Sâu bệnh hại cao su
- Được viết: 14-09-2013 14:56
MỘT SỐ SÂU BỆNH HẠI TRÊN
CÂY CAO SU VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ TẠI LÂM ĐỒNG
I. MỘT SỐ SÂU BỆNH HẠI CHÍNH
1. Bệnh phấn trắng lá (Oidium heveae Steinm)
1.1. Triệu chứng gây hại
- Bệnh phát sinh chủ yếu trên các lá non. Sau khi nấm bệnh tấn công 7-10 ngày, bào tử được hình thành trên vết bệnh có màu trắng ở hai mặt lá, vết bệnh có hình dạng không cố định. Bệnh làm lá vàng, khô héo và rụng sớm, cây sinh trưởng kém.
- Hoa bị bệnh thì nhỏ và thối rụng.
- Các giống bị nhiễm bệnh nặng: VM 515, PB235, PB255, RRIV 4, GT 1.
Triệu chứng bệnh phấn trắng
1.2. Nguyên nhân gây bệnh và điều kiện phát sinh của bệnh
- Bệnh phấn trắng cao su do nấm Oidium heveae Steinm gây ra. Ở những vườn cây kiến thiết cơ bản từ 1 đến 5 năm tuổi, nấm thường gây hại trên chồi non và làm chết chồi. Ở những vườn cây đã khai thác, nấm thường xuất hiện trong mùa thay lá, làm rụng lá non và hoa, giảm thời gian thu hoạch, dẫn đến giảm năng suất mủ, sản lượng mủ của cây.
- Nếu bệnh xuất hiện trong thời kỳ cây đang cho khai thác sẽ rất nguy hiểm, vì lúc đó cây cao su sẽ kéo dài thời gian ra lá, cây bị mất sức, bộ lá sẽ lâu ổn định, mở miệng cạo trễ, dẫn đến năng suất sản lượng mủ giảm rất lớn.
1.3. Biện pháp phòng trừ
Có thể sử dụng một trong các loại thuốc:
+ Azoxystrobin + Difenoconazole (Amistar top 325SC)
+ Sulfur (Sulox 80WP)
+ Sulfur + Tricyclazole (Vieteam 80WP)
+ Hexaconazole (Anvil 5SC, Hecwin 5SC)
+ Carbendazim (Binhnavil 50SC, Carbenzim 500FL, Nicaben 500WP)
Chú ý: Phun lên tán lá khi có 10% lá non nhú chân chim trên vườn và ngừng khi 80% lá đã già. Thực hiện phun thuốc 3 lần, mỗi lần cách nhau 7 - 10 ngày vào buổi sáng ít gió.
2. Bệnh héo đen đầu lá (Colletotrichum gloeosporioides)
2.1. Triệu chứng gây hại
Bệnh chủ yếu gây hại trên lá. Vết bệnh lúc đầu là những đốm nhỏ màu nâu xuất hiện ở mép lá hoặc chóp lá, sau đó vết bệnh lan rộng vào trong phiến lá thành vết đen lớn làm khô một mảng lá. Xung quanh vết bệnh già có quầng đen phân cách rõ rệt với phần mô khỏe.
- Chóp lá bị bệnh héo đen và khô, lá biến vàng, rụng, cây con phát triển chậm.
- Trên chồi non và trái vết bệnh có màu nâu đến nâu đậm gây chết chồi và khô trái.
- Các giống nhiễm bệnh nặng: RRIM 600, GT 1, PB 260, ..
Triệu chứng bệnh héo đen đầu lá
2.2. Nguyên nhân gây bệnh và điều kiện phát sinh của bệnh
Bệnh gây ra do nấm Colletotrichum gloeosporioides. Bệnh phân bổ khắp các vùng trồng cao su và tập trung chủ yếu vào mùa mưa.
2.3. Biện pháp phòng trừ
Sử dụng thuốc Carbendazim (Carban 50 SC); Hexaconazole + Tricyclazole (Lashsuper 250SC) theo liều lượng khuyến cáo. Chỉ phun trên tán lá non. Chu kỳ phun 7 - 10 ngày/lần.
