Sâu bệnh hại lúa
- Được viết: 31-10-2013 20:49
MỘT SỐ SÂU BỆNH HẠI CHÍNH TRÊN CÂY LÚA VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ
1.Sâu cuốn lá
1.1. Sâu cuốn lá nhỏ (Cnaphalocrosis medinalisGunee)
1.1.1. Đặc điểm hình thái
- Bướm (trưởng thành): dài 10mm - 12mm, sải cánh rộng 19mm, nền cánh có 3 sọc màu nâu 2 sọc bìa dài và sọc giữa ngắn.
- Trứng: hình bầu dục dài 0,5mm màu trắng.
- Sâu non: lúc mới nở màu trắng sữa có lông phủ khắp mình. Sâu lớn đẫy sức dài khoảng 19mm có màu xanh lá mạ.
- Nhộng: dài 7 - 10mm có màu nâu.
1.1.2. Tập quán sinh sống và gây hại
- Bướm thường giao phối, đẻ trứng vào ban đêm. Ban ngày ẩn nấp ở ruộng lúa hay bờ cỏ. Bướm có xu tính mạnh với ánh sáng nhất là con cái.
- Bướm đẻ trứng rải rác ở mặt sau lá lúa, 1 con cái đẻ từ 70 – 300 trứng. Bướm thích đẻ ở các ruộng lúa xanh tốt (có màu xanh đậm) gần bờ, gần mương suối và gần đường đi. Cũng có khi trứng đẻ thành từng ổ vài chục trứng/l ổ.
- Sâu non mới nở rất linh hoạt, bò khắp nơi chui vào lá non, bẹ lá gặm ăn nhu mô lá chừa lại lớp biểu bì trắng. Sâu lớn có đặc điểm cuốn hai mép lá lại để làm thành tổ, sâu sống và ăn lá ngay trong tổ, chỉ cuộn lá theo chiều dọc và mặt lưng lá bao giờ cũng ra ngoài. Nếu thức ăn hết, sâu di chuyển sang lá khác và tiếp tục phá hoại. Thường chỉ có 1 sâu trong 1 tổ. Khi sâu lớn đẫy sức sâu cắn hai mép lá nhả tơ kéo lại thành bao kín và hóa nhộng bên trong. Sâu cuốn lá nhỏ phá quanh năm ở các giai đoạn của cây lúa nhưng nặng nhất ở vụ Đông Xuân và lúa giai đoạn đứng cái làm đòng. Nhiệt độ cao và khô hạn sẽ không thuận lợi cho sâu cuốn lá nhỏ phát triển.
Vòng đời sâu cuốn lá nhỏ : 32-44 ngày
1.2. Sâu cuốn lá lớn (Parnara cuttataBremer et grey)
1.2.1. Đặc điểm hình thái
- Bướm có màu đen lẫn màu vàng kim, lưng ngực và bụng phủ lông xanh vàng, có chiều dài 17 - 19mm, sải cánh 36 - 40mm. Cánh trước màu nâu tối. Khoảng giữa cánh có 8 đốm trắng xếp thành hình vòng cung, cánh sau màu nâu đen, gần cạnh ngoài có 5 đốm trắng.
- Trứng: Hình bán cầu, đỉnh hơi lõm, lúc mới đẻ có màu trắng sau sang màu vàng, lúc gần nở có màu đen tím.
- Sâu non: Mới nở có màu xanh lục, đầu đen to hơn thân, càng lớn sâu càng có màu lợt, đẫy sức sâu hai đầu thon nhỏ, giữa nở to, dài 40mm.
- Nhộng: Màu vàng lợt, gần hóa bướm có màu đen.
1.2.2. Tập quán sinh sống và gây hại
- Bướm thường hoạt động ban ngày, hoạt động mạnh từ 8 -11 giờ sáng và 4 - 6 giờ chiều. Buổi trưa bướm ẩn nấp ở những nơi dâm mát.
- Bướm cái đẻ trứng vào buổi sáng, đẻ rải rác ở mặt dưới lá gần gân chính,
- Sâu non nở ra ăn vỏ trứng sau đó bò ra mép lá hoặc đầu lá nhả tơ dệt thành một bao hình ống tròn và sống trong đó. Khi lớn lên sâu cuốn xếp nhiều lá thành tổ mỗi tổ từ 2-8 lá. Sâu ăn những lá trong tổ.
- Sâu non chỉ phá hoại ban đêm, ban ngày thường nằm yên trong tổ, khi thức ăn hết nó di chuyển sang chỗ khác. Sâu non đẫy sức nhả tơ hóa nhộng. Nhộng thường hóa trưởng thành lúc 6 - 9 giờ sáng.
- Sâu cuốn lá lớn thường phát sinh ở giai đoạn lúa đứng cái hoặc làm đòng,
- Vòng đời sâu cuốn lá lớn: 19-34 ngày
1.3. Biện pháp phòng trừ sâu cuốn lá lớn, cuốn lá nhỏ
- Diệt cỏ dại triệt để trong ruộng và xung quanh bờ (đặc biệt cỏ lồng vực).
- Thăm đồng thường xuyên để phát hiện sớm, nếu mật độ bướm ra rộ có thể dùng bẫy đèn để thu hút.
- Bảo vệ thiên địch như: Ong mắt đỏ ký sinh sâu non và nhộng.
- Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi mật độ sâu như sau:
+ Ở lúa đẻ nhánh: Khi mật độ 15 con/m2 với lúa sạ và 5 con/10 bụi với lúa cấy.
+ Ở lúa làm đòng: 10 con/m2 (lúa sạ) và 3 con/10 bụi (lúa cấy).
- Có thể sử dụng một trong các loại thuốc sau để phòng trừ:
+ Diazinon (Diazan 40EC, Diazol 50EW)
+ Abamectin (Abatimec 1.8EC, Abatox 1.8EC, Tungatin 10EC)
+ Bacillus thuringiensis var. kurstaki + Granulosis virus(Bitadin WP)
+ Emamectin benzoate (Angun 5WG, Đầu trâu Bi-sad 0.5ME)
+ Cypermethrin + Phosalone (Sherzol 205EC)
2. Sâu đục thân
Sâu đục thân lúa bao gồm các loài sau đây:
- Sâu đục thân bướm 2 chấm (Scirpophaga incertulas).
- Sâu đục thân 5 vạch đầu đen ( Chilo auricilius)
- Sâu đục thân 5 vạch đầu nâu ( Chilo suppressalis Walker).
- Sâu đục thân cú mèo (Sesamia inferens Walker).
2.1. Đặc điểm hình thái và tập quán sinh sống, gây hại
2.1.1.Sâu đục thân bướm 2 chấm (Scirpophaga incertulas)
- Bướm có su tính mạnh với ánh sáng, hóa trưởng thành vào buổi chiều, đến tối mới hoạt động.
