Quy trình kỹ thuật canh tác cây chuối laba
- Được viết: 30-07-2013 16:58
QUY TRÌNH KỸ THUẬT CANH TÁC CÂY CHUỐI LABA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1251/QĐ-SNN ngày 13/12/2012 V/v Ban hành tạm thời quy trình canh tác một số loại cây trồng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng)
I. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG:
1. Phạm vi điều chỉnh: Quy trình áp dụng cho tất cả các vùng trồng chuối trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
2. Đối tượng áp dụng: Các tổ chức, cá nhân trồng chuối trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
II. ĐẶC ĐIỂM VÀ YÊU CẦU VỀ ĐIỀU KIỆN NGOẠI CẢNH:
1. Đặc đểm thực vật học: Cây chuối tên khoa học là Musa sapientum L., thuộc họ Musaceae. Chuối là loại cây ăn quả nhiệt đới, ngắn ngày, dễ trồng và cho sản lượng khá cao, trung bình có thể đạt năng suất 20-30 tấn/ha.
- Cây cao từ 3-3,5m, eo lá và vỏ bẹ lá có màu tím, buồng dài nhiều trái, quả chuối thon, dài và hơi cong; vỏ dày và bóng, chín có màu vàng tươi. Thịt quả có màu vàng sánh, dẻo, ngọt và có mùi thơm đặc trưng, vào mùa đông hay những lúc mưa nhiều, vỏ chuối có nhiều chấm đen li ti như đốm trứng cuốc.
2. Yêu cầu điều kiện ngoại cảnh:
- Điều kiện sinh thái:
Nhiệt độ: Chuối sinh trưởng và phát triển thuận lợi từ 25-350C, khi nhiệt độ giảm đến 100C thì quả nhỏ, phẩm chất kém, sinh trưởng chậm, chuối sợ rét và sương muối, khi gặp sương muối kéo dài lá chuối sẽ xám lại và héo khô.
Nhu cầu về nước: Hàm lượng nước trong các bộ phận cây chuối rất cao, trong thân già 92,4%, trong rễ 96%, trong lá 82,6% và trong quả 96%, độ bốc hơi của lá rất lớn, dưới ánh nắng mặt trời, sức tiêu hao nước của chuối từ 40-50mg/dm2/phút. Chú ý vào mùa khô thường khô hanh, ít mưa nên cần có biện pháp tưới ẩm để cung cấp đủ nước cho chuối.
Ánh sáng: Có khả năng thích ứng trong phạm vi cường độ ánh sáng tương đối rộng. Cho nên lượng ánh sáng ở điều kiện nước ta cũng cho phép cây chuối sinh trưởng và phát triển tốt.
Đất trồng chuối: Là loại cây dễ trồng, yêu cầu về đất không nghiêm khắc. Tốt nhất là đất thịt nhẹ, đất pha cát, đất phù sa (tốt hơn cả), đất thoáng có cấu tượng tốt và độ xốp cao. Về hóa tính đất, chuối rất cần các chất khoáng trong đất như N, P2O5, K2O, Ca, Mg, trong đó hai yếu tố chính là N và K2O.
Chuối mọc bình thường trên đất có pH từ 4,5-8, tốt nhất trong khoảng 6-7,5. Trường hợp đất quá chua hoặc quá kiềm có thể gây ra hiện tượng thiếu vi lượng trong đất, ảnh hưởng đến sinh trưởng của chuối. Chuối chịu úng và chịu hạn kém, do đó đất trồng phải có độ cao so với mực nước ngầm tối thiểu 0,6m, thoát nước tốt.
3. Giống chuối la ba:
- Giống tiêu cao (thường gọi là giống chuối già hương vì khi chín có hương thơm hấp dẫn): Cây cao từ 3,5-5m, buồng hình trụ, quả thẳng và to, đuôi hơi lõm, ăn ngọt và thơm. Năng suất rất cao nhưng khó thu hoạch; cây dễ bị bệnh héo rủ, dễ bị đổ ngã khi gặp gió bão.
