Thống kê truy cập

3514309
Trong ngày
Trong tuần
Trong tháng
Tất cả
4774
17902
53954
3514309

Hướng dẫn biện pháp khắc phục hiện tượng sương muối gây hại cây cà phê tại Lâm Đồng

Theo báo cáo nhanh của UBND huyện Lạc Dương về tình hình thiệt hại cây trồng do sương muối gây ra trong các ngày 5-6/02/2020 trên địa bàn huyện Lạc Dương, tổng diện tích cây trồng bị ảnh hưởng khoảng 468,55 ha/801 hộ sản xuất nông nghiệp. Trong đó, diện tích cây cà phê bị thiệt hại 434,32 ha; ngô, hoa màu khác 31,88 ha và cây ăn quả 2,35 ha. Diện tích bị ảnh hưởng do hiện tượng sương muối gây ra tập trung tại các xã Đạ Chais, Đạ Nhim, Đạ Sar của huyện Lạc Dương, cụ thể như sau:

- Xã Đạ Chais: Tổng diện tích bị thiệt hại là 198,84ha/287 hộ. Trong đó: diện tích cà phê bị thiệt hại là 191,14ha; cây ăn quả 1,8ha; ngô và rau màu là 5,9ha.

- Xã Đạ Nhim: Tổng diện tích bị thiệt hại là 259,31ha/434 hộ. Trong đó: diện tích cà phê bị thiệt hại là 233,18ha; cây ăn quả 0,55ha; ngô và rau màu là 25,58ha.

- Xã Đạ Sar: Tổng diện tích bị thiệt hại là 10,4ha/80 hộ. Trong đó: diện tích cà phê bị thiệt hại là 10ha; cây ăn quả 0,1ha và rau màu là 0,3ha.

Để kịp thời khắc phục thiệt hại và khôi phục sản xuất, Chi cục trồng trọt và BVTV Lâm Đồng hướng dẫn biện pháp khắc phục hiện tượng sương muối gây hại trên cây cà phê như sau:

I. Thiệt hại do sương muối gây ra

1.  Điều kiện hình thành sương muối

Thành phố Đà Lạt và huyện Lạc Dương nằm trên cao nguyên Lang Biang với độ cao xấp xỉ 1.500m so với mực nước biển, có lợi thế trong sản xuất nông nghiệp với khí hậu ôn hòa, mùa hè không quá nóng và mùa đông không quá lạnh. Tuy nhiên, trong một số ngày của các tháng mùa dông, nhất là thời kỳ từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 3 năm sau, vào lúc ban đêm về gần sáng sớm, nhiệt độ giảm thấp hơn nhiệt độ tối thấp sinh học của nhiều loại cây trồng nhiệt đới và á nhiệt đới. Bởi vậy, trong thời kỳ này một số loại cây trồng như rau màu, cây lương thực và các loại cây trồng khác sinh trưởng kém, thậm chí có thể làm chết cây từng đám làm giảm năng suất cây trồng. Đặc biệt, nếu nhiệt độ không khí <= 40C thì sẽ xuất hiện sương muối.

Sương muối là hiện tượng hơi nước đóng băng thành các hạt nhỏ và trắng như muối ngay trên mặt đất hay bề mặt cây cỏ hoặc các vật thể khác khi không khí trên đó ẩm và lạnh. Nó thường hình thành vào những đêm đông, trời lặng gió, quang mây, khi mà bức xạ là nguyên nhân chủ yếu của quá trình lạnh đi của không khí và các vật thể. Sương muối thường hình thành khi nhiệt độ không khí <= 40C (trong lều khí tượng ở độ cao 2 m), khi ấy nhiệt độ bề mặt các vật thể hay cây cỏ ở mặt đất đã có thể xấp xỉ 00C, nhưng phải đủ ẩm mới hình thành được sương muối.

