Thống kê truy cập

3455781
Trong ngày
Trong tuần
Trong tháng
Tất cả
2417
16027
107280
3455781

Kết quả nghiên cứu bước đầu về các giải pháp phòng trừ tổng hợp bệnh thối rễ, vàng lá cà phê ở Lâm Đồng năm 2014

Ngày 27/5/2014, Sở Khoa học & Công nghệ Lâm Đồng và Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng đã ký kết hợp đồng số 26/HĐ-SKHCN về thực hiện đề tài Khoa học “Nghiên cứu các giải pháp phòng trừ tổng hợp bệnh thối rễ, vàng lá cà phê ở Lâm Đồng”. Theo đó, năm 2014, Chi cục BVTV Lâm Đồng đã tiến hành triển khai 5 nội dung nghiên cứu theo tiến độ thực hiện của đề tài, kết quả như sau:

            1. Điều tra, đánh giá tình hình gây hại và thực trạng phòng trừ bệnh vàng lá, thối rễ cà phê ở Lâm Đồng.

            Từ tháng 6/2014 – tháng 7/2014, đề tài đã tổ chức điều tra phỏng vấn 300 nông dân tại 5 huyện Di Linh, Bảo Lộc, Bảo Lâm, Đức Trọng, Lâm Hà để đánh giá tình hình gây hại và thực trạng phòng trừ bệnh thối rễ, vàng lá của nông dân.

Qua điều tra cho thấy bệnh thối rễ vàng lá cà phê đã gây hại khá phổ biến tại các vùng trồng cà phê của tỉnh, phần lớn diện tích nhiễm ở mức trung bình ở cà phê các tuổi từ thời kỳ kiến thiết cơ bản đến cà phê kinh doanh. Trong các nguyên nhân gây hiện tượng vàng lá cà phê, sự kết hợp của nấm và tuyến trùng được xác định là nguyên nhân chính. Tuy nhiên phần lớn người dân được điều tra chưa nhận dạng được triệu chứng vàng lá do từng nguyên nhân sinh lý, nấm, tuyến trùng…dẫn đến việc phòng trừ chưa hiệu quả. Trên cơ sở kết quả này, đề tài sẽ triển khai các nội dung nghiên cứu để xây dựng được quy trình phòng trừ tổng hợp hội chứng thối rễ vàng lá cà phê tại Lâm Đồng.

2. Điều tra thực địa về tình hình gây hại của bệnh vàng lá, thối rễ ở các điều kiện canh tác khác nhau.

Để đánh giá ảnh hưởng của điều kiện canh tác khác nhau đến tỷ lệ cà phê bị vàng lá, đề tài cũng đã tiến hành thu thập các số liệu từ điều tra thực địa về tình hình gây hại của bệnh vàng lá, thối rễ cà phê ở các điều kiện (địa hình, giống, giai đoạn sinh trưởng, đất đai, chế độ tưới nước, tỉa cành) tại 135 vườn cà phê trên địa bàn 5 huyện Di Linh, Bảo Lộc, Bảo Lâm, Lâm Hà, Đức Trọng. Kết quả điều tra cho thấy:

- Giống cà phê ghép và cà phê thực sinh chưa có sự khác biệt rõ rệt về tỷ lệ cây cà phê bị vàng lá nguyên nhân do nấm, tuyến trùng và do sinh lý.

- Độ dốc đất trồng cà phê khác nhau có ảnh hưởng đến tỷ lệ cà phê vàng lá trong đó cùng giống thực sinh hoặc giống ghép, đất càng dốc tỷ lệ cây vàng lá do nấm và tuyến trùng càng giảm và ngược lại tỷ lệ cà phê vàng lá do sinh lý càng tăng nếu độ dốc càng lớn.

- Giai đoạn sinh trưởng tỷ lệ thuận với tỷ lệ cây cà phê bị vàng lá do nấm, tuyến trùng. Tuổi cây càng lớn, tỷ lệ nhiễm bệnh vàng lá thối rễ  do tuyến trùng và nấm càng tăng. Ngược lại bệnh vàng lá do sinh lý giảm dần khi tuổi cây tăng dần.

- Điều kiện đất trồng: Đất thịt nặng có tỷ lệ cây bị vàng lá do nấm cao nhất, kế tiếp là đất đỏ bazan và thấp nhất là đất thịt nhẹ. Đối với bệnh vàng lá do tuyến trùng nhiễm cao nhất trên đất đỏ bazan, thấp nhất ở đất thịt nặng.

- Chế độ tưới: Vườn cà phê không tưới nước thì tỷ lệ cây bị vàng lá do nấm và tuyến trùng thấp hơn so với vườn tưới nước, nhưng tỷ lệ vàng lá do nguyên nhân sinh lý lại cao hơn vườn có tưới nước.

3. Xác định nguyên nhân gây bệnh thối rễ, vàng lá cà phê ở Lâm Đồng

Đề tài đã tiến hành thu thập 108 mẫu đất, 108 mẫu rễ ở các điều kiện (địa hình, giống, giai đoạn sinh trưởng) khác nhau tại 5 huyện trọng điểm trồng cà phê ở Lâm Đồng để phân tích xác định nguyên nhân gây bệnh vàng lá. Qua kết quả phân tích mẫu đất, mẫu rễ tại các vườn cà phê nhiễm triệu chứng vàng lá và không vàng lá đề tài xác định các tác nhân chính gây bệnh vàng lá, thối rễ ở Lâm Đồng gồm:

- Tuyến trùng: Có 4 giống tuyến trùng ký sinh gây hại trên cà phê tại Lâm Đồng là Pratylenchus, Meloidogyne, Rotylenchus Radopholus trong đó Pratylenchus, Meloidogyne là 02 giống xuất hiện và gây hại phổ biến nhất ở các vùng trồng cà phê của tỉnh.