- Giống tiêu vừa (thường gọi là chuối già Laba): Cây cao 2,8-3m, buồng hình trụ, trung bình có từ 10-12 nải/buồng, trái hơi cong, ăn ngọt, thơm ít.
- Giống tiêu thấp (thường gọi là chuối lùn Laba): Cây cao 2-2,5m, buồng hình nón cụt,12- 14 nải/buồng, trọng lượng bình quân 35 kg/buồng, nhiều buồng đạt tới 50 kg nếu được chăm sóc tốt.
Chuối trồng được quanh năm, tốt nhất nên trồng khi đất đủ ẩm hoặc vào đầu mùa mưa, cây sinh trưởng tốt cho tỉ lệ sống cao hoặc xác định thời điểm trổ buồng, thu hoạch mà chọn thời gian trồng thích hợp với điều kiện chủ động được nước tưới, trồng tốt nhất từ tháng 5 đến tháng 10.
- 01 cây chuối đạt năng suất cao cho thấy: Lượng kali cao gấp 3,6 -> 3,75 lần đạm, CaO cao nhưng hầu hết trên 75% tập trung vào thân và lá chuối. Đây là nguyên nhân vì sao phải trồng chuối trên đất tốt phì nhiêu nếu không phải bón phân hữu cơ, đầu tư chăm sóc và quản lý tốt.
II. KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC:
1. Giống: Đối với chuối La ba cấy mô.
Chiều cao cây đo từ mặt bầu đến điểm giao nhau 2 bẹ lá trên cùng 25-35cm; đường kính thân đo cách gốc 2cm lớn hơn 2cm; số lá thật hơn 7 lá; chiều rộng lá hơn 15cm, chiều dài lá lớn hơn 30cm tính từ lá thứ 7; không có dấu hiệu nhiễm sâu, bệnh và được huấn luyện hoàn toàn ngoài ánh sáng từ 10-15 ngày.
2. Chuẩn bị đất: Trước trồng 1 tháng dọn sạch đất, vệ sinh xung quanh, cày ải toàn bộ đất trồng, cầy sâu 30 cm, đào hố kích thước 40x40x40cm.
Trồng chuối nên trồng theo hướng Đông-Tây để tận dụng tốt ánh sáng mặt trời, trồng theo hình chữ nhật hoặc nanh sấu.
3. Kỹ thuật, mật độ, khoảng cách trồng: Tùy theo địa hình, đất tốt xấu, khoảng cách trồng: 3x3m, mật độ 1.111 cây/ha hoặc 3x4m, mật độ 833 cây/ha.
- Dùng cuốc xới lại hố đào sau đó đặt bầu đất chuối cấy mô xuống hố trồng, mặt bầu đặt thấp hơn mặt hố từ 10-15cm, rồi lấp đất lại và nén xung quanh gốc, không nén quá chặt sẽ làm dập con chuối. Nếu trời nắng quá có thể che tủ cây con trong tuần lễ đầu.
Trồng củ: Đặt mặt cắt của củ cây giống từ cây mẹ về một phía để khi trổ buồng, buồng cũng hướng về một phía, thuận lợi cho thu hoạch. Nếu trồng trên sườn đồi thì đặt mặt cắt của củ cây giống hướng xuống phía chân đồi để khi cây trổ buồng chuối sẽ ở phía trên và làm như vậy để khi chuối có buồng, các buồng sẽ kéo cây vào phía trong làm cây đỡ bị đổ.
- Làm cỏ, tưới nước, các kỹ thuật chăm sóc khác:
Tưới nước: Ở giai đoạn cây con tùy thời tiết, thời vụ trồng mà điều chỉnh lượng nước tưới phù hợp, không nên để chuối quá ẩm hoặc quá khô, cây con mới trồng 2-3 ngày tưới một lần, cây trưởng thành tưới 2 lần/tuần. Nên trồng cây chắn gió quanh vườn để hạn chế rách lá làm giảm năng suất chuối.