2. Thiệt hại do sương muối gây ra đối với cây trồng

Cơ chế gây hại sương muối: Sương muối gây hại không phải mặn như muối mà do nhiệt độ thấp. Khi sương muối xuất hiện, nhiệt độ hạ xuống thấp dưới 00C, khi đó nước trong thân cây (trong chất nguyên sinh của tế bào) sẽ bị đóng băng lại. Khi nước đóng băng sẽ giãn nở thể tích, làm phá vỡ các tế bào, các ống dẫn nhựa trên cành, thân cây cũng có thể bị ảnh hưởng. Vì vậy, ngay ngày hôm sau có sương muối, chúng ta thấy có vết cháy táp trên mặt lá cây trồng.

Sương muối làm cháy lá, cháy hoa, khô cành, rụng trái cây trồng. Nếu bị hại nặng cây trồng có thể bị chết hoàn toàn, có thể thiệt hại 100% sản lượng cây trồng tùy vào mức độ gây hại và chủng loại cây trồng.

Trên vườn cà phê có trồng cây che bóng thường bị hại nhẹ hơn.

    

Cây cà phê bị gây hại bởi hiện tượng sương muối

II. Biện pháp khắc phục thiệt hại do sương muối gây ra trên cà phê

1. Đối với cây cà phê kinh doanh bị hại nhẹ đến trung bình

Tiến hành cắt bỏ ngay các bộ phận bị cháy (lá, hoa, quả, cành) càng sớm càng tốt, cắt sâu vào một đoạn 5cm (không cần xử lý vôi), hoặc cưa đốn 1/3 – 1/2 thân (phần cắt không còn thấy mạch dẫn bị hóa nâu là được), thu gom cành, lá và cỏ dại theo băng hạn chế xói mòn. Tưới nước và bón phân sớm để tạo cành mới và nuôi trái kịp thời.

2. Đối với cây cà phê kinh doanh bị hại nặng

- Đối với cây cà phê kinh doanh bị hại nặng, các cành lá đều khô cháy cần tiến hành cưa đốn phục hồi càng sớm càng tốt. Phương pháp cưa cách gốc từ 20 - 25cm theo chiều từ trên xuống, nghiêng 1 góc 450, vết cắt phải phẳng mịn, cắt theo hướng Đông Tây, phần vát nghiêng từ hướng Đông sang Tây (bên phía tây vết cắt cao hơn phía đông) để ánh nắng buổi chiều không chiếu vào vết cắt làm khô cây. Khi cắt cây xong dùng vôi bột hòa nước quét lên vết cắt, thu gom cành, lá và cỏ dại tủ gốc. Tưới nước và bón kịp thời, đầy đủ phân bón, đặc biệt là phân hữu cơ (10 - 20kg/gốc), phân vi sinh để cây ra chồi vượt mới. Sau đó tiến hành nuôi mỗi gốc từ 3 - 4 chồi to khỏe, phân bố đều quanh thân. Khi chồi cao 20 - 30cm thì tiếp tục tỉa định chồi giữ lại 1 - 2 chồi tạo thân mới.

- Kết hợp trồng xen các loại cây họ đậu, bắp, ... trên vườn cưa ghép cải tạo và tái canh cần trồng bổ sung các loại cây che bóng bơ, mắc ca, muồng…)

- Cần chú ý theo dõi phòng trừ một số đối tượng dịch hại như rệp sáp, rệp vảy, bọ xít muỗi, bệnh gỉ sắt, …

3. Đối với cây cà phê giai đoạn kiến thiết cơ bản và kinh doanh nhưng bị hại nặng, khả năng hồi phục kém hoặc không có khả năng phục hồi

Tiến hành phá bỏ và trồng lại ngay trong tháng 5 đến tháng 6 năm 2020 hoặc chuyển đổi sang cây trồng khác (cây ăn trái, rau màu, cây lương thực) nếu điều kiện canh tác phù hợp. Trong thời gian tái canh, trồng xen các loại cây đậu đỗ, bắp, khoai môn vào giữa hàng cà phê để tăng thu nhập (Thực hiện theo quy trình tạm thời ban hành theo Quyết định1251/QĐ-SNN, ngày 13 tháng 12 năm 2012 của Sở Nông nghiệp và PTNT Lâm Đồng); Đối với những vườn cà phê trồng xen cây hồng ăn trái: Trồng xen đảm bảo mật độ theo quy trình kỹ thuật (theo Quyết định số 625/QĐ-SNN ngày 23/11/2018 của Sở Nông nghiệp và PTNT Lâm Đồng về việc Ban hành tạm thời quy trình canh tác một số loại cây trồng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng).