3. Bệnh rụng lá mùa mưa và thối trái
3.1. Triệu chứng gây hại
- Điển hình của bệnh là trên cuống lá bị rụng có một hoặc nhiều cục mủ trắng hoặc đen, tại trung tâm vết bệnh màu nâu hoặc xám. Đầu cuống lá tiếp xúc với chồi không có mủ và các lá dễ dàng rời ra khi lắc nhẹ, khác với trường hợp lá rụng do gió. Tán lá bị rụng không ra lại mà phải đến mùa ra lá năm sau, làm giảm sản lượng.
- Trên chồi xanh, đốm bệnh hình bầu dục và có màu nâu đen, nếu bị nặng có thể dẫn đến chết chồi.
- Trên trái xanh gần khô, xuất hiện vết thâm màu nâu tại phần dưới của trái sau đó lan rộng toàn bộ. Trái bị bệnh khô lại và treo trên cây với những đám nấm màu trắng, đây là nơi nấm tồn tại qua mùa khô và nguồn bệnh ban đầu.
- Hạt bị nhiễm bệnh không thể nảy mầm.
- Các giống nhiễm bệnh nặng: RRIM 600, GT1, PR 261...
Triệu chứng bệnh rụng lá mùa mưa
3.2 Nguyên nhân gây bệnh và điều kiện phát sinh của bệnh
- Bệnh rụng lá vào mùa mưa và thối trái do nấm Phytophthora botryosa Chee và nấm Phytophthora palmivora Bult.
- Vườn cao su gần nguồn nước (ao, hồ, thung lũng…) thường bị bệnh gây hại nặng hơn so với vùng cao ráo.
- Vào thời gian mưa dầm, có sương mù buổi sáng kết hợp với nhiệt độ từ 24-28oC trong khoảng ba ngày, bệnh sẽ xuất hiện nặng trong 5-7 ngày sau đó.
3.3. Biện pháp phòng trừ.
- Chọn giống khỏe, sạch bệnh và giống không mẫn cảm với bệnh.
- Giữ vệ sinh vườn sạch sẽ, tạo độ thông thoáng cho vườn cao su và thoát nước tốt.
4. Bệnh Corynespora (Corynespora cassiicola Berk. & Curt)
4.1. Triệu chứng gây hại
- Bệnh xuất hiện trên lá, cuống lá và cành non với những triệu chứng khác nhau:
- Trên lá: Triệu chứng đặc trưng với vết bệnh màu đen có hình dạng xương cá chạy dọc theo gân lá. Vết lan rộng gây chết từng phần lá, sau đó toàn bộ lá đổi màu vàng cam và rụng từng lá chét một.
- Trên cành non và cuống lá: Vết nứt dọc theo chồi và cuống lá dạng hình thoi, có mủ rỉ ra sau đó hóa đen, vết bệnh có thể phát triển dài đến 20 cm gây chết chồi, chết cả cây. Trên gỗ có sọc đen, chạy dọc theo vết bệnh. Trên cuống lá có vết nứt màu đen chiều dài 0,5 - 3,0 mm.
- Các giống nhiễm bệnh nặng: RRIC 103, RRIC 104, KRS 21, RRIM 725, FX 25, IAN 873, PPN 2058, PPN 2444 và PPN 2447.
Triệu chứng bệnh Corynespora trên lá
Triệu chứng bệnh Corynespora trên cuống lá
Triệu chứng bệnh Corynespora trên cành non
4.2 Nguyên nhân gây bệnh và điều kiện phát sinh của bệnh
- Bệnh rụng lá Corynespora do nấm Corynespora cassiicola Berk. & Curt gây hại.
- Nấm có khả năng tồn tại và phát triển trong phạm vi nhiệt độ lớn, thích hợp nhất ở 26 -30oC và ẩm độ bão hòa. Nấm có khả năng gây hại cho cả lá già và non cũng như cuống lá và chồi. Hơn nữa, do xảy ra quanh năm và suốt chu kỳ sống của cây cao su nên có tác hại lớn, nhất là cho các giống tính mẫn cảm.
4.3. Biện pháp phòng trừ
- Sử dụng một trong các loại thuốc sau:
+ Carbendazim + Hexaconazole(Vixazol 275 SC);
+ Carbendazim 125g/l + Hexaconazole 30g/l (Hexado 155SC); Hexaconazole (Chevin 5SC, Hanovil 5SC, Saizole 5SC).
