |
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên |
460,0 |
Huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên |
- Trồng trọt (rau, hoa, lúa, mía, cây ăn quả đặc sản, cây lâm nghiệp); - Chăn nuôi (bò thịt, lợn thịt, gia cầm siêu thịt, siêu trứng); - Thủy sản (nước ngọt, nước mặn); - Bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp. |
2020 |
7. |
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh |
88,2 |
Huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh |
- Trồng trọt (giống và sản phẩm rau, hoa quả); - Thủy sản (cá cảnh); |
2020 |
8. |
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bình Dương |
412,0 |
Huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương |
- Trồng trọt (rau, hoa, nấm, cà phê, cao su, hồ tiêu, điều, mía, cây dược liệu); - Chăn nuôi (bò thịt, bò sữa, lợn thịt, gia cầm); - Thủy sản (cá cảnh); - Bảo quản chế biến sản phẩm nông nghiệp. |
2020 |
9. |
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang |
415 |
Huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang |
- Trồng trọt (rau, hoa, lúa đặc sản, cây ăn quả đặc sản, phân bón vi sinh, nấm ăn và nấm dược liệu); - Chăn nuôi (lợn thịt, gia cầm siêu thịt, siêu trứng); - Thủy sản (nước ngọt, nước mặn); - Bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp. |
2020 |
10. |
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Cần Thơ |
244,0 |
Huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ |
- Trồng trọt (rau, hoa, lúa chất lượng cao, cây ăn quả đặc sản); - Chăn nuôi (lợn, gà, vịt); - Thủy sản (cá nước ngọt, tôm nước lợ); - Bảo quản chế biến sản phẩm nông nghiệp. |
2020 |
11. |
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hà Nội |
96,6 |
Huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội |
- Trồng trọt (rau, hoa, cây cảnh); - Thủy sản (cá nước ngọt). |
2030 |
12. |
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Lào Cai |
200,0 |
Huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai |
Trồng trọt (giống và sản phẩm chè, rau, hoa, cây ăn quả ôn đới, cây dược liệu); - Thủy sản (cá nước lạnh); - Bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp. |
2030 |
13. |
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Thọ |
300,0 |
Thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ |
- Trồng trọt (giống và sản phẩm lúa chất lượng cao, nấm, rau, hoa, chè, cây ăn quả); - Chăn nuôi (bò thịt, gia cầm); - Thủy sản (cá nước ngọt); - Bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp. |
2030 |
14. |
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Sơn La |
200,0 |
Huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La |
- Trồng trọt (rau, hoa, chè, cây ăn quả ôn đới); - Chăn nuôi (bò sữa, bò thịt); - Bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp. |
2030 |
15. |
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Nam Định |
200,0 |
Huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định |
- Trồng trọt (giống và sản phẩm rau, hoa, giống lúa và lúa gạo chất lượng cao); - Chăn nuôi (lợn và gia cầm chất lượng cao); - Thủy sản (thủy sản nước lợ, mặn); - Bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp. |
2030 |
16. |
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hải Phòng |
200,0 |
Huyện An Lão, thành phố Hải Phòng |
- Trồng trọt (rau, hoa, nấm, cây ăn quả); - Chăn nuôi (lợn, gia cầm); - Thủy sản (giống và sản phẩm thủy sản (nước lợ, nước mặn); - Chế phẩm sinh học; - Bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp. |
2030 |
17. |
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Nghệ An |
200,0 |
Huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An |
- Trồng trọt (giống và sản phẩm rau, hoa, lạc, cam, bưởi, cây thức ăn chăn nuôi); - Chăn nuôi (bò thịt, bò sữa, gia cầm); - Thủy sản (cá nước ngọt); - Bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp. |
2030 |
18. |
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hà Tĩnh |
140,0 |
Huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh |
- Trồng trọt (giống và sản phẩm rau, hoa, nấm, cây ăn quả); - Chăn nuôi (bò thịt, gia cầm); - Thủy sản (cá nước ngọt). |
2030 |
19. |
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Quảng Ngãi |
190,0 |
Huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi |
- Trồng trọt (rau, hoa, nấm); - Thủy sản (cá nước ngọt). |
2030 |
20. |
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ĐắkNông |
120,0 |
Thị xã Gia Nghĩa, tỉnh ĐắkNông |
- Trồng trọt (giống và sản phẩm hoa, rau, nấm ăn, nấm dược liệu, cây ăn quả, cà phê, hồ tiêu, mắc ca); - Thủy sản (cá nước ngọt). |
2030 |
21. |
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bà Rịa - Vũng Tàu |
150,0 |
Huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu |
- Trồng trọt (giống rau, hoa, cây cảnh, cây ăn quả đặc sản, lúa đặc sản, hồ tiêu, ca cao, cây lâm nghiệp, cây dược liệu); - Chăn nuôi (giống lợn, gia cầm, bò thịt). |
2030 |
22. |
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Tiền Giang |
200,0 |
Huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang |
- Trồng trọt (cây ăn quả, rau, hoa, cây cảnh); - Chăn nuôi (lợn, gia cầm); - Thủy sản (thủy sản nước ngọt); - Sản xuất phân bón, thuốc và chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp. |
2030 |
Các tin khác
- Quyết định số 19/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Quy định tiêu chí, thẩm quyền, trình tự thủ tục công nhận doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao - 24/06/2018
- Quyết định số 738/QĐ-BNN-KHCN ngày 14/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT, về việc TIÊU CHÍ XÁC ĐỊNH CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO, NÔNG NGHIỆP SẠCH, DANH MỤC CÔNG NGHỆ CAO ỨNG DỤNG TRONG NÔNG NGHIỆP - 14/09/2017
- Công văn số 10970/BTC-TCHQ ngày 09/8/2016 của Bộ Tài chính, về việc hướng dẫn miễn thuế hàng hóa nhập khẩu theo Quyết định số 1528/QĐ-TTg - 14/09/2017
- Công văn 2196/BKHĐT-KTCN ngày 29/3/2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về việc miễn thuế nhập khẩu nhà kính, vật tư, trang thiết bị theo Điểm b Khoản 3 Điều 1 Quyết định số 1528/QĐ-TTg ngày 03/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ - 14/09/2017
- Luật số: 21/2008/QH12 của Quốc Hội về Công nghệ cao - 14/09/2017
- Quyết định số 19/2015/QĐ-TTg ngày 15/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ, về Quy định tiêu chí xác định doanh nghiệp Công nghệ cao - 14/09/2017
- Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 11/11/2016 của Tỉnh ủy Lâm Đồng, về việc phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025 - 14/09/2017
- Quyết định số 1528/QĐ-TTg ngày 03/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ, về việc ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng - 14/09/2017
- Quyết định số 756/QĐ-UBND ngày 19/4/2017 của UBND tỉnh Lâm Đồng, về việc Ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 11/11/2016 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng - 14/09/2017
- Thông tư số 50/2011/TT-BNNPTNT ngày 15/7/2011 của Bộ Nông nghiệp & PTNT, về việc hướng dẫn thực hiện Quyết định số 69/2010/QĐ-TTg ngày 03/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ - 14/09/2017
- Quyết định số 66/2015/QĐ-TTg ngày 25/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ, về việc Quy định tiêu chí, thẩm quyền, trình tự thủ tục công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao - 14/09/2017