Công tác chuẩn bị đất, cây giống trước khi trồng lại:

+ Tiến hành phá bỏ cây cà phê bị chết, thu gom tàn dư xếp thành băng để hạn chế xói mòn, đào hố và tiến hành trồng ngay sau khi có mưa đều (tháng 5 – 7).

- Ủ trộn phân: Sau đào hố khoảng 1 tháng, sử dụng phân chuồng đã ủ hoai mục + lân trộn đều với đất mặt và lấp xuống hố, lấp đến đâu dùng chân nén chặt đến đấy. Hỗn hợp đất + phân thấp hơn miệng hố khoảng 10 - 15cm. Liều lượng phân cho 1 hố: Phân chuồng: 10 - 20kg + 0,2kg lân nung chảy. Nếu không đủ phân chuồng thì dùng phân hữu cơ vi sinh thay thế với lượng 2 – 3kg.

+ Mật độ trồng 5000 cây/ha, khoảng cách 1m x 2m, kích thước hố 40cm x 40cm x 50cm

+ Cây giống: cây giống phải được mua tại các cơ sở sản xuất, gieo ươm đã công bố TCCL cây giống trước khi xuất vườn và đảm bảo chất lượng sạch sâu bệnh hại. Tuổi cây 6 - 8 tháng, chiều cao cây 20 - 25cm, đường kính cổ rễ > 4mm, số cặp lá thật > 5, cây phát triển bình thường, không bị sâu bệnh, không bị dị hình và được huấn luyện ngoài ánh sáng hoàn toàn từ 10 - 15 ngày trước khi trồng.

- Thời vụ trồng: Bắt đầu trồng vào đầu mùa mưa, kết thúc trồng trước khi vào mùa khô 1 - 2 tháng. Trồng tốt nhất từ tháng 5 - 6, muộn nhất trước 15/8 hàng năm.

Bón phân

- Phân hữu cơ: Cà phê là loại cây lâu năm có bộ rễ khoẻ, lan rộng, yêu cầu nhiều phân bón, mức bón tối thiểu như sau:

+ Năm trồng mới: 10 – 20 kg/hố (bón lót)

+ Thời kỳ kinh doanh: 15 – 20 kg/cây, định kỳ 3 năm bón 1 lần. Đào rãnh theo chiều rộng của tán, kích thước sâu 0,3 – 0,4m, rộng 0,3m, dài 1 – 1,5m. Bón vào rãnh cùng phân lân rồi lấp đất.

- Phân hoá học: Để xác định chế độ bón phân cân đối và hợp lý cho từng vùng cần căn cứ vào độ phì của đất và khả năng cho năng suất của vườn cây. Những vùng chưa có điều kiện phân tích đất, lá có thể áp dụng định lượng phân bón sau: (tính cho mật độ bình quân 5.000 cây/ha).