+ Carbendazim (Carbenzim 500 FL, Vicarben 50SC )
Chú ý khi xử lý phun kỹ cả hai mặt lá với chu kỳ 10 – 14 ngày/lần.
5. Bệnh đốm mắt chim (Drechslera heveae Petch)
5.1. Triệu chứng gây hại
Vết bệnh đặc trưng như mắt chim, kích thước 1 - 3 mm với màu trắng ở trung tâm và viền màu nâu rõ rệt bên ngoài. Trên lá non gây biến dạng và rụng từng lá chét một, trong khi trên lá già vết bệnh tồn tại trong suốt giai đoạn sinh trưởng của lá. Bệnh ít khi gây chết toàn bộ cây, nhưng làm giảm sinh trưởng.
5.2. Nguyên nhân gây bệnh và điều kiện phát sinh của bệnh
- Bệnh đốm mắt chim do nấm Drechslera heveae Petch gây hại.
- Bệnh phát tán nhờ gió và nước mưa. Nấm Drechslera heveae Petch chỉ gây hại cho cây cao su và chưa có ghi nhận gây hại cho cây khác.
- Bệnh thường phát sinh trên cây trồng hạt và trên cây con khi thời tiết mưa nắng bất thường. Bệnh cũng xảy ra ở vùng đất trũng, đất xấu.
5.3. Biện pháp phòng trừ
- Chọn giống ít mẫn cảm với bệnh
- Giữ vệ sinh và tạo độ thông thoáng cho vườn trồng.
Hiện tại chưa có thuốc BVTV đăng ký trong danh mục để phòng trừ bệnh đốm mắt chim hại cao su. Có thể tham khảo sử dụng một số thuốc phòng trừ có hoạt chất sau: Carbendazim, Hexaconazole, Carbendazim + Hexaconazole để phòng trừ. Chỉ phun trên tán lá non, chu kỳ phun 7 -10 ngày/lần
6. Bệnh nấm hồng (Corticium salmonicolor Berk. & Br)
6.1. Triệu chứng gây hại
- Nấm gây hại chủ yếu nơi phân cành chính và một số cành cấp 1 (chảng 3) từ đó lan lên và xuống, xâm nhập vào cành chính hoặc nơi có nhiều vết u sần hoặc lớp vỏ khô sần sùi sắp tróc.
- Giai đoạn đầu vết bệnh có mủ chảy và có tơ nấm hình mạng nhện màu trắng bạc rất mỏng, gặp điều kiện thích hợp vết bệnh chuyển sang màu hồng nhạt, chiều dài vết bệnh ngày càng tăng, thường lan lên phía trên nhiều hơn lan xuống dưới. Khi cây bị bệnh nặng vết bệnh chuyển sang màu hồng đậm, phần lá phía trên vết bệnh chuyển vàng và héo rũ, sau đó toàn bộ cành lá phía trên vết bệnh đều chết khô, phía dưới vết bệnh mọc ra nhiều chồi.
6.2. Nguyên nhân gây bệnh và điều kiện phát sinh của bệnh
- Bệnh nấm hồng do nấm Corticium salmonicolor Berk. & Br gây hại.
- Bệnh xâm nhập chủ yếu trong mùa mưa vào cao điểm tháng 7, 8, nhiệt độ thích hợp là 20-30oC, ẩm độ lớn hớn 80%, bệnh nặng ở vùng thoát nước kém, thường xuyên ngập úng.
- Bệnh xảy ra phổ biến trên cây 4 - 8 tuổi, vết bệnh thường xuất hiện trên thân và cành có vỏ đã hóa nâu.
6.3. Biện pháp phòng trừ
- Thường xuyên kiểm tra, phát hiện kịp thời để đưa ra biện pháp xử lý đúng lúc.
- Khi bệnh xuất hiện đến mức cần kiểm soát thì có thể dùng một trong những loại thuốc sau:
+ Carbendazim + Hexaconazole (Do.One 250SC, Hexado 155SC).
+ Eugenol (Genol 1.2SL).
