Thống kê truy cập

3542814
Trong ngày
Trong tuần
Trong tháng
Tất cả
5463
21502
82459
3542814

Sâu bệnh hại artiso

 SÂU BỆNH HẠI TRÊN CÂY ARTICHAUT
VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ

Download

I. SÂU HẠI
1. Bọ nhảy sọc xám (Systena blanda)
1.1. Đặc điểm hình thái:
- Bọ nhảy con trưởng thành, nhỏ, bóng, kích thước 0.3 cm với chân phía sau to giúp chúng nhảy lên giống như bọ nhảy. Ngực rộng màu trắng, cánh màu nâu
1.2. Tập quán sinh sống và gây hại:
- Bọ nhảy ăn bề mặt dưới của lá, để lại những lỗ, đốm nhỏ bất thường trên lá. Nếu mật độ dày có thể ăn trụi cây con hoặc làm sinh trưởng còi cọc
- Khi cây già bọ nhảy ít khi làm thiệt hại kinh tế



Bọ nhảy sọc xám

1.3. Biện pháp phòng trừ:
- Xử lý đất kỹ trước khi trồng.
- Thường xuyên vệ sinh vườn trồng, tạo độ thông thoáng.
- Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam hiện hành chưa có thuốc đăng ký phòng trừ bọ nhảy sọc xám trên cây Artichaut. Có thể tham khảo sử dụng một số thuốc có hoạt chất Abamectin, Emamectin benzoate, Dinotefuran, Azadirachtin, Chlorantraniliprole để phòng trừ.
 

2. Bọ phấn (Bemisia argentifolii )
2.1. Đặc điểm hình thái:
- Con trưởng thành rất nhỏ (1.5 mm), màu vàng nhạt có cánh màu trắng. Cánh có sọc dọc.
- Trứng hình oval rất nhỏ.
- Ngay khi nở ấu trùng có chân, râu và có thể di chuyển rất nhanh.



Bọ phấn Bemisia argentifolii

2.2. Tập quán sinh sống và gây hại:
- Bọ phấn tập trung ở mặt dưới lá, chỉ bay khi cây rung. Khi ăn bọ phấn chích nhựa cây.
- Cây con và cây mô Artichaut cũng là đối tượng gây hại của bọ phấn.
2.3. Biện pháp phòng trừ:
- Cày, phơi đất kỹ trước khi canh tác.
- Thường xuyên vệ sinh vườn trồng, tạo độ thông thoáng để hạn chế nơi cư trú của bọ phấn.
- Khi phát hiện có bọ phấn gây hại nặng thì cắt bỏ lá có mật số cao mang tiêu hủy.
- Đặt bẫy dính màu vàng thu bắt được bọ phấn.
- Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam hiện hành chưa có thuốc đăng ký phòng trừ bọ phấn trên cây Artichaut. Có thể tham khảo sử dụng một số thuốc có hoạt chất: Dinotefuran, Oxymatrine, Citrus oil, Thiamethoxam

3. Sên, Nhớt
3.1. Đặc điểm hình thái:
- Cả ốc sên và nhớt đều giống nhau về cấu trúc và sinh học, ngoài trừ ốc sên có vỏ bên ngoài. Ốc sên và nhớt vận chuyển bằng hệ cơ,
- Sên nhớt đều hoạt động về đêm, gần sáng.
- Con trưởng thành ốc sên đẻ trứng bao bởi bọng, trứng màu trắng ngọc tập trung trên mặt đất.
3.2. Tập quán sinh sống và gây hại:
- Những con gần thành thục và trưởng thành ăn tất cả các bộ phận của cây. Ốc sên ăn cả lá, tạo thành lỗ trên lá. Nhớt cũng ăn chồi cây làm năng suất, chất lượng giảm.