Lượng phân bón:

Tuổi cà phê

Loại phân

Lượng bón
(kg/ha)

Thời điểm bón

Tháng
2 - 3

Tháng
4 - 5

Tháng
6 - 7

Tháng
9 – 10


Năm 1
(Trồng mới)

Urê

100

-

30

40

30

Lân Super

1.000

-

1.000

   

KCl

50

 

15

20

15

Năm 2

Urê

200

40

60

60

40

Lân Super

500

500

     

KCl

100

20

30

30

20

Năm 3

Urê

400

80

120

120

80

Lân Super

500

500

-

-

-

KCl

300

60

90

90

60

Kinh doanh
(chu kỳ 1)

Urê

600

120

180

180

120

Lân Super

600

600

     

KCl

500

100

150

150

100

Cưa đốn
phục hồi

Urê

300

60

90

90

60

Lân Super

1.000

1.000

-

-

-

KCl

200

40

60

60

40

Kinh doanh
(chu kỳ 2)

Urê

600

120

180

180

120

Lân Super

600

600

     

KCl

500

100

150

150

100

- Cách trồng: Đất trong hố trồng cà phê cần đảo trộn đều, dùng cuốc móc 1 lỗ nhỏ giữa hố. Dùng dao rạch và bóc bầu ni lông, cắt xén đáy bầu, nhẹ nhàng đặt cây vào giữa hố, điều chỉnh cây đứng thẳng, lấp đất, nén chặt, mặt bầu cách mặt đất 10 - 15cm, mỗi hố trồng 1 cây. Nếu cây cà phê có rễ dưới đáy bị xoắn cần tiến hành cắt bỏ phần xoắn.

- Làm bồn: Tiến hành đào bồn chung quanh gốc cây cà phê để hạn chế xói mòn rửa trôi trong mùa mưa và chứa nước tưới trong mùa khô. Công việc đào bồn phải được tiến hành trước mùa khô từ 1 - 2 tháng. Trong năm đầu bồn được đào theo hình vuông với kích thước rộng 0,6m, sâu từ 0,15 đến 0,2m, các năm sau bồn được mở rộng theo tán cây cho đến khi bồn đạt được kích thước ổn định: rộng 1 - 1,5m và sâu từ 0,15 đến 0,2m. Khi vét đất tạo bồn cần hạn chế tối đa gây thương tổn cho rễ cà phê.

- Tủ gốc: Khi làm bồn xong, dùng rơm, rạ, cỏ tủ gốc, có thể tủ quanh gốc hoặc tủ theo băng với độ dầy từ 10 - 20cm, tủ cách xa gốc khoảng 5 - 10cm để tránh mối làm hại cây.

- Trồng cây chắn gió: Các vườn các phê trên các sườn đồi hướng Đông Bắc cần trồng cây chắn gió. Đai rừng chắn gió thẳng góc so với hướng gió chính (Đông Bắc), trồng hai hàng cây muồng đen (Cassia siamia Lamk) hàng cách hàng 2m, cây cách cây 2m.

- Trồng xen cây che bóng: Trong vườn cà phê cần trồng xen các loại cây vừa che bóng vừa tăng thu nhập: hồng,…. Khoảng cách trồng 8 – 10m/cây, nhưng phải bón phân đầy đủ và tỉa cành ngang, tạo hình thích hợp theo từng loại cây.

- Trồng xen cây họ đậu: Vườn cà phê chè  ba năm đầu, cây chưa giao tán nên trồng xen cây họ đậu, bắp, muống hoa vàng, … giữa hai hàng cà phê để tăng thêm thu nhập, bảo vệ cải tạo đất và cung cấp sinh khối hữu cơ chất lượng cao cho cây.

- Cần chú ý theo dõi phòng trừ một số đối tượng dịch hại như rệp sáp, rệp vảy, bọ xít muỗi, bệnh gỉ sắt, …

III. Phòng trừ một số sâu bệnh hại chính

1. Rệp sáp (Pseudococus spp.)

- Đặc điểm hình thái: Rệp trưởng thành có hình bầu dục trên mình có nhiều sợi sáp dài trắng xốp. Trưởng thành đực mình thon dài, có cánh không có sáp, mắt to đen, râu và chân có nhiều lông ngắn.

- Đặc điểm sinh sống và gây hại

Cà phê thường bị 2 loại rệp sáp gây hại: hại chùm quả, lá và hại rễ.