- Nấm: Có 03 nhóm nấm xuất hiện phổ biến trong đất và rễ cà phê tại Lâm Đồng là Fusarium, PythiumRhizoctonia trong đó Fusariumlà tác nhân chính gây triệu chứng vàng lá thối rễ.

- Sinh lý: Ngoài nguyên nhân do nấm, tuyến trùng, có 6 yếu tố dinh dưỡng chính ảnh hưởng đến hiện tượng vàng lá cà phê tại Lâm Đồng gồm đạm, lân, kali, magie, kẽm, canxi.

4. Đánh giá hiệu lực phòng trừ tuyến trùng của chế phẩm sinh học Land Saver (hợp tác quốc tế với Hàn Quốc).

Trong nội dung nghiên cứu của đề tài, có nội dung hợp tác quốc tế với trường Đại học Chung Nam (Hàn Quốc) để khảo nghiệm, đánh giá hiệu lực phòng trừ tuyến trùng của chế phẩm Land saver. Từ tháng 8/2014, đề tài đã thực hiện 03 thí nghiệm (01 diện rộng, 01 diện hẹp, 01 thí nghiệm trong vườn ươm) tại thành phố Bảo Lộc.

Kết quả đánh giá diện hẹp, diện rộng ngoài đồng và trong vườn ươm về hiệu lực phòng trừ tuyến trùng ký sinh trong đất và rễ gây hại cà phê của chế phẩm sinh học Land saver là khá tốt ở tất cả các nghiệm thức xử lý. Ở thời điểm 30 ngày sau xử lý, công thức  (xử lý Land saver – 40 lít/ha) đạt hiệu quả cao nhất (hiệu lực phòng trừ tuyến trùng ký sinh trong đất đạt 78%, trong rễ đạt 76,7%), kế tiếp là công thức 4 (xử lý Land saver – 30 lít/ha) và công thức 2 (xử lý Land saver – 300kg/ha) và thấp nhất công thức 1 (xử lý Land saver – 150kg/ha, chỉ đạt 64% đối với tuyến trùng ký sinh trong đất và 63% đối với tuyến trùng ký sinh trong rễ.

5. Thí nghiệm đánh giá ảnh hưởng của một số loại phân trung, vi lượng để khắc phục hiện tượng vàng lá cà phê và tác dụng cải tạo đất của các chế phẩm sinh học.

Tháng 8/2014, đề tài đã tiến hành 01 khảo nghiệm 02 yếu tố để đánh giá ảnh hưởng của một số loại phân trung, vi lượng gồm (vôi và các loại phân MgSO4, Nbo, Zintrac, Chelate Fe) khắc phục hiện tượng vàng lá cà phê và 01 thí nghiệm đánh giá ảnh hưởng của 4 chế phẩm sinh học (TKS-M2, K-Humate, RIC 10WP, Nano-gro) đến khả năng cải tạo đất và sinh trưởng, phát triển của cây cà phê tại thành phố Bảo Lộc.

Sau 4 tháng triển khai, tỷ lệ cà phê vàng lá ở các nghiệm thức thí nghiệm đều giảm đáng kể so với đối chứng. Kết quả sẽ theo dõi, đánh giá cụ thể trong năm 2015.

6. Thí nghiệm trồng cây xua đuổi tuyến trùng

           Từ tháng 9/2014 đến nay, đã thực hiện 01 thí nghiệm diện hẹp để đánh giá ảnh hưởng của biện pháp trồng xen cây xua đuổi tuyến trùng (cúc vạn thọ, cây lục lạc) tại thành phố Bảo Lộc. Hiện nay tỷ lệ cây cà phê vàng lá ở các nghiệm thức trồng xen đều giảm, tuy nhiên chưa có sự khác biệt rõ rệt với đối chứng. Thí nghiệm sẽ được tiếp tục theo dõi đánh giá trong năm 2015.

7. Đánh giá chung kết quả đạt được của đề tài

Qua kết quả triển khai đề tài từ tháng 6/2014 – tháng 12/2014, bước đầu xác định sản phẩm Landsaver do Công ty Dbio – Đại học Chung Nam (Hàn Quốc) sản xuất ở các liều lượng 300kg/ha và 30, 40 lít/ha có hiệu lực khá tốt trong phòng trừ tuyến trùng hại cà phê. Sản phẩm Landsaver là chế phẩm sinh học, an toàn với môi trường, người sử dụng, có triển vọng ứng dụng tốt trong kiểm soát tuyến trùng phục vụ chương trình tái canh cà phê của tỉnh Lâm Đồng trong thời gian tới. Đại học Chung Nam đang làm các thủ tục pháp lý để sớm đưa sản phẩm vào Việt Nam khảo nghiệm theo quy định của pháp luật.

 

 

Một số hình ảnh triển khai thí nghiệm phòng trừ tuyến trùng của chế phẩm

sinh học Landsaver (Đại học Chung Nam – Hàn Quốc)

                                                                                                                                    Vũ Thị Thúy