Ốc sên và nhớt hại lá Artichaut

3.3. Biện pháp phòng trừ:
- Biện pháp thủ công:
+ Trong quá trình tỉa lá, thu bông nếu phát hiện sên, nhớt áp dụng biện pháp thu bắt thủ công để tiêu diệt. Thu gom toàn bộ các vật dụng như gạch, đá…trên ruộng để hạn chế nơi cư trú của các loài sên nhớt.
+ Sử dụng can nhựa có hòa các chất như bả bia hoặc sữa chua để bẫy sên nhớt trên ruộng dâu.
- Biện pháp hóa học: Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam hiện hành chưa có thuốc đăng ký phòng trừ sên nhớt trên cây Artichaut. Có thể tham khảo sử dụng một số thuốc có hoạt chất: Metaldehyde, Saponin+Cafein+ Azadirachtin để phòng trừ.

4. Nhện 2 đốm (Tetranychus urticae)
4.1. Đặc điểm hình thái:
- Trứng nhện không màu, rất rõ hơi tròn khi mới đẻ về sau có màu trắng ngọc lúc gần nở.
- Ấu trùng, con đực và con cái lúc gần đẻ có hình oval màu xanh nhạt hoặc vàng. Cơ thể có một hoặc nhiều hơn một đốm đen trên một phía cơ thể, đầu bụng không có đốm.
4.2. Tập quán sinh sống và gây hại:
- Nhện 2 đốm ăn bề ngoài tế bào lá, chích hút nhựa cây. Triệu chứng ban đầu ăn mặt dưới lá cây có vết ăn màu vàng trắng nhạt. Vết ăn thường tập trung dài dọc theo gân lớn của lá.
- Khi mật độ cao, vùng giữa gân lá có màu vàng sau đó cả lá màu vàng, trở thành nâu rồi khô chết. Lá có rất nhiều mạng nhện.
- Khi nhện gây hại nặng, khả năng quang hợp giảm, cây sinh trưởng kém. Chồi cây cũng có thể bị hại, chồi bị nhiễm có đốm màu trắng phía trên .
- Nhện 2 đốm ăn lá cây nhưng khó nhận biết nên chỉ khi mật độ cao mới nhận biết được, lúc này thiệt hại đã lớn.
4.3. Biện pháp phòng trừ:
- Cày, xử lý và phơi đất kỹ trước khi trồng.
- Thường xuyên vệ sinh vườn trồng, tạo độ thông thoáng để hạn chế nơi cư trú của nhện. Khi thấy có triệu chứng và nhiều màng nhện thì cần kiểm tra kỹ và tiêu diệt liền khi thấy chúng.
- Biện pháp hóa học: Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam hiện hành chưa có thuốc đăng ký phòng trừ nhện 2 đốm hại Artichaut. Có thể tham khảo sử dụng một số thuốc có hoạt chất Abamectin, Abamectin+Azadirachtin , Abamectin +Bacillus thuringiensis để phòng trừ.

5. Rầy mềm(Aphid)
5.1. Đặc điểm hình thái
- Rầy có nhiều loại khác nhau về màu sắc, kích cỡ và hình dáng, tất cả đều có cấu trúc cơ thể mềm.
5.2. Tập quán sinh sống và gây hại:
- Ban đầu, rầy sống tập trung, mật độ cao xuất hiện ở mặt dưới lá, trong một số trường hợp còn xuất hiện ở đầu cuống lá. Khi bị nặng, rầy có thể thấy ở toàn bộ các bộ phận cây.
- Rầy gây hại mạnh nhất vào mùa khô nóng, giảm vào mùa mưa.
- Rầy thường bị rửa trôi khi mưa và tưới nước
5.3. Biện pháp phòng trừ:
- Cày, phơi đất kỹ trước khi gieo trồng.
- Thường xuyên thu dọn những tàn dư bị hại do rầy gây ra và mang tiêu hủy xa vùng canh tác.
- Vệ sinh vườn trồng, tạo độ thông thoáng để hạn chế nơi cư trú của rầy.
- Những lá bị hại với mật số cao thì cắt bỏ nhằm giảm độ rầy gây hại.
- Biện pháp hóa học: Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam hiện hành chưa có thuốc đăng ký phòng trừ rầy mềm hại Artichaut. Có thể tham khảo sử dụng một số thuốc có hoạt chất: Abamectin, Abamectin + Alpha-cypermethrin , Abamectin + Azadirachtin, Etofenprox, Thiamethoxam để phòng trừ.

