Thống kê truy cập

4344450
Trong ngày
Trong tuần
Trong tháng
Tất cả
1786
15710
52043
4344450

Tình hình sản xuất, chế biến, tiêu thụ và một số giải pháp phát triển bền vững, nâng cao chất lượng cà phê thời gian tới trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

Tình hình sản xuất cà phê

Đến hết năm 2020, diện tích cà phê trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng ước đạt 174.142 ha (chiếm 60% tổng diện tích canh tác), diện tích kinh doanh 162.040 ha, năng suất bình quân 31,9 tạ/ha, sản lượng 516.602 tấn. Trong đó: Cà phê vối 160.457 ha (chiếm 92,14% tổng diện tích cà phê), diện tích kinh doanh 148.772 ha, năng suất bình quân 32,1 tạ/ha, sản lượng 477.625 tấn; Cà phê chè 13.685 ha (chiếm 7,86% tổng diện tích cà phê), diện tích kinh doanh 13.535 ha, năng suất bình quân 29,4 tạ/ha, sản lượng 38.978 tấn.

Là tỉnh đi đầu cả nước trong việc thực hiện chương trình tái canh, ghép cải tạo giống cà phê, từ năm 2013 đến nay toàn tỉnh đã triển khai thực hiện tái canh 73.180,8 ha cà phê (trồng tái canh 37.964 ha, ghép cải tạo 35.165 ha). Riêng năm 2020, ước thực hiện 7.487,7 ha, trong đó, trồng tái canh cà phê vối 3.951 ha, tái canh cà phê chè 407 ha; ghép cải tạo cà phê vối 3.129,7 ha. Qua thời gian thực hiện, chương trình đã có tác động lớn đến sản xuất, giúp trẻ hóa vườn cây cà phê; phần lớn các diện tích cà phê sau tái canh cải tạo cho năng suất cao, ổn định trên 4,5 tấn/ha, nhiều mô hình có năng suất 7-8 tấn/ha; góp phần đưa năng suất cà phê của tỉnh từ 26,1 tạ/ha năm 2012 tăng lên 31,9 tạ/ha năm 2020; sản lượng 365.923 tấn năm 2012 lên 516.602 tấn năm 2020.

Toàn tỉnh hiện có 248 cơ sở sản xuất kinh doanh giống cà phê với năng lực sản xuất trên 14 triệu cây giống/năm. Hiện có 03 cây đầu dòng cà phê vối, 14 cây đầu dòng cà phê chè; có 08 cơ sở được công nhận vườn cây đầu dòng, quy mô 9,6 ha với tổng số vật liệu khai thác là 1,2 triệu mầm chồi/năm; 67 cơ sở đã công bố tiêu chuẩn chất lượng cây giống xuất vườn ươm, năng lực sản xuất 7,5 triệu cây giống/năm. Về cơ bản, giống cà phê vối đã đáp ứng được đủ nhu cầu cho sản xuất, tuy nhiên giống cà phê chè chỉ đáp ứng khoảng trên 20% cho sản xuất.

Giống cà phê Robusta trên địa bàn tỉnh chủ yếu là các dòng cao sản cho năng suất cao, chất lượng tốt, kháng bệnh gỉ sắt như TR4, TR9, TR11, TS1,.... Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp & PTNT cũng đã công nhận một số giống cà phê do người dân chọn lọc cho năng suất cao, chất lượng tốt như: Thiện Trường; Trường Sơn (TS1 và TS5 - Xanh lùn); Hữu Thiên. Năng suất bình quân của các giống trên đạt từ 4-5 tấn/ha, nhiều vườn thâm canh tốt đạt 6-7 tấn/ha, cá biệt đạt 9 tấn/ha. Riêng giống Xanh lùn và giống Hữu Thiên đã được các chuyên gia quốc tế trong hội đồng thử nếm (Lễ hội phê tại Đắk Lắc năm 2019) đánh giá rất cao về chất lượng và được người dân phát triển trong sản xuất.

Giống cà phê Arabica chủ yếu là Catimor chiếm khoảng 97%, còn lại là các giống như Typica, Bourbon, Catuara, TN1, … chiếm 3% (247 ha). Kế hoạch trong 5 năm tới sẽ chuyển đổi tăng diện tích giống cà phê chè chất lượng cao lên khoảng 10% (830 ha), chủ yếu sử dụng giống Typica, Bourbon lấy từ 14 cây đầu dòng (10 cây giống Typica và 4 cây giống Bourbon) đã được Sở Nông nghiệp & PTNT Lâm Đồng công nhận năm 2018, 2019 và giống THA1 từ đề tài nghiên cứu của Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (Wasi).