Mỗi bướm cái đẻ khoảng 5 ổ trứng, bướm thích đẻ ở ruộng lúa rậm rạp, xanh tốt, thường đẻ ở mặt dưới lá, nếu ở ruộng mạ bướm đẻ ở chóp lá, còn ruộng lúa thường đẻ ở giữa phiến lá. Bướm hoạt động mạnh nhất vào 8-11 giờ đêm.
- Sâu non nở ra hoạt động nhanh nhẹn, có tính phát tán nhanh bằng cách nhả tơ buông mình xuống và đục vào nõn lúa để phá hoại gây hiện tượng nõn héo và bông bạc. Khi hết dinh dưỡng sâu đục ra ngoài và di chuyển sang cây khác.
- Ở tuổi sâu càng lớn đục càng sâu dưới gốc và hóa nhộng phía trong gốc.
- Sâu thích hợp ở nhiệt độ từ 23 – 300C, vì vậy ở vụ Đông Xuân tháng 2 - 3 và Hè Thu tháng 7 - 8 sâu thường phá hại nặng.
2.1.2. Sâu đục thân 5 vạch
- Bướm màu vàng nhạt có 5 - 7 chấm nhỏ ở giữa cánh trước.
- Trứng xếp từng ổ hình vảy cá, thường đẻ ở bẹ, mặt dưới lá, 2 bên gân chính.
- Sâu non màu vàng nhạt có 5 sọc tím dọc theo thân. Tùy theo loài có mảnh đầu nâu hoặc đen. Sâu có 5 tuổi .
- Nhộng có màu nâu, mặt dưới loại đầu nâu hơn nhọn, loại màu đen có 2 sừng.
Bướm và sâu non sâu đục thân 5 vạch đầu nâu
Bướm và sâu non sâu đục thân 5 vạch đầu đen
- Tập quán sinh sống và gây hại:
+ Sâu non khi nở ra có tính sống tập trung, trong một bẹ lá có từ 2 - 20 sâu non làm cho bẹ lá bị úa vàng, quan sát thấy có nhiều lỗ đục. Khi thức ăn không còn đủ sâu đục ra ngoài di chuyển. Tuổi càng lớn càng ít sống tập trung. Sâu đục vào thân gây nõn héo bông bạc nhưng nhẹ hơn sâu đục thân 2 chấm. Sâu đẫy sức cũng hóa nhộng trong thân cây.
+ Nhiệt độ thích hợp thấp hơn sâu đục thân 2 chấm nên thường phá hại vụ Đông Xuân tháng 2 - 3.
- Vòng đời sâu đục thân 5 vạch: 43 – 54 ngày
2.1.3. Sâu đục thân cú mèo (Sesamia inferens Walker)
- Bướm màu nâu vàng, giữa cánh có 1 tia đen xám. Bướm cái đẻ trứng trong bẹ lá thành ổ, mỗi ổ 2 - 3 hàng. Khoảng 30 - 100 trứng /1 ổ.
- Sâu non có mảnh đầu màu đỏ vàng thân tím hồng, có 5 tuổi.
- Nhộng màu cánh dán, ở trong thân hoặc ngoài bẹ lá.
- Bướm ít vào đèn hơn 3 bướm sâu đục thân 2 chấm, sâu đục thân 5 vạch, thường đẻ ở ruộng gần bờ hay chỗ trũng. Sâu non tuổi 1 - 2 sống tập trung phá bẹ lá là chính, làm lá vàng úa sau đó đục vào thân làm chết nõn và gây bông bạc .
2.2. Biện pháp phòng trừ các loài sâu đục thân
- Sau khi thu hoạch phải cày lật, ngâm ruộng hoặc đốt rơm rạ để tiêu diệt nguồn sâu, nhộng trong gốc rạ.
- Làm cỏ sạch quanh bờ để không còn nơi trú ngụ cho bướm đẻ trứng khi đồng ruộng không còn lúa.
- Gieo trồng đúng thời vụ và cấy tập trung. Không nên bón quá nhiều phân đạm.
- Bảo vệ thiên địch như các loại ong ký sinh sâu non, nhộng sâu đục thân.
- Kiểm tra đồng ruộng thường xuyên nếu thấy bướm xuất hiện có thể dùng bẫy đèn tiêu diệt.
- Sử dụng một trong các loại thuốc sau khi sâu tuổi nhỏ mới có hiệu quả cao:
+ Bacillus thuringiensis var. kurstaki + Granulosis virus (Bitadin WP),
+ Thiosultap – sodium (Vi Tha Dan 18 SL);
+ Fenobucarb + Dimethoate (Vibam 5GR);
+ Abamectin + Lambda-cyhalothrin (Actamec 20EC);
+ Beta - cyfluthrin + Chlorpyrifos Ethyl (Bull Star 262.5 EC);
+ Alpha-cypermethrin + Fipronil + Imidacloprid (Sieublack 350SC).
3. Sâu keo (Spodoptera mauritta Boisduval)
3.1. Đặc điểm hình thái
- Bướm dài 14 - 16mm. Cánh màu đen xám, ở giữa có vân hình quả thận màu nâu đen, quanh có viền trắng. Cạnh đó có vân tròn trắng ở giữa có đốm nâu. Cánh sau màu trắng nâu.
- Trứng: Đẻ thành ổ có lông phủ màu vàng.
- Sâu non: Màu xanh có sọc trên lưng, dọc theo bụng có một chuỗi đốm đen hình bán nguyệt, gần vạch lỗ thở có màu đỏ tím, đầu nâu có vân hình tam giác. Sâu non có 6 tuổi.
- Nhộng: Dài 17- 18 mm, màu nâu đỏ, đốt bụng 2 - 7mm trên lưng có nhiều chấm lõm, cuối bụng có gai móc câu lớn.
4.2. Đặc điểm sinh học và tập quán sinh sống
- Bướm hoạt động về đêm, có tính hướng sáng yếu, ưa mùi chua ngọt. Bướm thường đẻ từ 7-10 ổ trứng, mỗi ổ từ 100 - 300 quả.
- Sâu non tuổi 1-2 ăn bề mặt lá, tuổi 3 có thể cắn đứt lá mạ. Sâu ăn ban đêm và những ngày trời dâm mát, mưa nhỏ. Sâu thường làm nhộng ở đất xung quanh gốc lúa. Sâu thường phá thời kỳ mạ và lúa đẻ nhánh có thể ăn trụi từ ruộng này đến ruộng khác, sâu non chỉ ăn lá, sâu lớn ăn cả cây.
- Vòng đời sâu keo: 25 – 56 ngày
4.3. Biện pháp phòng trừ
- Kiểm tra chặt chẽ đồng ruộng nếu thấy bướm xuất hiện có thể dùng bẫy chua ngọt, ngọt hoặc những bó rơm rạ có vẩy chua ngọt để thu hút bướm tới thu gom và tiêu diệt.