+ Hexaconazole (Anvil 5SC, Atulvil 5SC, Centervin 5SC, Hecwin 5SC, Tungvil 5SC, Saizole 5SC).
+ Ningnanmycin (Niclosat 2SL, 4SL, 8SL).
+ Validamycin (Damycine 5 WP, 5SL; Tung vali 3SL, 5SL; Vali 5SL; Validacin 3SL; Validan 5SL; Vanicide 5SL; Pinkvali 5SL).
Các loại thuốc trên cần phối hợp với chất bám dính nồng độ 1%, sử dụng theo liều lượng khuyến cáo trên bao bì.
7. Bệnh nứt vỏ Botryodiploidia (Botryodiploidia theobromae Pat)
7.1. Triệu chứng gây hại
- Trên vỏ hóa nâu có nhiều mụn nhỏ kích thước 1 - 2 mm, sau đó các mụn này lan ra toàn bộ thân cành. Cuối cùng cả thân cành bị nứt và có màu nâu, mủ rỉ ra từ những vết nứt. Lớp biểu bì dày lên do nhiều lớp vỏ bần tạo thành.
- Trên thân cây bệnh đôi khi xuất hiện chồi, những cây bị nhiễm bệnh nặng hầu như sinh trưởng bị chựng lại và có trường hợp chết cả cây.
7.2. Nguyên nhân gây bệnh và điều kiện phát sinh của bệnh
- Bệnh nứt vỏ Botryodiploidia do nấm Botryodiploidia theobromae Pat gây hại.
- Bệnh phát tán nhờ gió lây nhiễm vào cây qua vết thương hay xâm nhập qua vỏ cây.
- Bệnh xuất hiện trên cây cao su vùng Đông Nam bộ, gây hại vỏ hóa nâu của cao su trên ba năm tuổi.
7.3. Biện pháp phòng trừ
- Chọn giống khỏe, sạch bệnh
- Hạn chế làm xây xác vỏ cây trong quá trình chăm sóc.
- Tạo độ thông thoáng cho rừng trồng.
- Sử dụng thuốc Azoxystrobin + Difenoconazole (Amistar top 325SC); Carbendazim (Carban 50 SC) để phòng trừ.
8. Bệnh loét sọc mặt cạo (Phytophthora palmivora và Phytophthora botryosa)
8.1. Triệu chứng gây hại
Bệnh xâm nhập vào miệng cạo và lớp vỏ tái sinh tiếp giáp với miệng cạo. Sau đó, bệnh lan dần dọc theo mạch dẫn trên vỏ tái sinh, tạo thành các sọc nâu đen theo chiều thẳng đứng. Khi bị nặng, từ lớp vỏ tái sinh, mủ rỉ ra bị biến vàng và bốc mùi hôi thối. Một phần hay toàn bộ phần vỏ tái sinh của mặt cạo biến màu nâu đen và thối loét.
Triệu chứng bệnh loét sọc mặt cạo
8.2. Nguyên nhân gây bệnh và điều kiện phát sinh của bệnh
- Bệnh loét sọc mặt cạo do nấm Phytophthora palmivora và Phytophthora botryosa gây hại.
- Bệnh thường phát sinh trong mùa mưa, đặc biệt ở các tháng mưa nhiều. Bệnh được lan truyền qua nước mưa, gió, qua dao cạo mủ...
- Bệnh thích hợp trong điều kiện các vườn cao su rậm rạp, có ẩm độ cao và mát.
- Bệnh cũng thường xuất hiện ở vườn bón thừa phân đạm, nhưng lại thiếu các biện pháp phòng ngừa như bôi thuốc, bôi vaseline chống ướt trong mùa mưa. Chế độ cạo quá dày (do không dùng chất kích mủ để giảm số lần cạo), cạo phạm vào gỗ, cạo khi cây còn ướt, cạo sát đất trong mùa mưa,…cũng là một trong các điều kiện thuận lợi để bệnh xâm nhập.
- Các giống cao su nhiễm bệnh nặng: RRIM 600, PB 310, PB 255, PR 255.
