Thống kê truy cập

4326873
Trong ngày
Trong tuần
Trong tháng
Tất cả
511
4254
34466
4326873

Bệnh mốc xám hại cây phúc bồn tử và biện pháp phòng trừ

Bệnh mốc xám hại cây phúc bồn tử và biện pháp phòng trừ

Phúc bồn tử là cây dược liệu được trồng tại Lâm Đồng từ năm 2000, đến nay toàn tỉnh có khoảng 15ha trồng chủ yếu tại Đà Lạt, Đơn Dương, Đức Trọng và Lạc Dương. Canh tác phúc bồn tử có khá nhiều sâu bệnh như rầy rệp, nhện đỏ, tuyến trùng, bệnh rỉ sắt, thối trái, thối rễ, thối gốc trong đó mốc xám là loại bệnh gây thối trái khá phổ biến đặc biệt trong mùa mưa.

Triệu chứng gây hại.

Bệnh chủ yếu xuất hiện ở giai đoạn quả chín, nhưng trong điều kiện ẩm ướt bệnh có thể gây hại nghiêm trọng ngay ở giai đoạn hoa và trái non làm trái bị khô đen. Vết bệnh đầu tiên là những đốm nâu sáng xuất hiện rải rác trên trái, sau đó lan rộng cả trái và phủ một lớp mốc xám khi thời tiết ẩm ướt. Trong quá trình thu hoạch nấm có thể lây lan từ quả bệnh sang quả không bị bệnh. Sau khi thu hoạch các quả chín rất mẫn cảm với bệnh, đặc biệt các quả bị dập hoặc xây xát. Nhiệt độ khi bảo quản trái phúc bồn tử đã thu hoạch càng cao thì mầm bệnh càng nhanh chóng lây lan. Trong điều kiện phù hợp nấm có thể lây lan và gây thối toàn bộ quả.

- Bệnh do nấm Botrytis cinerea gây ra. Bệnh có thể gây hại trên nhiều loại cây trồng khác nhau như cà chua, dâu tây, hành lá. Mầm bệnh có thể xuất phát từ lá, trái bị nhiễm bệnh còn sót lại trên ruộng và lây lan bởi gió, nước, ngoài ra mầm bệnh cũng có thể lây lan từ bên ngoài ruộng.

- Bệnh mốc xám phát triển rất mạnh trong điều kiện ẩm độ không khí cao và bề mặt luống ẩm ướt trong điều kiện thời tiết mùa mưa (mưa thường xuyên).

  

Biện pháp phòng trừ:

Biện pháp canh tác:

- Trồng mới bằng cây giống khỏe và sạch bệnh. Nên trồng phúc bồn tử trên chân đất cao, ráo, thoát nước tốt.

- Thường xuyên vệ sinh vườn, tỉa hết các phần cuống quả và quả bị bệnh sau khi đã thu hoạch, dọn sạch tàn dư cây bệnh mang tiêu hủy xa vùng trồng.

- Đảm bảo mật độ khoảng cách trồng, không trồng quá dầy để cây và trái tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Tăng cường sử dụng phân hữu cơ, bón cân đối phân vô cơ. Tránh bón dư thừa đạm tạo điều kiện cho nấm bệnh phát triển.

 - Nên sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt. Nếu tưới phun mưa hạn chế tưới vào buổi xế chiều vì thời gian này duy trì sự ẩm ướt sẽ kéo dài.

- Thu hoạch quả đúng độ chín, không để quả chín quá. Nên thu hoạch vào buổi sáng lúc trái khô ráo.Trái đã thu hoạch nên bảo quản ở nhiệt độ 2 - 40C để ngăn chặn sự sinh trưởng của nấm bệnh.

Biện pháp hóa học:

Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam hiện hành chưa có thuốc BVTV đăng ký phòng trừ bệnh mốc xám hại cây phúc bồn tử. Có thể tham khảo một số hoạt chất sau để phòng trừ như Triadimefon, Streptomyces lydicus, Chlorothalonil, Metalaxyl + Mancozeb. Phun kỹ vào các chùm trái, giai đoạn hoa nở rộ tránh phun xịt thuốc với nồng độ cao sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ đậu trái. Ngoài ra cần tuân thủ thời gian cách ly của các loại thuốc BVTV theo khuyến cáo để đảm bảo an toàn về dư lượng thuốc BVTV.  

Lưu ý thử nghiệm sử dụng các loại thuốc trên ở diện hẹp trước khi xử lý diện rộng để đảm bảo hiệu quả và độ an toàn của thuốc đối với cây trồng.

Vũ Thúy - Trưởng phòng Bảo vệ thực vật, Chi cục Trồng trọt và BVTV

Các tin khác