- Ngắt những ổ trứng trên lá.
- Mật độ sâu cao có thể thả vịt vào ăn sâu.
- Sử dụng một số loại thuốc BVTV sau để phòng trừ:
+ Cyperimethrin (Sherbush 5EC, Shertox 5EC)
+ Fenvalerat (Dibatox 10 EC),
+ Alpha-cypermethrin (Motox 5 EC)
+ Beta - Cypermethrin (Daphatox 35 EC)
+ Cypermethrin + Phosalone (Sherzol 205 EC).
5. Bọ trĩ (Stenchaetothrips biformis Bagnall)
5.1. Đặc điểm hình thái
- Bọ trĩ có kích thước nhỏ, dài có màu nâu đen hoặc nâu đỏ. Hai đôi cánh hẹp có nhiều lông.
- Trứng nhỏ dài, màu trắng trong, sắp nở có màu vàng.
- Ấu trùng màu vàng lợt không có cánh, con cái đẻ từ 1 2 - 1 5 trứng .
5.2. Tập quán sinh sống và gây hại
Trứng đẻ vào các đọt non, sau 6 - 7 ngày nở, ấu trùng thường tập trung ở các đọt lá non. Trưởng thành hoạt động rất nhanh nhẹn, thích hoạt động lúc trời dâm mát và ban đêm. Ban ngày trời nắng chúng thường ẩn trong các đọt non hay chóp lá cuốn lại, cả ấu trùng và trưởng thành đều hại mạ và lúa non. Nếu mật độ cao, lá lúa bị cuốn lại toàn bộ và khô héo.
5.3. Biện pháp phòng trừ
- Dọn sạch cỏ dại trong ruộng và bờ bụi xung quanh.
- Có thể sử dụng một trong các loại thuốc sau để phòng trừ:
+ Abamectin (Abatox 1.8EC, Shertin 3.6EC)
+ Dimetoate (Binh 58 40EC, Nugor 40 EC );
+ Profenofos (Callous 500EC);
+ Cypermethrin + Profenofos (Forwatrin C 44 EC).
6. Sâu phao (Nymphula fluctuosalis Zeller)
6.1. Đặc điểm hình thái
- Bướm dài 6 - 8mm cánh trắng bóng, cánh trước có nhiều chấm nâu nhỏ và 2 chấm nâu to ở giữa. Sống trên 3 tuần và có thể đẻ 50 - 70 trứng.
- Trứng tròn, hơi dẹp, đường kính của trứng 0,5mm, màu vàng lợt, có thể đẻ đơn độc hoặc thành hàng 5 - 10 trứng trên bẹ hoặc phiến lá gần mặt nước, thời gian trứng 2 - 6 ngày.
- Sâu non mới nở có màu trắng dài 1 - 1,2 mm, đầu vàng lợt. Càng lớn màu chuyển sang màu xanh. Thời gian sống khoảng 20 ngày.
Trưởng thành sâu phao và cây lúa bị hại
6.2. Tập quán sinh sống và gây hại
- Sau khi nở sâu ăn mặt dưới lá, sau đó 2 - 3 ngày cuốn lá thành phao. Đầu tiên ấu trùng bò lên đầu ngọn lá non, cắt đứt ngang một đoạn, song nhả tơ cuốn thành ống rồi cắn đứt thành ống rời ra và dùng tơ kết bao lá lại.
- Sâu ở trong ống khi ăn thì ra ngoài. Sâu ăn biểu bì lá để lại vệt màu trắng. Đôi khi sâu buông mình cho phao rơi xuống mặt nước để lấy nước hoặc trôi sang theo cây khác. Khi lớn sâu xuống gốc lúa và gắn chặt vào đó làm nhộng. Thường hại lúa từ 2 tháng tuổi trở lên.
6.3. Biện pháp phòng trừ
- Làm sạch sẽ cỏ bờ để tránh nguồn ẩn nấp của sâu phao.
- Tháo nước cạn hoặc dâng nước cao để vớt phao tiêu diệt sâu.
- Nếu mật độ cao (250 lá/m2 bị hại trở lên) thì phải dùng thuốc.
Có thể dùng các loại thuốc sau để phòng trừ: Abamectin (Tungatin 1.8 EC); Deltamethrin (Meta 2.5EC); Cypermethrin (Visher 10EW); Quinalphos (Kinalux 25EC, Methink 25EC).
7. Bọ xít hôi (Leptocorisa acuta)
7.1. Đặc điểm hình thái
- Trưởng thành có màu xanh pha nâu ở trên lưng và màu vàng nâu ở bụng, mình thon dài 14 - 18mm, chân và râu đầu rất dài gần bằng chiều dài thân. Bọ xít đẻ trứng thành 1 - 2 hàng khoảng 10 - 15 quả.
- Trứng có vết lõm ở giữa, mới đẻ có màu trắng sau màu nâu đậm. Bọ xít non có 5 tuổi hình dáng giống trưởng thành, có màu vàng lục.
7.2. Tập quán sinh sống và phá hại
- Bọ xít thường gây hại ở ruộng lúa từ khi trỗ, làm cho hạt lúa lép lửng hoặc lép hoàn toàn. Khi lúa chưa có hoặc chưa đến thời kỳ trỗ, bọ xít sống thành từng đàn lớn ở những cây hoang hay cỏ dại thuộc họ hòa thảo, khi lúa trỗ thì chúng bay đến để phá hại.
- Bọ xít hoạt động mạnh vào buổi sáng lúc trời dâm mát. Đẻ trứng trên hai mặt lá lúa. Trứng nở vào buổi sáng. Sau khi nở 2 - 3 giờ bọ xít đã phân tán và chích hút bông lúa. Thường ở vùng trung du và miền núi những ruộng lúa ven bìa rừng bị thiệt hại nặng. Vết chích để lại là một đốm nâu trên hạt do đã bị một loại nấm bệnh tấn công qua vết chích. Thành trùng sống khoảng 2-3 tháng.
7.3. Biện pháp phòng trừ
- Vệ sinh đồng ruộng, phát quang bờ bụi làm sạch cỏ dại hạn chế nơi cư trú của bọ xít.
- Ở mật độ cao 2con/10 bụi hoặc 8con/m2 (lúa sạ) sử dụng thuốc BVTV để phòng trừ, có thể dùng:
+ Alpha-cypermethrin (Vifast 10SC, Unitox 5EC);
+ Cypermethrin (Shertox 5EC, Tungrin 10EC)
+ Dimethoate+ Cypermethrin (Dizorin 35EC)
+ Dimethoate + Fenvalerate (Fenbis 25EC. Bifentox 30EC);
+ Permethrin (Perkill 10EC, Pounce 10EC).