Khi cây chuối trổ buồng rất cần nước nên cần chú ý tưới nước và bón phân đầy đủ để quả chuối phát triển tốt, vào mùa mưa (từ tháng 5-11 dương lịch) chú ý thoát nước tốt cho vườn chuối để hạn chế ngập úng.
Tỉa chồi: Phải được tiến hành thường xuyên (1 tháng/lần), dùng dao cắt ngang thân sát mặt đất và hủy đỉnh sinh trưởng. Nên tiến hành tỉa vào lúc trời nắng ráo, tránh để đọng nước xung quanh làm chồi con bị thối lây sang cây mẹ.
Sau khi trồng 5 tháng có thể tiến hành tỉa chồi, nên chọn những chồi con mập, khỏe mọc cách xa cây mẹ 20cm, mỗi bụi chuối chỉ nên để 3 cây và có thời gian sinh trưởng cách nhau từ 3-4 tháng.
Việc tỉa chồi con cây chuối để đem trồng có ảnh hưởng nhất định đến năng suất buồng chuối, nên tỉa chồi con khi cây chuối mẹ đã trổ buồng và định hình quả, chỉ tải tối đa một phần tư vùng gốc cây chuối mẹ sau đó tích cực chăm sóc, bón phân để mau phục hồi. Nếu tỉa chồi con khi cây mẹ chưa ra quả sẽ ảnh hưởng đến năng suất và cây mẹ hay bị đổ ngã khi mưa gió.
Ở những nơi có mật độ con bù lạch cao khi buồng chuối mới nhú cần phun xịt thuốc trừ sâu kết hợp với các loại thuốc phòng bệnh như Zinep xanh, Macozeb, Kocide,… để diệt trừ bù lạch cắn phá và nấm quả chuối.
Tiến hành cắt bỏ những bẹ lá chuối cạ vào buồng để buồng chuối thông thoáng không bị trầy xước.
Sau khi ở cuối buồng chuối xuất hiện nải toàn hoa đực thì tiến hành cắt bắp để tập trung dinh dưỡng cho các nải chuối.
Dùng túi nylon màu xanh dương có đục lỗ để bao quày, mục đích giữ cho màu sắc vỏ trái được đẹp hơn, hạn chế bù lạch chích hút trái non và giúp tăng năng suất quày. Khi quày chuối lớn nên dùng cây chống quày tránh đổ ngã.
4. Phân bón và cách bón phân cho chuối la ba:
a. Với khoảng cách trồng: 3x3m, mật độ 1.100cây/ha, lượng phân bón:
Phân hữu cơ: 16,5 tấn phân hữu cơ hoai;
Phân hóa học nguyên chất: 222,2 kg N; 55,6 kg P2O5; 277,6 kg K2O.
Lưu ý: Chuyển đổi phân hóa học nguyên chất qua phân đơn hoặc NPK tương đương:
Cách 1:Ure: 483 kg; super lân: 347,5 kg; KCl: 463 kg.
Cách 2: NPK 20-20-15: 1.112 kg; Ure: 120 kg; KCl: 92 kg.
b. Với khoảng cách trồng: 4x3m, mật độ 833 cây/ha, lượng phân bón:
Phân hữu cơ: 12,5 tấn phân hữu cơ hoai;
Phân hóa học nguyên chất: 166,6 kg N; 41,7 kg P2O5; 208,3 kg K2O.
Lưu ý: Chuyển đổi phân hóa học nguyên chất qua phân đơn hoặc NPK tương đương:
Cách 1: Ure: 326 kg; super lân: 216 kg; KCl: 347 kg.
Cách 2: NPK 20-20-15: 834 kg; Ure: 90 kg; KCl: 69 kg.