6. Sâu bướm lông chim(Platyptilia carduidactyla)
6.1. Đặc điểm hình thái:
- Trưởng thành có màu sắc rất khác nhau, màu nâu nhạt hoặc màu xám, cánh dài 18-31 mm.
- Con cái đẻ trung bình 245 trứng. Trứng thường nằm đơn lẻ, phía dưới lá hoặc cuống chồi. Trứng mới đẻ màu vàng xanh nhạt hoặc sậm hơn.
- Ấu trùng có 4-5 tuổi, giai đoạn đầu màu trắng, sau chuyển sang vàng và hồng
- Nhộng dài màu nâu vàng nhạt sau đó đậm hơn tùy thuộc vào tuổi. Bụng có đường dài, điểm chấm tăm rất rõ. Có 3-4 thế hệ mỗi năm.

Sâu bướm lông chim (Platyptilia carduidactyla)

6.2. Tập quán sinh sống và gây hại:
- Bướm đẻ trứng trên lá, thường tập trung phần chồi và cuống chồi, ngay sau khi ấu trùng nở tấn công chồi và đào hang vào phía giữa chồi.
- Khi ăn lá non, ấu trùng có khuynh hướng ăn phía ngoài. Sau đó đào hang hầm trong cuống lá. Khi sâu lớn ăn toàn bộ lá.
- Sâu bướm ăn bất kỳ bộ phận nào trên cây, nhưng chỉ làm tổn hại kinh tế khi tấn công chồi hoa.
6.3. Biện pháp phòng trừ:
- Cày, phơi đất kỹ trước khi gieo trồng.
- Thường xuyên làm vệ sinh vườn trồng, tạo độ thông thoáng để hạn chế nơi cư trú của sâu bướm.
- Khi thấy có triệu chứng sâu gây hại thì tiến hành bắt và diệt để khống chế mật độ.

7. Sâu xanh da láng (Spodoptera exigua)
7.1. Đặc điểm hình thái
- Sâu xanh là loài sâu đa thực, hại nhiều loại cây trồng
- Trưởng thành đẻ rất nhiều trứng,
- Ấu trùng sâu có màu đen với 2 sọc chính và rất nhiều sọc nhỏ vàng sáng ở một phía. - sâu non tuổi lớn hơn có màu xanh đến màu đen.
- Vòng đời của sâu xanh từ 30 – 40 ngày có khi khi kéo dài tới 80 ngày.



Sâu xanh hại cây Artichaut

7.2. Tập quán sinh sống và gây hại:
- Sâu xanh gây hại Artichaut ở các mùa vụ khác nhau. Chúng sống trong đất, tàn dư thực vật.
- Ấu trùng ăn cây non khi mới trồng làm chồi, thân tổn thương. Khi cây già, ấu trùng ăn lá, cành của những đấu hoa. Nếu bị hại nặng, sẽ để thành cục sẹo trên lá non và hoa.
- Điều kiện sinh thái thích hợp cho sâu xanh phát triển ở nhiệt độ 22 – 28oC và ẩm độ khoảng 70%.
7.3. Biện pháp phòng trừ:
- Cày, phơi đất kỹ trước khi gieo trồng.
- Thường xuyên thu dọn những tàn dư bị hại và mang tiêu hủy xa vùng canh tác.
- Thường xuyên vệ sinh vườn trồng, tạo độ thông thoáng để hạn chế nơi cư trú của sâu.
- Biện pháp hóa học: Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam hiện hành chưa có thuốc đăng ký phòng trừ sâu xanh hại Artichaut. Có thể tham khảo sử dụng một số hoạt chất: Abamectin, Emamectin benzoate, Azadirachtin, Bacillus thuringiensis var.kurstaki, Chlorantraniliprole để phòng trừ.