8. Bọ xít đen (Scotinophara Lurida Burmeister)
8.1. Đặc điểm hình thái
- Thành trùng màu đen dài 8- l0mm, thân gần như có 5 cạnh; ngực có vài đốm màu vàng lợt, có 2 gai bên góc sau. Trưởng thành có thể sống đến 7 tháng, đẻ từ 150 - 180 trứng.
- Trứng hình trụ, mặt trên bằng và mặt dưới tròn, lúc mới đẻ màu xanh lợt, gần nở chuyển sang màu nâu đỏ hay nâu xám, giai đoạn trứng từ 4 - 7 ngày.
- Bọ xít non mới nở hình hơi tròn, mắt kép màu đỏ, toàn thân có màu nâu, khi đẫy sức có màu tro nâu. Giai đoạn bọ xít non từ 27 - 30 ngày.
8.2. Tập quán sinh sống và phá hại
- Ban ngày nằm ở dưới gốc lúa gần mặt nước, chiều và những ngày trời mát mới lên lá và thân cây lúa.
- Trứng thường đẻ ở gốc lúa hoặc ở bẹ lá, xếp thành hàng từ 40 - 50 trứng.
- Ấu trùng mới nở sống quanh gốc, khi lớn mới sang chỗ khác. Ấu trùng và thành trùng đều hút nhựa ở thân bẹ lá và cả bông lúa làm hạt bị lép, cây bị rũ xuống, lùn lại, vàng chết.
- Bọ xít thường gây hại lúa giai đoạn làm đòng đến ngậm sữa.
8.3. Biện pháp phòng trừ
- Vệ sinh sạch cỏ trong ruộng và bờ bụi.
- Do thường đẻ ở gốc lúa, nếu thấy mật độ bọ xít cao và gần đẻ nên rút cạn nước sau vài ngày lại nâng cao mực nước trong 24 giờ, làm như vậy 3 lần sẽ hạn chế được lứa bọ xít mới xuất hiện.
- Nếu mật độ cao trên 5con/bụi thì có thể sử dụng các loại thuốc sau để phòng trừ
+ Alpha-cypermethrin (Vifast 10SC, Unitox 5EC);
+ Cypermethrin (Shertox 5EC, Tungrin 10EC)
+ Dimethoate+ Cypermethrin (Dizorin 35EC)
+ Dimethoate + Fenvalerate (Fenbis 25EC. Bifentox 30EC);
9. Rầy nâu (Nilaparvata lugens Stal)
9.1. Đặc điểm hình thái
- Trưởng thành: Có màu nâu tối, con cái lớn hơn con đực, thành trùng có 2 dạng:
+ Cánh dài: Cánh che phủ cả thân và chủ yếu bay đi tìm thức ăn, nơi sinh sống mới, khả năng đẻ trứng: 150 – 200 trứng/lứa.
+ Cánh ngắn: Dạng cánh này chỉ sinh ra khi thức ăn đầy đủ, thời tiết thích hợp. Vì vậy khả năng đẻ trứng của nó rất cao, (khoảng 400 trứng/lứa).
- Rầy non: Có 5 tuổi, mới nở màu trắng sau chuyển màu vàng.
- Trứng: Trứng nhỏ mới nở màu trong suốt, sắp nở màu vàng, đẻ từng ổ dọc theo gân lá, tập trung nhiều trong bẹ lá.
Rầy cánh dài và rầy cánh ngắn
9.2. Đặc điểm sinh học và điều kiện phát sinh
- Rầy trưởng thành bám trên gốc lúa để ăn và sinh sản. Dạng cánh dài có khả năng bay mạnh và bị bẫy đèn thu hút. Rầy cánh dài có thể di chuyển rất xa, thậm chí tới hàng chục, hàng trăm cây số.
- Rầy non và rầy trưởng thành chủ yếu sống tập trung phía gốc lúa, khi gặp động thì chuyển ngang qua phía đối diện của thân lúa. Trong điều kiện thích hợp mật độ rầy có thể rất cao, tới hàng trăm con trên một bụi lúa. Trong quá trình sinh sống, rầy tiết ra chất thải làm môi trường cho nấm phát triển làm đen cả gốc lúa.
- Vòng đời trung bình khoảng 25 – 28 ngày.
- Thời tiết nóng ẩm thích hợp cho rầy phát triển.
- Canh tác liên tục nhiều vụ lúa trong năm, gieo cấy mật độ dày và bón nhiều phân đạm hoá học làm giảm khả năng chống chịu của lúa, tạo điều kiện cho rầy tích luỹ, phát triển tăng mức độ bị hại.
- Rầy nâu có nhiều loại thiên địch kí sinh, bắt mồi và gây bệnh như: ong kí sinh, bọ xít, bọ rùa bắt mồi, nhện bắt mồi, nấm gây bệnh.
9.4. Triệu chứng tác hại
- Tác hại chủ yếu của rầy là chích hút nhựa bẹ lá lúa làm cho lúa bị úa vàng, lúa sinh trưởng kém, nếu mật độ rầy cao có thể làm cho lúa bị khô cháy gọi là hiện tượng “cháy rầy”. Trong một ruộng lúa rầy thường tập trung gây hại trước hết ở khoảng giữa ruộng tạo thành từng ổ cháy rầy rộng như chiếc chiếu, sau đó lan rộng ra làm cả ruộng bị cháy. Trong lúc hút nhựa rầy nâu tiết ra 1 chất kết rắn đưa vào mô cây tạo thành ống hút thức ăn làm cây lúa bị khô nhanh.
- Rầy nâu còn là môi giới truyền bệnh virus dẫn đến bệnh lúa cỏ, bệnh vàng lùn-lùn xoắn lá. Phân của rầy nâu chứa nhiều đường là môi trường cho các loại nấm phát triển gây nên bệnh bồ hóng ở gốc lúa dẫn đến cản trở quang hợp. Bệnh không lan truyền qua đất, nước, hạt giống, không khí. Đây là bệnh do virus gây ra nên chưa có thuốc để chữa trị.
9.5. Biện pháp phòng trừ
- Chọn giống: Nên dùng các giống lúa kháng rầy hoặc ít nhiễm, hạn chế dùng các giống nhiễm như Jasmine 85; nếp quýt; IR13/2; OM 1490; OM2717; OM2718; OM50404; IR64B.
- Biện pháp canh tác:
+ Gieo cấy đúng thời vụ, tập trung.
+ Không trồng lúa liên tục trong nhiều năm, bảo đảm thời gian cách ly giữa hai vụ lúa ít nhất 20-30 ngày, không để vụ lúa chét.
