Thống kê truy cập

4354496
Trong ngày
Trong tuần
Trong tháng
Tất cả
1124
4249
62089
4354496

Sâu, bệnh hại chính trên cây Magic-S tại Lâm Đồng

Sâu, bệnh hại chính trên cây Magic-S tại Lâm Đồng

A. Sâu hại:

1. Rầy mềm (Myzus persicae)

1.1. Đặc điểm hình thái:

- Rầy mềm có màu xanh lá cây có chiều dài khoảng 1,8 – 2,1mm cơ thể hình quả lê. Đầu và ngực có màu đen, bụng màu vàng có đốm đen phía sau.

- Trứng được đẻ trên cây và có hình elip dài khoảng 0,6mm và chiều rộng vào khoảng 0,3mm, trứng ban đầu có màu vàng hoặc màu xanh lá cây nhưng nhanh chóng chuyển sang màu đen.

- Ấu trùng ban đầu có màu xanh lục sau chuyển sang màu vàng nhạt.

                       

Hình 1:   Rầy mềm gây hại trên cây Magic - S

1.2. Tập quán sinh sống và gây hại:

- Cả rầy non và trưởng thành đều chích hút nhựa cây và đọt non, làm đọt và lá bị xoăn lại, lá nhạt màu hoặc vàng, héo rũ.

- Ngoài gây hại trực tiếp cho cây, rệp còn là môi giới truyền bệnh virus cho cây cà chua thân gỗ.

- Rầy phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết khô, nóng

- Vòng đời ngắn, chỉ trong khoảng  10 - 12 ngày.

1.3. Biện pháp phòng trừ

- Vệ sinh đồng ruộng, làm cỏ thu gom các lá già và cắt bỏ những lá có rầy nhiều. Gieo trồng với mật độ vừa phải.

-  Bảo vệ các loài thiên địch như bọ rùa, ruồi ăn rệp…

- Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam hiện hành chưa có thuốc đăng ký phòng trừ dịch hại trên cây Magic –S, có thể tham khảo sử dụng một trong những loại thuốc sau: Abamectin (Plutel 3.6EC, Reasgant 5EC), Azadirachtin (Super Fitoc 10EC, Vineem 1500EC), Emamectin bezoate (Proclaim® 1.9EC, Tasieu 1,9EC), Matrine (Sokupi 0.36SL), Spirotetramat (Movento 150OD),…

2. Bọ trĩ (Thrips sp.)

2.1. Đặc điểm hình thái

- Trưởng thành rất nhỏ, màu vàng nhạt hoặc nâu đen, đuôi nhọn, cánh dài và mảnh, xung quanh cánh có nhiều lông tơ.

- Bọ trĩ non không cánh, hình dạng giống trưởng thành, màu xanh vàng nhạt.

2.2. Tập quán sinh sống và gây hại

- Trưởng thành bò nhanh, linh hoạt, đẻ trứng trong mô lá non. Trưởng thành và con non thường sống tập trung mặt dưới lá và bò sang các cánh hoa.

- Bọ trĩ chích hút nhựa ở lá non, chồi non và nụ hoa làm lá vàng, lá non và cánh hoa biến dạng xoăn lại, cây sinh trưởng kém. Trên quả: vết chích có những chấm nhỏ nổi gờ.

- Bọ trĩ phát triển mạnh trong điều kiện khô và nóng.

- Vòng đời ngắn, trung bình 12 - 15 ngày, bọ trĩ có khả năng kháng thuốc cao.

 

Hình 2: Bọ trĩ gây hại trên hoa và trái non          Hình 3: Bọ trĩ gây hại trái chín

2.3. Biện pháp phòng trừ

- Chăm sóc cho cây sinh trưởng tốt để hạn chế tác hại của bọ trĩ.

- Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam hiện hành chưa có thuốc đăng ký phòng trừ bọ trĩ hại cây Magic S, có thể tham khảo một số loại thuốc có các hoạt chất như Diafenthiuron (Pesieu 500SC); Matrine (Sokupi 0.36SL); Pymetrozine (Chersieu 75WG), Spinetoram (Radiant 60SC), ... sử dụng theo liều lượng khuyến cáo.

3. Nhện đỏ

3.1. Đặc điểm hình thái

- Nhện có kích thước cơ thể rất nhỏ, mình hình bầu dục, hơi nhọn lại ở đuôi, phần giữa thân có màu hồng nhẹ, trên mình và chân có nhiều lông cứng.