- Cách bón phân với trường hợp trồng cây mô:
Bón lót 15kg phân hữu cơ hoai + 400gr lân + 300gr vôi bột cho 1 hố, sau đó trộn với lớp đất mặt, lấp lại khoảng 25 cm, trước khi trồng 1-2 ngày rắc thuốc mocap hoặc Basudine hạt và trộn đều với đất để trừ sâu.
Bón thúc:Sau khi trồng từ 7-15 ngày, bón kết hợp với phun xịt phân qua lá và thuốc phòng trừ sâu bệnh, thuốc kích thích tăng trưởng để giúp cho chuối phát triển nhanh, sau đó trung bình từ 15-30 ngày bón 1 lần, bón 1kg phân NPK cho 30-50 gốc, bón phân theo hốc hoặc xới nhẹ cách gốc 10-20cm, sau đó tiến hành rải phân và lấp đất lại.
- Bón cho vườn chuối kinh doanh, trong 1 năm thông thường chia làm 3 lần bón:
Lần 1: Sau trồng 1 tháng bón 30% lượng N, 30% lượng K2O.
Lần 2: Sau trồng 4,5 tháng bón 40% lượng N, 40% lượng K2O.
Lần 3: Sau trồng 7,5 tháng bón 30% lượng N, 30% lượng K2O.
Tùy vào độ màu mỡ của đất, khả năng cho sản lượng của cây mà có lượng phân bón thích hợp cho từng gốc, ngoài ra còn căn cứ vào các triệu chứng thiếu phân biểu hiện trên cây, lá mà cung cấp lượng phân thích hợp.
III. SÂU HẠI CHÍNH VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ:
1. Sùng đục củ và thân chuối(Cosmopolites sordidus): Ấu trùng có màu trắng, đục thành những đường bên trong củ, chất bài tiết có màu vàng nâu, mịn, làm thối củ, cây tăng trưởng kém, buồng nhỏ, trái lép không phát triển được.
- Đặc điểm gây hại: Ngoài thiệt hại trực tiếp, vết đục của ấu trùng trên thân cây còn là nơi xâm nhập của các loài nấm bệnh tiếp theo, làm cho cây bị yếu, sức đề kháng của cây đối với những điều kiện bất lợi rất kém.
- Biện pháp phòng trừ:
Không lấy cây giống ở những vườn đang bị sâu gây hại. Trước khi trồng nên cắt bỏ hết những bẹ, những cuống lá bị thối ở cây giống, thu gom tất cả những bộ phận cắt bỏ này đem chôn hoặc tiêu hủy.
Vệ sinh vườn trồng, thu gom những bẹ lá, cuống lá bị thối, bị khô, dọn sạch lá già, cỏ rác. Tỉa bỏ những cây con dư thừa, tạo thông thoáng.
Với những vườn đã bị sâu hại nhiều, sau khi thu hoạch buồng cần chặt bỏ sát gốc, đào bỏ hết cả phần củ rồi đưa ra khỏi vườn tiêu hủy.
Dùng những cây chuối vừa thu hoạch buồng, chặt thành những khúc dài khoảng 70-80cm, bổ đôi thành hai mảnh rồi úp mặt vừa chẻ xuống mặt đất xung quanh gốc chuối hoặc chẻ dọc ở một đầu làm hai hoặc làm bốn khe, sau đó đặt đầu chẻ xuống đất gần các gốc chuối. Ban đêm con trưởng thành sẽ mò ra ăn và ẩn nấp phía dưới của các mảnh thân cây chuối và ở những khe chẻ này, sáng sớm hôm sau lật khúc chuối lên để bắt con trưởng thành. Trong sản xuất biện pháp này thường mang lại hiệu quả cao.
2. Sâu cuốn lá: (Erionata thorax): Sâu non màu trắng đầy phấn, cắn lá chuối cuộn lại làm nhộng bên trong, gây hại tập trung vào đầu và cuối mùa mưa.