+ Vệ sinh đồng ruộng bằng cách cày, trục kỹ trước khi gieo sạ, dọn sạch cỏ bờ ruộng, mương dẫn nước;
+ Sử dụng giống lúa kháng rầy, lúa giống có chất lượng tốt, không lấy lúa thịt làm lúa giống; có thể sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để xử lý hạt giống.
+ Không gieo sạ quá dầy trên 120 kg giống/ ha.
+ Gieo sạ lúa vào thời gian có thể né rầy, thường mỗi tháng có một đợt rầy vào đèn rộ kéo dài từ 5 – 7 ngày; để né rầy thì gieo sạ ngay sau đỉnh cao rầy vào đèn. Như vậy, khi lúa non sẽ tránh được rầy trưởng thành truyền bệnh.
+ Để bảo vệ cây lúa non, sau khi sạ nên cho nước vào ruộng và duy trì mực nước thích hợp để hạn chế rầy nâu chích hút thân cây lúa.
+ Không bón quá thừa phân đạm, cần bón cân đối N, P, K. Khi lúa bị hại tăng lượng phân lân và phân kali để nâng cao sức chống chịu cho cây lúa.
+ Thường xuyên thăm đồng để phát hiện sớm sự xuất hiện của rầy nâu trên cây lúa (phải vạch gốc lúa để xem).
- Biện pháp sinh học:
+Bảo vệ thiên địch của rầy nâu như: Bọ xít nước, bọ xít mù xanh, ong ký sinh.
+ Nếu có điều kiện thả vịt vào ruộng chúng sẽ ăn rầy.
- Biện pháp vật lý: Dùng bẫy đèn để diệt trưởng thành
- Biện pháp hoá học: Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật như sau:
+ Giai đoạn lúa từ sau gieo sạ đến 20 ngày: nếu rầy nâu xuất hiện thì phun thuốc diệt trừ.
+ Giai đoạn từ sau 20 ngày đến trổ - chín: rầy nâu với mật số từ 3 con/dảnh trở lên thì phun xịt thuốc trừ rầy.
-Sử dụng một trong các loại thuốc:
+ Fenobucarb (Bassa 50EC, Bascide 50EC, Hoppecin 50EC,...);
+ Buproferin (Applaud 10 WP, Butyl 10 WP);
+ Imidacloprid (Admire 050EC, Confidor 200SL, ...);
+ Isoprocarb (Mipcide 20EC);
+ Thiamethoxam (Actara 25WG, Asarasuper 250WG);
+ Pymetrozine (Chess 50WG);
Chú ý : Nên sử dụng luân phiên các loại thuốc để tránh hiện tượng quen thuốc của rầy.
+ Lúa ở giai đoạn trỗ trở đinên rẽ lúa theo hàng để phun thuốc vào sát gốc lúa nơi rầy sinh sống.
+ Phun thuốc đồng loạt để tránh sự di chuyển của rầy.
+Nếu mật độ rầy cao nên hỗn hợp 2 hoạt chất Buprofezin và Fenobucarb với nhau và liều lượng theo khuyến cáo ghi trên nhãn thuốc.
10. Ốc bươu vàng (Pomacea canaliculata)
10.1. Đặc điểm, tập quán sinh sống và gây hại
- Vỏ ốc và ruột Ốc bươu vàng (OBV) có màu vàng hơn ốc ta, vỏ mỏng, ổ trứng có màu hồng tươi.
- OBV cái có thể đẻ 1.000 trứng/tháng, đẻ thành ổ từ 25 – 500 trứng/1 ổ, tỷ lệ nở trong tự nhiên rất cao trên 80%. Trứng thường đẻ trên bẹ lá lúa hoặc các cọc tre, thân cây, dọc bờ ruộng mương nước hay các vật cứng, bờ cột xi măng... cách mặt nước từ 0,3 - 0,5mét. Sau đẻ 7 - 14 ngày trứng nở ra OBV con, sau 2 ngày vỏ ốc cứng lại, OBV di chuyển để đi kiếm ăn.
- OBV ăn tạp, ăn hầu hết những cây trồng, cỏ trong nước, nhưng thích ăn những mầm non hơn thân lá già như mạ non, lúa mới cấy, rau muống, .... OBV ăn cả ngày lẫn đêm sau thời gian khoảng 2 tháng là OBV lại tiếp tục giao phối và đẻ trứng.
- OBV có thể sống tới 3 năm, thích sống trong nước, nhưng nếu gặp điều kiện khô hạn, OBV sẽ chui sâu xuống bùn và sống ở đó đến 6 tháng. Khi cày ải phơi đất, đưa nước vào gieo cấy vụ sau thì OBV lại sinh sôi nảy nở.
- OBV thích nhiệt độ ấm, trời mát, tuy nhiên nếu nhiệt độ xuống dưới 150C và trên 380C, OBV vẫn sống bình thường.
Ốc bươu vàng và trứng
10.3. Biện pháp phòng trừ OBV
- Ở nơi có mật độ OBV cao phải bao quanh nương mạ bằng lưới ngăn OBV vào phá mạ non. Nên cấy mạ già hơn một chút và cấy nhiều tép hơn một chút/1 bụi. Thả vịt vào ruộng 35-40 ngày sau khi cấy hoặc sau khi thu hoạch để vịt ăn ốc. Cắm các thanh tre trên ruộng để OBV lên đẻ trứng và thu gom dễ dàng. Đào vét rãnh quanh ruộng để OBV tập trung xuống và bắt ốc, dùng phên chắn những dòng chảy để OBV khỏi lây lan rộng. Công việc phải được làm thường xuyên liên tục và đồng bộ trong toàn dân.
- Có thể dùng thuốc BVTV để diệt trừ:
+ Metaldehyde (Bolis 4GB, Molucide 6GB, Osbuvang 5GR)
+ Niclosamide (Bayluscide 250EC, Dioto 250 EC, Snail 250EC)
+ Metaldehyde +Niclosamide (MAP Pro 30WP).
11. Chuột hại lúa (Rattus spp.)
11.1.Đặc điểm
- Với đặc điểm tinh ranh, sinh sản nhanh, nơi sống thay đổi tùy theo địa hình: sống trong nhà, kho tàng hoặc đào hang hốc ngoài bờ ruộng, vách đá gốc cây... Có những loại sống được ở dưới nước trong một thời gian dài, địa bàn hoạt động rộng. Thường phá hại ban đêm là chính, tuy vậy ở những ngày dâm mát hoặc về chiều chuột vẫn kéo hàng đàn để đi phá. Thức ăn của chúng rất đa dạng như lúa, hoa màu, rễ cây, chuột còn ăn cả ếch nhái, cua, chim và sâu bọ. Đặc biệt những thức ăn có mùi vị hấp dẫn.