8.3. Biện pháp phòng trừ
- Chọn các dòng vô tính ít mẫn cảm với bệnh
- Tạo độ thông thoáng, thoát nước tốt cho rừng trồng cao su
- Áp dụng biện pháp phòng trị bằng thuốc bảo vệ thực vật, khi có triệu chứng bệnh xuất hiện, sử dụng một trong các thuốc:
+ Dimethomorph (Phytocide 50WP).
+ Dimethomorph + Mancozeb (Acrobat MZ 90/600WP).
+ Metalaxyl + Mancozeb (Fortazeb 72WP).
+ Mancozeb + Metalaxyl (Tungsin-M 72WP, Mexyl MZ – 72WP).
+Mancozeb + Metalaxyl – M (Ridomil Gold 68WG, Suncolex 68WP).
+ Mancozeb + Metalaxyl (Mancolaxyl 72WP, Vimonyl 72WP)
+ Metalaxyl (Mataxyl 500WG)
Lưu ý: Chỉ áp dụng biện pháp phòng trị bằng thuốc khi có triệu chứng bệnh xuất hiện. Các cây bị bệnh nặng phải cho nghỉ cạo để chữa trị dứt điểm rồi mới cho cạo lại. Tuyệt đối không trộn thêm đất vào thuốc để làm màu đánh dấu.
9. Bệnh khô miệng cạo
9.1. Triệu chứng gây hại
Trên cây đang cạo mủ bình thường, xuất hiện các đoạn mủ khô ngắn trên miệng cạo, vết khô lan nhanh và sau đó cây bị khô mủ hoàn toàn. Có thể phân thành 2 loại:
- Khô mủ toàn phần: Miệng cạo bị khô hoàn toàn, mặt cạo bị khô và xuất hiện các vết nứt trên vỏ cạo.
- Khô mủ từng phần: Miệng cạo bị khô từng đoạn ngắn. Nếu cho cây nghỉ cạo một thời gian, cây sẽ cho mủ bình thường.
Triệu chứng bệnh khô miệng cạo
9.2. Nguyên nhân và điều kiện phát sinh của bệnh
Bệnh này chưa rõ nguyên nhân, hiện nay được xem là bệnh sinh lý. Hiện nay chưa có biện pháp xử lý triệt để.
9.3. Biện pháp phòng trừ
- Phòng bệnh: Cạo đúng chế độ cạo quy định. Chăm sóc, bón phân đầy đủ cho vườn cây, nhất là vườn có bôi chất kích thích mủ. Khi vườn cây nhóm I, II có tỷ lệ số cây khô miệng cạo trên 6% phải điều chỉnh giảm chế độ cạo, khi trên 10% số cây khô miệng cạo phải báo lãnh đạo các cấp để có biện pháp xử lý như nghỉ cạo, chăm sóc, bón phân hoặc giảm cường độ cạo.
- Trị bệnh: Khi thấy cây cạo không có mủ là dấu hiệu bị bệnh, phải nghỉ cạo. Dùng đót chích thử mủ phía dưới miệng cạo, cứ cách 5 cm chích một lỗ theo băng dọc xuống phía dưới để xác định giới hạn vùng bị khô. Từ chỗ đó cạo song song với đường cạo cũ một đường sâu tới gỗ để cách ly, chống lan rộng xuống phần vỏ phía dưới. Cho nghỉ cạo 1 - 2 tháng sau đó kiểm tra tình trạng bệnh nếu khỏi thì cạo lại với cường độ nhẹ hơn.
10. Câu cấu ăn lá (Hypomeces squamosus)
10.1 Đặc điểm hình thái
- Trưởng thành: là loài cánh cứng, cánh phủ một lớp màu xanh vàng óng ánh, dài từ 10-15 mm, mỏ nhọn, quặp xuống. Sâu cái đẻ trứng nhỏ màu trắng, rời rạc dưới đất. sống từng cụm 3 - 4 con, núp phía dưới mặt lá, giả chết khi rơi xuống đất, bay không xa.
- Sâu non: màu vàng nhạt, lớn đủ sức dài từ 15-20 mm.
- Nhộng được hình thành trong đất.
Con trưởng thành
10.2. Tập quán sinh sống và gây hại
- Sâu non sinh sống ở dưới đất bằng cách đục phá rễ và gốc cây.
