Thống kê truy cập

4218165
Trong ngày
Trong tuần
Trong tháng
Tất cả
398
20317
17132
4218165

Tình hình sản xuất kinh doanh giống mắc ca phục vụ công tác quy hoạch, phát triển mắc ca trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

Hiện nay tổng diện tích cây mắc ca trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng là 3.630 ha, diện tích thu hoạch năm 2018 là 465 ha, năng suất bình quân 22 tạ/ha, sản lượng 1.022 tấn. So với quy hoạch phát triển mắc ca của Bộ NN&PTNT tại Quyết định số 1134/QĐ-BNN-TCLN giai đoạn 2018 – 2020 là 2.500 ha và Quyết định số 1062/QĐ-UBND ngày 20/5/2016 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2030, đến năm 2020 diện tích cây mắc ca trồng xen từ 3.500 – 4.000 ha, đến năm 2030 từ 12.000 – 15.000 ha.

Chủng loại và cơ cấu các giống hiện đang sản xuất 18 giống; trong đó Bộ Nông nghiệp & PTNT công nhận 13 giống (OC, 246, 816, 849, 695, 900, 800, 741, 842, Daddow, QN1, A38 và A16) và 5 giống (788, A4, 344, H2, 508) chưa được công nhận. Các giống sản xuất chủ yếu là QN1 (chiếm 32,24%), 816 (chiếm 21,12%), 246 (chiếm 13,61%), 741 (chiếm 9,44%), 849 (chiếm 8,27%), 800 (chiếm 6,48%), 842 (chiếm 6,01%), 344 (chiếm 2,27%), 788 (chiếm 0,56%).

Các giống đã thu hoạch và thu bói (OC, 246, 816, 849, 695, 900, 800, 741, 842, QN1, 788, A38, A4, 344, H2, 508, A16, Daddow), trong đó giống năng suất cao như: năng suất 27,3 tạ/ha giống 800; năng suất từ 21,1 – 24,8 tạ/ha giống QN1, 816, 246, A38, Daddow, 849, 842; 19,8 tạ/ha giống 788; riêng giống 344 mới thu bói năng suất 11,2 tạ/ha.

Các giống có năng suất và chất lượng triển vọng khuyến cáo như: QN1, 246, 788, 816, 800, 842, 849, 344, A38, Daddow.

Một số giống có nhược điểm như: H2, 695, 900 và OC có tỷ lệ quả nhỏ, nhân nhỏ, khả năng nảy mầm cao, chủ yếu sản xuất làm gốc ghép. Riêng giống OC cần hạn chế sản xuất và loại bỏ bởi vì quả khi chín không rụng gây khó khăn trong việc thu hái, tỷ lệ hạt nảy mầm trên cây lớn làm giảm chất lượng sản phẩm.

Toàn tỉnh có 09 cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống mắc ca, với số lượng 619.879 cây/năm, trong đó: 03 cơ sở với số lượng 577.879 cây/năm, đạt 93,2%  (01 công ty TNHH MTV Him Lam Mắc ca công bố tiêu chuẩn chất lượng cây giống ghép xuất vườn với số lượng 437.879 cây/năm; 02 cơ sở công bố tiêu chuẩn cây giống ghép xuất vườn với số lượng 140.000 cây/năm); Có 06 cơ sở kinh doanh cây giống chủ yếu cây thực sinh, với số lượng 41.900 cây/năm,  đạt 6,8%.

Sở Nông nghiệp & PTNT Lâm Đồng đã công nhận vườn cây mắc ca đầu dòng cho Công ty TNHH Him Lam Mắc ca với 131 cây/ 11.134m2 cho các dòng OC; 246; 695; 741; 800; 816; 849, năng lực sản xuất đạt 52.400 mầm chồi/năm. Vườn cây đầu dòng chưa công nhận: Số cây mắc ca đã di thực về trồng tại huyện Đơn Dương và thành phố Bảo Lộc với 544 cây bao gồm các giống 788, A4, QN1, A38, 842, 816, 741, 659, Daddow, 246, 344, 800; diện tích 100.000 m2; năng lực sản xuất đạt 258.900 mầm chồi/năm. Số lượng khai thác mầm chồi tại vườn M’drak, tỉnh Đắk Lắk với 581 cây bao gồm các giống 842, 849, 816, 741, 695, 800, 788, 344, 246, A4, A38, QN1, năng lực 752.000 mầm chồi/năm (Công ty TNHH MTV Him Lam Mắc ca đã di thực về trồng tại huyện Đơn Dương và thành phố Bảo Lộc. Với năng lực nguồn giống bình quân hàng năm từ 500.000 – 600.000 cây/năm đáp ứng nhu cầu với diện tích trồng xen từ 2.840 – 3.400 ha phục vụ sản xuất cây mắc ca trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên./.

                            

                          

                          

                                                                   Một số hình ảnh cây mắc ca

Hoàng Hữu Chiến