Diện tích cà phê được che bóng 28.948 ha (chiếm 16,6%), trong đó: trồng xen bơ 8.979,6 ha; sầu riêng 8.654 ha; mắc ca 5.543,3 ha; hồng ăn quả 1.257,1 ha; còn lại 4.513,9 ha trồng xen điều, tiêu, dâu tằm và cây khác. Tùy thuộc điều kiện khí hậu và sản xuất của từng vùng, cây che bóng trồng với mục đích vừa che bóng, chắn gió, vừa tận dụng tăng thêm nguồn thu trên một đơn vị diện tích.

Diện tích cà phê sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận 75.493 ha/304.311 tấn (C.A.F.E Practices 700 ha/1.700 tấn; Rainforest Aliance 21.563 ha/86.894 tấn; 4C 53.230 ha/ 215.717 tấn). Trong đó, diện tích cà phê chè được chứng nhận 5.424 ha/12.353 tấn với 3.600 hộ tham gia tại các vùng trọng điểm như Đà Lạt, Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lộc, Bảo Lâm thông qua các công ty sản xuất, kinh doanh cà phê trong và ngoài nước đóng trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chỉ đạo ngành nông nghiệp lồng ghép thực hiện mô hình Ứng dụng quy trình thâm canh công nghệ cao gắn với phát triển bền vững và quản lý cây trồng theo hướng tổng hợp (ICM) như: trồng cây che bóng, ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm kết hợp các biện pháp chống rửa trôi, thoái hoá đất thích ứng với biến đổi khí hậu, áp dụng quy trình canh tác cà phê chứng nhận 4C, Rain forest, …

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện nay đang triển khai xây dựng 05 vùng sản xuất cà phê công nghệ cao (chủ yếu ứng dụng công nghệ tưới kết hợp châm phân tự động), với quy mô 1.743,5 ha. Diện tích cà phê ứng dụng công nghệ cao năm 2020 là 21.946 ha (chiếm 12,6% tổng diện tích cà phê), chủ yếu là ứng dụng công nghệ tưới tự động, nhỏ giọt, tưới phun.

Tình hình liên kết, thu mua, chế biến và tiêu thụ cà phê

Toàn tỉnh hiện có 20 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ cà phê với 5.591 hộ liên kết; diện tích 15.912,8 ha; sản lượng thu mua đạt 52.810,2 tấn (chiếm 10,2% tổng sản lượng cà phê). 33 doanh nghiệp và trên 250 hộ kinh doanh cá thể tham gia hoạt động thu mua và chế biến cà phê nhân với công suất chế biến khoảng 300.000 - 320.000 tấn (chiếm gần 65% tổng sản lượng cà phê của tỉnh), trong đó có 13 đơn vị tham gia xuất khẩu trực tiếp. 10 doanh nghiệp đầu tư công nghệ chế biến ướt với tổng công suất 200.000 tấn cà phê quả tươi/năm (khoảng 40.000-50.000 tấn cà phê nhân), đáp ứng khoảng 10-12% tổng sản lượng cà phê toàn tỉnh, trong đó cơ bản đáp ứng nhu cầu chế biến ướt đối với cà phê chè. Phần lớn hoạt động chế biến cà phê tại các doanh nghiệp chỉ thực hiện ở công đoạn thu mua cà phê nhân thô về xay xát, đánh bóng và phân loại, chưa tập trung đầu tư chế biến sâu. 157 doanh nghiệp, cơ sở chế biến rang xay, cà phê bột đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm với sản lượng cà phê rang xay 32.799,1 tấn/năm và 22 cơ sở cấp giấy đủ điều kiện an toàn thực phẩm cà phê nhân 115.264 tấn/năm, sản phẩm cung cấp chủ yếu trong và ngoài tỉnh.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp đã và đang đầu tư thiết bị công nghệ để sản xuất sản phẩm cà phê hòa tan nhằm đem lại giá trị cao và đáp ứng với nhu cầu tiêu dùng như công ty TNHH cà phê Thái Châu, công ty TNHH Tám Trình… Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19 các thị trường xuất khẩu lớn gần như đóng băng. Sản lượng cà phê nhân xuất khẩu giảm từ 80-90%; giá cà phê nhân giảm từ 10-20%, đa số các doanh nghiệp hoạt động cầm chừng.