II. BỆNH HẠI
1.Bệnh đốm lá (Ramularia cynarae)

1.1. Triệu chứng gây hại:
- Vết bệnh màu vàng tròn ở cả trên và dưới bề mặt lá. Bệnh nặng, làm lá khô cháy. Sợi nấm màu trắng thường phát triển trên vết bệnh. Trên cành hoa, vết bệnh màu nâu thường làm cành cong và khô
- Bệnh thường nhiễm trên cành, hoa, chồi.
1.2. Nguyên nhân và điều kiện phát sinh phát triển của bệnh:
- Bệnh do nấm Ramularia cynarae gây ra.
- Bệnh lây lan và phát triển nhanh vào mùa mưa khi ẩm độ không khí cao.



Bệnh đốm lá do Ramularia cynarae

1.3. Biện pháp phòng trừ:
- Chọn cây giống khỏe, sạch bệnh.
- Thường xuyên thu dọn những tàn dư cây bệnh mang tiêu hủy xa vùng canh tác.
- Chọn vùng đất cao ráo, tạo độ thông thoáng, thoát nước tốt trong vườn canh tác.
- Bón phân đầy đủ và cân đối nhằm tăng cường sức đề kháng cho cây.

2. Bệnh héo rũ (Verticillium dahliae)
2.1. Triệu chứng gây hại:
- Cây bị bệnh héo rũ, úa vàng, cây còi cọc. Lá thường có mép vàng
- Cây nhiễm bệnh ra chồi nhỏ, nếu nặng chồi biến màu và khô, cây gục chết.



Bệnh héo do Verticillium dahliae

2.2. Nguyên nhân và điều kiện phát sinh phát triển của bệnh:
- Bệnh do nấm Verticillium dahliae gây ra. Bào tử tồn tại nhiều năm trong đất không cần hiện diện cây chủ. Khi cây bị strees hoc có vết thương thì nấm sẽ xâm nhập qua vết thương của cây để gây hại.
2.3. Biện pháp phòng trừ:
- Chọn cây giống khỏe, sạch bệnh.
- Thường xuyên thu dọn những lá già, lá bị bệnh mang tiêu hủy xa vùng canh tác. Tránh gây ra vết thương cho cây vì đây là nơi nấm có điều kiện xâm nhiễm và gây hại.
- Chọn vùng đất cao ráo, tạo độ thông thoáng, thoát nước tốt trong vườn canh tác.
- Bón phân đầy đủ và cân đối để tăng sức đề kháng cho cây.

3. Bệnh mốc xám(Botrytis cinerea)
3.1. Triệu chứng gây hại:
Cuống lá, hoa bị nhiễm bệnh bên ngoài chuyển thành màu nâu, phía trong màu xám.
3.2. Nguyên nhân và điều kiện phát sinh phát triển:
Do nấm Botrytis cinerea gây ra
+ Nấm Botrytis cinerea tồn tại trong tàn dư thực vật, phát triển tốt trong thời tiết ẩm và mưa.
+ Nấm bệnh nhập vào lá cây sau đó tấn công vào cuống lá và hoa. Bệnh cũng xuất hiện sau khi thu hoạch do chúng lây lan khi vận chuyển.

Triệu chứng bệnh mốc xám trên lá và hoa

3.3. Biện pháp phòng trừ:
- Chọn giống khỏe, sạch bệnh.
- Thường xuyên thu dọn, vệ sinh vườn. Tránh gây xay sát, tạo vết thương cho cây.
- Tạo độ thông thoáng, thoát nước tốt trong vườn canh tác.