- Con trưởng thành đẻ trứng rời rạc ở mặt dưới của phiến lá, lúc mới đẻ có màu trắng nhạt, sau đó chuyển hoàn toàn sang màu hồng nhẹ.

- Nhện mới nở có màu trắng lợt.

   

Hình 4: Nhện gây hại trên lá  cây Magis S

3.2. Tập quán sinh sống và gây hại

- Cả trưởng thành và ấu trùng đều sống tập trung ở mặt dưới phiến lá của những lá non đang chuyển dần sang giai đoạn bánh tẻ.

- Nhện trưởng thành và nhện non gây hại bằng cách chích hút dịch của mô tế bào lá làm cho mặt trên của lá xuất hiện những đốm lá vàng loang lổ, phồng rộp. Mặt dưới của lá có màu đồng, mép lá quăn, lá trở nên cứng. Khi mật độ cao làm cho lá khô cháy.

- Nhện thường phát sinh và gây hại nặng trong mùa khô nóng hoặc những thời gian bị hạn trong mùa mưa.

- Nhện lan truyền nhờ gió và nhờ những sợi tơ, mạng nhện mà chúng tạo ra.

3.3. Biện pháp phòng trừ

- Biện pháp canh tác:

+ Tuới nước giữ ẩm cho cây trong điều kiện mùa khô, khi mật độ nhện cao dùng phương pháp tưới phun với áp lực mạnh để rửa trôi nhện hạn chế mật độ nhện trên vườn.

+ Vệ sinh vườn thông thoáng và ngắt tiêu hủy những lá có mật số nhện cao.

+ Tưới phun mưa với áp lực mạnh khi mật độ nhện cao.

- Biện pháp hóa học: Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam hiện hành chưa có thuốc đăng ký phòng trừ nhện hại cây Magic-S; có thể tham khảo một số loại thuốc có các hoạt chất như  Azadirachtin (Agiaza 0.03EC); Abamectin (Agrovertin 50EC, Silsau 3.6EC), Chlorfluazuron + Emamectin benzoate (Director 70EC),

B. Bệnh hại:

1. Phấn trắng (Oidium sp.)

1.1. Triệu chứng gây hại:

- Bệnh gây hại cả trên lá và trên cuống trái. Trên bề mặt lá bị bao phủ một lớp nấm màu trắng xám, nấm phát triển làm cho lá bị  khô vàng và rụng.

- Ngoài gây hại trên lá, bệnh còn gây hại trên cuống trái làm cho phần cuống trái bị thối nâu đen, khô và làm cho trái bị rụng gây thiệt hại nặng đến năng suất.

Hình 5: Bệnh phấn trắng gây hại trên lá

1.2. Điều kiện phát sinh phát triển bệnh

- Bệnh do nấm Oidium sp. gây ra.

- Bệnh phát triển mạnh trong điều kiện nhiệt độ và ẩm độ cao, bào tử nấm phát tán nhờ gió, quá trình chăm sóc va chạm và nảy mầm khi có giọt nước.

1.3.  Biện pháp phòng trừ

- Cắt bỏ, tiêu hủy các cành lá bị nhiễm bệnh nặng

- Mật độ trồng phù hợp, chú ý tỉa cành tạo tán giảm ẩm độ vào mùa mưa

- Bón phân đầy đủ, cân đối

- Có thể tham khảo sử dụng các loại thuốc sau để phòng trừ: Chlorothalonil  (Daconil 75WP, 500SC), Imibenconazole (Manage 5WP), Sulfur (Microthiol Special 80WP), Thiophanate-methyl (Toplaz 70WP, Topulas 70WP, Vithi-M 70WP), ... sử dụng theo liều lượng khuyến cáo.

2. Bệnh thán thư (Collectotrichum sp.)

2.1. Triệu chứng gây hại:

Bệnh gây hại trên cành, lá và trái, vết bệnh có dạng các vòng tròn đồng tâm hoặc hình bất định, vết bệnh hơi lõm vào trong. Bệnh gây hại làm quả cứng lại, biến dạng, khi thời tiết ẩm xuất hiện lớp nấm mốc màu đen trên bề mặt quả.

- Bệnh gây hại nặng trên cành làm cho cành bị khô dần và chết.

Hình 6: Bệnh thán thư gây hại trên lá

2.2. Điều kiện phát sinh phát triển bệnh

- Bệnh do nấm Collectotrichum sp. gây ra.