+ Loài rệp sáp hại lá và chùm quả: rệp bắt đầu đẻ trứng vào mùa mưa ở các kẽ lá, nụ hoặc chùm quả non. Rệp non sau khi nở, nhanh chóng tìm nơi sinh sống cố định. Mùa mưa sinh sản rất nhiều làm quả rụng. Rệp hút chất dinh dưỡng làm cho quả bị vàng, rụng, làm giảm năng suất và chất lượng quả.

+ Rệp sáp hại rễ thì sinh sống ở quanh rễ, dưới đất, tạo ra một lớp bọc không thấm nước ở quanh trục rễ. Những cây bị  hại lá vàng, héo và chết.

- Biện pháp phòng trừ:

+ Thường xuyên kiểm tra vườn cây nhất là vào mùa, năm khô hạn; tưới nước, bón phân đầy đủ hạn chế sự phát triển của rệp sáp.

+ Luân phiên sử dụng các hoạt chất sau để phòng trừ: Cypermethrin (SecSaigon 50EC); Chlorpyrifos Ethyl (Acetox 40EC; Anboom 40EC; Mapy 48EC; Tipho-sieu 400EC); Spirotetramat (Movento 150OD); Cypermethrin + Profenofos (Polytrin P 440EC); …

+ Đối với rệp sáp hại rễ: Thường xuyên kiểm tra phần cổ rễ cà phê, nếu thấy mật độ cao (trên 100 con/gốc ở vùng cổ rễ sâu 0 - 20cm) thì tiến hành xử lý thuốc theo phương pháp sau: bới đất xung quanh vùng cổ rễ theo dạng hình phễu cách gốc 10 cm, sâu 20 cm. Tưới nước thuốc kết hợp dầu khoáng, chất trải.

2. Rệp muội, rệp vảy nâu, rệp vảy xanh

Đặc điểm hình thái:

 - Rệp muội: có 2 loại đen và xanh giống nhau về hình dáng.  

+ Trưởng thành có cánh hoặc không có cánh. Rệp đẻ sinh sản bằng hình thức đẻ con.

+ Rệp non và trưởng thành giống nhau về hình dáng, ở giai đoạn trưởng thành bụng phình to, cuối thân có 2 ống tiết dịch.

- Rệp vảy nâu: Trưởng thành cái không có cánh và được bọc bằng vỏ nâu, phồng lên hình bán cầu dài 2 - 3mm. Trưởng thành đực có cánh dài 1,2mm, màu xanh vàng nhạt.

- Rệp vảy xanh: Trưởng thành cái không có cánh mình dẹt, vỏ mềm và màu xanh. Rệp non màu vàng xanh

Đặc điểm sinh sống và gây hại:

- Rệp muội: Hại nhiều loại cây trồng như chè, cà phê, cam quýt…, rệp bám vào các ngọn lá non để hút dịch làm cho lá non cong queo, phát triển không bình thường. Rệp muội phát triển quanh năm nhưng nhiều nhất là khi cà phê ra búp non.

- Rệp vảy nâu: Trứng nhỏ được đẻ thành ổ ở dưới vỏ của con cái, khi nở rệp chưa có vỏ màu vàng nhạt hình bầu dục, rệp bám vào cành lá hút dịch cây làm cho cành lá kém phát triển. Rệp thường gây hại vào mùa khô.

- Rệp vảy xanh: Rệp vảy xanh cũng bám vào lá và cành non để hút dịch cây, làm lá biến vàng.

Biện pháp phòng trừ: Luân phiên sử dụng các hoạt chất sau để phòng trừ: Acephate  (Lancer 50SP); Chlorpyrifos Ethyl (Pyritox  480EC); Fenobucarb (Nibas 50EC); Alpha-Cypermethrin (Fastac 5EC); Imidacloprid (Confidor 100SL) và Alpha - cypermethrin + Profenofos (Profast 210EC).  