Phòng trừ: Biện pháp thông thường là ngắt bỏ các lá bị cuốn và giết sâu.
- Đặc điểm gây hại: Sâu hại nặng cả phiến lá có thể bị cuốn hoàn toàn, tạo ra rất nhiều tổ sâu treo trên gân chính. Cây chối trở nên xơ xác, không còn lá để quang hợp, làm cho cây bị mất sức, buồng nhỏ, trái có thể bị lép. Nếu cây bị sâu tấn công sớm, gây hại nặng có thể không cho trái.
- Biện pháp phòng trừ: Trong quá trình chăm sóc nếu thấy tổ sâu nào thì thu gom tiêu diệt ngay sâu trong tổ đó, ban ngày nên dùng vợt bắt những con bướm đang đậu “ngủ” ở tán lá. Không trồng chuối quá dày, tỉa bỏ lá già và những cây đã thu buồng để vườn thông thoáng, hạn chế nơi trú ngụ của con trưởng thành.
3. Bù lạch: (Chysannoptera thripidae) Thành trùng rất nhỏ, có màu nâu hay đen thường tập trung ở các lá bắc để chích hút các trái non, làm trái có những chấm màu nâu đen (ghẻ) làm mất vẻ đẹp, rất khó xuất khẩu.
- Biện pháp phòng trừ:
Biện pháp canh tác: Vệ sinh vườn, làm sạch cỏ dại là ký chủ của bọ trĩ.
Biện pháp hóc học: Hiện nay, chưa có loại thuốc nào trong danh mục thuốc BVTV đăng ký phòng trừ bù lạch trên cây chuối. Có thể tham khảo các loại thuốc hóa học gốc Imidacloprid hoặc Karanjin, thời điểm phun vào giai đoạn chuối mới trổ và trái còn nhỏ. Trước khi sử dụng đại trà, cần phun thử trên diện tích hẹp để đánh giá hiệu lực và ảnh hưởng của thuốc đối với cây trồng.
4. Tuyến trùng: Xâm nhiễm vào rễ làm vỡ vách tế bào, ngăn cản rễ hút dinh dưỡng, cây sinh trưởng kém, quày nhỏ, trái lép rễ có các vết u, thối đen.
Phòng trừ: Loại cây bệnh ra khỏi vườn, rải thuốc Basudin, Furadan 20-30 kg/ha. Phải xử lý đất và xử lý cây giống trước khi trồng.
5. Bệnh đốm lá: Sigatoka vàng (Mycosphaerella musicola) và Sigatoka đen (Mycosphaerella fijiensis).
- Triệu chứng: Bệnh gây hại trên lá tạo ra những hình bầu dục có màu nâu với viền vàng rất rõ (Sigatoka vàng) và những đốm bệnh có màu sậm hơn và xuất hiện ở mặt dưới của lá (Sigatoka đen).
- Bệnh thường xuất hiện trên các lá thứ 2, 3 hoặc 4 (tính từ trên ngọn xuống). Vết bệnh lúc đầu là các đốm nhỏ 1 - 10 mm, rộng 0,5 - 1 mm màu vàng lợt hay nâu. Các đốm thường xếp dọc theo các gân phụ của phiến lá, các vết đốm phát triển thành hình thoi nhỏ, màu nâu đen với vầng vàng xung quanh. Nhiều vết đen liên kết tạo thành những mảng khô lớn. Cây bị bệnh nặng thường không phát triển được các lá đọt. Trong mùa mưa nấm bệnh lan theo nước chảy trên lá, làm các vết bệnh xếp thành hàng, vào mùa khô các đốm bệnh phát triển ở chóp lá, làm cháy mép hay ngọn lá, nải nhỏ, trái lâu chín, ruột trái màu vàng hay hồng lợt, ăn có vị chát.