- Chuột có đặc điểm di chuyển đi về theo hướng cũ. Nắm được những đặc điểm trên của chuột vào những giai đoạn từ làm đòng trở đi, phải kiểm tra thường xuyên để phát hiện sớm khả năng phát sinh chuột đặc biệt ở những vùng gần ven rừng, và vùng có ngập úng chuột sẽ dồn tập trung phá chân ruộng cao.
11.2. Nguyên tắc diệt chuột
- Phát hiện kịp thời và diệt sớm.
- Toàn dân diệt chuột: Ở những nơi đã phát hiện chuột, phải phát động phong trào toàn dân diệt chuột, diệt chuột trong nhà, ngoài vườn và ngoài đồng ruộng.
- Diệt cùng một lúc: ấn định thời gian để cùng tiêu diệt chuột, bằng mọi biện pháp sẽ hạn chế nơi trú ẩn, lẩn lách của chuột từ chỗ này sang chỗ khác.
- Diệt liên tục từ 3 - 5 ngày để nhằm diệt hết chuột lớn chuột bé và kể cả những con tinh khôn nhất.
11.3. Biện pháp kỹ thuật cụ thể
- Giữ gìn bảo vệ những loài trăn, rắn, cú mèo...
- Dùng bẫy hoặc đào phá những hang chuột để tiêu diệt chuột.
- Thời vụ gieo cấy phải đồng loạt tập trung.
- Khi chuột đã phát sinh mạnh thành dịch, nguy cơ phá hại rất lớn cho mùa màng, cần dùng thuốc hóa học để diệt trừ. Có thể sử dụng các loại thuốc sau để phòng trừ chuột:
+ Brodifacoum (Klerat 0.05 %, Forwarat 0.05 %);
+ Warfarin (Ran part 2% D, Rat K 2% D);
+ Diphacinone (Gimlet 800SP, Kaletox 800WP);
+ Flocoumafen (Coumafen 0.005% wax block, Storm 0.005 % block bait).
11.4. Những điều cần chú ý trong và sau khi tổ chức diệt chuột
- Trộn bả mồi + sấy thơm: phải được thực hiện xa nơi dân cư và không cho trẻ em đến gần. Không dùng những dụng cụ chảo, xoong, nồi, đũa thường dùng cho sinh hoạt để thực hiện và tiếp tục sử dụng cho sinh hoạt hàng ngày.
- Nhốt gia súc, gia cầm trong giai đoạn đặt bả. Trường hợp gia cầm, gia súc ăn phải thì không được dùng ăn thịt chúng mà phải chôn.
- Chuột chết phải được thu gom hàng ngày và mồi còn thừa phải được gom lại và chôn sâu.
- Thực hiện nghiêm ngặt bảo hộ lao động cho những người trực tiếp làm bả, đặt bẫy, gom, thu, chôn...
12. Bệnh đạo ôn (Pyricularia oryzaeCav et Bri)
12.1. Triệu chứng bệnh
- Bệnh phá hại trên các bộ phận của cây lúa như lá, thân, cổ bông, hạt.
- Trên lá: Đốm bệnh hình thoi, rộng ở giữa và nhọn hai đầu, vết bệnh có thể nhỏ như mũi kim và rộng đến 1.5cm. Đốm bệnh màu nâu ở giữa xám trắng. Khi nặng vết bệnh kéo dài theo phiến lá. Nhiều vết liền nhau làm cho lá bị khô (gọi là cháy lá), ảnh hưởng đến năng suất.
- Ở cổ lá vết bệnh làm cho lá khô nhanh.
- Ở trên thân vết bệnh làm cho cây tóp lại
- Ở trên cổ bông vết bệnh cũng có màu xám xanh đến nâu xám, nâu đen thắt lại và lõm vào, làm hư hại toàn bộ mạch dẫn, kết quả làm cho hạt bị lửng, lép, nếu bệnh nặng sẽ bị khô và bạc trắng. Nếu bệnh xuất hiện trễ khi lúa vào mẩy bông lúa bị gãy, điểm bị gãy có màu nâu và thối mục, ở trên hạt vết bệnh có đốm màu nâu.
12.2. Tác nhân gây bệnh
Do nấm Pyricularia oryzae gây nên. Bào tử có thể sống từ 3 - 6 tháng, nhưng sợi nấm sống được tới 2 năm. Ngoài cây lúa, nấm bệnh đạo ôn còn gây hại trên một số cỏ dại như đuôi phụng, lồng vực.
12.3. Điều kiện để bệnh lây lan và gây hại
-Thời tiết: Trời mát + ẩm + sương mù là điều kiện tối ưu cho bệnh phát triển. Nhiệt độ thích hợp từ 240C -280C và ẩm độ từ 90 - 95%.
- Đặc điểm sinh trưởng phát dục của cây lúa: Ở giai đoạn lúa đẻ rộ hoặc kết thúc thời kỳ đẻ nhánh là lúc lúa đòi hỏi lượng đạm lớn, đạm được tích lũy nhiều để phát triển thân lá, đó cũng là điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh phát sinh trên lá và thân. Giai đoạn có bông lúa cũng cần hàm lượng đạm cao (tuy nhiên lượng không cao như khi đẻ nhánh) lúc này đạm cũng sẽ được tích lũy nhiều làm cho bệnh dễ phát sinh và phát triển ở bông và cổ bông.
- Chế độ phân bón: Những chân ruộng hẩu, nhiều bùn, cấy dày và ruộng bón phân ở mức cao là điều kiện tốt cho bệnh phát sinh và phát triển. Vì vậy để khắc phục, phải bón thêm lân và ka li, đặc biệt là chân ruộng trũng để tăng mức đề kháng cho cây.
- Chế độ nước: Hạn quá, bệnh dễ dàng phát sinh vì khi hạn cây hút silíc được ít nên tỷ lệ SiO2/N giảm ở lá lúa và cổ bông. Càng khô hạn + sương mù thì bệnh càng tăng.
- Giống lúa: Biểu hiện rất rõ giống kháng và mẫn cảm.
12.4. Biện pháp phòng trừ
- Chọn những giống kháng bệnh.
- Vệ sinh đồng ruộng và cỏ dại để diệt nguồn bào tử và sợi nấm.
- Xử lý hạt giống.
- Phân bón cân đối N.P.K. Không nên bón đạm cao hơn 100kg N/ha. Phân loại ruộng cao thấp hoặc cấy sớm, cấy muộn, chất đất xấu hay tốt để có chế độ bón phân hợp lý.
- Giữ nước thường xuyên, không để cho mạ hoặc lúa bị hạn.