3. Bọ xít muỗi (Helopeltis sp.)

Bọ xít muỗi có tên khoa học là  Helopeltis sp. thuộc họ Miridae, bộ Hemiptera. Bọ xít gây hại nhiều trên điều, chè, ca cao, cà phê, tiêu đen, nho, ổi, xoài v.v… Chúng tấn công ở tất cả các giai đoạn của cây trồng. Ký chủ chính của chúng là điều, chè, ca cao, và cây neem. Bọ xít muỗi đỏ được ghi nhận xuất hiện ở các nước Ấn Độ, Sri Lanka, Philippines, Campuchia, Indonesia và Việt Nam.

- Triệu chứng gây hại: Bọ xít muỗi dùng vòi chích vào chồi non, lá non, cành non, hoa, quả non để hút nhựa cây.  Trên lá non, chồi non vết chích tạo ra đốm đen làm cho lá non, đọt non bị quăn và trở nên méo mó, dị dạng sau đó bị khô từ chóp lá. Hoa bị hại bị héo khô.

Trên những vườn cà phê chè bị hại nặng, cây sinh kém, năng suất giảm rõ rệt.

- Đặc điểm hình thái và sinh học:

+ Bọ xít trưởng thành dài 6 - 8mm, có màu nâu đỏ hay nâu đậm. Hầu hết ngực của chúng có màu đỏ nhạt hoặc đỏ nâu. Đầu thường có màu đậm hơn ngực. Râu đầu có màu tối.

+ Trứng bọ xít muỗi hình ovan dài, màu trắng. Trứng thường được đẻ ở những lá non, đọt non, cuống hoa, thân chồi. 

+ Sâu non mới nở nhỏ, có màu vàng nhạt. Sâu non có 5 tuổi kéo dài 9-19 ngày. Vòng đời của bọ xít muỗi kéo dài 25-32 ngày.

+ Khi mới nở bọ xít non sống tập trung 2-3 con trên 1 đọt cây, lúc này các vết chích nhỏ nhưng dầy, từ tuổi 3 chúng phân tán và bắt đầu sống đơn lẻ, khi đó vết chích sẽ thưa nhưng lớn hơn.

+ Bọ xít muỗi phát triển mạnh vào mùa mưa khi độ ẩm không khí cao, thời gian chiếu sáng ngắn, trời âm u. Những ngày âm u không có nắng trong mùa mưa bọ xít muỗi hoạt động suốt ngày. Bọ xít muỗi cả trưởng thành và sâu non có tính giả chết, khi động phải chúng lập tức giả chết rơi xuống lẩn trốn.

+ Cây cà phê ra nhiều đọt non tạo điều kiện thuận lợi về dinh dưỡng để bọ xít muỗi gây hại và gia tăng mật độ.

+ Vườn cà phê gần bìa rừng, nhất là rừng keo; vườn cà phê trồng quá dày, rậm rạp, ít ánh sáng thường bị hại nặng.

Trong năm bọ xít muỗi có thể phát triển từ 8 - 10 lứa. Tại Lâm Đồng, BXM gây hại quanh năm nhưng tập trung chủ yếu vào các tháng mùa mưa từ tháng 4 - 11 khi trời mát, ẩm độ cao và nhất là khi cây cà phê chè ra các búp non.

Biện pháp phòng trừ:

- Biện pháp canh tác:

+ Đảm bảo mật độ trồng thích hợp (5.000 cây/ha), không trồng cà phê quá dầy.  Thường xuyên tỉa cành tạo tán thông thoáng cho vườn cà phê.

+ Vệ sinh đồng ruộng làm sạch cỏ dại trong ruộng và bờ lô, bụi rậm quanh ruộng nhằm hạn chế nơi cư trú của BXM.

+ Bón phân đầy đủ, cân đối, hạn chế bón quá nhiều đạm, tăng cường bón thêm Kali.

- Biện pháp vật lý: vào đầu mùa khô thu gom tàn dư cây trồng, đốt hun khói để xua đuổi bọ xít muỗi.

