Thống kê truy cập

4324747
Trong ngày
Trong tuần
Trong tháng
Tất cả
124
2128
32340
4324747

Tình hình canh tác Dứa Cayenne tại Đơn Dương – Lâm Đồng

Dứa Cayenne được du nhập vào Lâm Đồng từ thời Pháp thuộc và được canh tác chủ yếu tại thị trấn Dran - Đơn Dương. Hiện nay, diện tích dứa tại Lâm Đồng khoảng 105ha, chủ yếu tập trung tại huyện Đơn Dương, ngoài ra tại các huyện Lâm Hà, Đam Rông cũng có trồng nhưng diện tích không đáng kể. Dứa Cayenne quả hình trụ, trọng lượng quả bình quân 1,5 kg, vỏ quả chín có màu vàng cam, thưa mắt, lõi quả nhỏ, trồng ở Đơn Dương dứa có hương vị thơm ngon, độ ngọt cao hơn so với trồng tại huyện Lâm Hà, Đam Rông. Trong những năm trước 2009, toàn huyện Đơn Dương có trên 300 ha canh tác dứa Cayenne  nhưng  nay còn khoảng 100 ha cho thu hoạch do giá dứa thị trường giảm nên một số nông dân đã chuyển sang cây trồng khác. Sản lượng thu hoạch bình quân 47 tấn/ha. Từ năm 2012, theo định hướng của huyện Đơn Dương để bảo trì nguồn gen của giống và giá dứa ổn định trở lại (trung bình từ 5.000 – 8.000 đồng/kg tùy loại dứa to, nhiều mật) nên một số hộ nông dân đã bắt đầu trồng dứa trở lại nhưng với diện tích còn manh mún, nhỏ lẻ (tăng khoảng 7 ha/năm).

Dứa Cayenne là cây đặc thù của vùng Đơn Dương đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học & Công nghệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu “dứa Cayenne Đơn Dương” số 136769 ngày 9/11/2009 và được UBND tỉnh Lâm Đồng ủy quyền cho UBND huyện Đơn Dương quản lý, sử dụng nhãn hiệu này.

Với nguồn giống tự để lại hoặc mua giống dứa của nông dân khác trong vùng, chủ yếu là giống “chồi đeo” ở quả và giống “chồi nách”. Cây sau khi trồng khoảng 18 tháng thì cho thu hoạch, trung bình cho thu hoạch 4 - 5 vụ rồi phá trồng mới. Tùy thuộc vào vùng đất chưa canh tác thì thời gian thu hoạch kéo dài hơn so với vùng đất đã canh tác dứa. Ngoài ra, thời gian sinh trưởng và cho thu hoạch dài hơn còn tùy thuộc vào kỹ thuật canh tác, chăm sóc của từng hộ nông dân.

Dứa Cayenne là loại cây dễ trồng (trồng được trên đất dốc, đất bạc màu), dễ chăm sóc, và mỗi năm nông dân bón 2-3 lần phân (lượng phân bón trung bình cho 1 gốc/vụ: 20-22 g Urê, 25 g lân super, 25 g kali clorua), kết hợp với làm vệ sinh cỏ dại tạo độ thông thoáng trong vườn. Dịch hại trên dứa Cayenne tại Đơn Dương chủ yếu là rệp sáp, thối trái, sùng và mối hại gốc rễ khi mới trồng, việc gây hại của các đối tượng dịch hại này ít ảnh hưởng đến năng suất của dứa Cayenne.

Thị trường tiêu thụ cho nông dân trồng dứa chủ yếu là tư thương trong vùng, các cơ sở thu mua dứa tươi và phân phối cho các chợ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh lân cận như Khánh Hòa, Ninh Thuận,… tuy nhiên giá thành còn tùy thuộc vào tư thương, thị trường tiêu thụ nên nông dân chưa mạnh dạn đầu tư sản xuất.

Dứa Cayenne là loại cây trồng có tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế của huyện Đơn Dương. Để dứa Cayenne, cây đặc sản của Đơn Dương vươn xa hơn trên thị trường trong và ngoài nước trong thời gian tới thì các ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng cần quan tâm hơn nữa về cây dứa Cayenne, hướng đầu ra ổn định cho nông dân sản xuất dứa Cayenne. 

Một số hình ảnh về cây dứa Cayenne Đơn Dương

                Vườn dứa Cayenne mới trồng 8 tháng                                 Vụ dứa sắp vào mùa thu hoạch

               Rệp sáp gây hại trên dứa Cayenne                                            Bệnh thối trái

                                                                                                                                        Trần Điệp

 

Các tin khác