- Khi bệnh xuất hiện trên đồng ruộng, tiến hành sử lý bằng một trong các loại thuốc sau:
+ Carbendazim (Arin 50SC, Bavisan 50WP, Carben 50SC,);
+ Acid salicylic (Exin 4.5SC);
+ Benomyl (Bendazol 50 WP)
+ Chitosan (Fusai 50 SL)
+ Fthalide + Kasugamycin( Kasai 21.2WP)
13. Bệnh khô vằn (Rhizoctonia solani Kuhn)
13.1. Triệu chứng bệnh
Bệnh thường gây hại ở bẹ lá và trên lá, thường xuất hiện từ dưới lên trên. Vết bệnh không có hình dạng nhất định có màu xám xanh. Lúc đầu ở bẹ lá gần mực nước, nhỏ một vài cm, nhiều vết bệnh liên kết thành những vệt lớn loang lổ tạo những vẩn mây, rìa có màu nâu, phía trong màu xám xanh hoặc vàng. Nếu bị nặng chồi lúa sẽ cháy khô, bông lép. Bệnh thường hại ở cây lúa ven bờ nơi có nhiều cỏ dại.
13.2. Tác nhân, điều kiện phát sinh, phát triển bệnh
- Do nấm Rhizoctonia solani gây ra.
- Bệnh phát sinh và gây hại mạnh trong điều kiện: Ruộng có nhiều cỏ dại, nước càng sâu bệnh phát sinh càng mạnh. Gieo sạ quá dày, bón phân đạm quá nhiều và bón không cân đối N, P, K.
13.3. Biện pháp phòng trừ
- Cày đất, dọn sạch tàn dư, cỏ dại để tiêu diệt nguồn bệnh tồn tại ở lá, thân, bẹ, đất.
- Điều chỉnh mực nước trong ruộng tốt nhất 5-7cm. Nếu mức nước quá cao thuận lợi cho bệnh lây lan, sau đó vài ba ngày lại cho nước vào ruộng sao cho mực nước lúc này cao hơn mực nước lúc đầu, những vết bệnh sẽ bị ngập nước và sợi nấm dễ bị chết nhanh chóng vì sợi nấm rất ưa khí (háo khí).
- Khi bệnh xuất hiện, bón tro+ vôi để tăng cường khả năng chống chịu. Giảm lượng đạm để cây cứng cáp. Tốt nhất nên bón cân đối N-P-K từ đầu vụ
- Sử dụng thuốc BVTV để trừ bệnh, tùy theo mức độ bệnh mà phun 2-3 lần cách nhau 7-10 ngày/1 lần bằng các loại thuốc sau:
+ Hexaconazole (Anvil 5SC, Saizole 5SC),
+ Pencycuron (Monceren 250 SC)
+ Thiophanate-Methyl (Thio - M 70 WP)
+ Kasugamycin (Kasugacin 3 SL),
14. Bệnh đốm nâu (Helminthosporium oryzae)
14.1. Triệu chứng
Bệnh gây hại ở lá và hạt. Vết bệnh hình bầu dục màu nâu cả hai mặt, xung quanh có vầng vàng, có thể có những vân. Mới đầu vết bệnh là những đốm nhỏ có đường kính từ 0,5 - lmm. Vết bệnh lớn dần tới 1 mm, ở vết bệnh lớn có tâm màu xám hay hơi trắng.
14.2. Tác nhân gây bệnh
Do nấm Helminthosporium oryzae gây nên. Lây nhiễm và phá hại do những bào tử phân sinh và sợi nấm tồn tại trong hạt giống, tàn dư cây trồng và trong đất.
14.3. Điều kiện để bệnh lây lan và gây hại
- Bệnh phát sinh chủ yếu khi lúa ở giai đoạn cuối mạ hoặc giai đoạn làm đòng – trỗ trở đi.
- Bệnh phát triển chủ yếu trên đất nghèo dinh dưỡng, cây cằn cỗi, bón ít phân, lúa hồi xanh muộn, hạn hán hoặc các chân ruộng bị phèn, bị ngộ độc vì chất hữu cơ làm khả năng tích lũy đạm và gluxít bị cản trở.
14.4. Biện pháp phòng trừ
- Bón đầy đủ dinh dưỡng, tuyệt đối không để khô hạn, thiếu phân. Nếu mạ xấu phải bón thúc phân. Phân bón cân đối, bón đón đòng giúp cây tăng trưởng mạnh tăng khả năng đề kháng bệnh.
- Xử lý hạt giống trước khi gieo sạ vì nguồn bệnh có tồn tại trong hạt giống.
- Trường hợp đã có bệnh phát sinh trên diện rộng, cần gấp rút tăng cường phân bón đặc biệt là bón đạm. Kết hợp bón phân qua đất với phun hỗn hợp phân bón qua lá và các chất kích thích sinh trưởng, cây sẽ được hồi phục nhanh chóng.
15. Bệnh cháy bìa lá (Xanthomonas oryzae Dowson)
15.1. Triệu chứng bệnh
Khi mới nhiễm bệnh, chóp và mép lá có màu xanh đục sau chuyển sang màu vàng, ranh giới chỗ bị bệnh và chỗ khỏe rất rõ rệt vì một đường ngăn cách bằng một gợn sóng vàng. Cũng có khi đường ngăn cách chạy dọc theo gân chính kéo dài tới bẹ lá. Dần dần đầu chóp lá và phiến lá khô quăn lại, chuyển sang màu xám nâu rồi xám trắng (nên được gọi là bệnh cháy bìa lá hay bệnh bạc lá).
15.2. Tác nhân, điều kiện phát sinh, phát triển và gây bệnh
- Do vi khuẩn Xanthomonas oryzae Dowson
-Vi khuẩn xâm nhập vào cây chủ yếu qua những lỗ hở tự nhiên như khí khổng hoặc các vết thương xây xát. Nguồn vi khuẩn tồn tại trong hạt giống, trong đất, cỏ dại, tàn dư cây trồng. Nếu quan sát mặt dưới lá lúa ở chỗ bị bệnh vào lúc sáng sớm hoặc thời kỳ mưa thấy xuất hiện những giọt dịch vi khuẩn tròn màu hơi trắng rồi chuyển sang màu vàng sáp, màu hổ phách (mật ong), sau giọt dịch rắn keo lại và có màu nâu.
- Nhiệt độ thích hợp cho vi khuẩn xâm nhiễm từ 24 - 32 độ C.
- Cây lúa từ giai đoạn làm đòng trở đi là giai đoạn mẫn cảm với bệnh.
- Ở những vùng đất trũng, nhiều nước bệnh nặng hơn.
- Nếu bón đạm quá sớm hoặc quá muộn cũng làm cho bệnh dễ dàng phát sinh và phát triển. Khi đã có bệnh phải ngưng bón đạm.
15.4. Biện pháp phòng trừ
- Xử lý hạt giống trước khi gieo sạ.
- Bón phân cân đối, theo đúng quy trình kỹ thuật.
- Dùng giống ít mẫn cảm với bệnh.
- Mực nước trên đồng ruộng chỉ nên giữ 5 - 7 cm.