- Bệnh gây hại mạnh trong điều kiện ẩm độ cao do mưa kéo dài hoặc sương mù nhiều, khi cây ra đọt và lá non.

- Bệnh xuất hiện nặng trên những vườn thiếu dinh dưỡng và bón phân thiếu cân đối.

2.3. Biện pháp phòng trừ

- Tỉa cành, tạo tán để vườn cây thông thoáng, đủ ánh sáng.

- Thường xuyên vệ sinh vườn, tỉa bỏ tiêu hủy sớm cành, lá, quả bị bệnh.

- Bón phân đầy đủ và cân đối.

- Có thể tham khảo sử dụng các hoạt chất  Azoxystrobin (Amistar® 250SC), Azoxystrobin + Chlorothalonil (Ortiva® 600SC), Azoxystrobin + Dimethomorph + Fosetyl-aluminium (Map hero 340WP), Chlorothalonil (Daconil 75WP), Iprovalicarb + Propineb (Melody duo 66.75WP).

3. Bệnh mốc sương (Phytophthora palmivora)

3.1. Triệu chứng gây hại

  Bệnh gây hại trên các bộ phận của cây như lá, thân.

- Trên lá: Lúc đầu là một đốm nhỏ màu xanh tái hơi ướt, không có ranh giới rõ rệt ở mép lá. Sau lan vào phía trong phiến lá thành vết lớn, màu nâu đen, có ranh giới rõ rệt. Mặt dưới lá có lớp trắng xốp, bệnh nặng toàn bộ phiến lá bị khô và rụng.

- Trên thân cành: vết bệnh lúc đầu có hình bầu dục nhỏ, sau lan rộng bao quanh thân làm thân thối mềm, úng nước và dễ gãy.

     

Hình 7: Bệnh mốc sương gây hại trên lá Magis S

3.2. Điều kiện phát sinh phát triển bệnh

- Bệnh do nấm Phytophthora palmivora  gây ra.

- Bệnh phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết mưa nhiều, ẩm, mát, nhiệt độ 18-220C.

3.3. Biện pháp phòng trừ

- Tỉa cành, tạo tán giúp vườn thông thoáng.

- Bón phân đầy đủ và cân đối.

- Có thể tham khảo sử dụng một số loại thuốc sau để phòng trừ: Chlorothalonil (Daconil 75WP), Chlorothalonil + Mandipropamid (Revus opti 440SC), Cyazofamid (Ranman 10SC ), Difenoconazole (Score® 250EC),  Dimethomorph (Insuran 50WG, Phytocide 50WP), Ethaboxam (Danjiri 10SC), Fluopicolide + Propamocarb hydrochloride (Infinito 687.5SC), … sử dụng theo liều lượng khuyến cáo.

4. Bệnh mốc xám (Botrytis sp.)

4.1. Triệu chứng gây hại

-  Bệnh gây hại nặng trên lá. Bệnh lúc đầu là những đốm nhỏ màu lông chuột, có lớp bông gòn màu xám. Sau lan rộng ra trên toàn lá làm cho lá mất chất diệp lục để quang hợp và vàng sau đó khô dần. Bệnh gây hại cả mặt trên và mặt dưới của lá.

Hình 8: Bệnh mốc xám gây hại trên lá

4.2. Điều kiện phát sinh phát triển bệnh

- Bệnh do nấm Botrytis sp.  gây ra.

- Bệnh phát triển mạnh trong điều kiện nhiệt độ và ẩm độ cao.

4.3. Biện pháp phòng trừ

- Tỉa cành, tạo tán giúp vườn thông thoáng.

- Tỉa bỏ những lá bị bệnh và tiêu hủy xa khu vực trồng cà chua.

- Có thể tham khảo sử dụng một số loại thuốc sau để phòng trừ: Chitosan (Tramy 2SL),  Chlorothalonil (Daconil 500SC), Kresoxim-methyl (Sosim 300SC), Ningnanmycin (Diboxylin 2SL), Propineb + Trifloxystrobin (Flint pro 648WG), … sử dụng theo liều lượng khuyến cáo.

5. Bệnh thối cổ rễ (Rhizoctonia solani)

5.1. Triệu chứng gây hại

- Bệnh phá hại ở rễ, và thân. Khi nấm xâm nhập sớm làm cây con bị héo rũ ngay. Trên cây lớn, rễ và thân phần gần giáp mặt đất có nhiều u sần sùi, vết bệnh có màu nâu bao quanh, sau đó bị thối. Nếu trời ẩm ướt thì trên vết bệnh có lớp nấm trắng ngà.