- Trưởng thành cắn gặm lá già chừa gân lá lại, đôi khi ăn trụi cả lá non nếu mật số cao. Sự gây hại của câu cấu làm giảm sinh trưởng của cây.
10.3. Biện pháp phòng trừ:
- Vệ sinh vườn sạch sẽ.
- Thường xuyên thăm vườn, phát hiện và bắt tiêu diệt ngay nhằm làm giảm mật độ gây hại của câu cấu.
Hiện tại chưa có thuốc BVTV đăng ký trong danh mục để phòng trừ câu cấu trên cây cao su. Có thể tham khảo sử dụng một số thuốc có hoạt chất Metarhizium anisopliae, Diazinon, Cypermethrin, Chlorpyrifos Ethyl, Thiamethoxam để phòng trừ.
11. Mối
11.1. Đặc điểm
Mối tấn công cây cao su thuộc 2 loài Globitermes sulphureus Haviland và Coptotermes curvignathus Holmgren thuộc họ Termitidae, bộ Isoptera.
Mối hại cao su
11.2. Tập quán sinh sống và gây hại
- Mối hại thân cây: Ban đầu mối xâm nhập vào cây qua vết thương cơ giới, vết bệnh. Sau đó, mối làm màng bằng đất để bảo vệ chống lại thiên địch và điều kiện bất lợi của môi trường. Tiếp theo chúng tấn công ngầm trong thân, gây chết và gãy đổ cây.
- Mối hại rễ: thường chúng làm thành những đường bùn ướt nổi lên trên mặt đất. Mối ăn rễ làm chết cây.
Tuy nhiên, ngoài tác hại nêu trên, mối cũng có một lợi ích nhất định là giúp quá trình phân hủy tàn dư thực vật nhanh hơn, trả lại dinh dưỡng cho đất.
11.3. Biện pháp phòng trừ
- Không lấp rác, cỏ tươi xuống hố trồng. Tủ rác giữ ẩm phải xa gốc cao su, làm cỏ không gây vết thương cổ rễ.
Sử dụng một trong các loại thuốc sau: Chlorpyrifos Ethyl (Lorsban 40EC; Virofos 20EC); Alpha – cypermethrin (Vifast 10 SC); Alpha - cypermethrin + Chlorpyrifos Ethyl (Apphe 40EC).
12. Sùng hại rễ cây
12.1. Đặc điểm
Sùng là tên gọi chung cho sâu non của các loài bọ rầy cánh cứng. Có nhiều loài gây hại cho cây cao su: Psilopholis vestita Sharp; Leucopholis rorida Fab.; Leucopholis tristis Brnsk.; Leucopholis nummicudens Newm.; Lepidiota stigma.; Holotrichia bidentata Burm. và Exopholis hypoleuca Wied. Thuộc họ Melolonthidae, bộ cánh cứng Coleoptera.
- Các loại sùng này thường hoàn thành vòng đời trong một năm. Sâu non màu trắng ngà, thân cong chữ C, kích thước 2-5 cm sống dưới đất và gây hại rễ. Sâu trưởng thành màu nâu, kích thước 1-3 cm.
Sâu non
12.2. Tập quán sinh sống và gây hại
- Hoạt động chủ yếu trong mùa mưa từ 6 - 10 giờ tối, bị dẫn dụ bằng ánh sáng đèn. Ban ngày ẩn nấp nơi ẩm mát (thảm cỏ, mặt đất, tàn dư thực vật).
- Trứng đẻ trên mặt đất (đơn hoặc từng khối) vào đầu mùa mưa, sau 2-3 tuần trứng nở và bắt đầu cuộc sống trong đất.
- Sâu non lột xác nhiều lần và biến thành sâu trưởng thành vào tháng 9-10. Sùng thường xuất hiện ở vùng đất xám, nhất là nơi sử dụng phân hữu cơ chưa hoại mục hay nơi có chăn thả trâu, bò. Vườn cao su có trồng xen hoặc tầng thảm mục dày, mật độ sâu non có khi đạt 50 con/m2 do có nhiều nguồn thức ăn.
- Gây hại cao su mọi giai đoạn, nặng nhất ở vườn kiến thiết cơ bản và vườn nhân, ươm.