- Biện pháp sinh học: Bảo vệ và phát triển quần thể thiên địch tự nhiên sẵn có trên vườn cà phê: kiến đen, kiến xanh, kiến vàng để hạn chế gây hại của bọ xít muỗi.

- Biện pháp hóa học

+Thường xuyên điều tra đồng ruộng vào thời kỳ cà phê ra đọt non, lá non để phát hiện kịp thời, phun thuốc trừ từ 1 - 2 đợt mỗi đợt cách nhau 10 - 15 ngày

+ Đảm bảo phun thuốc theo nguyên tắc 4 đúng, phun thuốc phải đồng loạt. Phun ướt đều trên toàn bộ tán cây, phun xung quanh ruộng từ ngoài vào trong và từ bìa rừng trở vào trong đảm bảo bao vây không cho bọ xít muỗi phát tán ra xung quanh để hạn chế lây lan.

+ Có thể tham khảo sử dụng một số hoạt chất thuốc đã được đăng ký phòng trừ bọ xít muỗi/chè (phun xịt vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát) để phòng trừ: Alpha-cypermethrin + Chlopyrifos Ethyl (Supertac 500EC); Abamectin (Javitin 36EC, Acimetin 5EC); Oxymatrine (Vimatrine 0.6 SL); Azadirachtin (Vineem 1500EC); Emamectin benzoate (Map Winner 5WG; Mikmire 2.0EC); Thiamethoxam (Actara 25WG); Citrus oil (MAP Green 3SL, 6SL, 10SL);

- Vườn cà phê bị hại cần bổ sung phân bón để cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cây phục hồi.

4. Bệnh rỉ sắt(Hemileia vastatrix)

- Đặc điểm và triệu chứng gây hại: Bệnh gây hại trên lá, lúc đầu vết bệnh là những đốm tròn nhỏ màu vàng, sau vết bệnh lớn dần và có lớp phấn màu vàng da cam rất sáng ở dưới mặt lá. Bệnh nặng làm lá vàng và rụng, cây sinh trưởng còi cọc. Bệnh do nấm Hemileia vastatri gây hại, bào tử phát tán và lây lan mạnh nhờ gió, côn trùng và công nhân chăm sóc. Bào tử có thể chịu đựng được nhiều tháng trong điều kiện bất lợi cho nảy mầm. Bào tử nảy mầm nhanh ở nhiệt độ 240C sau 2 - 4 giờ và phát triển nhanh ở độ ẩm 80 - 90%. Thời gian ủ bệnh là 6 - 12 giờ. Các giống cà phê cũ ở Việt Nam hầu hết đều nhiễm bệnh gỉ sắt.

- Biện pháp phòng trừ:

+ Biện pháp canh tác: Bón phân đầy đủ và cân đối, tạo hình thông thoáng, tỉa cành hợp lý giúp cây sinh trưởng tốt. Sử dụng giống kháng bệnh như: Catimor, THA1, TN1, …

+ Biện pháp hóa học: Có thể dùng các loại thuốc sau phun kỹ lên hai mặt lá như: Diniconazole (Nicozol 25SC); Hexaconazole (Anvil 5SC, Thonvil 5SC); Propiconazole (Tilt 250EC, Bumper 250EC); Triadimefon (Bayleton 250EC, Encoleton 25WP); Trichoderma viride (Biobus 1.00WP); Difenoconazole + Propiconazole (Tilt Super 300EC, Tilindia super 400EC); Tebuconazole 500g/kg + Trifloxystrobin 250g/kg (Nativo 750WG)

5. Bệnh khô cành quả

- Đặc điểm và triệu chứng gây hại: Bệnh  do nấm Colletotrichum gloesporioides, Colletotrichum cofeanum gây nên trong điều kiện cây bị suy yếu do thiếu dinh dưỡng, bệnh gây hại ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng của cây, nhưng bệnh phát triển mạnh giai đoạn cà phê hình thành và phát triển quả. Mưa nhiều vào buổi chiều tối làm phát tán bào tử và làm bào tử xâm nhiễm vào quả.