4. Bệnh sương mai (Leveillula taurica)
4.1. Triệu chứng:
- Mốc sương mai do nấm Leveillula taurica thường xâm nhiễm và gây hại ở mặt dưới lá.
- Vết bệnh có lớp nấm màu trắng dưới lá. Lá nhiễm bệnh thường chuyển sang vàng hoặc nâu. Bệnh nặng làm lá bị héo rũ và khô.
4.2. Nguyên nhân và điều kiện phát sinh phát triển của bệnh:
- Bệnh do nấm Leveillula taurica và nấm Erysiphe cichoracearum gây ra.
- Bào tử mầm bệnh lây lan bởi gió.
- Khi nhiệt độ thấp bệnh phát triển mạnh. Ẩm độ càng cao cây sinh trưởng tốt, bào tử giải phóng ra nhiều và xâm nhập gây hại cho cây trồng.

Mốc do nấm Leveillula taurica Mốc do nấm Erysiphe cichoracearum

4.3. Biện pháp phòng trừ:
- Chọn cây giống khỏe, sạch bệnh.
- Thường xuyên thu dọn những lá già, lá bị bệnh mang tiêu hủy xa vùng canh tác.
- Chọn vùng đất cao ráo, tạo độ thông thoáng, thoát nước tốt trong vườn canh tác.
- Bón phân đầy đủ và cân đối.
- Biện pháp hóa học: Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam hiện hành chưa có thuốc đăng ký phòng trừ. Có thể tham khảo sử dụng một số thuốc có hoạt chất: Chlorothalonil, Mancozeb+Metalaxyl, Ningnanmycin, Oligo – sacarit để phòng trừ

5. Bệnh thối thân (Erwinia chrysanthemi)
5.1. Triệu chứng gây hại:
Cây bị thối thân do vi khuẩn có thể bị còi cọc, khi bệnh phát triển nặng cây bị héo rũ hoàn toàn. Những lá dưới cây có thể không phát triển, màu vàng và héo rũ, nhiệt độ cao lá có thể bị thối.
- Khi bị hại, tán cây, mô rễ chính bị mềm, thối và có màu nâu hoặc đen. Khi cắt mô thân cây bị bệnh có màu đen.
5.2. Nguyên nhân và điều kiện phát sinh phát triển của bệnh:
- Bệnh do vi khuẩn Erwinia chrysanthemi gây ra.
- Vi khuẩn tồn tại trên cây chủ và tàn dư cây bệnh, từ đó lây truyền cho các cây khác. Bệnh cũng có thể lây truyền thông các dụng cụ trồng.



Triệu chứng bệnh thối thân do vi khuẩn

5.3. Biện pháp phòng trừ:
- Chọn cây giống khỏe, sạch bệnh.
- Thu dọn, vệ sinh vườn và tránh gây ra vết thương cho cây.
- Tạo độ thông thoáng, thoát nước tốt trong vườn canh tác.
- Bón phân đảm bảo đủ dinh dưỡng và cân đối.
- Biện pháp hóa học: Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam hiện hành chưa có thuốc đăng ký phòng trừ. Có thể tham khảo sử dụng một số thuốc có hoạt chất: Copper hydroxide, Kasugamycin, Ningnanmycin, Oxolinic acid để phòng trừ

6. Bệnh thối gốc cây non (Pythium spp )
6.1. Triệu chứng gây hại:
- Cây non mới trồng bị héo rũ, đổ gục.
- Mô rễ, cây mất màu và thối.Cây con nhiễm nặng có thể chết



Thối gốc cây non

6.2. Nguyên nhân và điều kiện phát sinh phát triển của bệnh:
- Nấm Pythium spp trong đất xâm nhập vào rễ cây rồi phát triển nhanh gây thối gốc.
- Bệnh xuất hiện trong điều kiện khí hậu ẩm và thoát nước kém.
6.3. Biện pháp phòng trừ:
- Chọn cây giống khỏe, sạch bệnh.
- Phơi đất, xử lý đất kỹ trước khi trồng.
- Lên luống cao, thoát nước tốt. Đảm bảo vườn canh tác phải thông thoáng.
- Bón phân cân đối và đầy đủ.
- Biện pháp hóa học: Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam hiện hành chưa có thuốc đăng ký phòng trừ. Có thể tham khảo sử dụng một số thuốc có hoạt chất: Validamycin, Copper citrate, Trichoderma viride, Cytokinin để phòng trừ.