- Để hạn chế bệnh có thể dùng một trong các loại thuốc sau:
+ Kasugamycin (Karide 3SL, 6WP)
+ Gentamycin sulfate+ Ningnanmycin+ Streptomycin sulfate(Riazor Gold 110WP).
16. Bệnh nghẹt rễ
16.1. Triệu chứng bệnh
Thường sau khi cấy 20 - 25 ngày, lúa chuyển từ màu xanh sang màu vàng đỏ từ chóp lá xuống. Lúa bị lùn lại và nảy chồi kém. Trên lá lúa có nhiều vết màu nâu đỏ xen lẫn với những đốm nâu. Khi bứng bụi lúa lên ta thấy rễ lúa bị thối đen, nếu bị nặng ta còn ngửi thấy mùi khó chịu và hoàn toàn không thấy một rễ trắng nào. Vì vậy cây bị thiếu dinh dưỡng trầm trọng, nếu không phát hiện kịp thời lúa sẽ bị lụi dần và chết.
16.2. Tác nhân gây bệnh
Nguyên nhân chủ yếu là do sự tích lũy những chất độc trong quá trình phân giải các chất hữu cơ (axít hữu cơ) trong đất.
16.3. Biện pháp phòng trừ
- Đất phải được làm kỹ phơi ải, phải thu gom rơm rạ, cỏ rác trong ruộng lên bờ trước khi cày xới.
- Kiểm tra sớm để phát hiện bệnh kịp thời. Khi đã thấy bệnh xuất hiện phải xả nước trong ruộng ra phơi đất vài ngày sau đó cho nước mới vào ruộng. Tăng cường lượng phân lân supe tạo điều kiện cho rễ mới phát sinh. Khi cây lúa đã ra được rễ non thì nên rải thêm một lượng phân đạm cho lúa mau trở lại trạng thái bình thường.
17. Bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá (VL-LXL)
17.1.Tác nhân, triệu chứng bệnh VL-LXL
17.1.1.Tác nhân và triệu chứng bệnh VL
- Bệnh vàng lùn là một dạng triệu chứng khác do virus gây bệnh lúa cỏ có tên RGSV(Rice Grassy Stunt Virus) gây ra.
- Lá lúa từ màu xanh nhạt chuyển sang màu vàng nhạt – vàng cam – vàng khô.
- Các lá bên dưới ngả vàng trước rồi lần lượt đến các lá bên trên.
- Trên một lá, sự ngả màu vàng đi từ chóp lá và 2 bên mép lá đi vào.
- Lá có khuynh hướng xoè ngang. bệnh làm giảm chiều cao chồi lúa và giảm số chồi của bụi lúa mắc bệnh.
- Trong 1 bụi lúa có thể có chồi bệnh và chồi khoẻ, khi bệnh nặng cây lúa hoặc cả bụi lúa chết rụi.
- Ruộng lúa bệnh ngả màu vàng, chiều cao cây không đồng đều.
17.1.2. Tác nhân và triệu chứng bệnh LXL
- Bệnh lùn xoắn lá do virus có tênRRSV (Rice ragged stunt virus) gây ra
- Cây bị lùn hơn so với cây lúa bình thường nhưng bộ rễ không bị hư, màu lá xanh đậm.
- Lá bị xoắn, mép lá có thể bị rách, hay gân lá bị sưng to giống như những u bướu. Bìa lá bị rách và gợn sóng, chóp lá bị biến dạng xoăn tít lại.
- Lúa không trỗ được, bị nghẹn đòng, hạt lép.
17.1.3.Tác nhân và triệu chứng bệnh lúa cỏ
- Bệnh lúa cỏ do virus có tênRGSV(Rice Grassy Stunt Virus) gây ra
- Cây bị lùn, mọc nhiều chồi, bộ rễ bình thường.
- Lá ngắn, hẹp, cứng màu xanh vàng. Lá non có nhiều đốm gỉ sắt hoặc màu vàng đỏ.
17.2.Cách lan truyền bệnh VL-LXL
- Rầy nâu là mô giới truyền virus gây bệnh cho lúa và truyền virus cho đến khi chết. Rầy nâu chích hút cây lúa bệnh sau 5-10 phút là mang mầm bệnh trong cơ thể và khoảng 10 ngày sau là có thể lan truyền virus gây bệnh sang cây lúa khoẻ khác. Virus gây bệnh không truyền qua trứng rầy, đất, nước, không khí.
- Cây lúa bị bệnh mang virus cho đến khi gặt, lúa chét cũng có thể nhiễm bệnh. Khi bị bệnh ở giai đoạn lúa non, lúa không trỗ bông, năng suất giảm nghiêm trọng hoặc mất trắng.
- Rầy nâu cánh dài mang virus phát tán đi rất xa nên phạm vi lây lan của bệnh rộng, rầy cánh ngắn mang virus lây lan bệnh trong phạm vi hẹp.
- Rầy nâu có thể mang được cả hai loại virus gây bệnh vàng lùn và bệnh lùn xoắn lá vào cơ thể và có thể truyền được đồng thời cả hai bệnh trên vào một cây lúa, vì vậy trong 1 bụi lúa có thể đồng thời thấy được cả 2 triệu chứng của bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá.
17.3. Quản lý bệnh VL-LXL lúa
Bệnh VL-LXL cũng như bệnh lúa cỏ gây hại cây lúa hiện chưa có thuốc đặc trị. Vì vậy cần phải phòng bệnh là chính, bao gồm:
- Thăm đồng thường xuyên để phát hiện rầy nâu thật sớm. Thực hiện triệt để các biện pháp phòng trừ rầy nâu như nêu ở trên.
- Áp dụng các biện pháp canh tác đồng bộ để tạo cây lúa khoẻ nhất là giai đoạn trước trỗ để tăng sức đề kháng của cây.
- Giai đoạn lúa còn non dưới 40 ngày sau gieo sạ: Nếu ruộng lúa bị nhiễm bệnh nặng (từ 10% số khóm bị bệnh) thì phải tiêu huỷ ngay bằng cách cày, trục cả ruộng để diệt mầm bệnh, trước khi cày vùi phải phun thuốc trừ rầy để tránh phát tán truyền bệnh sang ruộng khác. Nếu bị nhiễm nhẹ (dưới 10% số khóm bị bệnh) thì nhổ bỏ cây bệnh và vùi xuống ruộng, không bỏ tràn lan lên bờ.
- Giai đoạn lúa sau gieo sạ 40 ngày trở đi: Nhổ bỏ vùi cây lúa bị bệnh, nếu có rầy cám 3 con/dảnh thì phải phun thuốc trừ rầy. nếu nhiễm bệnh quá nặng thì tiêu huỷ bằng cách cày, trục cả ruộng, trước khi cày phải phun thuốc trừ rầy để tránh phát tán truyền bệnh sang ruộng khác.