+ Trên lá bệnh xâm nhập vào đầu lá hay phiến lá, triệu chứng ban đầu là những vết loang lổ màu nâu có nhiều vòng đồng tâm, sau đó lan rộng ra chuyển sang màu nâu sẫm hay nâu đen. Các vết bệnh xuất hiện nhiều liên kết với nhau thành từng mảng lớn làm cho lá bị khô rụng;

+ Trên cành và thân: Bệnh tấn công lên cành ở các giai đoạn cành đang hóa gỗ và xâm nhập vào đầu cành mang quả qua vết nứt của lá. Trên cành có những vết nâu lõm xuống làm vỏ biến màu nâu đen và khô dần. Bệnh nặng, nấm xâm nhập cả cành lớn và lan cả thân làm rụng lá và cành trơ trụi khô đen. Mô thân bị nhiễm cũng hóa đen; trên quả nấm tấn công vào giai đoạn quả thành thục 6-7 tháng. Vết bệnh là những đốm nâu lõm vào phần vỏ quả có kích thước và hình thù khác nhau. Bệnh xuất hiện bắt đầu từ nơi đính vào cuống hay tại điểm tiếp xúc giữa hai quả, những nơi mà nước có thể đọng lại. Bệnh nặng làm lá, cành, quả khô đen và rụng làm cành trơ trụi.

- Biện pháp phòng trừ:

Biện pháp canh tác: Bón phân đầy đủ cung cấp dinh dưỡng cho cây, dùng cây che bóng. Cắt và gom những đoạn cành bị bệnh đốt tiêu hủy.

+ Biện pháp hóa học: Sử dụng các hoạt chất thuốc dược đăng ký trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam bao gồm: Propineb (Antracol 70WP); Copper Hydrocide (DuPont Kocide 53.8DF); Mancozeb (Dithane M-45  80WP, Manozeb 80WP); Hexaconazole (Tungvil 5SC, Thonvil 5SC, Topvil 111SC, ); Prochloraz (Talent 50WP); Azoxystrobin + Difenoconazole (Amistar top 325SC, Trobin top 325SC); Hexaconazole + Tricyclazole  (Forvilnew 250SC);

6.Bệnh nấm hồng (Corticium salmonicolor)

- Triệu chứng gây hại:

+ Bệnh phát sinh ở trên cành, gần nơi phân cành tạo ra vết bệnh màu phớt hồng, lúc đầu nhẵn sau dầy lên và màu hồng càng rõ, trên mặt có lớp bột màu hồng nhạt mịn, đó là các bào tử của nấm.

+ Vết bệnh phát triển chạy dài dọc theo cành và dần dần bọc hết chu vi cành, làm lá bị vàng, quả bị rụng non và cành chết khô.

- Điều kiện phát sinh, phát triển của bệnh

+ Bệnh do nấm Corticium salmonicolor gây nên.

+ Bệnh phát triển trong điều kiện khí hậu nóng ẩm và vườn cây rậm rạp, đặc biệt trong mùa mưa. Bệnh lây lan bằng bào tử theo gió mưa hoặc côn trùng.

 - Biện pháp phòng trừ:

+ Biện pháp canh tác: Cắt tỉa, tạo tán hợp lý để vườn cà phê được thông thoáng.

+ Biện pháp hóa học: Khi bệnh hại nặng cần cắt bỏ những đoạn cành bị bệnh đốt tiêu hủy kết hợp phun thuốc BVTV.

Sử dụng các hoạt chất thuốc được đăng ký như: Validamycin (Vivadamy 5SL, Valivithaco 3SC); Copper Hydroxide (Champion 77WP); Eugenol (Genol 0.3SL, 1.2SL); Azoxystrobin + Difenoconazole (Myfatop 650WP); Azoxystrobin + Hexaconazole (Camilo 150SC); Copper Oxychloride + Kasugamycin (New Kasuran 16.6WP); …

Vy Thế Vũ

Các tin khác