Hình 9: Bệnh thối cổ rễ gây hại cây Magic-S

5.2. Điều kiện phát sinh phát triển bệnh

- Bệnh do nấm Rhizoctonia solani  gây ra.

- Nhiệt độ thích hợp để nấm phát triển là 20 - 250C.

- Bệnh phát sinh gây hại nặng trong điều kiện nhiệt độ và ẩm độ cao, vườn trồng thoát nước kém.

5.3. Biện pháp phòng trừ

- Chọn giống sạch bệnh.

- Không tưới nước quá ẩm.

- Trồng cây trên những chân đất cao ráo, dễ thoát nước.

- Vệ sinh đồng ruộng, nhổ bỏ tiêu hủy sớm cây nhiễm bệnh

- Danh mục thuốc BVTV hiện hành chưa có thuốc đăng ký phòng trừ bệnh thối cổ rễ trên cây Magis-S. Có thể tham khảo một số nhóm hoạt chất để phòng trừ như: Trichoderma spp (Vi - ĐK 109 bào tử/g); Trichoderma viride (Biobus 1.00 WP); Validamycin (Tung vali 3SL Valivithaco 5SC, Vanicide 5SL), … sử dụng theo liều lượng khuyến cáo.

6. Bệnh khô thân

6.1. Triệu chứng gây hại

-  Bệnh gây hại làm khô những đoạn cành và thân phần gần dưới gốc, lá chuyển vàng và rụng. Bệnh gây hại nặng làm thân khô dần, đến khi cây chết.

 

Hình 10: Bệnh thối khô thân

6.2. Điều kiện phát sinh phát triển bệnh

- Bệnh có thể do 01 số loài nấm gây hại như  Fusarium sp., Pythium sp., Phytophthora sp., Rhizoctonia sp.

- Bệnh phát triển mạnh trong điều kiện ẩm độ cao, dinh dưỡng thiếu cân đối.

6.3. Biện pháp phòng trừ

- Tỉa cành, tạo tán giúp vườn thông thoáng.

- Bón bổ sung phân hữu cơ mà đặc biệt là lượng humic cho cây và bón NPK cân đối.

- Có thể tham khảo sử dụng một số loại thuốc có hoạt chất Validamycin, Kasugamycin, Streptomycin, Copper Hydroxide, ... để phòng trừ, sau đó kích kháng lại bộ rễ cho cây phát triển.

7. Virus

7.1. Triệu chứng

Cà chua thân gỗ rất mẫn cảm với một số virus gây bệnh khảm lá như  virus PVY gây triệu chứng lốm đốm, nhăn nheo, hoại tử lá.  TSWV gây triệu chứng đốm héo trên thân, lá, quả. Virus PAMV gây triệu chứng  vàng lá.

 

Hình 11: Virus gây bệnh khảm  trên cây Magic S

7.2.  Con đường lan truyền:

 Virus TSWV lan truyền qua bọ trĩ,  PAMV lan truyền qua rệp, Virus PVY lây lan bởi rệp, cơ giới trong quá trình chăm sóc.

7.3. Biện pháp phòng trừ

- Sử dụng cây giống sạch bệnh

- Khi phát hiện cây nhiễm bệnh virus cần nhổ bỏ, tiêu hủy sớm để hạn chế côn trùng mang mầm bệnh qua chích hút cây khỏe.

- Chú ý khử trùng dụng cụ lao động để hạn chế lan truyền virus, khi cắt tỉa chú ý thực hiện cây khỏe trước, cây bệnh sau.

- Thường xuyên phòng trừ môi giới truyền bệnh như rầy rệp, bọ trĩ, bằng các nhóm thuốc như Abamectin, Dinotefuran, Spinoteram… 

 

Tài liệu tham khảo:

- Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam theo Thông tư 03/2018/TT-BNNPTNT ngày 09 tháng 02 năm  2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

- Quyết định số 279/QĐ-SNN ngày 05/4/2017 ban hành  quy trình tạm thời kỹ thuật trồng cây Magic-S trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng;

- Tài liệu sâu bệnh hại cây trồng của Chi cục Trồng trọt và BVTV Lâm Đồng sử dụng trong tập huấn chuyên môn buôn bán thuốc BVTV năm 2018.

 

Phòng Bảo vệ thực vật - Chi cục Trồng trọt & BVTV tỉnh Lâm Đồng