Nâng cao chất lượng sản phẩm để thúc đẩy xuất khẩu
- Được viết: 25-02-2025 14:36
Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Lâm Đồng tăng trưởng 6,1%, trong đó, tổng giá trị xuất khẩu nông sản đạt khoảng 588,1 triệu USD, tăng hơn 13,6% so với năm 2023, bao gồm: sản phẩm cà phê nhân (gần 226,2 triệu USD); rau, củ, quả (112 triệu USD); tơ thô (gần 41 triệu USD), tăng lần lượt so với cùng kỳ hơn 10,3%, 20% và 12%. Đằng sau con số này là sự nỗ lực không ngừng của chính quyền và người dân Lâm Đồng trong việc xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường.
Vườn lan Hồ điệp
• THƯƠNG HIỆU - “BỆ PHÓNG” CHO NÔNG SẢN LÂM ĐỒNG
Mặc dù tổng giá trị xuất khẩu nông sản còn khá khiêm tốn so với tiềm năng nhưng để đạt được thành công này, tỉnh đã chú trọng xây dựng và phát huy giá trị thương hiệu, đặc biệt là thương hiệu "Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành". Được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận vào năm 2017, thương hiệu này đã trở thành biểu tượng cho chất lượng và uy tín của nông sản Lâm Đồng trên thị trường quốc tế. Năm 2024, nhiều sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu của tỉnh đã mang thương hiệu "Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành", góp phần nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của nông sản Lâm Đồng. Hiện nay, tỉnh đang tiếp tục mở rộng đối tượng sử dụng thương hiệu cho nhiều sản phẩm nông sản khác, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu.
Ngoài ra, Lâm Đồng đã chủ động mở rộng thị trường xuất khẩu, không chỉ duy trì các thị trường truyền thống như: Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, mà còn khai thác các thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Đông Nam Á và Australia.
Hiện nay, các sản phẩm rau, củ, quả của tỉnh đang xuất sang thị trường chính là khu vực Đông Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan - Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc) và một phần nhỏ xuất khẩu sang châu Âu. Hoa chủ yếu xuất qua thị trường chính là khu vực Đông Á và Đông Nam Á (Nhật Bản, Đài Loan - Trung Quốc, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan), ngoài ra còn có Australia và một số nước châu Âu. Sầu riêng, thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan - Trung Quốc. Năm 2024, sản lượng xuất khẩu sầu riêng xuất sang Trung Quốc đạt 25.518 tấn, với tổng kim ngạch đạt khoảng 104,15 triệu USD. Cà phê hiện chủ yếu xuất sang Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu và tơ tằm xuất sang thị trường chính là Ấn Độ.
Nâng cao chất lượng sản phẩm là yếu tố then chốt để thúc đẩy xuất khẩu
Để tiếp tục phát triển xuất khẩu nông sản, Lâm Đồng xác định việc nâng cao chất lượng sản phẩm là yếu tố then chốt. Tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế, bao gồm việc khuyến khích đầu tư vào công nghệ sản xuất hiện đại, tiên tiến; áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế (VietGAP, GlobalGAP...); tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm và khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng các mối quan hệ hợp tác bền vững với các đối tác xuất khẩu.
Bước sang năm 2025, Lâm Đồng đang tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, chú trọng chuyển đổi số, hướng đến nền nông nghiệp thông minh, hiện đại và bền vững. Mục tiêu là đưa nông sản của tỉnh tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó các sản phẩm mang thương hiệu "Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành" là ngành hàng quan trọng, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu.
Những tín hiệu tích cực từ xuất khẩu nông sản trong tháng đầu năm 2025 như rau, quả tăng nhẹ 2,3%, đạt 2,43 ngàn tấn và giá trị xuất khẩu tăng 1,1%, đạt 7,1 triệu USD; hoa các loại giá trị xuất khẩu tăng nhẹ 0,3%, đạt 6,5 triệu USD; cà phê nhân tuy xuất khẩu giảm 18,9%, nhưng giá trị xuất khẩu tăng 33,4%, đạt 18 triệu USD… là tín hiệu đáng mừng và minh chứng cho nỗ lực và chiến lược phát triển nông nghiệp đúng hướng của tỉnh./.
https://baolamdong.vn/
Các tin khác
- Tình hình canh tác cây sầu riêng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng - 08/12/2021
- Thực trạng ứng dụng công nghệ xử lý, bảo quản hoa Cúc cắt cành - 25/10/2019
- Cây mâm xôi đen tại HTX Dịch vụ Nông nghiệp Organic Minh Thọ - 03/04/2020
- Sau hoa lay ơn đến rau củ làm thức ăn cho bò - 20/02/2014
- Kích hoạt nông nghiệp tuần hoàn theo hướng tăng trưởng xanh - 11/10/2024
- Hội nghị "Đánh giá thực trạng và đề xuất quản lý cây giống invitro trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng" - 14/08/2018
- Quản lý chất lượng giống cây trồng để tạo ra sản phẩm có giá trị - 20/08/2021
- Thông báo Kết quả kiểm tra lần 2 đối với 11 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây cà phê không đảm bảo tiêu chuẩn xuất vườn theo thông báo số 42/TB-TTBVTV - 05/09/2017
- Hội nghị “đánh giá công tác quản lý vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng năm 2019” - 31/10/2019
- Triển khai thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia tại Cục Trồng trọt - 09/06/2021
- Nông nghiệp ứng dụng CNC Lâm Đồng – dấu ấn của sự phát triển - 17/12/2017
- Tình hình giống hoa nhập khẩu của các đơn vị nhập khẩu giống hoa tại Lâm Đồng năm 2018 - 27/11/2018
- Công tác Khảo nghiệm thuốc BVTV tại Lâm Đồng năm 2012 - 05/04/2013
- Hội nghị Các giải pháp tăng cường công tác quản lý phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng năm 2013 - 22/12/2013
- Hội nghị phát triển cây sầu riêng công nghệ cao tại Đạ Huoai - 25/06/2018
- Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng, cấm sử dụng và công bố mã hồ sơ đối với thuốc BVTV được phép sử dụng, cấm sử dụng ở Việt Nam - 05/03/2015
- Hội nghị Bầu đại diện người sản xuất cà phê ở Lâm Đồng tham gia Ban điều phối ngành hàng cà phê Việt Nam - 11/11/2013
- Kết quả khảo sát các giống khoai tây nhập khẩu từ Hunggari - 30/03/2018
- Khai giảng lớp huấn luyện IPM trên cây cà chua tại thôn TaLy 2 xã Ka Đô huyện Đơn Dương - 26/09/2019
- Lễ trao giải cuộc thi Triệu phú rau hoa - 16/07/2018