Một số giải pháp để phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cà phê thời gian tới:

Về sản xuất:

- Đánh giá, công nhận vùng sản xuất cà phê chất lượng cao gắn với xây dựng dữ liệu mã số vùng trồng cà phê tại các vùng sản xuất chủ lực của tỉnh Lâm Đồng nhằm đáp ứng yêu cầu với xu thế hội nhập quốc tế, đảm bảo các yêu cầu về an toàn thực phẩm.

- Nâng cao năng lực cho các cơ sở sản xuất giống cà phê như: công nhận cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng, sản xuất và công bố tiêu chuẩn chất lượng giống cà phê của các cơ sở gieo ươm giống trên địa bàn tỉnh.

- Tổ chức bình tuyển, hỗ trợ kỹ thuật để công nhận cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng, công bố tiêu chuẩn chất lượng giống. Cụ thể:

+ Đối với giống cà phê vối: sử dụng các giống đã được chọn lọc có hiệu quả từ thực tế sản xuất TR4, TR9, TR11, TS5, Thiện Trường, Hữu Thiên,… để đưa vào thực hiện kế hoạch tái canh cà phê của tỉnh thời gian tới; sử dụng cây giống/chồi giống đạt tiêu chuẩn chất lượng, đảm bảo nguồn gốc giống theo quy định và phù hợp với điều kiện sản xuất thực tế của địa phương…

+ Đối với giống cà phê chè: Sử dụng các giống chọn lọc có năng suất, chất lượng cao, kháng bệnh gỉ sắt (dòng TN1, TN2, THA1,...); khuyến khích các đơn vị chủ động lựa chọn, phát triển giống Typica, Bourbon, Catuara… tại những vùng trồng thích hợp để duy trì nguồn giống có chất lượng cao và nổi tiếng của tỉnh.

- Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện khôi phục lại giống cà phê có chất lượng cao trồng tại Đà Lạt, Lạc Dương nhằm phát triển các nhãn hiệu đã được chứng nhận gắn với công nghệ chế biến, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm.

- Tập huấn về kỹ thuật tổ chức, quản lý, phòng trừ sâu bệnh hại vườn ươm, nâng cao chất lượng cây giống, trồng cây che bóng, ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm; sản xuất cà phê bền vững theo tiêu chuẩn 4C, UTZ,…; canh tác tổng hợp và phòng trừ sâu bệnh hại (IPM, ICM).

- Bổ sung, hoàn thiện các quy trình kỹ thuật cà phê: đã ban hành/còn thiếu/ cần xây dựng mới để chuyển giao cho người dân áp dụng; tiếp tục đánh giá việc áp dụng kỹ thuật trồng cây trồng xen, che bóng (bơ, mắc ca, sầu riêng, tiêu,…).

- Tiếp tục theo dõi, đánh giá thời gian khai thác của vườn cà phê ghép chồi; phối hợp với các Trung tâm nghiên cứu, đánh giá sự phù hợp của một số dòng cà phê ghép tại từng vùng sinh thái để đưa ra các định hướng cho người sản xuất.

- Nâng cao nhận thức của người dân trong việc thu hái cà phê đúng kỹ thuật, đảm bảo tỷ lệ trái chín để đáp ứng yêu cầu chế biến cà phê chất lượng cao, chú trọng khâu phơi sấy, xay xát và bảo quản sản phẩm.

Về chế biến và liên kết tiêu thụ sản phẩm:

- Hỗ trợ đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông nội đồng, thủy lợi vừa và nhỏ tại một số vùng sản xuất cà phê trọng điểm có hiện trạng mặt đường đất, đá hư hỏng, lầy lội khó lưu thông....

- Khuyến khích các doanh nghiệp chế biến liên kết hỗ trợ cho các Tổ/nhóm nông dân đầu tư sân phơi, nhà kho, máy sấy, máy sơ chế, … để giảm thất thoát sau thu hoạch và trong quá trình bảo quản cà phê.

- Khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư thiết bị công nghệ chế biến các sản phẩm cà phê chất lượng cao (cà phê bột, hòa tan) phục vụ xuất khẩu.

- Xây dựng các mô hình liên kết sản xuất cà phê chuyên nghiệp từ việc tổ chức sản xuất, cung cấp giống, vật tư có chất lượng tốt, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, sản xuất đạt các bộ tiêu chuẩn như UTZ, RA, 4C…

- Tổ chức lại sản xuất theo mô hình chuỗi giá trị cà phê đặc sản từ khâu sản xuất đến thu mua, chế biến và xuất khẩu, lấy trọng tâm là chất lượng, an toàn, bền vững gắn với các thương hiệu đã được chứng nhận.

Vy Thế Vũ