- Sâu trưởng thành cắn gặm lá, đôi khi ăn trụi cả lá khi mật số cao. Sự gây hại của sâu trưởng thành làm giảm sinh trưởng của cây.
- Sâu non sinh sống ở dưới đất ăn rễ cây tươi, gây chết cây và gãy đổ.
- Sâu non là nguồn thức ăn hợp khẩu vị cho heo rừng, nên những vườn cao su gần rừng còn bị heo rừng phá hại.
12.3. Biện pháp phòng trừ
- Không chăn thả trâu bò trong vườn cao su.
- Tuyệt đối không dùng phân hữu cơ chưa hoai mục để bón cho vườn cao su.
- Định kỳ thu dọn vệ sinh tàn dư thực vật xung quanh vườn.
- Thường xuyên thăm vườn, bắt tiêu diệt khi thấy sùng xuất hiện.
- Bẫy bả: Đặt bẫy trưởng thành các loại sùng bằng cách chặt cây tươi, phân chuồng tươi để dẫn dụ trưởng thành đến đẻ trứng sau đó thu bẫy đốt hoặc ngâm nước để diệt trứng và sâu non. Thời gian thích hợp nhất từ đầu tháng 4 đến cuối tháng 5 và cuối tháng 8 đến giữa đầu tháng 10.
Hiện tại chưa có thuốc BVTV đăng ký trong danh mục để phòng trừ sùng hại cao su. Có thể tham khảo sử dụng một số thuốc có hoạt chất: Diazinon, Chlorpyrifos Ethyl + Permethrin ; Carbofuran ; Fipronil để diệt sùng trong đất..
II. QUY TRÌNH PHÒNG TRỪ TỔNG HỢP
1. Biện pháp canh tác
* Cây giống:
- Lựa chọn và trồng giống kháng bệnh (tìm hiểu các giống được phép sản xuất, kinh doanh và chuyển đổi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có tính kháng bệnh như: GT1, PB 235, PB 260, PB 255, RRIM 600, VM 515, RRIC 110, RRIC 121, TR3 702, … ở các trung tâm giống có uy tín và chất lượng). Mỗi lô trồng một giống, không trồng liền vùng quá 200 ha cho một giống.
- Chỉ sử dụng cây giống đủ tiêu chuẩn xuất vườn, sạch bệnh. Nếu phải mua giống chọn các cơ sở gieo ươm có chất lượng, cây giống tốt. Không mua cây giống ở những vườn ươm đã nhiễm bệnh chưa được xử lý.
2. Biện pháp sinh học
- Bảo vệ các loài thiên địch trên rừng trồng cao su như: nhện, kiến vàng, ong bắp cày, chim, bọ ngựa, bọ rùa có khả năng ăn ấu trùng của một số loài sâu hại như: rệp sáp, bọ xít, nhện đỏ, nhện vàng, bọ cánh cứng ... Hạn chế sử dụng các loại thuốc hóa học có độ độc cao, ưu tiên sử dụng các loại thuốc gốc sinh học để phòng trừ các loại dịch hại sùng trắng, mối.
3. Biện pháp vật lý cơ giới
- Bắt giết thủ công: Các loại sùng non tập trung xung quanh gốc cây cắn phá rễ có thể đào bắt và tiêu diệt thủ công trong quá trình chăm sóc. Câu cấu trưởng thành có tập tính sống tập trung theo cụm, giả chết khi đụng vào vì vậy có thể bắt bằng tay hay dùng vợt.
- Mồi nhử: Đặt bẫy trưởng thành các loại sùng bằng cách chặt cây tươi, phân chuồng tươi để dẫn dụ trưởng thành đến đẻ trứng sau đó thu bẫy đốt hoặc ngâm nước để diệt trứng và sâu non. Thời gian thích hợp nhất từ đầu tháng 4 đến cuối tháng 5 và cuối tháng 8 đến giữa đầu tháng 10.
- Bẫy đèn: Một số côn trùng có tính xu quang do đó ban đêm dùng bóng đèn để thu hút con trưởng thành tiêu diệt như: các loài bọ cánh cứng, sâu róm, ....
4. Biện pháp hoá học (sử dụng một số loại thuốc BVTV trên để xử lý từng loại sâu bệnh hại)