- Biện pháp phòng trừ:
Biện pháp canh tác: Tránh trồng chuối trên đất chua, đất trồng phải thoát nuớc tốt, trồng với mật độ thích hợp, bảo đảm độ thông thoáng cho vườn chuối. Bón phân đầy đủ, tăng cường bón lân, kali tăng sức đề kháng cho cây, cắt bỏ lá già, lá bệnh có thể hạn chế được bệnh. Chọn giống chống bệnh và sạch bệnh.
Biện pháp hóa học: Có thể sử dụng thuốc hoá học gốc Thiophanate-Methyl (Kuang Hwa opsin 70WP )để phòng trừ bệnh.
6. Bệnh héo rủ Panama: (Fusarium oxysporum)
- Triệu chứng:Ban đầu bệnh xuất hiện ở những lá phía dưới, lá bị vàng dần từ bìa lá trở vào, sau đó lan dần lên các lá phía trên. Đồng thời với quá trình này thì cuống lá bị gẫy gập xuống, rồi cả phiến lá bị chết khô.Khi lá phía dưới bị bệnh, thì lá phía trên ngọn tuy sống nhưng đã chuyển sang mầu xanh lạt hơi vàng, méo mó, sau đó héo úa, gẫy gập rồi chết khô. Sau khi lá bị chết, tuy cây chưa bị đổ gẫy nhưng các bẹ lá phía ngoài đã bị nứt, sau này cả cây bị thối, khô và gẫy gập xuống. Những cây con mới ra chưa có biểu hiện bị bệnh ngay, nhưng về sau lá cũng bị vàng héo rụi và chết dần.Nếu bị bệnh sớm, cây có thể bị chết hoặc không cho buồng. Nếu cây trưởng thành mới bị bệnh, thì cây vẫn cho buồng, nhưng trái nhỏ. Chẻ dọc thân cây bệnh, sẽ thấy có mùi hôi, các bẹ phía ngoài có sọc mầu nâu, các bẹ non bên trong có sọc mầu vàng. Cắt củ chuối ra, sẽ thấy các bó mạch bị hư tạo thành các đốm vàng, đỏ nâu.
- Biện pháp phòng trừ:
Biện pháp canh tác: Lên luống cao hình mai rùa giúp thoát nước tốt trong mùa mưa. Những vườn nằm ở vùng trũng nên có mương rãnh sâu, để rút bớt nước trong vùng rễ của cây xuống mương rãnh vào mùa mưa. Không bón quá nhiều phân đạm, phải bón cân đối giữa đạm, lân và kali, tăng cường phân chuồng hoai, Nên bón vôi vào các hố trồng để khử chua cho những vườn đất bị chua phèn. Vệ sinh vườn sạch sẽ, thường xuyên cắt bỏ những lá bệnh đem đốt. Chọn đất có pH trung hòa hoặc hơi kiềm để trồng chuối. Tuyệt đối không lấy cây con ở những vườn đã bị bệnh làm giống cho vườn khác. Khi phát hiện cây bệnh nên đào bỏ các gốc bệnh và rải vôi khử đất.
Nếu vườn chuyên canh chuối mà bị bệnh nặng nên ngưng canh tác, cho ngập nước từ 2-3 tháng để diệt mầm bệnh. Với những cây đã bị bệnh, phải chặt bỏ rồi bứng hết gốc rễ đem ra khỏi vườn tiêu hủy, sau đó rải vôi bột vào chỗ vừa nhổ bỏ cây để khử trùng đất trước khi trồng chuối trở lại.
Biện pháp hóa học: Hiện nay, chưa có loại thuốc nào trong danh mục thuốc BVTV đăng ký phòng trừ bệnh héo rũ trên cây chuối. Khi bệnh phát sinh và gây hại tham khảo các loại thuốc gốc Validamycin; Copper Oxychloride + Kasugamycin hoặc Metalaxyl. Trước khi sử dụng đại trà, cần phun thử trên diện tích hẹp để đánh giá hiệu lực và ảnh hưởng của thuốc đối với cây trồng.
7. Bệnh chùn đọt: (Bunchy top virus)
- Triệu chứng: Khi bị bệnh lá chuối hẹp lại, vươn thẳng và bó xít vào nhau, nhìn giống như một bó lá, cuống lá ngắn lại và lá bị giòn, rất dễ bị rách, trên lá xuất hiện những đường sọc màu vàng sậm, xen kẽ với những đường sọc màu xanh sậm. Nếu cây bị bệnh sớm từ khi còn nhỏ hoặc bị bệnh gây hại nặng thì cây sẽ tàn lụi dần và không cho buồng, nếu có cho buồng thì trái cũng sẽ rất nhỏ và không chín. Nếu cây đã lớn mới bị bệnh tấn công thì sau này khi có buồng, buồng chuối trỗ sẽ không thoát, hoặc nếu có trỗ được thì buồng chuối cũng bị biến dạng, trái nhỏ, ăn không ngon hoặc buồng có thể trỗ ra ngang thân.
Bệnh lây lan trực tiếp qua cây con giống và trung gian truyền bệnh rầy mềm Pentalonia nigronervosa sống ở các bẹ lá chuối.
- Biện pháp phòng trừ:
Biện pháp canh tác: Không lấy cây chuối con ở những vườn chuối, khóm chuối đã bị bệnh gây hại làm giống cho vụ sau. Thường xuyên kiểm tra vườn chuối để phát hiện sớm cây bị nhiễm bệnh. Nếu phát hiện cây đã bị bệnh phải chặt bỏ ngay, bứng hết cả gốc rồi đưa ra khỏi vườn chôn sâu hoặc tiêu hủy để tránh lây lan sang cây khác. Không nên lập vườn chuối ngay bên cạnh những vườn đang bị bệnh gây hại nặng để tránh bệnh lây lan sang vườn mới lập.
Vệ sinh vườn, dọn sạch cỏ dại, cắt tỉa, bỏ bớt những lá già, lá khô, tỉa bớt những cây con nếu thấy vườn qúa dày... để vườn luôn thông thoáng, giảm bớt ẩm độ trong vườn, nhất là vào mùa mưa. Không nên trồng chuối liên tục nhiều năm trên cùng một mảnh đất, nên luân canh với cây trồng khác.
Biện pháp hóa học: Để trừ rệp là môi giới truyền bệnh có thể dùng thuốc Phosalone (Pyxolone 35 EC) hoặc có thể tham khảo sử dụng các loại thuốc gốc Abamectin. Trước khi sử dụng đại trà, cần phun thử trên diện tích hẹp để đánh giá hiệu lực và ảnh hưởng của thuốc đối với cây trồng.
VI. THU HOẠCH VÀ BẢO QUẢN:
- Từ trồng đến lúc chuối trổ buồng khoảng 6-10 tháng và từ trổ buồng đến thu hoạch khoảng 60-90 ngày tùy theo giống, thường độ chín của quả được xác định qua màu sắc vỏ, độ no đầy và góc cạnh của trái.
- Lúc thu quày tránh làm cho trái bị trầy xước, sau đó tách ra từng nải nhúng vào dung dịch Tecto 0,2% để ráo, đặt vào thùng giấy và vận chuyển đến nơi tiêu thụ
Các tin khác
- Quy trình kỹ thuật canh tác cây lạc tiên - 30/07/2013
- Quy trình kỹ thuật canh tác cây dâu tằm - 30/07/2013
- Quy trình kỹ thuật canh tác cây cà phê chè - 30/07/2013
- Quy trình kỹ thuật canh tác cây điều ghép - 30/07/2013
- Quy trình kỹ thuật canh tác chè cành cao sản - 30/07/2013
- Quy trình canh tác cây bơ ghép - 30/07/2013